Chống tin giả và quảng cáo "bẩn" trên mạng

Chủ Nhật, 16/04/2017, 11:27
Kể từ ngày 5-4, người dùng mạng xã hội lớn nhất thế giới có thêm lựa chọn để báo cáo hình ảnh không phù hợp khi đó là "một bức ảnh khỏa thân của tôi", thông báo kể trên của Facebook được coi là động thái nhằm xoa dịu chỉ trích của dư luận.

Không chỉ có Facebook, mà cả YouTube đều là tâm điểm chỉ trích và tẩy chay của nhiều quốc gia và tập đoàn lớn trên thế giới.

Động thái đáng quan tâm

Facebook vừa bổ sung công cụ mới (tự động chặn việc chia sẻ những hình ảnh đã bị cấm) để người dùng dễ dàng báo cáo các trường hợp ảnh "khiêu dâm trả thù". Và những người chia sẻ ảnh "khiêu dâm trả thù" có thể sẽ bị khóa tài khoản.

Công tố viên và những nhà lập pháp đang cố gắng ngăn chặn sự phát tán của ảnh "khiêu dâm trả thù" bằng cách bổ sung hình phạt bởi những bức ảnh như thế có thể hủy hoại sự nghiệp, gia đình nạn nhân, thậm chí dẫn tới tự tử.

Người dùng Facebook bực mình vì tin tức giả.

Trước "búa rìu" dư luận, một số tập đoàn truyền thông xã hội lớn và tổ chức phi chính phủ ở Mỹ đã thành lập Quỹ "Sáng kiến toàn vẹn thông tin" để chống lại vấn nạn tin giả, tin sai sự thật.

Quỹ phi lợi nhuận này trị giá 14 triệu USD do Facebook, Mozilla, Craigslist và Quỹ Ford đồng tài trợ và hoạt động theo mô hình dự án độc lập, đặt tại Trường Đại học báo chí ở New York.

Các nhà tài trợ muốn cải thiện niềm tin của độc giả đối với thông tin báo chí bởi thời gian gần đây, tin giả và tin sai sự thật núp dưới vỏ bọc thông tin đáng tin cậy, xuất hiện tràn lan trên mạng, đặc biệt là Facebook.

Động thái kể trên diễn ra sau khi Chính phủ Đức thông qua khoản tiền phạt lên tới 50 triệu euro đối với các tập đoàn truyền thông xã hội lớn như Facebook và Twitter, nếu họ không xóa những tin tức giả mạo và các phát ngôn gây thù hận được người dùng báo cáo trong vòng một tuần.

Ngoài ra, giám đốc điều hành của Twitter và Facebook còn phải đối mặt với án phạt lên tới 5 triệu euro nếu không tuân thủ quyết định xử phạt kể trên. Theo quyết định của Chính phủ Đức, các tập đoàn truyền thông xã hội lớn sẽ có 24 giờ để xóa tất cả bài viết mang tính chất miệt thị luật pháp Đức sau khi được người dùng đánh dấu.

Còn những nội dung tiêu cực khác cũng phải được xóa trong vòng 7 ngày sau khi nhận được báo cáo. Đức là một trong những quốc gia đi đầu trong việc mạnh tay xử lý tình trạng tin tức giả mạo, thất thiệt trên mạng xã hội.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Heiko Maas cho biết, dự luật kể trên là hành động pháp lý mạnh mẽ của Chính phủ Đức để giải quyết nạn tin tức giả mạo, thất thiệt… lan tràn trên các trang mạng xã hội, gây ra những hậu quả khôn lường cho xã hội và người dân. Từ cuối năm 2015, giới chức Đức đã buộc Facebook, Twitter và Youtube của Google phải ký bộ quy tắc đạo đức.

"Facebook, Google và Twitter chỉ còn 1 tháng để thay đổi các điều khoản sử dụng của mình liên quan đến quyền riêng tư của khách hàng", quyết định kể trên của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ tạo ra những thay đổi lớn cho hoạt động kinh doanh trên Internet tại châu Âu.

Google và YouTube bị chỉ trích nặng nề.

Theo đại diện EC và Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng châu Âu, đây là biện pháp nhằm đảm bảo các tập đoàn về Internet phải tuân thủ quy tắc bảo vệ người tiêu dùng của Liên minh châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh tình trạng lừa đảo và thông tin giả mạo đang trở nên phổ biến trên nhiều mạng xã hội.

Những phản ứng khác nhau

Chính phủ Australia vừa rút một loạt quảng cáo của những chương trình phi doanh nghiệp ra khỏi YouTube thuộc Google. Và việc này diễn ra trong bối cảnh làn sóng tẩy chay đang lan rộng khi nhiều tập đoàn lớn rút quảng cáo khỏi YouTube.

Tờ The Australian vừa dẫn lời ông Scott Ryan, Bộ trưởng đặc trách Chính phủ Australia cho biết, quyết định kể trên nhằm đảm bảo tiền thuế của dân không bị chảy vào túi của những tổ chức không lành mạnh trên YouTube.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Australia Scott Morrison cho rằng, Google và Facebook sẽ phải trả thuế dựa trên doanh thu tại Australia, thay vì chuyển lợi nhuận đến những nước áp mức thuế thấp.

Theo tờ Times of London, quảng cáo của những công ty Anh được hiển thị cùng các video có nội dung tiêu cực, như phân biệt chủng tộc, tuyên truyền khủng bố, thù hằn phụ nữ hoặc chủ nghĩa bài Do Thái. Bộ trưởng Nội vụ Anh Amber Rudd đã phê phán mạnh mẽ và tuyên bố, không thể chấp nhận việc những kẻ cực đoan sử dụng các hệ thống truyền tin để tránh bị kiểm soát.

Chính phủ Anh đã triệu đại diện Google tới để giải thích vì sao xuất hiện quảng cáo tài trợ lại bên cạnh các video có nội dung cực đoan trên YouTube. Theo tờ The Times, L'Oreal, Cơ quan Quản lý tài chính, giao thông vận tải London và Kênh 4 của Anh đã xóa quảng cáo của họ khỏi các dịch vụ của Google.

Tờ The Guardian của Anh đã quyết định rút toàn bộ quảng cáo trực tuyến của họ khỏi các trang dịch vụ Google và YouTube sau khi những quảng cáo của họ xuất hiện bên cạnh tài liệu cực đoan.

Google buộc phải xem xét lại các chính sách quảng cáo sau khi Chính phủ Anh rút quảng cáo khỏi Google và YouTube. Trước đó một số tên tuổi đình đám như BBC và Transport for London đã "bỏ của chạy lấy người".

Tính đến nay đã có khoảng 250 hãng và công ty chấm dứt hợp tác với Google. Google đang chật vật trước làn sóng tẩy chay quảng cáo trên thế giới khi một số công ty như FX Networks đã thông báo ngừng tất cả quảng cáo trên Google, bao gồm cả quảng cáo tìm kiếm.

Theo tờ The New York Times, từ giữa tháng 3-2017, nhiều hãng danh tiếng trên thế giới như AT&T, Verizon, Johnson & Johnson, Volkswagen… đã rút quảng cáo khỏi YouTube sau khi thương hiệu của họ xuất hiện cùng các video về chính trị xã hội như phân biệt chủng tộc, bài Do Thái, phát động chủ nghĩa cực đoan.

Làn sóng tẩy chay YouTube và Google lan rộng khắp thế giới.

Và danh sách tẩy chay YouTube đang nối dài với những cái tên như Pepsi, Wal-Mart và Starbucks, GM. Ông Martin Sorrell, Tổng Giám đốc Tập đoàn WPP (đối tác lớn nhất chuyên cung cấp quảng cáo của Google với doanh thu lên tới 5 tỉ USD/năm) nói với kênh CNBC (Mỹ) rằng, có dùng biện pháp giám sát gì cũng khó đảm bảo kiểm soát 100% nội dung video đều "sạch".

Hệ lụy khó lường

Theo số liệu thống kê mới nhất, lợi nhuận thu được từ quảng cáo trên YouTube chiếm tới 7,5% tổng doanh thu của Google, ước đạt 10,2 tỷ USD trong năm 2017. Theo dự báo của công ty nghiên cứu thị trường eMarketer, Google có thể kiếm 72,69 tỷ USD doanh thu quảng cáo trong năm nay, trong khi Facebook sẽ bỏ túi 33,76 tỷ USD.

Và điều này đồng nghĩa với việc, Facebook và Google có thể kiếm 106 tỷ USD, chiếm gần 50% quảng cáo trên thế giới trong lĩnh vực này. Theo số liệu chưa được kiểm toán của Alphabet - công ty mẹ của Google, thu nhập từ quảng cáo chiếm tới 86% trong tổng doanh thu 26,1 tỷ USD của hãng trong quý IV-2016.

Theo thống kê, chỉ riêng trong năm 2016, 90% tổng doanh thu của Google đến từ hoạt động quảng cáo. Do đó, làn sóng tẩy chay không những ảnh hưởng tới giá cổ phiếu và doanh thu của hãng, mà còn là cảnh báo đối với Facebook, Twitter, Alibaba và Snapchat.

"Tôi muốn xin lỗi các đối tác của chúng tôi và các nhà quảng cáo có thể đã bị ảnh hưởng vì các quảng cáo của họ hiển thị kế cận nội dung đáng tranh cãi. Chúng tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm", ông Matt Brittin - Giám đốc kinh doanh và hoạt động của Google ở châu Âu, Trung Đông và châu Phi đã tuyên bố như vậy trong ngày khai mạc tuần lễ quảng cáo châu Âu ở thủ đô London, Anh. Theo ông Philipp Schindler, Giám đốc kinh doanh của Google cho biết, họ đã thay đổi chính sách quảng cáo.

Theo đó, Google sẽ gỡ những nội dung vi phạm trên YouTube. Ông Philipp Schindler từng cam kết, Google sẽ bổ sung nhân lực cũng như tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến để rà soát, ngăn chặn các nội dung quảng cáo không phù hợp.

Theo giới truyền thông, mặc dù Google đã đưa ra những lời xin lỗi và cam kết, nhưng vẫn chưa thể vực dậy niềm tin từ các hãng kể trên trong việc quảng cáo trên YouTube. Giới chuyên môn cho rằng, Google đang phải trả giá vì đã tỏ ra dễ dãi trong việc kiểm soát các nội dung độc hại.

Việc rút quảng cáo trên video khiến Google chỉ còn mảng quảng cáo tìm kiếm là nguyên vẹn, nhưng lĩnh vực này cũng đang đứng trước nguy cơ bị tấn công. Theo tờ Wall Street Journal, các video trên YouTube với quan điểm phân biệt chủng tộc, chống đồng tính luyến ái và bài Do Thái vẫn tiếp tục hiển thị cùng quảng cáo từ Coca-Cola, Amazon.com và Microsoft.

Tờ Izvestia từng dẫn thông báo của Cơ quan giám sát viễn thông Liên bang Nga (Roskomnadzor) cho biết, hơn 23.000 trang mạng điện tử có nội dung tuyên truyền cho IS đã bị chặn hoặc xóa sổ. "Một lượng lớn nội dung bị cấm đăng tải trên mạng trực tuyến đã bị phát hiện trên VKontakte và YouTube, nên chúng đã bị chặn hoặc xóa".

"Quảng cáo tự động dựa vào thói quen truy cập của khách hàng là một vấn đề lớn. Bởi có nguy cơ cao là quảng cáo sẽ xuất hiện trong các môi trường bạo lực, khiêu dâm, cực đoan và không an toàn khác bởi khối lượng và tốc độ truy cập tự động khổng lồ hiện nay", ông Hicham Felter, Cơ quan đại diện các nhà quảng cáo lớn tại Anh cảnh báo.

Gần 1 tháng trước (21-3), Google đã cảnh báo nguy cơ tấn công mạng - số lượng các website bị tin tặc tấn công đã tăng 32% trong năm qua và tình trạng này có khả năng còn nghiêm trọng hơn trong tương lai. Quan ngại về an ninh mạng đang gia tăng sau hàng loạt vụ tấn công mạng xảy ra nhằm vào Yahoo, Chính phủ Mỹ và nhiều công ty thương mại điện tử lớn. Dư luận từng giật mình khi hàng chục triệu tài khoản Gmail và Yahoo được rao bán trên trang web đen. Theo HackRead, hơn 25 triệu tài khoản Gmail và Yahoo có thể được mua dễ dàng trên trang web đen, với người bán có cái tên SunTzu583. SunTzu583 đang rao bán 450 USD cho 21.800.969 tài khoản Gmail, 75% trong số đó được cho chứa mật khẩu đã giải mã. SunTzu583 còn danh sách hơn 4.928.888 tài khoản, được cho chứa địa chỉ email và mật khẩu rõ ràng, bán với giá 200 USD. Yahoo đã bị dính 2 sự cố an ninh mạng lớn nhất từ trước đến nay và đó là một trong những nguyên nhân khiến người sử dụng quay lưng lại với hãng công nghệ từng nổi tiếng một thời.
Trịnh Huyền My
.
.
.