Chuẩn bị cho ASIAD 18: Phải tính toán chặt chẽ, tiết kiệm

Thứ Năm, 03/04/2014, 13:00

Vẫn còn hơn 4 năm nữa để chuẩn bị và việc tổ chức thành công một sự kiện lớn như Asiad cũng sẽ chứng tỏ được vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Và hơn thế nữa, nếu nguồn kinh phí đi đúng nơi, đúng chỗ, không lãng phí thì lúc đó chúng ta sẽ có một Asiad 18 thành công toàn diện. Từ đó tạo đà phát triển các ngành du lịch, dịch vụ và thúc đẩy kinh tế cho đất nước.

Trong quá trình chuẩn bị cho Asiad 18 được tổ chức vào năm 2019, chuyện chi phí và... lãng phí đang được nhiều người đặt dấu hỏi. Theo đó dư luận đang tập trung vào hai vấn đề chính, một là việc kinh phí dành cho Asiad có thật chỉ dừng ở 150 triệu USD và nếu số tiền vượt ra khỏi dự tính quá nhiều thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Tiếp theo đó là việc đề xuất xây dựng các công trình phục vụ Asiad có giá cả nghìn tỷ như làng vận động viên, sân vận động lòng chảo có gây hoang phí hay không khi trước đó, chúng ta đã có những bài học nhãn tiền về việc tổ chức các sự kiện thể thao tầm cỡ quốc tế từ các nước bạn?

Bài học nhãn tiền

Nói về kinh nghiệm, bài học tổ chức sự kiện thể thao lớn như vậy, chúng ta có thể nhắc đến thế vận hội (TVH) Sochi được tổ chức tại Nga mới đây. Đây là một trong những TVH được cho là đắt đỏ nhất trong lịch sử với chi phí lên đến 50 tỷ USD. Tuy nhiên, khi sự kiện này còn chưa kết thúc, nhiều chuyên gia của Nga đã bày tỏ lo ngại về việc nhiều công trình, cơ sở được xây dựng phục vụ thi đấu sẽ bỏ hoang sau các cuộc tranh tài.

Ngoài TVH Sochi, hãy nhìn về các sự kiện trước đó nữa như TVH London 2012, TVH mùa hè 2008 ở Bắc Kinh hay TVH Athen 2004. Sau những sự kiện lớn này, hàng loạt công trình được xây dựng đã trở thành hoang phế. Lãnh đạo thành phố Bắc Kinh đã rất vất vả khi tìm mọi cách thu hút người dân đến với sân vận động Tổ chim và Trung tâm bơi lội quốc gia của Trung Quốc với mong muốn khai thác kinh tế từ những địa điểm này. Nhưng cho đến nay, hai cơ sở trị giá hơn 500 triệu USD này chỉ thu hút được người dân vào các ngày lễ hội, còn vào ngày thường thì chỉ được sử dụng như phông nền, hậu cảnh chụp hình cho du khách.

Còn tại London, việc tổ chức TVH từng được hứa hẹn sẽ làm hồi sinh khu phía đông thành phố nhưng các chuyên gia và người dân lại được chứng kiến các kết quả tốt xấu lẫn lộn. Trước sự kiện thể thao này, khu phía đông London giống như một công trường xây dựng đang thi công. Mọi thứ trở nên náo nhiệt khi TVH diễn ra nhưng khi mọi việc xong xuôi cũng giống như khi một gánh xiếc rời khỏi thành phố, để lại sau lưng là những công trình ngổn ngang và buồn tẻ. Nhưng hậu quả để lại cho Nga, Trung Quốc, Anh thật sự chưa thể "kinh khủng" như với Hy Lạp. Sau TVH Athen, Hy Lạp đã rơi vào cảnh kinh tế trì trệ, khánh kiệt khi tiêu tốn tới 9 tỷ euro để đem về những công trình bỏ hoang khó tận dụng.

Chẳng nhìn đâu xa, ngay ở Việt Nam, còn rất nhiều công trình thể thao đồ sộ, quy mô được xây dựng để phục vụ những sự kiện thể thao lớn trong khu vực giờ thành nơi cho thuê tiệc cưới, bán trà đá, nơi giữ xe, nơi chăn bò… sau khi hết sự kiện, thậm chí còn bỏ hoang như sân vận động quốc gia Mỹ Đình, nhà thi đấu Hoàng Mai, Gia Lâm, Cung thể thao Quần Ngựa…

Tất nhiên, không thể so sánh độ hoành tráng của ASIAD với TVH. Nhưng cũng không thể đem nền kinh tế đang gặp khó khăn của nước ta ra để so sánh với các cường quốc như Nga, Trung Quốc, Anh... Đành rằng nhờ ASIAD có thể đưa hình ảnh của đất nước ra bên ngoài thế giới, phát triển du lịch, phát triển kinh tê,ë nhưng liệu chúng ta đã có đủ khả năng, kinh nghiệm để tận dụng sự kiện lớn như vậy chưa?

Tính toán chặt chẽ, nếu không…?

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về cơ sở vật chất chuẩn bị cho ASIAD 18 thì chúng ta đã có sẵn khoảng 80%, nhưng đó chỉ là số đầu công trình. Vậy tại sao vẫn cần đầu tư khoảng 2.600 tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa, mở rộng, như lời Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết trong phiên giải trình của Chính phủ vào ngày 18/3? Đấy là chưa kể trên 3.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng mới các công trình thể thao cho các môn như: sân đua xe đạp lòng chảo, sân hockey, sân đua ngựa…?

Tuy nhiên, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn đề nghị xem xét lại hai dự án có tính rủi ro cao, đó là làng vận động viên và sân đua xe đạp lòng chảo. "Trong tình hình bất động sản hiện nay, chúng tôi kiến nghị không xây dựng làng vận động viên, thay vào đó, tập trung rà soát, thống kê hệ thống khách sạn hiện có trên địa bàn Hà Nội để bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ Đại hội. Với dự án sân đua xe đạp lòng chảo hơn 10.000 tỷ đồng, về mặt tài chính, chúng tôi cho rằng không khả thi (đầu tư và thu lại qua cá cược); về mặt luật pháp, nhà đầu tư khai thác sân đua và kinh doanh cá cược, nhưng đòi hỏi được ưu đãi mức thuế cao nhất thì ngoài pháp luật Việt Nam".

Nhà thi đấu Phú Thọ - Tp HCM thường được sử dụng làm hội chợ.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch Hoàng Tuấn Anh cũng đã khẳng định kinh phí 150 triệu USD chi cho ASIAD 18 "đã được tính toán". Theo ông Tuấn Anh, nói là đã có sẵn 80% số lượng công trình phục vụ thi đấu ASIAD nhưng để phục vụ thi đấu được cần khoảng 2.600 tỉ đồng nâng cấp, sửa chữa. Dự kiến các công trình xây mới cũng cần nguồn kinh phí 3.200 tỉ đồng nữa. Với hai phần này, tính cả đầu tư của địa phương vào thì là khả thi. Nghe lãnh đạo ngành Thể thao báo cáo, mới thấy chuyện "tiền tỷ" như… đùa. Đặc biệt dự án trường đua xe lòng chảo khiến nhiều người nghi ngại khi tốn khoản tiền là 200 triệu USD, tương đương 4.000 tỷ đồng. Số tiền này dù đã được một đối tác Hàn Quốc chấp nhận đầu tư, nhưng đổi lại, họ phải có quyền kinh doanh cá cược và ưu đãi thuế mức cao nhất.

Thật sự số tiền 150 triệu USD quả thật không lớn so với những gì chúng ta có thể thu được từ ASIAD, mức này ngang với tổng chi cho SEA Games cách đây 10 năm. Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là nếu vượt quá số tiền 150 triệu USD đó tới 3, 5, thậm chí là 10 lần thì tiền sẽ lấy ở đâu? Ai sẽ chịu trách nhiệm?

Phải đầu tư đúng chỗ

Từ khi bắt đầu nhận lời đăng cai ASIAD 18, đã có nhiều ý kiến phản đối việc nhận đăng cai một sự kiện thể thao lớn như vậy so với nước ta. Trong bối cảnh khó khăn về kinh tế, việc tổ chức ASIAD quả thực là một gánh nặng lớn dù một sự kiện quốc tế có khả năng thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ... Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, đã "phóng lao thì phải theo lao", Việt Nam rất khó bỏ cuộc khi đã nhận đăng cai và Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch này.

Sân vận động Mỹ Đình.

Cho tới thời điểm này, những môn thể thao Việt Nam có thành tích cao chủ yếu là thành tích cá nhân, việc phát hiện, đào tạo, phát triển đội ngũ VĐV vẫn chưa bài bản, thiếu chuyên nghiệp trong nhiều môn thể thao. Đến nay, vẫn có tới 58,8% HLV có trình độ trung cấp. Cũng trong phiên điều trần của Chính phủ ngày 18-3, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương bình luận: "Tôi nghĩ không ít thành tích trong thể thao Việt Nam là do ăn sẵn, tức do gia đình và cá nhân người ta tự đầu tư chứ không phải là đầu tư bài bản của Nhà nước".

Ở Việt Nam cứ "đến hẹn mới lên", tức là khi có sự kiện nào đó vận động viên mới được tập trung để luyện tập, chuẩn bị cho thi đấu, chứ không có chuyện đầu tư tiền bạc, công sức để đào tạo ra những lớp vận động viên chuyên nghiệp từ khi còn nhỏ như ở nước ngoài, nên bao giờ thành tích của chúng ta cũng chỉ đứng hàng thứ yếu ở Đông Nam Á, chứ chưa nói gì đến châu lục và quốc tế. Cơ sở vật chất hiện đại nhưng không có vận động viên giỏi thì không bao giờ có được thành tích cao cũng như vị thế trên đấu trường quốc tế.

Liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản phục vụ ASIAD 18, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nêu ý kiến: "Với một sự kiện lớn và tầm cỡ quốc tế như Á vận hội, không thể không xây dựng những công trình đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để sau đại hội, các công trình này phát huy hiệu quả, không bị xuống cấp. Nên nhìn về ASIAD bằng sự tích cực vì dù sao Việt Nam cũng đã nhận quyền đăng cai rồi. Đây cũng là cơ hội để ngành VH-TT-DL khắc phục những yếu kém trong việc quản lý các công trình, khai thác tốt những hạ tầng có được sau ASIAD".

Vẫn còn hơn 4 năm nữa để chuẩn bị và việc tổ chức thành công một sự kiện lớn như Asiad cũng sẽ chứng tỏ được vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Và hơn thế nữa, nếu nguồn kinh phí đi đúng nơi, đúng chỗ, không lãng phí thì lúc đó chúng ta sẽ có một Asiad 18 thành công toàn diện. Từ đó tạo đà phát triển các ngành du lịch, dịch vụ và thúc đẩy kinh tế cho đất nước.

GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc hội: Nên rút lui vì không đủ kinh phí tổ chức!

"Nếu mình đăng cai Asiad thì mình phải xã hội hóa được, phải thu được lãi thì mới làm. Còn tất cả đều phải bỏ kinh phí nhà nước ra, khách du lịch đến mình không bán được hàng cho mình lại bán hàng cho người khác, mình không có hàng để bán thì làm làm gì. Thành tích của vận động viên mình cũng không đứng hàng đầu châu lục, mình đứng ra tổ chức thì mình mất tiền. Cho nên thứ nhất là phải xã hội hóa, kinh doanh hiệu quả. Thứ hai là kích thích được sản xuất, bán hàng hóa. Thứ ba là bảng thành tích hàng đầu châu lục thì hãy nên tổ chức, còn không lại giống kiểu "mua pháo cho người khác đốt" Tiền mình bỏ ra tổ chức nhưng cuối cùng lại để người khác đến giành huy chương thì mình làm làm gì.

Các kì Asiad trước đó, các nước chủ nhà sau khi đăng cai xong, chi phí đã "đội giá" lên hàng chục lần. Đơn cử như năm 2002, Hàn Quốc đăng cai tổ chức Asiad 14 ở thành phố Busan. Chi phí dự tính ban đầu là 167,4 triệu USD nhưng sau đó tổng chi đầu tư lên đến 2,9 tỉ USD.Năm 2006, Qatar tổ chức Asiad 15 ở thành phố Doha. Để tổ chức giải đấu này Qatar đã chi khoảng 2,8 tỉ USD. Năm 2010, Trung Quốc đăng cai Asiad 16 ở thành phố Quảng Châu. Ban đầu các nhà tổ chức ước tính chi phí sẽ không quá 317,8 triệu USD nhưng sau cùng lại lên đến 17 tỉ USD. Như vậy, với dự tính ban đầu là 150 triệu USD, liệu kinh phí thực tế có vượt qua dự tính nhiều lần như những gì các chuyên gia dự đoán.

Ngọc Trâm - Lê Phong
.
.
.