Chứng nhân còn lại từ làng Hồng

Thứ Hai, 11/04/2016, 15:00
“Tôi được tìm thấy dưới lớp thi thể của gia đình. Sau khi mở mắt ra, xung quanh tôi, toàn máu và thịt, nhà cửa đang bốc cháy. Khi tôi được cõng đi, xác chết của bà con nằm khắp đường làng, ngõ xóm. Tôi nhìn lại những gì vừa chứng kiến rồi nghĩ cuộc đời côi cút sắp tới sẽ đi đâu về đâu”, ông Phạm Thành Công, một trong 30 chứng nhân còn sống sau sự kiện thảm sát Mỹ Lai, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi ngày 16/3/1968, tác giả cuốn hồi ký “Chứng nhân còn lại từ làng Hồng” kể lại.


Trong chuyến công tác Quảng Ngãi vừa rồi, tôi tình cờ gặp được ông Phạm Thành Công, một trong những người còn sống sau sự kiện thảm sát Mỹ Lai năm 1968. Cuốn hồi ký “Chứng nhân còn lại từ làng Hồng” (Nhà xuất bản Tổng hợp Hồ Chí Minh phối hợp với First New xuất bản) của ông ra mắt đúng dịp tưởng niệm 48 năm ngày thảm sát lịch sử này.

Ông Phạm Thành Công, một trong những chứng nhân còn lại của vụ thảm sát Mỹ Lai ngày 16/3/1968.

Vụ thảm sát Mỹ Lai (hay còn có tên gọi khác là thảm sát Sơn Mỹ) cách đây 48 năm đã làm rúng động toàn cầu khi 504 đồng bào vô tội Quảng Ngãi bị lính Mỹ cướp đi sự sống chỉ trong phút chốc. Trong 30 người ít ỏi còn sống sót đó, có ông Phạm Thành Công, lúc đó 11 tuổi. Số còn lại, theo lời ông kể giờ đây đã già yếu, bị tàn phế rồi cũng chết dần chết mòn hoặc nhớ nhớ quên quên vì tuổi tác. Cũng có một số người bỏ đi nơi khác sống, trôi dạt Nam Bắc rồi chết. Một số nữa không dám quay về vì vẫn còn kinh hãi trước những tội ác của lính Mỹ.

Ông Công năm nay đã 59 tuổi, hiện là Giám đốc Ban Quản lý Bảo tàng Chứng tích Sơn Mỹ. Mặc dù chiến tranh đã lùi xa nhưng trong lòng ông lúc nào cũng canh cánh về một “khúc ruột nào ta đó/ Vừa quặn đau theo tiếng khóc em thơ” cách đây 48 năm. Dự định viết lại những gì mình từng chứng kiến trong quá khứ đã có trong ông từ rất lâu rồi nhưng có nhiều lần đang viết, cơn xúc động cũ trào lên mạnh mẽ, ông phải buông bút giữa chừng. Ông nói: “Khi viết đến hoàn cảnh chính gia đình mình, nhớ lại những gì mình từng chứng kiến, tôi hoảng sợ và lòng lại cuộn lên một nỗi đau không tả nổi, cứ như mọi thứ đang diễn ra mồn một trước mắt mình”.

Phải đến năm 2014, ông mới trở lại viết sách với một quyết tâm lớn. Ông sắp đến tuổi nghỉ hưu rồi nên muốn làm một điều gì đó cho bảo tàng này bởi nếu không thì day dứt lắm. Đây là nơi ông đã công tác suốt 24 năm qua, nơi mà ngày ngày, ông vẫn sống bằng tưởng niệm riêng mình. Với lại, tại khu di tích này, mặc dù có nhiều hình ảnh, tư liệu quý và sinh động nhưng phần ký ức của nạn nhân thì lại thiếu. Do vậy, ông muốn viết lại ký ức đó để làm đầy đủ hơn hệ thống tư liệu cho bảo tàng, giúp thế hệ sau có thể biết, hiểu hơn về quá khứ. Chính những động lực đó làm ông cố hoàn thành cho xong cuốn hồi ký của mình.

Một góc Bảo tàng Chứng tích Mỹ Lai.

Tôi hỏi ông, mọi chuyện đã qua từ lâu nhưng ông có hay gặp lại cơn ác mộng đó khi ngủ không? Ông đăm chiêu một hồi, như nhớ ra một vệt hình ảnh rõ ràng nào đó: “Có chứ. Nhất là trong những ngày gần ngày thảm sát Mỹ Lai 16/3, những di chứng tang thương ấy đã hiện về, tôi mường tượng lại tất cả những gì đã xảy ra, không bỏ sót bất cứ một chi tiết nào”.

“Tôi lúc đó nằm dưới đống thi thể của gia đình tôi, gồm mẹ, chị và 3 đứa em. Cha tôi tham gia cách mạng, không ở nhà. Vào cái buổi chiều tôi được mọi người gọi trở dậy và đưa đi khỏi những đổ nát vụn vỡ ấy, khi mở mắt ra, điều đầu tiên mà tôi thấy (ám ảnh cho tới tận bây giờ) toàn máu và thịt người, xung quanh nhà cửa đang bốc cháy ngùn ngụt. Khi tôi được cha tôi, con trai bác ruột tôi là anh Bốn Hơn và anh Bảy (trốn thoát chạy về khi hay tin dữ) cõng đi, trên đường thấy xác dân làng tôi nằm la liệt khắp đường làng ngõ xóm. Một mùi hôi bốc lên vì thịt gia cầm, gia súc và thịt người trộn vào nhau lẫn lộn. Lúc đó, tôi hoang mang không biết rồi đây cuộc đời mình sẽ đi đâu về đâu”.

“Sau đó không lâu, cha tôi hi sinh, tôi chính thức trở thành kẻ mồ côi. Phải vài chục năm sau đó, tôi mới trở về, thăm lại căn nhà ấu thơ của mình – lúc đó chỉ còn trơ lại cái nền gạch trống rỗng. Tôi nhớ hết tất thảy những cảm giác đó. Và thỉnh thoảng, lời mẹ tôi trong cái ngày khủng khiếp đó lại vọng về, làm trái tim tôi vô cùng buồn bã: “Các con ơi, Mỹ nó bắn chết hết nhà bác Ba Đích rồi, nhà thím Sáu Trị cũng vậy. Nhà bác Hược con thì súng đang nổ. Chắc 6 mẹ con mình cũng chết mất thôi”. Những lúc như thế, vợ con tôi không muốn tôi viết tiếp nữa vì biết rằng, tôi đang đau khổ và tan nát như thế nào. Đó là những ngày côi cút nhất trong cuộc đời của tôi. Ký ức đó quá đáng sợ. Nó gặm nhấm ta từng ngày, từng ngày”, ông kể tiếp.

Ảnh chụp ông Phạm Thành Công năm 11 tuổi do một người Mỹ tặng bảo tàng.

Quá khứ khủng khiếp ấy dường như vẫn còn nguyên vẹn cho đến giờ. 3 lần bỏ bút giữa chừng cũng là 3 lần ông Công không đối diện nổi với sự thật ấy. Cuộc sống có nhiều cái cần buông bỏ thì hình như với ông, ông lại không muốn quên đi điều gì. Tất cả những riêng chung ấy đã được ông kể lại chi tiết trong cuốn hồi ký của mình.

Trong số những người khách đến Bảo tàng Chứng tích Sơn Mỹ tham quan và tìm hiểu, có nhiều người Mỹ (trong đó có không ít cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, từng tham gia vào chiến dịch “Tìm diệt” gây nên sự kiện thảm sát Mỹ Lai hoặc con cháu của họ). Tôi hỏi ông, khi đối diện với lòng mình, có những lúc ông không chịu đựng nổi, vậy thì khi đối diện với những người từng ở chiến tuyến bên kia, ông cảm thấy ra sao? Ông bảo quá khứ vĩnh viễn là một điều ông không bao giờ quên được. Trước đây, ông tham gia chiến tranh với một sự uất hận lớn, chỉ mong có thể trả máu cho cả gia đình. Nhưng sau hòa bình, nhất là từ khi công tác tại bảo tàng này, chứng kiến nhiều người Mỹ đến đây, thấy người ta khóc, người ta xin lỗi, thậm chí có người còn quỳ rụp xin tha lỗi và sám hối, lòng ông cũng không truy cứu nữa. “Đánh kẻ chạy đi, ai đánh người chạy lại”, ông cha ta bao đời nay là thế.

Bìa cuốn sách “Chứng nhân còn lại từ làng Hồng”, tác giả Phạm Thành Công.

 “Như hơn 500 đồng bào khác, những người thân yêu của tôi đã tức tưởi vĩnh biệt thế gian mà không kịp nhắn nhủ hay than trách một lời. Giờ đây, chỉ còn lại mình tôi giữa dòng chảy cuộc đời, trên nấm mồ hoang lạnh đã vùi chôn cả gia đình mình và những ký ức cay đắng xót xa đến tận cùng”, ông Phạm Thành Công, một trong những người sót lại của chiến dịch “Tìm và diệt” ngày đó, đã viết trong cuốn hồi ký của mình như thế.

Cách đây đã lâu, trong đoàn khách Mỹ đến đây, có người tặng lại cho bảo tàng bức ảnh một cậu bé Sơn Mỹ đang đứng giữa làng Hồng. Cậu bé đó chính là tác giả Phạm Thành Công, một trong những đứa trẻ sống sót ngày ấy. Chỉ tiếc là lúc đó, nhân viên bảo tàng quên hỏi tên và địa chỉ liên lạc của người chụp bức ảnh quý giá đó. Bức ảnh sau này được đưa vào làm bìa gấp ở phần thông tin tác giả của cuốn hồi ký “Chứng nhân còn lại từ làng Hồng”.

Đậu Dung
.
.
.