Chủ quyền lãnh thổ-chương trình nghị sự trọng tâm của ASEAN và EAS

Thứ Sáu, 01/11/2019, 22:03
Khi các thành viên ASEAN đặt ra lập trường Biển Đông tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35 và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 14 diễn ra ở Bangkok (Thái Lan) từ ngày 31 - 10 đến 4 - 11, ASEAN có thể phải giải quyết các vấn đề theo cách tập trung hơn, đặc biệt là thúc đẩy sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).


Theo bản dự thảo các tài liệu chính cho Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35 và Hội nghị cấp cao EAS lần thứ 14 (EAS) mà tờ Bangkok Post có được, các nhà lãnh đạo ASEAN và các đối tác đối thoại được đề nghị lưu ý đến hoạt động bồi đắp, cải tạo đảo trên Biển Đông và tái khẳng định sự cần thiết phải tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau, tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình trên Biển Đông. 

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35 và Hội nghị cấp cao EAS lần thứ 14 được cho là cơ hội để ASEAN đoàn kết và khẳng định vai trò trung tâm trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông.

"Bên cạnh 10 thành viên ASEAN, EAS sẽ bao gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và thêm Nga, Mỹ. Các nhà lãnh đạo EAS sẽ tái khẳng định tầm quan trọng của việc giữ gìn luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Một chương liên quan đến các vấn đề khu vực và quốc tế cho thấy các nhà lãnh đạo sẽ nồng nhiệt chào đón sự hợp tác tiếp tục cải thiện giữa ASEAN- Trung Quốc và được khuyến khích bởi tiến trình đàm phán COC", bài báo trên Bangkok Post viết.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương David R.Stilwell khi nói về vấn đề Biển Đông thì nhận định, trong tháng 10 và 11, Trung Quốc đang theo đuổi chính sách "tầm nhìn thay thế đàn áp" đối với ASEAN và tìm cách sắp xếp lại theo hướng có lợi cho Bắc Kinh. 

"Nếu Trung Quốc sử dụng nó để "hợp pháp hóa hành vi nghiêm trọng của mình và các yêu sách hàng hải bất hợp pháp", một bộ quy tắc ứng xử sẽ có hại cho khu vực và tự do biển cả ", ông David R.Stilwell nói trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ và bày tỏ quan ngại về cái mà Bắc Kinh gọi là "theo đuổi con đường hoà bình" qua đàm phán thiết lập COC. 

Quan điểm của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương là ASEAN phải tỉnh táo, thận trọng trước các chiêu trò của Trung Quốc trong đàm phán COC và cương quyết bảo vệ chủ quyền lãnh hải của các quốc gia trong khu vực.

Trong khi đó, theo quan điểm của tờ Modern Diplomacy, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 2019 có thể phải giải quyết các vấn đề theo cách tập trung hơn thay vì trả lời mẫu mà ai cũng có thể lường trước. Đầu tiên, ASEAN sẽ phải cam kết rõ ràng trong việc duy trì hiện trạng trên Biển Đông và không chấp thuận quan điểm của Trung Quốc về việc tham vấn song phương trong vấn đề Biển Đông. 

Thứ hai, ASEAN phải có lập trường mạnh mẽ trong việc hoàn thiện dự thảo COC với Trung Quốc về các điều khoản được chấp nhận đối với tất cả các bên yêu sách thay vì thực hiện các hướng dẫn của Trung Quốc. 

Thứ ba, ASEAN phải thành lập một ủy ban quyền lực cao về Biển Đông để đưa ra đối thoại và cũng nêu ra các vấn đề quan tâm liên quan mà không có bất kỳ sự sợ hãi hay ủng hộ nào đối với những hành động đơn phương, vi phạm pháp luật của Trung Quốc trên Biển Đông. 

"Việc Trung Quốc triển khai tàu khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thời gian qua cho thấy đây là một mồi nhử cho các hoạt động quân sự chiến lược của Bắc Kinh sau này và không có gì đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ không lặp lại chúng đối với các quốc gia khác. Cộng đồng quốc tế phải lưu ý đến các chiến thuật của Trung Quốc và phải đưa ra phản bác mạnh mẽ. 

Trung Quốc đã thiết lập cơ chế tham vấn song phương với Malaysia trên Biển Đông, hoàn toàn làm suy yếu vai trò và trách nhiệm của ASEAN với tư cách là một tổ chức hợp pháp cho các cuộc thảo luận như vậy. Điều này cũng báo trước rằng Trung Quốc có thể loại bỏ các bên yêu sách khác khỏi các cuộc tham vấn Biển Đông. 

Trong năm nay, Biển Đông trở thành điểm chính trong cuộc thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh EAS và cả trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN. Điều này sẽ giúp có được lực kéo cần thiết trong phương tiện truyền thông quốc tế và khu vực. Tóm lại, người ta có thể chứng kiến, trong hội nghị ASEAN này có sự cộng hưởng của "Một bản sắc ASEAN", Cộng đồng ASEAN. 

Quan hệ đối tác phát triển bền vững, ô nhiễm biển, khói mù, văn hóa, tin cậy chiến lược, hợp tác quốc phòng, quân y, an ninh mạng, tội phạm xuyên quốc gia, và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ được thảo luận. 

ASEAN sẽ phải xác định cách tiếp cận của mình để phát triển tổ chức, tiếp tục đáp ứng nhu cầu của khu vực và củng cố chính nó như một bản sắc đồng nhất. Câu hỏi lớn nhất là liệu ASEAN đã sẵn sàng cho vai trò của mình trong ASEAN 4.0 và trong chiến lược trên Biển Đông", tờ Modern Diplomacy phân tích.

Căng thẳng trên Biển Đông gia tăng từ tháng 7 khi Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực bãi Tư Chính. 

The Economic Times nhận định, những diễn biến mới nhất về tranh chấp trên bãi Tư Chính thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông báo hiệu việc Bắc Kinh không sẵn lòng tuân thủ UNCLOS, ráo riết tiến hành quân sự trên Biển Đông, trong khi tiếp tục đưa ra yêu sách "đường lưỡi bò 9 đoạn" để đòi chủ quyền vô lý.

Huyền Chi
.
.
.