Chủ đổ keo 502 vào tay người làm công bục ra vấn đề muôn thửa

Thứ Năm, 05/01/2012, 17:04

Giờ đây chủ A Vương lại quay lại cái hình thức cơ bắp hoang rợ cổ điển của loài người, dùng keo dán bạo hành trực tiếp lên thể xác. Nhưng gọi chính xác ra, đó là một hình thức bạo hành "tân cổ điển". vì nó không dùng roi để vụt xuống cơ thể, mà dùng keo để dính đôi bàn tay người lao động. Và keo dính đó không phải là roi nhưng vẫn để lại dấu vết không chỉ trên thân xác mà ngay trong cả tâm lý hoảng hốt đến kinh hãi.

>>Điều tra vụ ép nữ công nhân dính keo 502 vào lòng bàn tay

Vài năm gần đây nổ ra không ít vụ đình công của công nhân Việt làm trong các cơ sở liên doanh với nước ngoài, dẫn đến tình trạng lo ngại về tốc độ tăng trưởng cũng như cơ hội đầu tư mới từ nước ngoài đổ tới. Nhiều chuyên gia cả trong nước và ngoài nước nhận định, nếu hợp đồng lao động không được thực hiện và giải quyết tốt hơn giữa chủ và người làm công thì sẽ làm đình trệ sản xuất, chậm tốc độ tăng trưởng và giảm cơ hội cải thiện đời sống dân sinh.

Từ xưa đến nay, vấn đề giữa chủ và người làm công luôn chiếm một vị trí trung tâm xuyên suốt của mọi xã hội cũng như thời đại, nó là xương sống trong lý thuyết "Cộng Hòa" (La Republique) của Socrate và Platon, cũng là sợi chỉ xuyên thấu trong lý thuyết đấu tranh giai cấp của Karl Marx được đề cập trong cuốn "Tư bản" (Capitalisme). Nó rất phức tạp, vì đó là cuộc đời sống còn của mỗi công nhân, là mơ ước làm giàu của ông chủ, và là sự thịnh - suy của thời đại cũng như mỗi công ty hay quốc gia dân tộc.

Vậy thì trong bối cảnh kinh tế thị trường mới bật tung cửa, đầu tư nước ngoài rót tới ào ạt, các ông chủ nước ngoài nhiều như lá xuất hiện, nhiều người làm công Việt có cơ hội làm việc cho các công ty liên doanh với nước ngoài với thu nhập cao, làm cho quan hệ vốn phức tạp sẵn có thường xuyên giữa chủ và người làm công càng trở nên phức tạp hơn rất nhiều vì cùng lúc nó mang theo những tương quan mới, nào quan hệ quốc tế, vấn đề ngoại giao, vấn đề tự tôn dân tộc, niềm tự hào lãnh thổ ngay trên mảnh đất của ông cha mình nhưng buộc phải tôn trọng luật lao động phổ quát theo công lý quốc tế rằng có làm có hưởng, làm đến đâu hưởng đến đó, trách nhiệm lao động và hưởng thụ của cả giới chủ lẫn người làm công…

Nạn nhân đang được điều trị tại bệnh viện.

Nhiều vụ đình công xảy ra vì công nhân cho rằng lợi ích của họ về thu nhập, an toàn hay bảo hiểm không thỏa đáng hay bị xâm hại. Nhiều công ty, giới chủ cũng đã nương tay hoặc hạ mình để tìm tiếng nói chung với người làm công. Một công ty muốn tồn tại thì không thể không có ông chủ là người bỏ vốn đầu tư, và cũng không thể không có người làm công là người trực tiếp vận hành sản xuất làm ra sản phẩm. Giữa lúc tình hình quản lý và làm công cho nhiều liên doanh với nước ngoài còn đang vấp phải nhiều lúng túng khủng hoảng sình lầy bế tắc, thì đùng một cái nổ ra một vụ tày đình, đó là vụ chủ quản người Trung Quốc ép đổ keo 502 vào tay công nhân Việt… gây ra một làn sóng dư luận vô cùng sửng sốt.

Diễn biến vụ việc được các nhân chứng tường thuật như sau: Trưa 26-11, chị Nguyễn Thị Phương đã bị chủ quản của Công ty giày Hong Fu Việt Nam tại Khu công nghiệp Hoàng Long (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) tên là A Vương (người Trung Quốc) ép đổ keo 502 vào tay rồi bắt chị dính 2 bàn tay vào nhau. Khi thấy chị Phương đau đớn kêu khóc thảm thiết, nhiều công nhân đã chạy lại khuyên can nhưng không được mà còn bị viên chủ quản lăng mạ. Nhiều công nhân quá sợ hãi đã ngất lịm.

Tầm mức của vụ việc này lớn cỡ nào, chúng ta thử phân tích. Chúng ta vẫn biết đến một loại keo để dính chuột. Chuột là giống rất mau lẹ thoát hiểm trong nháy mắt vậy mà với keo dính chúng đành chịu bất lực nhìn đời mình đang "sập bẫy" không cách gì suy dịch dù chỉ một ly.

Thứ keo 502, là một loại keo công nghiệp mạnh đến mức có thể dính cả nhựa hay kim loại. Trong cơ thể, người Việt vẫn bảo "cái đấm thì thiếu, cái đá thì thừa", nghĩa là lực ở tay dù mạnh mấy vẫn còn thiếu, nhưng lực ở chân thì thừa sức mạnh để hạ gục đối phương. Keo 502 được dùng để dán giầy, là thứ có thể chịu lực đá, lực giẫm đạp liên hồi ở dưới bàn chân mà chẳng ăn nhằm gì, vậy mà đem keo đó dính vào tay người ta, lại là phụ nữ chân yếu tay mềm, thử hỏi gây kinh hoàng cỡ nào?!

Sự kinh hoàng cao độ đến mức vài công nhân chứng kiến vụ việc đó cũng lăn ra ngất xỉu theo kiểu bị hội chứng khủng hoảng tâm lý đám đông. Đây có thể coi như giọt nước "quá tràn" của những vụ đình công. Khi nói đến người công nhân, người ta vẫn thường nói đến cái gọi là bóc lột mồ hôi. Nghĩa là, ông chủ tăng giờ làm, giảm lương. Thân thể của công nhân không hề bị xâm hại, nó không để lại những vết đánh đập thâm tím trên mình, mà người ta chỉ bị vắt kiệt thể lực từ bên trong.

Hình thức bóc lột này đã tinh vi hơn hình thức đánh đập cổ điển một bước. Đánh đập cơ bắp là thứ sản phẩm của mấy chú địa chủ quê mùa, dùng roi quật khiến người ta thương tích và sợ hãi, rút cục ảnh hưởng đến cả sức lao động và tâm lý lao động. Như vậy từ đánh đập nông nô để lại dấu vết đến bóc lột sức lao động bên trong không có dấu vết gì đó là một bước tiến về thân xác thuần túy. Vậy mà giờ đây chủ A Vương lại quay lại cái hình thức cơ bắp hoang rợ cổ điển của loài người, dùng keo dán bạo hành trực tiếp lên thể xác.

Nhưng gọi chính xác ra, đó là một hình thức bạo hành "tân cổ điển". Vì nó không dùng roi để vụt xuống cơ thể, mà dùng keo để dính đôi bàn tay người lao động. Và keo dính đó không phải là roi nhưng vẫn để lại dấu vết không chỉ trên thân xác mà trong cả tâm lý hoảng hốt đến kinh hãi. Cho đến giờ, sau mấy ngày điều dưỡng trong bệnh viện, chị Phương vẫn còn chìm trong cơn khủng hoảng sâu.

Hình thức bạo hành tân cổ điển này ngay tức thì đã gây ra một hiệu quả kinh hãi tột độ, và một hậu quả khôn lường kéo theo. Tại chỗ có hai người ngất xỉu phải đưa đi bệnh viện cấp cứu vì kinh hãi quá, còn bao nhiêu người bị sốc và xung chấn đến tổn thương tâm lý thì không đếm được. Và ngay chiều hôm đó hàng trăm công nhân đã đình công vì không thể chịu đựng nổi sự kiện bạo hành cả về thân xác và tâm lý như vậy. Sự kiện trầm trọng đến mức UBND huyện Hoằng Hóa đã phải vào cuộc, chỉ đạo Liên đoàn Lao động huyện làm việc với đại diện nhà máy. Ông Hà Xuân Thành, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện cho biết, sau khi xác minh chủ quản Công ty giày Hong Fu Việt Nam ép công nhân dính keo 502 vào tay là có thật, phía Liên đoàn đã đề nghị công ty đình chỉ công tác với ông A Vương.

Đó là tảng băng nổi của thông tin, giờ chúng ta hãy chìm sâu vào bản chất cũng như quá khứ để tìm hiểu căn rễ của vấn đề giữa ông chủ với người làm công. Vấn đề này đã được triết gia Socrate bàn rất kỹ, và được triết gia Platon ghi lại và bổ sung trong cuốn "Cộng Hòa". Một cuốn sách có giá trị tới mức có thể coi đó như là mô hình lý thuyết để thành lập nhà nước dân chủ, cộng hòa trên toàn thế giới trong suốt quá trình lịch sử, cho đến tận ngày nay vấn đề của nó vẫn luôn sống thực, mới mẻ, và chẳng bao giờ cũ.

Theo Socrate, thì toàn bộ sự tranh giành, xâu xé, trong sự phát triển của loài người đều nằm trong mâu thuẫn giữa ông chủ và người làm công. Ông chủ thì bao giờ cũng muốn đầu tư ít, lãi cao. Muốn thế ông ta tìm cách chi phí ít nhất, chẳng hạn khi làm nhà xưởng, hay công cụ, lẽ ra phải làm nhà cao cho công nhân thoáng mát thì ông chủ chi tiêu ít, làm nhà thấp xuống, hàng loạt vụ cháy nhà xưởng hay tàu chìm ở Việt Nam đã là chứng cứ cho quan điểm này, người ta tìm cách chi tiêu ít, thiếu an toàn và đem vào khai thác sử dụng, kết quả dẫn đến tai nạn thật thương tâm.

Kế đến, ông chủ ăn bớt hay ăn quịt tiền lương của công nhân, thêm nữa còn lờ đi hay rút bớt tiền an sinh hay bảo hiểm của họ. Khi ông chủ làn thế thì công nhân đã làm gì? Người làm công không làm gì được, liền lãn công, ăn cắp giờ công, xểnh ông chủ ra là nằm ngủ, rồi còn ăn bớt, ăn cắp nguyên liệu đem ra ngoài bán để bù vào lương.

Chủ và thợ càng lúc càng hình thành tương quan hằn thù, chủ không có lãi bèn dùng bạo lực để xiết chặt, nào đánh đập, bắt làm việc thêm giờ, rồi ăn chặn tiền lương, thậm chí đuổi việc người nào cứng cổ. Chủ càng làm vậy, công nhân càng phẫn uất, họ thừa cơ đạp đổ chủ. Chủ liền gọi cảnh sát, quân đội can thiệp, thế là mâu thuẫn sống còn giữa chủ và thợ xảy ra…

Một nhà xưởng, một nông trường, hay một cái chợ mãi mãi ấp ủ mâu thuẫn nếu như ai ai cũng theo đuổi lợi ích của riêng mình. Người bán muốn bán đắt, người mua muốn mua rẻ. Và người ta chỉ có thể đạt được hòa bình khi cả hai đều tiến đến nền cộng hòa. Nếu anh là chủ không bóc lột tôi, thì tôi là thợ tôi sẽ không lãn công, bớt giờ làm, ngang ngạnh chống đối. Nếu ở chợ cả hai người mua và bán đều thuận mua vừa bán thì sẽ đều vui vẻ.

Vấn đề công ty liên doanh, sản xuất hay đình công ở một số công ty Việt Nam đã có nhiều chuyên gia phân tích, người ta cho rằng về lâu dài nền công nghiệp Việt Nam không thể phát triển nếu chỉ dựa vào khai thác nhân công giá rẻ mà phải nâng cao tay nghề cùng với mức độ nâng cao thu nhập, chất lượng an sinh, và bảo hiểm đầy đủ cho công nhân. Chỉ khi những người công nhân tự giác lao động hết sức mình với tay nghề cao cấp thì mới có được những sản phẩm cạnh tranh cao cấp. Một khi những sản phẩm mang tính cạnh tranh cao, thì sự cạnh tranh bên trong giữa chủ và thợ sẽ bị tiêu trừ. Hy vọng đó sẽ là bài học hướng tới hoàn hảo cho cả ông chủ và người làm công. Để đất nước ta không còn phải thấy cái cảnh bạo hành “tân cổ điển” như đổ keo 502 lên tay người thợ nữa

Nguyễn Hoàng Đức
.
.
.