Chung cư cũ bao giờ được "giải cứu"?

Thứ Hai, 11/07/2016, 10:04
Một vấn đề tưởng là nhỏ nhưng được chính quyền các thành phố lớn mang ra bàn thảo rất nhiều từ… thế kỷ trước, vị nào cũng thấy bức xúc, rồi ban hành các loại văn bản, song cuối cùng các văn bản này lại bị xếp vào tủ. Mọi việc lại đâu vào đấy, nghĩa là các giải pháp không phù hợp, thiếu thuyết phục, không đảm bảo lợi ích giữa các bên. Đó là việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ nát trên địa bàn thành phố.


Đến thời điểm này, có thể nói cảnh quan đô thị ở những thành phố lớn đã khang trang, hiện đại nhiều. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại không ít chung cư cũ nát, xuống cấp nghiêm trọng khiến cho bộ mặt đô thị không những lem nhem mà người dân sống ở đây cũng đêm ngày nơm nớp lo sợ bởi tai họa có thể ập xuống bất cứ lúc nào.

Khảo sát thực tế cho thấy, tại các đô thị trên cả nước (tập trung nhiều nhất tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) vẫn còn tồn tại nhiều nhà chung cư và công trình công cộng được xây dựng từ lâu, đã hết niên hạn sử dụng, chất lượng bị xuống cấp.

Nhiều công trình đã hư hỏng, có dấu hiệu lún, nứt, nghiêng, gây mất an toàn nghiêm trọng cho người sử dụng và trên thực tế đã xảy ra những sự cố đáng tiếc như sập, đổ công trình, gây thiệt hại lớn về người và tài sản (điển hình là trường hợp đổ một phần tòa nhà 107 Trần Hưng Đạo, Hà Nội).

Minh họa của Lê Tâm.

Qua điều tra cơ bản cho thấy, tới thời điểm này, Hà Nội có 42 tòa chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó có 2 tòa nhà có mức độ nguy hiểm cấp D, 39 tòa nhà có mức độ nguy hiểm cấp C và 1 tòa nhà có mức độ nguy hiểm cấp B. Tại TP. Hồ Chí Minh hiện có 533 chung cư, nhà tập thể xây dựng trước năm 1975.

Trong số đó, rất nhiều khu chung cư đã hư hỏng, xuống cấp nặng và có thể sập bất cứ lúc nào. Chính quyền thành phố đang lên dự kiến di dời, tháo dỡ khoảng 70 chung cư cũ nát với hơn 7.249 hộ dân đang sinh sống ở khu vực trung tâm.

Một vài con số điều tra cơ bản trên để thấy số lượng chung cư cũ khá lớn, kèm với nó là số dân cư sống ở đây bao đời nay cũng là con số không phải nhỏ. Phần đông trong số đó là có thu nhập thấp, không có điều kiện di dời đến những nơi khác sống.

Một thực tế nữa cũng gây khó khăn cho quá trình cải tạo các chung cư cũ, đó chính là vị trí đắc địa của những chung cư này. Được xây dựng cách đây vài chục năm, khi thành phố chưa mở rộng nên hầu hết những chung cư cũ đều nằm ở những khu vực trung tâm, nơi "tấc đất tấc vàng" nên rõ ràng sự thỏa thuận giữa chủ doanh nghiệp với chủ nhà không phải lúc nào cũng dễ dàng đạt được sự đồng thuận.

Nguyên nhân chính là do các công trình này trải qua quá trình sử dụng đã lâu, đan xen nhiều hình thức sở hữu, nhiều người sử dụng, thiếu sự quản lý chung. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình được ban hành trước đây chưa đầy đủ, chưa đồng bộ.

Mặt khác, do thiếu nguồn vốn và sự quan tâm của các cấp, các ngành dành cho công tác bảo trì, sửa chữa các công trình này nên việc quản lý, sử dụng cũng như công tác kiểm tra, đánh giá an toàn chịu lực đối với các công trình này chưa được kịp thời.

Mới đây, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn thành phố.

Nhiều phương án khả thi được đưa ra, trong đó có ý kiến khá thiết thực của một doanh nghiệp được nhiều người đồng tình: Nhà nước phải ngồi lại với doanh nghiệp, tham gia ngay từ đầu để bàn bạc với người dân xem giá nào là giá thị trường, từ đó bồi thường cao hơn cho dân. Thậm chí cho doanh nghiệp đấu thầu, đấu giá khu đất một cách công khai minh bạch, lấy tiền chia lại đều cho người dân.

Nếu đã có sự đồng thuận của đa số người dân thì làm còn những người không đồng thuận, chống đối, cố tình chây ì ở lại, lợi dụng sự ưu ái của nhà nước để trục lợi thì xử lý. Không chỉ hô hào là làm được mà cần phải có chính sách hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước.

Giải pháp đã có, quan trọng nhất vẫn là triển khai trong đời sống. Và để mục đích trở thành hiện thực thì người dân ở những nơi "sống trong sợ hãi" này tiếp tục chờ đợi không biết đến bao giờ.

Tuấn Nguyễn
.
.
.