Chú lùn vượt lên định mệnh và thiên tình kỳ diệu với “nữ lực sĩ” xứ Kinh Bắc

Thứ Tư, 19/09/2012, 10:05
Tôi gặp “chú lùn” vào một buổi trưa nắng như thiêu như đốt ở đường Nịnh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Nhìn chú lùn nhỏ bé đang cố lê những bước chân vội vã như đã quá mệt mỏi, không thể đẩy nổi chiếc xe đạp chất đầy củi khô qua những ổ gà. Tôi dừng xe bên đường đẩy giúp, chú lùn nhìn ân nhân rồi thở phào, cảm ơn. Dừng lại ở ngôi nhà nhỏ, nằm lọt thỏm ở cuối làng, chú lùn rót nước mời khách rồi thiên tình kỳ diệu của anh với “nữ lực sĩ” xứ Kinh Bắc được tái hiện như chuyện cổ tích thời hiện đại.

Vượt lên số phận

Ngồi bệt bên kệ gỗ gần như mục nát, trong ngôi nhà rộng chưa đầy 15m2, chú lùn kể cho tôi nghe về cuộc đời truân chuyên của mình với giọng đứt quãng vì quá mệt mỏi. Chú lùn có tên là Nguyễn Huy Thuyết, là người con thứ 4 trong một gia đình thuộc diện nghèo nhất nhì ở xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Bố mẹ chú lùn đều là những người nông dân chất phác, dù hoàn cảnh gia đình quá đỗi khó khăn, nhưng ông bà vẫn hết mực yêu thương nhau. Đứa con đầu lòng ra đời là kết quả của một tình yêu đẹp. Tiếp đó người con thứ 2, thứ 3 rồi Thuyết (thứ 4) ra đời làm ông bà vui mừng khôn xiết bởi lúc đó gia đình đã có đủ nếp, đủ tẻ. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, càng lớn lên chú lùn càng bé nhỏ lại. Ở cái tuổi bẻ gãy sừng trâu, chú lùn chỉ cao 1m, nhìn cậu con trai tí hon ông bà lại xót xa.

Bồi hồi nhớ lại những ngày tháng mới sinh ra người con tý hon, bà Nguyễn Thị Cấp (mẹ chú lùn) kể với giọng trầm buồn: “Lúc mang bầu tôi bị động kinh, đến lúc sinh ra chân tay nó ngắn củn đủn, nặng chỉ có 1,5kg như cái chai bia ấy. Thấy nó ra vậy, tôi lo lắm. Tôi bảo với ông nhà: “Liệu thằng Thuyết nhà mình nó có lớn được không hả ông?”. Không biết ông nói thật hay cố đùa để tôi đỡ lo mà thẳng thắn “Nó sẽ lớn chứ! Giờ nó còn bé chứ lớn lên nó sẽ khác. Ít nhất cũng phải cao 1,6m như tôi”.

Thời gian cứ thế trôi qua, bằng sự quan tâm, động viên của người thân trong gia đình và bạn bè, chú lùn cũng dần vượt qua mặc cảm về hình thể để vươn lên trong cuộc sống. Nhờ có trí nhớ tốt, chịu khó học tập nên nhiều năm liền chú lùn đều đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường. Là tấm gương sáng của bạn bè, niềm tự hào của bố mẹ, thầy cô. Thế nhưng, học đến lớp 7/10 (lúc bấy giờ), do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, nhà có 6 anh em ăn học, nghĩ mình tật nguyền nên chú lùn đã gác bút, ở nhà phụ giúp bố mẹ để anh, chị em tiếp nối ước mơ trở thành thầy cô giáo thay mình.

Sau khi gác bút ở nhà, dù dáng người nhỏ bé, nhưng bù lại chú lùn lại khỏe như một con trâu mộng. Hàng ngày chú lùn lăn lộn khắp các cánh đồng trong toàn huyện, mò cua, bắt tép bán kiếm tiền để phụ giúp gia đình. Đến lúc có chủ trương chăn trâu đổi công, chú lùn đã bàn với bố mẹ nhận chăn trâu cho xã. Sợ đứa con bé nhỏ của mình không chăn nổi, lỡ để mất một con không biết lấy gì mà đền, nên ông bà đã khuyên con từ bỏ ý nghĩ. Thế nhưng, chú lùn vẫn nhất quyết bảo, bố mẹ hãy để cho con chăn trâu, con dù bé nhỏ nhưng con có sức khỏe. Xin bố mẹ đừng lo.

Trước sự quả quyết của con, các cụ cũng chỉ còn biết nói câu: “Thôi trời không chịu đất thì đất phải chịu trời vậy”. Được bố mẹ chấp thuận, chú lùn đã lên xã viết đơn nhận chăn hàng chục con trâu với giá 10kg thóc/tháng. Mỗi sáng chú lùn lùa trâu ra đồng chăn, tranh thủ những lúc trâu ngoạm cỏ chú lùn lại kiếm con cua, con tép. Đến chiều lại lùa về. Cứ thế, suốt 3-4 năm trời, chú lùn đã giúp gia đình kiếm được một khoản thu nhập kha khá, để bố mẹ trang trải cho anh, chị em ăn học đến nơi đến chốn. 

Thiên tình kỳ diệu

Anh Thuyết và chị Huệ.

Số phận tuy đã lấy đi của anh Thuyết chiều cao và cân nặng, bắt anh phải ngụp lặn trong sự dị nghị của người đời. Thế nhưng, anh vẫn còn khối óc và bàn tay, bằng ý chí và tính cần cù chịu khó, Thuyết cũng kiếm được những đồng tiền ít ỏi để lo chu toàn cho gia đình. Để làm được điều đó, phải kể đến chị Nguyễn Thị Hồng – người đã không màng danh lợi, sắc đẹp đổi lấy giàu sang mà đã trao cuộc đời mình cho Thuyết. Đến nay tình yêu ấy đã đơm hoa, kết trái và làm nên một thiên tình sử đẹp như chuyện cổ tích thời hiện đại.

Chính nghị lực sống, chịu khó và không ngừng vươn lên của chàng lùn đã khiến trái tim Hồng lay động. Dẫu rằng Hồng là một thiếu xinh đẹp, cao to, ở làng Cháy, xã Phù Chẩn (huyện Tiên Du, Bắc Ninh) nhưng cô lại không tỏ ra kiêu sa, đặt chỉ tiêu trong việc chọn đấng phu quân cho cuộc đời mình. Bản thân Hồng quý chú lùn cũng chỉ bởi chú lùn có đức tính kiên trì, không đầu hàng số phận. Đặc biệt hơn, dẫu chú lùn mang hình thể thấp bé nhẹ cân nhưng bù lại, chú có thừa một trái tim luôn nói ra những lời chân thành. Cũng vì lẽ đó mà như nhân duyên trời định, tạo hóa đã đưa lối để họ gặp nhau, nguyện cùng nhau viết nên một thiên tình sử tưởng chừng như không bao giờ chạm tay tới.

Chị Hồng tâm sự: “Cuộc sống chả có gì bằng phẳng cả, con người ta hạnh phúc, giàu sang cũng từ chính đôi bàn tay và trái tim mình. Người tôi chọn lấy làm chồng dẫu là một chú lùn, thấp bé nhẹ cân nhưng đổi lại anh ấy là người đôn hậu, chất phác và chân thành, hiểu tôi đến từng ly từng tý”.

Còn với anh Thuyết, chị Hồng là sự bù đắp những khuyết thể mà ông trời ban tặng. Nhớ lại ngày đầu hân hoan, rước nàng về dinh trong sự mường tượng của gia đình và người dân khắp làng xã, chú lùn bồi hồi kể: “Thật ra mà nói thì có nằm mơ tôi cũng không giám nghĩ tương lai mình sẽ lấy được vợ, đặc biệt là một cô gái mười tám đôi mươi, xinh đẹp như Hồng. Mà nói thật là anh chàng lùn một khúc, gia đình lại quá đỗi nghèo nàn như tôi thì ai thèm lấy. Giả sử có cô nào chịu lấy, thì liệu họ có chịu ở với mình suốt đời không? hay lại vào mồng 3 ra mồng 7 thì xong”.

Nghĩ là vậy, nhưng bản thân anh Thuyết cũng không thể ngờ rằng, chỉ trong vòng một tuần theo bạn bè đi chơi, chú lùn đã lọt vào đôi mắt của một cô gái mĩ miều, nhà nằm cách chỉ có một cánh đồng. Đặc biệt hơn, không một ai có thể tưởng tượng nổi, đôi trai gái như đôi đũa lệch lại đến với nhau quá đỗi đơn giản và cũng thật bất ngờ.

Nói lấy nhau là thế, nhưng ít ai hiểu rằng để đến được với nhau, anh chị đã phải trải qua những tháng ngày buồn tủi đến đẫm lệ. Chị Hồng kể, lúc biết tin con gái lấy chồng lùn, gia cảnh nghèo khó, bố mẹ chị đã phản ứng kịch liệt. Thậm chí, bố mẹ chị còn tuyên bố sẽ đuổi chị ra khỏi nhà và cắt đứt tình máu mủ. Hiểu được nỗi lo của bố mẹ, chị lặng lẽ nhưng quyết liệt chứng minh ý định của mình là chín chắn, nghiêm túc. Có lẽ vì thế mà các cụ chỉ còn biết nói câu “thôi trời không chịu đất thì đất phải chịu trời vậy”.

Như sự bù đắp của tạo hóa và đúng như quy luật bù trừ, đám cưới của chàng lùn với cô gái xinh đẹp đã diễn ra trong niềm vui mặn chát, xúc động của hàng trăm người dân làng trên, xóm dưới. Những bài quan họ cổ giao duyên, lần lượt được các cụ ông, cụ bà và bọn trẻ cất lên càng làm cho mối tình của chú lùn và người con gái xinh đẹp xứ kinh Bắc càng trở nên tuyệt diệu.

Để chăm lo cho cuộc sống sau ngày cưới, đôi vợ chồng trẻ xin bố mẹ gian nhà nhỏ 15m2 ra ở riêng. Chú lùn nhận chăn trâu cho cả làng với giá 80.000đồng/tháng. Còn chị Hồng ngoài nhận làm 4 sào ruộng, chị còn chăn nuôi thêm đàn gà, đàn lơn. Hạnh phúc tưởng chừng như đã nằm trong tay, khi chị Hồng sinh ra cô con gái đầu lòng xinh xắn, đặt tên là Nguyễn Thị Hạnh (SN 1996). Thế nhưng, tiếp nỗi bi kịch của chú lùn, một thời gian sau Hạnh bỗng nhiên bé lại. Đến nay đã 17 tuổi, nhưng Hạnh chỉ cao 80 phân, năng 10kg.

Không nản lòng, chú lùn bàn với vợ cố sinh thêm đứa con thứ hai. Mong muốn rồi cũng thành hiện thực, khi cháu trai thứ hai ra đời thật kháu khỉnh và cao to như mẹ, đặt tên là Nguyễn Huy Phúc (SN 2000). Có thêm hai miệng ăn, cuộc sống gia đình chú lùn cũng như thêm cái nghèo. Trước cái khó cơm áo gạo tiền, chú lùn quyết định gia nhập vào một số trung tâm khuyết tật tư nhân, để đi biểu diễn ảo thuật kiếm tiền, với hi vọng vợ con bớt khổ. Thế rồi, cuộc đời nghệ sĩ làm ảo thuật của chú lùn bắt đầu từ đó. Còn chị Hồng, ngoài tất bật với đồng áng, những lúc nông nhàn chị còn đi gánh gạch thuê, đào đất, đập đá cho người dân khắp các xã trong toàn huyện. Cũng chính vì thế, thân người chị càng trở nên rắn rỏi, đúng như cái tên người dân khắp vùng thường hay gọi là “nữ lực sĩ” gánh gạch thuê.

Cuộc sống nghèo đói cứ thế trôi qua, nhưng cặp vợ chồng như đôi đũa lệch về hình thể vẫn hết mức yêu thương nhau và đồng tâm đến từng ý nghĩ. Với anh chị, dù cuộc sống có túng thiếu nhưng tình cảm mà hai người dành cho nhau thì không bao giờ tắt, chị cho anh tình yêu còn anh cho chị chỗ dựa tinh thần vững trái. Có lẽ vì thế mà cái nghèo cũng phải ghen tị với những tiếng cười thất thanh từ ngôi nhà nhỏ ở cuối làng.

Cũng vì lẽ đó, nên dù không phải là người đàn ông cao to vạm vỡ, tài ăn nói hơn người, nhưng với biệt tài làm ảo thuật, chú lùn cũng được coi là “niềm tự hào”, là lá cờ chủ chốt của một số trung tâm nghệ thuật mà nghệ sĩ, diễn viên hay ca sĩ là những người khuyết tật. Còn với Hồng, chị vẫn là người hậu phương đảm đang chăm lo nuôi dạy con cái, một lòng sắt son với tình yêu vượt qua mặc cảm, số phận của người chồng lùn

Lương Sơn
.
.
.