Chúng ta có năng động - sáng tạo không?

Thứ Tư, 11/12/2013, 13:00
Trong những bài học ở giảng đường, trong những bài báo, những diễn văn sáo rỗng lên tinh thần, chúng ta vẫn nghe những thứ đại loại như "người Việt Nam năng động, sáng tạo". Nhưng có lẽ, đã đến lúc chúng ta phải tự xem lại chính mình, nhìn lại chính thân mình, dám nhận định đúng đắn về những cái mình đang làm, đang có để đặt lại một câu hỏi: "Chúng ta có năng động, sáng tạo hay không?".

Và câu trả lời, dứt khoát không thể là KHÔNG. Bởi đó là một câu trả lời bi quan, tiêu cực và hơi có phần tự ti. Nhưng câu trả lời lại càng không thể là CÓ, nhất là khi chúng ta nhìn vào tất cả những gì đang diễn ra xung quanh ta, đặc biệt là ở giai đoạn kinh tế buồn như mấy năm qua. Chỉ cần điểm qua một vài diện mạo phụ của xã hội, chúng ta cũng đủ thấy mình không còn đủ dũng khí để thốt ra tiếng "CÓ" một cách dễ dàng nữa.

Ví dụ như chuyện ở làng bóng đá thôi, lãnh địa mà sẽ hâm nóng xã hội trong vài hôm nữa vì ĐT U-23 thi đấu ở Sea Games. Được biết, trong cuộc họp BCH LĐBĐ Việt Nam ngày 5/12 tới đây, Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ có thể sẽ từ chức để "vui thú điền viên" đúng như thỏa nguyện của ông. Nghe thì có vẻ văn minh, nhất là khi văn hóa từ chức ở Việt Nam gần như chưa có, nhưng thực chất, nó chỉ cho thấy sự trì trệ chứ chẳng phải năng động gì. Một ông chủ tịch mà cả nhiệm kỳ của mình toàn những chuyện lùm xùm không thể được giải quyết tới nơi tới chốn mà tới lúc này mới nghĩ tới chuyện từ chức thì thật quá muộn. Hơn nữa, với việc tới đại hội LĐBĐ Việt Nam vào đầu năm 2014 tới, kiểu gì ông cũng nghiễm nhiên phải nghỉ hưu, chuyện thổ lộ muốn từ chức ở thời điểm này thì thật khó bình luận điều gì cho phải phép.

Chính ông, trong buổi họp tổng kết mùa giải 2013, đã nói đại ý là: "Ở tuổi tôi, người ta nói mười từ may ra tôi nhớ có 3 thôi" mà còn cố điều hành nền bóng đá đến phút cuối sự nghiệp thì rõ ràng cái sự trì trệ nó đã lên đến đỉnh điểm rồi. Đấy chỉ là một ví dụ điển hình cho muôn vàn sự việc tương tự khác đang diễn ra ở các doanh nghiệp, tổ chức mà thôi. Và nó đủ để chúng ta quả quyết: Người Việt Nam hôm nay vẫn CHƯA năng động thực sự như chúng ta vẫn hay tự bảo nhau thế.

Trong khi đó, nhìn sang làng giải trí, cũng lắm chuyện cũ mà không cũ khiến tất cả phải nghĩ lại về cái gọi là Sáng Tạo của người Việt. Bao nhiêu năm nay, chúng ta kêu than ầm ĩ vì chuyện phim truyền hình Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc chiếm lĩnh sóng truyền hình của chúng ta, từ đài địa phương tới đài quốc gia. Nhưng bây giờ, không chỉ có phim của các nền điện ảnh mạnh ấy chiếm sóng nữa mà là phim của cả các nền điện ảnh khu vực, với tầm vóc cũng chẳng hơn chúng ta là bao nhiêu như Philippines, Malaysia… E rằng, với cái đà này, chỉ dăm năm nữa, có khi phim Lào, Cambodia, Myanmar cũng nghiễm nhiên lên sóng các Đài TH Việt Nam cũng nên.

Với cái giá đầu tư khoảng từ 150 tới 180 triệu đồng cho một tập phim truyền hình theo giá chung của một số nhà đài hiện nay, đúng là cũng khó để mà sáng tạo thật. Nhưng các nhà sản xuất vẫn có những cách tìm thêm nguồn vốn để sản xuất những phim truyền hình Việt với đầu tư khoảng 300 triệu đồng/tập. Nhưng không ít trong số những phim truyền hình Việt ấy, chúng ta mua kịch bản, format của nước ngoài để làm lại theo phiên bản Việt.

Cuối cùng, số lượng chất xám đúng nghĩa của người Việt trên truyền hình Việt bỗng trở nên ít ỏi, trở nên thiểu số một cách đáng thương hại. Trong khi ấy, những nhà biên kịch thì đang ở đâu? Họ ưa "chém gió" nhiều hơn, với những "bất bình văn minh trên mạng" nhiều hơn là lao động thực sự để nghĩ cách làm sao chúng ta có những format, câu chuyện hấp dẫn ngang bằng hoặc hơn hẳn đồ ngoại nhập.

Đấy, với ví dụ nhỏ đó, chúng ta đã thấy mức độ sáng tạo của mình là thế nào? Và nói thẳng, nói thật, đúng là người Việt ta ở lĩnh vực này chưa hề năng động, sáng tạo đúng nghĩa. Có chăng, chúng ta chỉ "năng động và sáng tạo" trong việc đổ lỗi cho chính thị trường, thị hiếu, khó khăn khách quan… mà thôi…

H.Anh
.
.
.