Chống dịch COVID-19 ở biên giới Tây Nam

Thứ Tư, 25/03/2020, 09:30
Công an hai tỉnh An Giang, Đồng Tháp đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 có hiệu quả và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Những ngày này, khi dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với các ngành, các cấp, Công an hai tỉnh An Giang, Đồng Tháp đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 có hiệu quả và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Kiểm soát chặt tuyến biên giới

Phú Hội là xã biên giới thuộc huyện An Phú (tỉnh An Giang) với 9,2km đường biên giới, giáp ranh với huyện Bourei Cholsar (tỉnh Takeo, Campuchia). Hàng ngày, người dân trên địa bàn sang bên kia tuyến biên giới để mua bán, sản xuất.

“Qua công tác rà soát, nắm hộ, nắm người, hiện có 77 trường hợp thường xuyên qua lại tuyến biên giới. Ban Chỉ huy Công an huyện, đơn vị đã đặt công tác phòng, chống COVID-19 lên hàng đầu”, Thiếu tá Nguyễn Trung Nhã, Trưởng Công an xã Phú Hội, thông tin và cho biết đối với những trường hợp thường xuyên qua lại tuyến biên giới, đơn vị đã cử cán bộ xuống tận nhà tuyên truyền, nhắc nhở và cho cam kết không qua lại bằng đường mòn, lối mở.

Đồng thời, đối với CBCS tiếp xúc với người dân khi làm nhiệm vụ phải đeo khẩu trang, bao tay, sử dụng dung dịch sát khuẩn. Tuyên truyền và yêu cầu người dân thực hiện đeo khẩu trang khi đến những nơi công cộng, đông người. Mặt khác, vận động người dân không tổ chức tụ họp nhiều người, mở tiệc nhằm phòng chống COVID-19.

Tại Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang), từ ngày 19-3, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh COVID-19 thị xã Tân Châu đã tiếp nhận công dân Việt Nam đang làm ăn tại Campuchia trở về nước. Tại khu vực tiếp nhận, lực lượng Công an, Biên phòng, Hải quan, y tế kiểm tra thân nhiệt, hướng dẫn khai báo, kiểm tra y tế và thực hiện các thủ tục có liên quan cho công dân.

Công tác tiếp nhận công dân Việt Nam từ Campuchia về nước qua Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu, An Giang) được chú trọng.

Ban Chỉ huy Công an thị xã Tân Châu chỉ đạo CBCS tổ chức tuyên truyền, vận động đa số bà con thực hiện nghiêm túc các bước phòng, chống dịch bệnh, phát khẩu trang miễn phí cho người dân. Qua đó, người dân tự ý thức lên xe chuyên dùng đưa đến Trường Trung cấp nghề Tân Châu (nằm trên địa bàn xã Tân An) để thực hiện cách ly y tế tập trung.

Ông Huỳnh Quốc Thái, Chủ tịch UBND thị xã Tân Châu, cho biết: “Ngoài địa điểm cách ly y tế tập trung 42 người hiện nay tại Đại đội Bộ binh 6 (xã Vĩnh Hòa), Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thị xã còn bố trí thêm 4 địa điểm khác (với sức chứa 311 giường) để chuẩn bị cho công tác cách ly y tế tập trung trong 14 ngày”.

Xã Tân Hộ Cơ (huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) có hơn 10km đường biên giới, những ngày qua mực nước xuống thấp nên thuận tiện cho người dân qua lại được dễ dàng hơn. Lực lượng Công an xã đã phối hợp với Biên phòng, Hải quan quản lý chặt tình hình, kiểm soát lối mở, đường mòn biên giới và nhắc nhở người dân thực hiện đúng các quy định.

Tăng cường công tác tuyên truyền đến từng người dân qua lại khu vực Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, cấp phát khẩu trang miễn phí. Những ngày qua, cán bộ Công an xã tuyên truyền đến từng tiểu thương, các hộ dân có ý thức hơn trong việc phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 và thông tin liên tục trên Đài truyền thanh xã. Đồng thời quản lý chặt người lạ mặt từ nơi khác đến địa phương, đặc biệt người nước ngoài trở về Campuchia.

Còn tại xã biên giới Thường Lạc, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, Công an xã, lực lượng Biên phòng, xã đội đã xây dựng kế hoạch và thành lập hai chốt tuần tra, kiểm tra soát trên 5,7km đường biên sông Sở Thượng không để người dân tự ý qua lại biên giới. Triển khai tuyên truyền, yêu cầu người dân qua lại các cửa khẩu phụ như Mộc Rá để được hướng dẫn y tế, kiểm tra thân nhiệt chứ không được tự ý qua lại các lối mở, đường mòn biên giới. Qua công tác phối hợp và nắm tình hình trao đổi, Công an xã cũng chủ động công tác phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh COVID-19.

Công an Đồng Tháp phối hợp cùng lực lượng Biên phòng, Hải quan kiểm soát chặt tại Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà (huyện Tân Hồng).

Phòng chống dịch với tinh thần chủ động cao nhất

Theo ghi nhận của chúng tôi, thực tế thời gian qua, từ đặc thù là tỉnh có biên giới dài với Campuchia nên Công an hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp đã chủ động có các phương án phòng chống dịch.

Thiếu tướng Bùi Bé Tư, Giám đốc Công an tỉnh An Giang, cho biết Công an tỉnh đã có chỉ đạo cụ thể đối với Công an các đơn vị và 5 huyện, thị xã, thành phố biên giới phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Hải quan thực hiện nghiêm việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ dịch ngay tại cửa khẩu, đặc biệt là các đường mòn, lối mở, đò ngang, đò dọc.

Trong đó, chú trọng việc khai báo y tế đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh đến từ hoặc đi qua các quốc gia có dịch bệnh. Bảo đảm an ninh cho việc cách ly y tế bắt buộc đối với các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh và hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua lại biên giới.

Không chỉ tăng cường phòng chống dịch tại các đơn vị ở biên giới, để đảm bảo an toàn cho các cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ, Công an tỉnh An Giang đã cấp phát 11.000 khẩu trang y tế, 2.950 găng tay, 20 trang phục phòng dịch, 89 chai cồn rửa tay; phun xịt tiêu độc, khử trùng 4 trụ sở làm việc của Công an các đơn vị, địa phương liên quan tiếp dân, tập trung đông người; kiểm tra y tế cho 150 chiến sĩ nghĩa vụ trước khi nhập ngũ, phát 1.300 tờ bướm tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Ý thức phòng, chống dịch COVID-19 được lan tỏa từ CBCS đến can phạm nhân tại Trạm tạm giam Công an tỉnh An Giang.

Công tác phòng chống dịch cũng được Công an tỉnh An Giang làm chu đáo tại Trại tạm giam Công an tỉnh. Thượng tá Nguyễn Hoàng Vũ, Phó Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh An Giang, cho biết: “Dù là cán bộ của các cơ quan liên quan đến làm việc với đơn vị hay tiếp xúc với can phạm nhân đều phải thực hiện đúng quy trình phòng ngừa COVID-19.

Mặt khác, đơn vị chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân, đặc biệt là thân nhân, gia đình của các đối tượng giam giữ hiểu rõ hơn về chủ trương tạm dừng việc tổ chức thăm gặp là để hạn chế tiếp xúc với mục đích phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh nguy hiểm này”.

Trại đã chủ động trang bị khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn để CBCS, người đến làm việc với can phạm nhân sử dụng và vệ sinh sát trùng. Trại tạm giam Công an tỉnh An Giang đã thực hiện phun hóa chất phòng dịch 2 lần/ tuần toàn đơn vị; vệ sinh khu làm việc, khu buồng giam… hằng ngày.

Tuyên truyền, giáo dục cho người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân có đủ kiến thức, hiểu biết về dịch, phòng ngừa nhiễm bệnh, biện pháp xử lý khi có dấu hiệu bị cúm nhằm không gây hoang mang, lo lắng. Tiếp tục bổ sung cơ số thuốc bảo đảm yêu cầu phòng dịch… nhờ đó hiện nay sức khỏe của các phạm nhân tốt, yên tâm cải tạo và biết cách tự phòng dịch.

Tại Đồng Tháp, đối với các trường hợp cách ly, lực lượng Công an trực tiếp tham gia phối hợp với đoàn liên ngành của cơ quan y tế đến vận động và chuyển người được cách ly vào điểm cách ly tập trung theo quy định. Phân công lực lượng đảm bảo tình hình ANTT tại các khu vực này hoặc hỗ trợ ngay khi có yêu cầu.

Tại Đồng Tháp, hiện có 902 người được đưa vào diện cách ly, theo dõi y tế. Trong đó 482 người hết thời gian cách ly, giám sát y tế 14 ngày; đang tiếp tục phối hợp giám sát, theo dõi y tế 380 người tại nơi cư trú và cách ly tập trung 40 người. Công an tỉnh đã phát hiện 4 trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh COVID-19, ra quyết định xử phạt đối với 3 đối tượng và đang tiếp tục xác minh, làm rõ trường hợp còn lại để xử lý.

Đại tá Trần Văn Đoàn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp, cho biết đã chỉ đạo Phòng Quản lý xuất nhập cảnh và Công an các huyện biên giới phối hợp chặt chẽ với lực lượng Biên phòng trong việc quản lý, giám sát người qua lại tại các cửa khẩu và khu vực biên giới, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm.

Từ ngày 7/3, tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả những hành khách nhập cảnh Việt Nam (gồm người Việt Nam và người nước ngoài); hướng dẫn và niêm yết thông tin về khai báo y tế bắt buộc tại trụ sở Trạm Cửa khẩu quốc tế Thường Phước và Dinh Bà. 

“Trung bình hàng ngày có khoảng 100-200 lượt người xuất cảnh, nhập cảnh và khoảng 400-600 người nhập biên, xuất biên. Qua công tác phối hợp quản lý, khai báo y tế đối với người qua lại biên giới, chưa phát hiện trường hợp nào có dấu hiệu nghi vấn nhiễm COVID-19 đế đưa vào diện cách ly hoặc theo dõi y tế”, Đại tá Trần Văn Đoàn thông tin.

Thông qua công tác nắm tình hình ngoại biên, biên giới và quản lý xuất nhập cảnh, quản lý lưu trú, Công an An Giang, Đồng Tháp đã thông báo, cung cấp thông tin kịp thời cho các đơn vị y tế cung cấp về những trường hợp nhập cảnh, trở về từ các quốc gia, vùng đang có dịch bệnh hoặc từng có tiếp xúc với người nhiễm, nghi nhiễm để tiến hành phối hợp kiểm tra, theo dõi sức khỏe, sàng lọc y tế để đưa vào diện cách ly theo quy định.

Trần Lĩnh
.
.
.