Chợ ve chai độc đáo nhất Sài Gòn của ca sĩ Cao Minh

Thứ Năm, 14/05/2015, 15:00
Phiên chợ chuyên bán những món đồ cổ chỉ họp đúng một buổi sáng chủ nhật hàng tuần do ca sĩ Cao Minh khởi xướng thu hút hàng trăm lượt người tham gia.
Điểm hẹn sáng chủ nhật

Nằm cuối một con hẻm ngoằn ngoèo dưới chân cầu Băng Ky, quận Bình Thạnh, quán cà phê tên Cao Minh dáng dấp cổ kính nép mình lặng lẽ những ngày trong tuần, nhưng hễ đến sáng mỗi chủ nhật luôn chật ních người. Con hẻm nhỏ xôn xao từ đầu đường đến cuối đường, các bãi xe tự phát mọc lên do người dân chung quanh tranh thủ kinh doanh giữ xe cho khách đến quán.

Cái quán trong ngõ nhỏ quen thuộc đến mức hễ thấy vị khách nào lạ rẽ vào hẻm còn lớ ngớ là người dân chung quanh hô lên: "Đi cà phê ve chai đúng không", rồi nhiệt tình chỉ đường. Những lúc cao điểm, lượng người đến đông tới nỗi không còn chỗ giữ xe. Một phụ nữ bán tạp hóa trong hẻm loay hoay dời chiếc xe máy, cười xuề xòa, "mỗi tuần kiếm thêm được có mỗi ngày này đấy, đôi khi tôi phải huy động thêm người nhà nữa để phụ chứ làm không xuể".

Sở dĩ gọi là "chợ ve chai" bởi nơi đây là phiên chợ chuyên mua bán, trao đổi những món đồ cổ, đồ cũ hay đã qua sử dụng cho những ai có nhu cầu. Ra đời vào năm 2009, ban đầu quán cà phê chỉ là nơi ông chủ kiêm ca sĩ Cao Minh và cộng sự tìm một cái cớ để tụ tập bạn bè, gặp gỡ người đồng đam mê trên diễn đàn saigonvechai.com.

Dần dà, trong những cuộc gặp gỡ trao đổi thú chơi ấy, việc mua bán bắt đầu nở rộng thành một phiên chợ thực thụ. Tuy nhiên, nhiều biến cố xảy ra khiến chợ tạm ngưng một thời gian, đến những năm gần đây mới tái lập lại. Người ta kháo nhau ngày một nhiều, tiếng tăm vượt ra khỏi giới nghệ sĩ và giới chơi đồ cổ trở thành một địa chỉ không thể thiếu cho những người muốn tìm thú vui lạ mắt dịp cuối tuần.

Những món đồ cổ, đồ cũ được bày bán cho những ai có nhu cầu.

Tầm 5 giờ sáng, lác đác vài tốp người đã bắt đầu đến, chở theo mấy bao tải hay balo to đùng. Người bán nhỏ lẻ thì chỉ khiêm tốn gói gọn đồ đạc trong chiếc balo nhỏ, còn người có "gia tài" lớn thì mang vác cồng kềnh mấy xe, có người chạy hẳn xe đạp, lái con xe Lambretta rồ rồ chạy vào. Trong không gian yên tĩnh như hàng trăm quán cà phê sân vườn khác ở Sài Gòn, một vài nhân viên của quán khệ nệ ghép mấy chục chiếc bàn gỗ lại với nhau thành dãy trong khoảnh sân chính giữa quán.

Vài chiếc dù được căng lên. Trời hừng sáng, lượng người bán đến ngày càng đông, các dãy bàn nhanh chóng được lấp đầy. 7 giờ sáng, người đến uống cà phê, đến tham gia phiên chợ đã bắt đầu đứng lấp hết lối đi. Một không gian tràn ngập tiếng mua bán đổi trao, tiếng xe cộ ra vào tấp nập bắt đầu phiên chợ đặc biệt.

Điều đặc biệt là tất cả người bán đều không phải tốn một đồng thuê chỗ nào. Ai có đồ muốn bán thì cứ đem đến, dọn ra bán dã chiến. Người đến quán cà phê này trong buổi diễn ra phiên chợ đặc biệt ấy có ba thành phần: người bán đồ cổ, dân chơi săn lùng đồ cổ và người tò mò đến tham quan. Kẻ bán có thể là những "tay chơi" khét tiếng trong giới, cũng có người chỉ xem đây là thú vui lúc nhàn rỗi, ở nhà có gì thì đem đến giao lưu cho vui.

Người mua thì mỗi người mỗi vẻ, có thể là dân chơi sưu tầm chuyên nghiệp, người chỉ đơn thuần là thích những thứ đồ dạng này, có khi lại là những cô cậu sinh viên trẻ tuổi đến để tìm một món đồ thời trang với giá không thể "bèo" hơn. May mắn thì có thể được người ta "vừa bán vừa cho", hạp ý là tặng luôn.

"Trên trời dưới đất cái gì cũng có"

Người ta có thể tìm thấy hàng trăm chủng loại đồ cổ ở đây, từ những món đã "thất truyền" như đôi giày lính, giấy bạc, nón cối, chiếc bi-đông đựng nước, tẩu thuốc, gạt tàn, đèn dầu, hộp quẹt, máy tính, điện thoại cổ, đồng hồ quả lắc, máy băng cối, máy đánh chữ,… đến trang sức, khăn choàng, đồ chơi, tượng Phật. Không chủ ý đến lùng đồ cổ mà chỉ theo bạn đến xem cho vui, bạn Trân Châu, sinh viên Đại học Văn Lang sau khi dạo vài vòng bắt đầu cắm cúi mê tít, khoe chiếc nón beret kiểu lính, kèm mấy món trang sức bé xinh xinh được tặng.

Đỉnh điểm đông nhất của phiên chợ là vào khoảng 8 giờ sáng. Hầu như tất cả các bàn trong quán đều đã được lấp. Người đến tham quan thong thả nhấp ngụm cà phê, thi thoảng cầm ly lên chậm rãi bước ra ngắm vài gian hàng. Có khi người có nhu cầu bán đến quá nhiều, họ ngồi tràn tất cả mọi chỗ trong quán, tận dụng mọi chiếc bàn để bày biện đồ đạc. Khu vực giữ xe quanh quán hầu như không còn chỗ trống, nhân viên phải luôn tay phục vụ.

Khoác tay người yêu đi giữa hai dãy bàn, chị Chi Mai (làm nghề kế toán ở Bình Chánh) hớn hở giơ xấp đĩa than chép nhạc vàng phát hành trước năm 1975, ríu rít: "Nghe tiếng chợ ve chai đã lâu, hai đứa sắp xếp lặn lội lên tới tận đây. Cả hai đều yêu thích băng nhạc, bìa đĩa với sách ảnh âm nhạc miền Nam trước 1975 nên vô đến đây giống như bước vào thế giới của riêng bọn em vậy, cái gì cũng có", Mai cười.

Cô khoe vừa mua được mấy tấm bìa đĩa xưa của ca sĩ Phương Dung giá chỉ 25.000 nghìn đồng. "Mua ở chỗ những người chuyên chơi nhạc xưa là một tờ phải hơn 100.000 đồng đấy, ở đây mua được giá bằng một phần tư, tuy có bị dính chút mực nguệch ngoạc nhưng với tụi em là quý lắm", cô cười. Cặp tình nhân còn tiếc rẻ chỉ vào chiếc máy hát loa kèn to sụ giá chục triệu vô cùng hiếm mà người bạn trai ngắm nghía mãi nhưng chưa có đủ tiền mua.

Nhiều món đồ khiến người mua thích thú.
Ngồi trước hai chiếc bàn ghép lại thành gian hàng lỉnh kỉnh những món như tiền cổ, nhẫn, mắt kính, máy chụp ảnh, nón cối, la bàn, đồng hồ,… ông Trường Sơn Huy Đăng hất nhẹ chiếc mũ cao bồi, nói: "Đồ của chú ở đây toàn là đảm bảo nguồn gốc xuất xứ hết, món nào chú cũng lựa thật kỹ rồi mới dám đem ra bán chứ không mất uy tín của mình. Con cứ lựa thoải mái, thích thì mua, không ưng tuần sau quay lại chú đổi cho cái khác".

Nói dứt, người đàn ông có kinh nghiệm 35 năm chơi đồ cổ quay qua chỉ vào chiếc nhẫn mà một người phụ nữ đang ướm thử: "Chiếc đó xuất xứ của Mỹ, giá 1,8 triệu bằng bạc khối và không có chiếc thứ hai đâu nhé". Ông bảo, "ở đây đồ của chú bao hàng, mấy gian khác cũng vậy thôi". Cười hào sảng, ông bảo ngoài chỗ này, muốn đến tìm thì cứ ghé quán cà phê Vàng Đen, quận Tân Bình thì sẽ gặp ông. Đây là một trong những địa chỉ mua bán đồ cổ khác mà dân trong giới "rành sáu câu" - theo cách gọi ví von của người miền Nam.

Ở góc bày bán các loại máy chụp ảnh, thấy vị khách trẻ tuổi miết tay trên chiếc máy ảnh phim hiệu Minolta vừa mân mê từng nút bấm, anh Thạch Khánh, chủ gian hàng mời: "Máy này anh mua lại từ vựa phế liệu, 200 nghìn em mua đi anh bán rẻ cho". Khi được hỏi cách dùng, anh khoát tay: "Xài được hay không thì “hên xui”, nhưng đem về chưng thì đảm bảo đẹp". Ở chợ ve chai, các loại máy ảnh phim các thương hiệu như Olympus Pen, Canon, Pentax… cực kỳ được ưa chuộng, nhất là các máy có niên đại 20 năm trở lên.

Hầu hết các máy đều trong tình trạng không sử dụng được, gỉ sét, bong tróc các kiểu được bán với giá 100-200 nghìn đồng như món đồ trưng bày. Bạn Anh Quốc, sinh viên Đại học Kiến trúc phấn khích khoe tìm trong một gian hàng được thân chiếc máy ảnh Pentax với giá 300.000 đồng, nhưng may mắn lại "vớ" được ống kính tương ứng với nó ở một gian hàng khác, hai món ghép lại giá chưa đến một triệu đồng.

Hàng hóa nhiều chủng loại, xuất xứ đa dạng thì giá thành cũng "thượng vàng hạ cám". Tuy nhiên, đồ cổ rất khó mà nói được giá trị thật của nó, trừ những người biết cách xem. Dĩ nhiên, đồ có tuổi đời càng cao thì giá trị cũng tỉ lệ thuận. Ở đây, những món bán chạy nhất phải kể đến hộp quẹt Zippo, chiếc rẻ nhất tầm 15 0.000 đồng, cao nhất có chạm khắc lên đến hơn 1,5 triệu đồng.

Đặc biệt, có những món đồ trị giá cả chục triệu như chiếc máy hát đĩa, máy hát loa kèn "từ thời Bảo Đại" được trưng bày ở một góc luôn thu hút được sự quan tâm của mọi người. Tuy nhiên, chủ nhân của những món đồ quý giá này mang đến phiên chợ không phải để bán mà chỉ đơn thuần mang đến góp vui, cho mọi người chiêm ngưỡng.

Không chỉ là mua bán

Khi phiên chợ vào lúc nhộn nhịp nhất, ông chủ Cao Minh cao hứng lên ca một hơi mấy bài, tiếng hát của vị chủ nghệ sĩ phóng khoáng cất lên hòa lẫn trong tiếng vỗ tay, tiếng người lao xao bên dưới, ai cũng hào hứng.

Ai đã đến cà phê Cao Minh cũng đều có chung một cảm nhận là, chưa có phiên chợ nào mà không khí mua bán diễn ra sôi nổi trong tiếng nhạc du dương như ở đây và tuyệt nhiên không có tiếng của xô bồ chợ búa.

Tất thảy người bán đều tựa lưng thong dong, người mua thì chậm rãi cầm từng món lên ngắm nghía, thoải mái đeo, ướm thử chán chê, không thích thì sang gian hàng kế bên ngay mà không sợ ai phàn nàn. Chính vì cả người bán và người mua đều là những người có cùng gu sở thích, xem việc mua bán như  cái thú phong lưu, mà thú vui tao nhã thì không vướng bận mùi tiền.

Anh Tú, một người chơi đồ cổ có mặt tại phiên chợ cho hay, hầu như không ai có nhu cầu mua bán bởi mục đích tiền bạc mà lấy đó làm cái cớ gặp mặt, tự tạo ra niềm vui tinh thần chứ không ai thiếu tiền. "Không đặt nặng hơn thua lời lỗ, giao lưu là chính, vì vậy mà mua bán quay lại đổi trả vô tư, nguyên tắc ở đây là vậy", anh Tú nói.

"Từng có một ông cụ chừng 70 tuổi đến mấy lần mới tìm mua được chiếc tẩu thuốc giống với chiếc ngày xưa vợ ông tặng có khắc tên trên đó nhưng đã bị lạc mất. Có những món đồ chưa đến trăm ngàn nhưng niềm vui của người tìm lại được thứ đồ của một thời kỷ niệm thì ngàn đô cũng đáng", một người chơi đồ cổ gật gù. Chợ ve chai họp đến hơn 1 giờ trưa thì tan.

Huỳnh Duyên
.
.
.