Chống ùn tắc - bài toán nan giải

Thứ Hai, 23/01/2017, 15:02
Thật ra, câu chuyện "Tất cả các con đường Hà Nội đều tắc" không phải là mới, nhưng nó lại trở thành đề tài nóng trên các diễn đàn khiến nhiều người quan tâm, nhất là vào những dịp năm hết Tết đến. Ở TP Hồ Chí Minh cũng vậy.


Hình ảnh những dòng người nhẫn nại nhích từng Xentimét trên đường luôn tràn ngập mạng. Ngày thường vốn đã quá tải, nhưng vào dịp cuối năm, khi lượng người và xe đổ ra đường gấp mấy lần thì cái sự tắc nghẽn càng trầm trọng.

Tất nhiên, các cơ quan chuyên môn đã phải gồng mình, với rất nhiều nỗ lực để làm giảm tình trạng ùn tắc, song điều đáng buồn là do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, rồi hàng loạt cơ chế chính sách ban hành chồng chéo nên số điểm ùn tắc không giảm đi mà còn tăng hơn. Có nhiều điểm ùn tắc kéo dài nhiều giờ, gây bức xúc cho xã hội và người dân.

Minh họa của Lê Tâm.

Nói về nguyên nhân của tình trạng đáng buồn trên, một chuyên gia trong lĩnh vực này đã tổng kết 7 nguyên nhân chính là: Ý thức chấp hành Luật Giao thông kém; Việc phân luồng, phân làn xe chạy, điều phối giao thông, đèn tín hiệu ở nút giao nhau chưa tốt; Việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường diễn ra nhiều năm nhưng không được giải quyết; Việc mở các đường ngang ở các phố có dải phân cách mềm không hợp lý; Mức phạt tiền vi phạm Luật Giao thông vẫn còn thấp, chưa đủ sức răn đe đối với người vi phạm; Chất lượng nhiều phương tiện tham gia giao thông chưa đảm bảo yêu cầu của Luật Giao thông; Trên nhiều đường một chiều, một số người điều khiển phương tiện đi ngược chiều nhưng không được CSGT hoặc người có trách nhiệm nhắc nhở, xử phạt.

Đây là kết quả của một đề tài khoa học được nghiên cứu, tổng kết và mới được công bố gần đây. Thế nhưng, tại thời điểm này, người ta lại chỉ đưa ra một nguyên nhân khác nghe rất thuyết phục. Đó là tình trạng xây dựng ồ ạt các chung cư cao tầng trong nội đô hay nói cách khác, đây là sự trả giá cho việc quy hoạch băm nát Thủ đô.

Vẫn biết một cá nhân xây dựng nhà ở phải mất khá nhiều công sức, thời gian mới có được giấy phép xây dựng. Vậy mà giờ đây, khó để thống kê hết bao nhiêu chung cư nhan nhản mọc lên ở khắp nơi trong thành phố.

Đừng ai nói về thị trường bất động sản đóng băng nhé. Nó vẫn nóng, thậm chí rất nóng ở nhiều phân khúc, bằng chứng là các giao dịch mua bán nhà vẫn diễn ra, giá chung cư vẫn ổn định cho thấy nhu cầu cần nhà ở là có thật và các công ty xây dựng thì vẫn đang thực hiện rất nhiều dự án.

Cũng đừng vội quy kết là người sống ở các khu đô thị  thu nhập chưa cao, bởi khá nhiều các hộ dân ở đây đi làm bằng ô tô.

Họ chấp nhận giải pháp ở nhà chung cư vì có bãi để xe ô tô. Cùng với mật độ dân cư dày đặc trong nội đô là việc phương tiện cá nhân (trước là xe máy, giờ là ô tô) ngày càng nhiều thì tình trạng ùn tắc giao thông là điều đương nhiên.

Vậy giải pháp tình thế nào cho tình trạng tắc nghẽn giao thông ở Thủ đô?

Trong cuộc làm việc mới đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo thành phố Hà Nội và các bộ, ngành về những giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn, Thủ tướng đã yêu cầu cần quản lý tốt quy hoạch của Hà Nội, "chưa xây dựng nhà cao tầng khi phương án giao thông chưa có lối ra.

Phải có biện pháp cần thiết hạn chế phương tiện cá nhân theo đúng quy định pháp luật kết hợp với tuyên truyền, vận động nhân dân; phát triển các loại hình giao thông ngầm, trên cao để giảm mật độ phương tiện trên mặt đường. Quản lý chặt chẽ quy hoạch hệ thống hạ tầng, bảo đảm không chồng chéo, mâu thuẫn" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Giải pháp không thiếu, kinh nghiệm các nước tiên tiến về chống ùn tắc giao thông lại càng nhiều, vấn đề là vận dụng vào điều kiện Việt Nam. Điều này rất cần những nhà lãnh đạo có tầm với những chính sách quyết liệt, hợp lý. Chỉ có vậy, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mới giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông như hiện nay.

Tuấn Nguyễn
.
.
.