Chủ động ngăn chặn sự manh động của các đối tượng buôn lậu

Thứ Năm, 29/09/2016, 08:55
Vụ việc một cán bộ Quản lý thị trường tỉnh Long An bị các đối tượng buôn lậu thuốc lá đánh tử vong trong lúc bắt giữ thuốc lá lậu đã khiến dư luận cả nước phẫn nộ. Từ vụ việc này cho thấy một thực tế, buôn lậu vô cùng phức tạp tại khu vực giáp ranh biên giới, nhất là hành động côn đồ, coi thường pháp luật của các đối tượng buôn lậu rất cần các cơ quan chức năng phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc…


Tiếc thương người cán bộ chống buôn lậu

Chiều ngày 19-9, Thượng tá Nguyễn Minh Sáng - Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Long An - cho biết: "Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Lê Thành Nhân (tự Bi, 34 tuổi, ngụ ấp 4, xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ) để điều tra tội danh giết người". Lê Thành Nhân chính là đối tượng trực tiếp đánh chết anh Nguyễn Kim Danh (46 tuổi)- cán bộ Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 huyện Đức Huệ - Đức Hòa (thuộc Chi cục QLTT Long An).

Đến tối 20-9, đã có thêm nghi can ra đầu thú là Nguyễn Minh Hùng (38 tuổi, ngụ ấp 3, xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ). Đối tượng này đã đến Ban chuyên án của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An đầu thú và khai nhận sự việc sau một vài ngày bỏ trốn qua Campuchia.

Bước đầu, Hùng khai Lê Thành Nhân mới chính là chủ hàng của lô thuốc lá lậu bị Đội QLTT số 1 huyện Đức Huệ - Đức Hòa thu giữ vào đêm 15-9. Còn Hùng chỉ là người làm "nài" (nhận chuyển hàng thuê) cho Nhân. Điều đáng nói là trước đó, Nhân lại khai Hùng mới là chủ lô hàng thuốc lá lậu.

Nhân cũng khai nhận, trong lúc nhậu với nhóm bạn ở xã Bình Thành, huyện Đức Huệ, nghe tin xuồng vận chuyển thuốc lá lậu bị QLTT bắt giữ, Nhân đã nhảy theo chiếc vỏ lãi có nhiều thanh niên đang chờ sẵn và tham gia truy sát những cán bộ thi hành công vụ, sau đó đã khiến anh Danh bị đánh tử vong. Chính Nhân khai nhận đã cầm cây "quơ trúng" làm anh Danh chấn thương đầu, ngã xuống nước tử vong.

Tang vật của một vụ bắt giữ thuốc lá lậu.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Công an tỉnh Long An đã thành lập Ban chuyên án do Đại tá Phạm Hữu Châu, Phó Giám đốc Công an tỉnh làm Trưởng ban để điều tra vụ án. Sau khi vào cuộc, các trinh sát đã sàng lọc được 12 đối tượng có mặt tại thời điểm xảy ra vụ việc. Các đối tượng đã được triệu tập lên để lấy lời khai. Tuy nhiên, lúc đầu chỉ có 11 đối tượng có mặt, còn Hùng bỏ trốn, sau đó mới ra đầu thú.

Cũng liên quan đến vụ việc này, 9 xuồng máy, 12 đai thuốc lá lậu (1 đai có khoảng 50 đến 60 cây thuốc), 1 điện thoại là tang vật tại hiện trường vụ án đã bị Cơ quan Công an tạm giữ để phục vụ cho công tác điều tra.

Trước đó, vào khoảng 23h ngày 15-9, tổ công tác gồm 4 người của Chi cục QLTT tỉnh Long An tổ chức phục kích trên sông Vàm Cỏ (đoạn qua địa phận huyện Đức Hòa, Long An) đã bắt được một xuồng máy chở thuốc lá lậu với số lượng khoảng 9.000 bao thuốc. Đối tượng vận chuyển đã bỏ phương tiện tẩu thoát nên tổ công tác tiến hành thu giữ tang vật.

Trên đường đưa tang vật về trụ sở để xử lý, bất ngờ một nhóm người điều khiển nhiều vỏ lãi (thuyền máy) truy đuổi theo lực lượng chức năng để cướp lại số tang vật kia. Do nhóm người này khá đông nên tổ công tác đã tăng tốc chạy và gọi thêm lực lượng hỗ trợ. Tuy nhiên, một đối tượng điều khiển vỏ lãi đã đuổi kịp và dùng cây đánh thẳng vào tổ công tác. Cú đánh mạnh khiến anh Nguyễn Kim Danh rơi xuống sông và tử vong.

Anh Danh ra đi để lại người mẹ già gần 80 tuổi, vợ trẻ và hai con thơ dại (cháu lớn 13 tuổi, cháu nhỏ 11 tuổi). Anh Danh vào công tác trong ngành QLTT từ năm 1997, được đơn vị phân công công tác ở nhiều địa bàn khác nhau. Dù xa gia đình, nhưng anh vẫn vui vẻ nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Từ tháng 1-2016, anh Danh được Chi cục điều động từ Đội 4 (Bến Lức) về công tác tại Đội 1 (Đức Hòa). Trải qua quá trình công tác, anh Danh luôn được bạn bè, đồng nghiệp quý mến, có nhiều đóng góp trong công tác phòng, chống buôn lậu và đã được các cấp, ngành khen thưởng.

Theo lời người mẹ của anh Danh thì anh là một trong 5 người con (4 trai, 1 gái) của vợ chồng bà. Cha anh hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, khi bà mới mang bầu được vài tháng và cũng chưa tròn 30 tuổi. Kể từ đó bà một mình nuôi các con khôn lớn mà không đi bước nữa. Ngồi gần bên quan tài con trai, người mẹ già thất thần với gương mặt đau khổ chẳng nói thành lời.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Nhan Huỳnh Thị Trân nghẹn ngào kể lại: "Chiều hôm ấy, ăn xong bữa cơm là anh ấy bảo phải đi gấp vì yêu cầu công việc. Trước khi đi, anh ấy chỉ kịp chúc hai con Trung thu vui vẻ rồi vội vã dắt xe đi làm. Không ai ngờ được đó là lần cuối cùng anh trò chuyện với vợ con rồi chẳng bao giờ trở về nữa…!".

Theo lời chị Trân thì hai con đứa học lớp 7 đứa học lớp 5 đang tuổi ăn tuổi lớn, chưa kể người mẹ già cần người chăm sóc đỡ đần, sự ra đi của anh Danh sẽ khiến chị thêm nhiều vất vả, gian nan, trong khi lâu nay chị chỉ làm công việc nội trợ; rồi đây một mình chị phải cáng đáng mọi việc, không biết tương lai sẽ ra sao.

Theo ông Trần Hùng, Phó Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia (chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả), dù anh Danh không nằm trong lực lượng vũ trang, nhưng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia sẽ đề nghị cấp trên xem xét công nhận anh là liệt sĩ để ghi nhận sự hy sinh của anh.

Cần xử nghiêm các đối tượng coi thường pháp luật

Theo ghi nhận của chúng tôi, tình hình buôn lậu thuốc lá ở vùng biên giới giáp ranh giữa Long An và Campuchia vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Với thủ đoạn hết sức tinh vi, đối tượng buôn lậu thường kết hợp cả đường thủy (qua sông Vàm Cỏ Tây) và đường bộ gồm nhiều tuyến đường để vận chuyển thuốc lá.

Gần đây, mỗi lần bị lực lượng chức năng chặn bắt và thu giữ tang vật, các đối tượng buôn lậu thường hung hãn manh động, huy động đồng bọn, các đối tượng côn đồ tổ chức chống trả, cướp lại tang vật gây rất nhiều nguy hiểm cho lực lượng chức năng, khiến tình hình an ninh trật tự thêm phức tạp.

Ghe máy dùng để vận chuyển thuốc lá lậu.

Với đặc điểm đường biên giáp với Campuchia, đường thủy bộ kết hợp nên khu vực này là điểm nóng của tình trạng buôn lậu thuốc lá. Đáng chú ý, Long An lại liền kề với TP Hồ Chí Minh, thị trường tiêu thụ thuốc lá cực lớn cũng là nguyên nhân khiến nạn buôn lậu qua đây rất phức tạp.

Cụ thể, đường đi của thuốc lá lậu là vận chuyển bằng ghe máy rồi vận chuyển thuốc lá men theo sông Vàm Cỏ Đông đến địa điểm thuận lợi thì tập kết, đưa lên từng xe gắn máy để các nài chuyên chở bằng đường bộ, men theo các tuyến đường tỉnh lộ để về Hóc Môn, Bình Chánh - TP Hồ Chí Minh. Thường mỗi ghe vỏ lãi có thể chở được hàng chục nài thuốc và mỗi xe máy cũng chở được 1 nài. Mỗi nài ước tính có gần một ngàn bao thuốc.

Hành vi chuyên chở thuốc lá lậu bằng xe máy của các nài thời gian qua cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm cho người tham gia giao thông và cả lực lượng chức năng theo dõi, kiểm tra bắt giữ. Thực trạng này đã được các phương tiện truyền thông đưa tin phản ánh, cảnh báo thường xuyên nhưng có vẻ tình hình vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Ngoài sử dụng xe gắn máy để vận chuyển thuốc lá lậu, các đối tượng buôn lậu còn dùng cả xe du lịch, xe tải… Để tránh sa lưới lực lượng chức năng, các đầu nậu còn bố trí cả "chim mồi" tiền trạm và canh chừng trước trụ sở của lực lượng chức năng, thấy an toàn mới điện thoại cho đồng bọn xuất phát, hoặc đi "tiền trạm" trên các trục đường để nếu có gì sẽ thông báo cho nhau để tránh.

Theo tìm hiểu thì hiện nay đa số thuốc lá lậu được vận chuyển theo hình thức "sang tay". Theo đó, khâu đầu tiên là vận chuyển từ biên giới qua đường thủy, khâu thứ 2 vận chuyển về điểm tập kết xe máy, rồi xe máy lại đưa về thành phố trước khi được đưa đi bán lẻ ở các điểm khác nhau. Mỗi khâu đó, các đối tượng buôn lậu coi như đã mua trọn số thuốc đó bằng tiền mặt chứ không phải vận chuyển thuê cho các chủ đầu nậu thuốc như trước nữa.

Ngoài ra, theo tìm hiểu thì mỗi gói thuốc (như thuốc Jet) hiện nay ở Campuchia chỉ có giá khoảng 10-12 ngàn đồng nhưng tại TP. Hồ Chí Minh, giá mỗi gói lên đến 20-22 ngàn đồng (bán lẻ). Chính vì mối lời lớn như vậy nên nếu chẳng may bị lực lượng chức năng như quản lý thị trường phát hiện bắt giữ thì coi như chúng mất cả vốn lẫn lãi khiến chúng tìm mọi cách lấy lại bằng được số hàng.

Điều đáng nói là các đối tượng buôn lậu thường huy động số đông đi theo, có khi lên đến hàng chục người và tỏ ra rất hung hãn, nếu gặp lực lượng chức năng, chúng sẵn sàng cùng nhau cầm hung khí chống trả và cướp lại số hàng đã bị thu giữ.

Theo ông Nguyễn Anh Việt - Chi cục trưởng Chi cục QLTT Long An, tình trạng đối tượng buôn lậu chống trả lực lượng làm nhiệm vụ để cướp lại hàng thời gian qua xảy ra thường xuyên, nhưng tấn công làm tử vong cán bộ thì mới xảy ra lần đầu. Thực tế này thể hiện thái độ bất chấp, xem thường pháp luật của các đối tượng buôn lậu. Do đó, cần phải có chế tài đủ mạnh để răn đe, xử lý nghiêm minh.

Một đồng chí lãnh đạo Phòng 6, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu(C74), Bộ Công an cho biết thêm, hoạt động buôn lậu, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu ngoại nhập lậu gần đây diễn biến phức tạp trên địa bàn tuyến biên giới Tây Nam.

Thủ đoạn buôn lậu là lợi dụng địa bàn biên giới khó khăn với nhiều đường mòn, lối mở và chủ yếu hoạt động vào ban đêm. Hàng hóa không được tập kết trong nhà hoặc kho mà để tại các khoảng đất trống, phân công đối tượng canh giữ chờ người đến nhận hàng. Nếu bị lực lượng chức năng đến bắt giữ thì chạy thoát thân để lại hàng hóa, phương tiện nên rất khó trong việc bắt giữ, xử lý đối tượng.

Để an toàn cho lực lượng chức năng nên mỗi lần "đánh án" thường huy động nhiều lực lượng và lên kế hoạch chặt chẽ, chi tiết để hạn chế đến mức thấp nhất những nguy hiểm có thể xảy ra khi các đối tượng buôn lậu tổ chức đánh cướp lại hàng. Bên cạnh đó, các đối tượng cầm đầu, bảo kê việc vận chuyển đều không trực tiếp ra mặt, mà thường điều hành đường dây vận chuyển qua điện thoại, không để lại chứng cứ vật chất nên rất khó bắt giữ, xử lý đối tượng cầm đầu.

Ánh Xuân-Ngọc Chi
.
.
.