Chông chênh gây quỹ cộng đồng

Thứ Năm, 10/03/2016, 08:41
Gây quỹ cộng đồng để phát triển nghệ thuật không mới, hình thức này khá phát triển với những trang gây quỹ uy tín như: idiegogo.com, kickstarer.com, ig9.com... Tại Việt Nam, gây quỹ cộng đồng đang phát huy thế mạnh trong lĩnh vực xuất bản, tạo nên một làn sóng không nhỏ với nhiều tác giả trẻ.

Mới đây, "Long thần tướng"- một tác phẩm truyện tranh được xuất bản bằng hình thức gây quỹ cộng đồng (Crowdfunding) đầu tiên ở Việt Nam vừa đạt giải Bạc cuộc thi truyện tranh quốc tế lần thứ 9 do Nhật Bản tổ chức. 

Thành công của nhóm tác giả “Long thần tướng” - Phong Dương comic cũng mở ra những cơ hội mới để các nghệ sĩ trẻ tìm đầu ra cho tác phẩm nghệ thuật của mình mà không chờ đợi nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hay những nhà hảo tâm. Tuy vậy, khi một con đường mới mở ra, việc gây quỹ cộng đồng vẫn còn nhiều khó khăn đối với các bạn trẻ trên con đường hiện thực hóa ước mơ làm nghệ thuật của mình.

Từ "Long thần tướng" đến "Hoa văn Đại Việt"

Với số tiền gây quỹ cộng đồng là hơn 300 triệu, tháng 11/2014, giới trẻ mê truyện tranh trong cả nước được đón nhận một tác phẩm rất đặc biệt: Tập 1 truyền thuyết “Long thần tướng”. Đây là một bộ tác phẩm truyện tranh dã sử, dựa trên bối cảnh và các sự kiện lịch sử từ thời Trần.

Đặc biệt, ngay sau tập 1, viêc gây quỹ cộng đồng cho tập 2 và tập 3 truyện tranh “Long thần tướng” đều vượt chỉ tiêu đề ra, được bạn đọc ủng hộ thông qua trang fan page trên mạng xã hội facebook. Hiện nay, nhóm tác giả đang hoàn thiện “Long thần tướng” tập 3, dự kiến sẽ ra mắt vào tháng 4 năm nay. Bên cạnh ấn phẩm truyện tranh "Long thần tướng", từ đầu năm 2015 đến nay, công ty truyện tranh Comicola đã gây quỹ và hỗ trợ xuất bản trên 10 đầu sách truyện tranh "made in Việt Nam".

Không chỉ dừng lại ở dự án truyện tranh, gây quỹ cộng đồng đang mở rộng phạm vi sang những lĩnh vực khác. Trong những ngày gần đây, dự án "Hoa văn Đại Việt" của nhóm Đại Việt cổ phong đã gây quỹ được 105%, vượt mục tiêu 100 triệu đồng đề ra ban đầu. Đây là dự án tổng hợp, sưu tầm và chọn lựa, số hóa toàn bộ hoa văn cổ của Việt Nam, tiêu biểu qua các thời kì với mong muốn tạo nguồn tư liệu phong phú cho những người làm sáng tạo, văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam.

Truyện tranh "Long thần tướng"tập 1.

Với Công ty truyện tranh Comicola, dự án "Hoa văn Đại Việt" là một bước chuyển lớn. Sản phẩm thông thường của một dự án gây quỹ cộng đồng có thể là một album, cuốn sổ tay, một cuốn sách, CD âm nhạc... nhưng sản phẩm của dự án "Hoa văn Đại Việt" là sản phẩm số. Khi dự án thành công, nhóm Đại Việt cổ phong sẽ đưa những hình ảnh hoa văn thu thập được chia sẻ cho cộng đồng, có thể áp dụng ở đa dạng lĩnh vực: thời trang, in ấn, trang trí kiến trúc, hội họa...

Anh Cù Minh Khôi, họa sĩ tư vấn, nghiệm thu của dự án Hoa văn Đại Việt cho biết: “Việc số hóa để nhiều người, đặc biệt là giới trẻ có thể ứng dụng hơn nữa là mục tiêu mà nhóm Đại Việt cổ phong hướng đến. Điều đó có nghĩa là, dự án sẽ đem thành quả của mình đến mọi người, trên những sản phẩm hữu hình như một chiếc đèn lồng, trang trí điện thoại..., để giới trẻ dễ tiếp nhận hơn với hoa văn cổ”.

Gian nan con đường tìm đầu ra

Gây quỹ cộng đồng để phát triển nghệ thuật không mới, hình thức này khá phát triển với những trang gây quỹ uy tín như: idiegogo.com, kickstarer.com, ig9.com... Tại Việt Nam, gây quỹ cộng đồng đang phát huy thế mạnh trong lĩnh vực xuất bản, tạo nên một làn sóng không nhỏ với nhiều tác giả trẻ. Thông thường, sau khi hoàn thiện bản thảo, tác giả có thể phải bỏ tiền ra in sách.

Còn với hình thức gây quỹ cộng đồng, nếu họ chứng minh được chất lượng cũng như uy tín cá nhân, tác giả ấy có thể nhận được sự hỗ trợ của bạn bè, những độc giả mạnh dạn bỏ tiền ra ủng hộ việc xuất bản. Bạn Đào Quang Huy - tác giả tác phẩm "Truyện cực ngắn" đang trong giai đoạn chờ xuất bản, sau khi gây quỹ cộng đồng cho biết: "Hình thức gây quỹ cộng đồng này là một dạng đặt hàng trước. Khi nào xuất bản, mình sẽ gửi lại sách cho độc giả cuốn sách của mình".

Không ít bạn trẻ hiện nay dám từ bỏ một công việc ổn định để sống với niềm đam mê nghệ thuật. Và gây quỹ cộng đồng đã chứng minh là mô hình tốt nhất hiện nay để các nghệ sĩ trẻ độc lập đưa tác phẩm gần hơn với công chúng.

Năm 2015, hệ thống kickstarer.com - trang web gây quỹ cộng đồng lớn nhất thế giới đã huy động được hơn 2 tỷ đô la cho các dự án từ khoa học kĩ thuật, công nghệ thông tin đến dự án văn học nghệ thuật. Tại Việt Nam, "Long thần tướng" tập 1 là dự án truyện tranh đầu tiên được gây quỹ cộng đồng. Tính đến thời điểm này, sau gần 20 dự án gây quỹ cộng đồng mà Comicola đã làm thì "Long thần tướng" tập 1 vẫn là dự án có giá trị lớn nhất.

Tuy vậy, con đường gây quỹ cộng đồng không dễ dàng như người ta vẫn nghĩ. Cách đây không lâu, dự án ra mắt sách "Cái hố đen" - chia sẻ những điều bí mật, gây sốc của giới trẻ đã không nhận được sự ủng hộ của mọi người khi chủ nhân trang blog này kêu gọi vốn từ cộng đồng để xuất bản một cuốn sách.

Rất nhiều độc giả xếp hàng chờ xin chữ kí của nhóm tác giả Phong Dương comic khi "Long thần tướng" tập 1 ra đời.

Nhiều người phản đối cuốn sách vì sợ những ảnh hưởng tiêu cực của nó đến cách sống của giới trẻ, gây hoang mang cho bạn đọc vì những bí mật sâu kín của con người. Nhiều người còn bày tỏ sự phẫn nộ bởi những tâm tư, bí mật của họ lại bị phơi bày trên trang giấy.

Còn tác giả trẻ Đỗ Nhật Phi sau khi đạt giải nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 đã khởi động dự án viết văn "vay bằng tiền, trả bằng văn" theo hình thức gây quỹ cộng đồng. Trong 1 năm, cây bút trẻ này dự định sẽ thuyết phục bạn đọc cho mình ứng trước 99 nghìn đồng để viết văn và xuất bản sách đặt tạm là "Thị trấn mùa đông". Tuy chưa biết thời hạn 1 năm có đủ để Đỗ Nhật Phi hoàn thiện chương trình gây quỹ của mình hay không nhưng có thể nhìn thấy khó khăn của tác giả trẻ này không phải là nhỏ trong việc xây dựng uy tín của mình với công chúng.

Công chúng rất quan tâm đến chất lượng, trong khi gây quỹ cộng đồng là bán một sản phẩm vô hình. Để có thể thuyết phục người dùng bỏ tiền ra mua một sản phẩm đòi hỏi sự nghiêm túc trong quá trình làm việc của tác giả và của hệ thống gây quỹ để có được niềm tin từ phía độc giả.

Anh Nguyễn Khánh Dương, Công ty Comicola cũng cho biết: Trước khi nghĩ đến việc gây quỹ cộng đồng, không ít họa sĩ, tác giả truyện tranh phải tự quảng bá hình ảnh cá nhân với một số thành công nhất định khi theo đuổi niềm đam mê này. Khi đã có uy tín với lượng độc giả nhất định thì tác giả ấy mới tìm đến đơn vị gây quỹ cộng đồng nhờ giúp đỡ.

"Khả năng một tác phẩm đầu tay đem ra gây quỹ cộng đồng là cực kì khó. Những người bạn của chúng tôi đã ra mắt được một hai tác phẩm trên thị trường văn học viết, có một sức hút nhất định rồi sau đó mới có thể gây quỹ cộng đồng cho những ấn phẩm tiếp theo. Nếu mình không thuyết phục được gia đình, bạn bè ủng hộ thì làm sao có thể tạo niềm tin ấy với người ngoài"- Nguyễn Khánh Dương nói.

Ông Nguyễn Khánh Dương: Cần khung pháp lý phù hợp cho gây quỹ cộng đồng

Cũng giống như những mô hình mới trên thế giới hiện nay, ở Mỹ hay một số nước châu Âu đã có những quy định về hoạt động của mô hình gây quỹ cộng đồng. Nhưng ở Việt Nam, hiện tại vẫn chưa có một khung pháp lý nào hợp lý. Một số anh em làm nghệ thuật cũng đang muốn làm gây quỹ cộng đồng tại Việt Nam khi nhìn thấy hiệu quả của mô hình này. Khi chưa có khung pháp lý, chúng tôi phải trao đổi với các chuyên gia, một số nhà quản lý nhà nước để xem mô hình hoạt động của mình có hợp lý hay không.

Ở quy mô hiện tại, tôi tin rằng chúng tôi vẫn có thể hoạt động tốt. Tuy nhiên mô hình này sẽ phát triển mạnh hơn nữa và chúng tôi mong muốn gây quỹ cộng đồng sẽ được đưa vào dự thảo luật dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Như vậy thì không chỉ chúng tôi mà những người trực tiếp gây quỹ, ủng hộ chúng tôi cũng được bảo vệ bằng khung pháp lý.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và triển lãm: Cần sự hỗ trợ của những người có tiếng nói trong xã hội

Xã hội hóa là một hoạt động tự nguyện, huy động sự tham gia của mọi tầng lớp xã hội, phù hợp với quy luật phát triển, làm cho đời sống tinh thần của con người được nâng cao khi nhu cầu vật chất đã đạt mức tối thiểu. Tuy vậy, hình thức này đang ở mức độ sơ khai, chưa nhằm vào đúng những đối tượng cần phải có tư duy về xã hội hóa văn hóa nghệ thuật. Chính vì thế nó vẫn phụ thuộc nhiều vào tâm lý số đông.

Ngoài năng lực, tâm huyết, những người làm nghệ thuật vẫn cần phải có tiền. Nguồn tiền từ những đối tượng tham gia gây quỹ cộng đồng vẫn còn ít và đang cần tác động tới những người có vị trí, có tiềm lực nhất định. Ví dụ như: những nhà lãnh đạo, những người nổi tiếng thì ảnh hưởng của nó trong xã hội là không đong đếm được. Xã hội hóa của chúng ta mới chỉ nhằm vào những đối tượng tự nguyện, yêu mến, tiền ít. Chúng ta chưa xã hội hóa được những người cần xã hội hóa.

Phương Thúy
.
.
.