Chọn sách giáo khoa lớp 1 mới: Bài toán có nhiều cách giải?

Thứ Bảy, 07/03/2020, 14:50
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 15/3/2020, khi Thông tư 01 hướng dẫn chọn sách giáo khoa (SGK) có hiệu lực, tất cả các trường tiểu học phải thành lập được Hội đồng tuyển chọn SGK. Chọn được bộ SGK khả thi, ưng ý đang là bài toán đặt ra đối với các nhà trường phổ thông.

Đến ngày 30/4, việc chọn SGK sẽ kết thúc. Như vậy chỉ còn gần 2 tháng để chọn SGK lớp 1 mới khiến các trường tiểu học phải gấp rút chạy đua để đảm bảo tiến độ.

Áp lực từ chọn sách

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học mới sẽ có khoảng 63.000 lớp 1 và 70.000 giáo viên được phân công dạy lớp 1 với bộ SGK lớp 1 mới. Vậy các nhà trường đã có đủ SGK lớp 1 mới để cho giáo viên đọc, thẩm định hay chưa?

Phiên bản điện tử SGK lớp 1 đã được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đưa lên mạng internet từ ngày 27-2-2020

Ông Vũ Văn Kiểm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình, cho biết: Tại Ninh Bình về cơ bản giáo viên đều đã được tiếp cận với các bộ SGK lớp 1 mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, cụ thể, bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”: 1 bộ/trường; bộ “Cùng học để phát triển năng lực”: 1 bộ/trường và bộ “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”: 1 bộ/trường; bộ “Chân trời sáng tạo”: 4 bộ/huyện và bộ “Cánh diều”: 2 trường/bộ. Ngoài việc nghiên cứu trên bản cứng, các giáo viên đều có bản điện tử của các bộ sách này để nghiêu cứu, do cuối tháng 2/2020, các NXB đã đưa phiên bản điện tử lên mạng internet.

Để “hiểu” được SGK mới, các trường tiểu học ở Ninh Bình gấp rút tổ chức hoạt động thảo luận nhóm, tổ chuyên môn, tổ chức sinh hoạt chuyên môn trường và tổ chức dạy thử các tiết (với giáo viên) đang được thực.

Theo ông Kiểm, ưu điểm của các bộ SGK mới là chất lượng giấy tốt; hình thức đẹp, trình bày hấp dẫn, kênh hình có tính thẩm mĩ cao. Nội dung bài học đảm bảo tính giáo dục, sinh động phù hợp với lứa tuổi học sinh và cách thiết kế bài học, chủ đề, cấu trúc SGK hợp lý cho cả giáo viên và học sinh.

Các nhiệm vụ trong mỗi bài học hướng đến việc phát triển năng lực học sinh. Về hạn chế của bộ SGK lớp 1, theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình, “khổ sách hơi to so với học sinh lớp 1 và hiện chưa có giá cho các bộ sách”.

Tại Trường Tiểu học Gia Cẩm, TP. Việt Trì (Phú Thọ), do học sinh đang nghỉ học để phòng tránh dịch COVID-19 nên các giáo viên của trường đã tranh thủ thời gian này đọc SGK lớp 1.

Bà Bùi Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, hiện trường cũng đã có đủ các bộ sách cho giáo viên nghiên cứu, chia thành các nhóm, tách 5 bộ sách theo từng bộ môn cho các nhóm cốt cán của trường đọc. Sau khi nghiên cứu riêng từng bộ môn, giáo viên tiếp tục tập hợp thành từng bộ để các tổ nghiên cứu.

Theo bà Mai, ưu điểm vượt trội của các bộ sách là đảm bảo cả về khoa học, hình thức, chất lượng, tạo hứng thú cho học sinh; sách được thiết kế theo chủ đề giúp giáo viên có thể phát huy hết khả năng để dạy học sinh phát triển phẩm chất và năng lực. Ví dụ môn Toán theo chương trình cũ là 5 tiết/tuần nhưng giờ SGK mới có sách thiết kế 60 bài, có sách thiết kế 80 bài nhưng có sách chỉ thiết kế 50 bài, tùy đặc điểm của từng trường có thể thiết kế bài đó dạy trong trong số lượng tiết linh hoạt. Các bộ sách nhìn chung tăng khả năng luyện học tập thực hành của học sinh. Những bài thơ, bài văn chọn đưa vào SGK tiếng Việt 1 khá hay, phù hợp.

Đề cập đến vấn đề trong trường hợp học sinh đang học một bộ SGK ở trường này khi học sinh đó chuyển sang trường mới thì có học được bộ khác ở trường mới hay không? Bà Mai cho biết “các em hoàn toàn học được bình thường, không gặp khó khăn vì sách được thiết kế dựa trên chương trình khung chuẩn”.

Tiêu chí chọn sách còn chung chung

Nói về tiến độ chọn SGK lớp 1 mới, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết Vụ Giáo dục tiểu học đã kiểm tra 10 địa phương như Đồng Tháp, Tiền Giang, Nam Định, Hưng Yên, Bắc Giang…

Các bộ SGK lớp 1 đảm bảo tính đa dạng phù hợp với tiêu chí chọn sách của nhiều địa phương.

“Chúng tôi xuống từng trường, kiểm tra từng giáo viên, kiểm tra sản phẩm sinh hoạt chuyên môn thì thấy các thầy cô đã chủ động vào cuộc. Kết quả nhận xét bình chọn SGK của các giáo viên lớp 1 sẽ được coi như đề xuất về chuyên môn, và hội đồng sẽ hướng dẫn bỏ phiếu theo đề xuất đó để chọn sách. Sau đó, hội đồng phải báo cáo kết quả lựa chọn sách cho hiệu trưởng trước 30-4; các cơ sở giáo dục công bố các bộ SGK được lựa chọn và chịu trách nhiệm giải trình vì sao chọn SGK này”.

Như vậy, thời gian để các nhà trường phổ thông chọn được bộ SGK lớp 1 mới không còn nhiều. Nhưng theo một số hiệu trưởng trường tiểu học tại Hà Nội, hiện mỗi mẫu sách mỗi trường nhận được 1 cuốn nhưng trong trường có rất nhiều giáo viên khối 1 nên việc luân chuyển sách là khá khó khăn.

Một giáo viên lớp 1 sẽ phải đọc tất cả các cuốn sách (tối đa là 45 cuốn cho 9 môn học), nên áp lực khá lớn. Còn một giáo viên tiểu học ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) thì cho hay, hiện một số nhà xuất bản đã đưa bản SGK điện tử lên mạng, cũng đã gỡ khó cho giáo viên.

“Nhưng không có bản in sách khiến chúng tôi rất khó đánh giá vì đánh giá một cuốn sách còn phải căn cứ vào hình thức, hình ảnh, chữ nghĩa, chất lượng in ấn. Đây cũng là một thiệt thòi của giáo viên”.

Hiện các địa phương đang tích cực xây dựng tiêu chí lựa chọn SGK. Hai tiêu chí “cứng” do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là “Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông”. Câu hỏi mà dư luận hiện nay quan tâm là trong khi giữa các bộ SGK có sự “đa dạng” như nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo nhận xét, vậy việc đáp ứng tiêu chí này có gây khó khăn cho các nhà trường trong việc chọn sách hay không?

Bởi theo một số Sở Giáo dục và Đào tạo, tiêu chí lựa chọn SGK mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành còn chung chung và SGK do từng trường chọn sẽ gây khó khăn cho chỉ đạo, khó cho cả phụ huynh khi có trường sẽ chọn nhiều đầu sách của các bộ sách khác nhau.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Thái Văn Tài cho biết, qua thực tế kiểm tra các trường thì giáo viên sau khi đọc chương trình, đọc SGK đều phấn khởi. “Việc lựa chọn SGK có nhiều cách, có thể môn tiếng Việt thì chọn sách của NXB này, môn Toán lại chọn sách của NXB khác, miễn sao có 9 cuốn đủ cho 9 môn học.

Đối với những địa phương có sự đa dạng về văn hóa có thể có nhiều SGK với cùng một môn học. Nhưng những địa phương có điều kiện khá đồng nhất thì cả tỉnh chọn một bộ sách cũng không vấn đề gì. Ưu tiên tối ưu cho sự phù hợp của người học”, ông Tài nói.

Ngoài hai tiêu chí “cứng” mà việc chọn SGK lớp 1 phải đáp ứng sẽ có những tiêu chí “mềm” được đặt ra phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Theo đề xuất của thầy giáo Phan Duy Nghĩa, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh, việc chọn sách phải chọn cho học sinh và cho giáo viên, là hai chủ thể sử dụng SGK.

Với học sinh, SGK phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh học tập tích cực và hiệu quả (nội dung SGK phải đảm bảo tính khoa học, hiện đại, thiết thực với đủ các thành phần cơ bản, dễ sử dụng, thuận lợi cho việc triển khai hoạt động dạy - học, chú trọng đến việc rèn luyện cho học sinh khả năng tự học, tự tìm tòi kiến thức).

Với giáo viên, SGK phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá (các chủ đề/bài học trong SGK phải được thiết kế, trình bày bằng các hoạt động đa dạng, tạo điều kiện cho giáo viên có nhiều phương án lựa chọn hình thức tổ chức và phương pháp dạy học tích cực…).

Về tiêu chí phù hợp với địa phương, theo thầy Phan Duy Nghĩa, nội dung SGK đảm bảo tính kế thừa, phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lí của địa phương và cộng đồng dân cư. Cấu trúc nội dung SGK tạo cơ hội cho các trường, tổ/nhóm chuyên môn và giáo viên bổ sung những nội dung thích hợp gắn với thực tiễn của địa phương. Đồng thời, SGK phải có hệ thống bài tập gắn với thực tiễn của địa phương để giúp học sinh ôn tập, củng cố và phát triển năng lực, phẩm chất; gợi mở các hoạt động, tăng cường trò chơi, thi đố, đóng vai, nhóm đôi, thảo luận nhóm…

Thu Phương
.
.
.