Ông Vũ Vinh Phú - Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, Nguyên Phó Ban Vệ sinh An toàn Thực phẩm, TP Hà Nội:

Chúng ta đang đi vào ma trận hàng hóa

Thứ Hai, 28/03/2016, 09:00
Không phải đến cái chết thương tâm của ca sĩ Trần Lập, cuộc chiến nói không với thực phẩm bẩn mới dậy sóng trong cộng đồng, mà từ nhiều năm nay, thực phẩm bẩn đã trở thành một vấn nạn. Dự báo, trong 5 năm tới, ung thư sẽ trở thành đại dịch ở Việt Nam, trong đó, nguyên nhân cốt yếu từ thực phẩm bẩn.


Phóng viên Chuyên đề CSTC đã có cuộc trò chuyện với ông Vũ Vinh Phú, người nhiều năm làm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông nói, rất cần những người lãnh đạo tâm huyết vào cuộc riết róng, mới hy vọng có thể cải tạo được vấn nạn này.

- Thưa ông, nhiều năm qua chúng ta nói mãi câu chuyện về thực phẩm bẩn, nó trở thành một vấn nạn, gây hoang mang cho chính người tiêu dùng. Nếu nói về bức tranh ảm đạm đó, ông có thể nói gì?

+ Bức tranh đó bắt đầu từ khâu sản xuất. Sản xuất của chúng ta manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng không ổn định, ít tiêu chuẩn hóa, ít liên kết với các đơn vị thành chuỗi. Bản thân những người sản xuất cũng ít hiểu biết, tùy tiện, vô ý thức với người tiêu dùng, với chính mình, làm cho sản phẩm hổ lốn, lẫn lộn giữa an toàn và không an toàn.

Ông Vũ Vinh Phu - Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, Nguyên Phó Ban Vệ sinh An toàn Thực phẩm, thành phố Hà Nội.

Những tiêu chuẩn như Viet Gap, Globo Gap rất ít, mà cũng chưa hoàn toàn sạch, vì không khí bẩn, đất bẩn, nước bẩn, làm sao có rau sạch. Thực phẩm không có truy xuất nguồn gốc.

Tôi sang Nhật, hồng rơi đầy vườn, nhưng họ không nhặt ăn, họ chỉ có thói quen mua ở siêu thị, những mặt hàng đã qua kiểm định, có nguồn gốc rõ ràng. Rồi vấn đề kiểm tra đối với sản xuất rất buông lỏng, chúng ta kiểm tra ở khâu bán lẻ, đó là quy trình ngược.

Chu kỳ một con lợn, hay một luống rau lâu lắm. Các nước họ có nhật ký trồng rau, nhật ký nuôi lợn, nuôi bò, chỗ đó mới đáng kiểm tra. Còn ra thị trường, thì chỉ là khâu bảo quản thôi.

Rồi hệ thống phân phối, một mớ rau phải qua ba bốn kênh mới đến tay người dân, ít có đơn vị nào đầu tư vào sản xuất để đưa ra chuỗi cung ứng. Chúng ta phải làm đồng bộ từ sản xuất đến phân phối, có kế hoạch hóa về nguồn cung để sản xuất. Khâu phân phối nhiều trung gian, lộn xộn, không kiểm soát được chất lượng, kết nối sản xuất và phân phối lỏng lẻo, không có nguyên tắc.

- Hình như người Việt chúng ta chưa lường hết những hậu quả của vấn đề thực phẩm bẩn thưa ông, họ vẫn mải mê chạy theo lợi nhuận, bất chấp mọi thứ?

+ Không quản lý thực phẩm từ gốc, dẫn đến nhiều mặt hàng ở Việt Nam không có nguồn gốc xuất xứ, mạnh ai nấy làm, chạy theo lợi nhuận. Và hệ lụy của nó là tỷ lệ người mắc bệnh ung thư tăng nhanh chóng trong những năm qua, dự báo sẽ thành đại dịch trong năm năm tới.

Năm 2015, có 5000 người ngộ độc, 40 người chết, ngoài ra kinh phí thuốc men vô kể. Hệ quả còn lan tỏa sang con cháu chúng ta, sang đầu tư du lịch, dẫn đến cả sự bất an của xã hội. Nó ảnh hưởng toàn diện xã hội và gây mất ổn định mà người phải gánh chịu nhiều nhất là những người nghèo.

- Vậy vì sao, đến bây giờ, vấn đề đó vẫn còn nhức nhối đến thế?

+ Là do nhận thức của chúng ta về vấn đề an toàn thực phẩm chưa được đặt đúng mức. Nhận thức từ Chính phủ đến các Bộ ngành chưa đúng. Chúng ta mới chỉ đầu tư bằng 1/36 Thái Lan, 1/136 của Mỹ cho vấn đề này mà thôi. Tôi sang Nga cách đây 20 năm, quả trứng để 4 ngày là hủy ngay.

Chúng ta đầu tư ít, nhân lực kém, thiếu trách nhiệm trước mạng sống của nhân dân. Cách đây 14 năm, tôi vào một khu chợ bán buôn ở Thái Lan, hàng hóa cứ thoải mái vào chợ, nhưng trong khu chợ có một phòng thí nghiệm có 17 kỹ sư hóa thực phẩm làm việc, lấy các mẫu thực phẩm ở chợ vào xét nghiệm và sẽ hủy ngay những lô hàng không đủ chất lượng.

- Nhiều người cho rằng, tại vì nước ta còn nghèo và thói quen, tập quán sinh hoạt manh mún, rất khó kiểm soát?

+ Nếu cứ đổ lỗi và bao biện thì đánh bùn sang ao và chúng ta không bao giờ giải quyết được vấn nạn thực phẩm bẩn. Phải có sự đầu tư, chỉ đạo sát sao của các cơ quan quản lý. Chuỗi cung ứng không hình thành thì không kiểm soát được.

Từ vấn đề giống, nuôi, thức ăn, tiêm chủng, phòng dịch, chế biến, ra chợ, phải có truy xuất nguồn gốc. Vì ta không có chuỗi và nguyên nhân nữa là kỷ cương không nghiêm. Tôi chưa thấy bỏ tù người nào vi phạm an toàn thực phẩm cả. Xử lý không nghiêm, vai trò quản lý nhà nước kém, dẫn đến sự sa sút như thế.

Thực phẩm bẩn hàng ngày trôi nổi trên thị trường.

Rồi sự phân công chồng chéo các bộ: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương, dẫn đến việc cha chung không ai khóc, không ai chịu trách nhiệm. Ở các nước, vấn đề thực phẩm chỉ giao cho Bộ Y tế quản lý và họ phải chịu trách nhiệm toàn bộ. Những năm qua, chúng ta cũng đã có những nỗ lực trong cuộc chiến này, nhưng nó còn ít ỏi và manh mún. Hiện tại, sau bao nhiêu năm tổ chức, liên kết chuỗi chỉ đáp ứng được 3%, siêu thị khoảng 5%, rau và thực phẩm, cho nên lực bất tòng tâm.

- Ông đi thực tế nhiều nước trên thế giới, họ quản lý vấn đề an toàn thực phẩm như thế nào, thưa ông?

+ Tôi đã đi gần 20 nước trên thế giới, người ta làm vấn đề này rất nghiêm. Có một câu chuyện về một bà trồng rau mùi ở Nhật, bà mang rau mùi ra quầy dọc đường bán, bà dán tem mã vạch mang tên của mình, để nói rằng, bà ấy chịu trách nhiệm về mớ rau mùi của bà ấy. Một người nông dân, họ sống có trách nhiệm và dám chịu trách nhiệm trước sản phẩm của mình.

Còn nông dân mình thì sao, hình ảnh nông dân Việt Nam trồng một luống rau cho mình và một luống rau để bán, đủ thấy trách nhiệm của người dân mình ra sao. Họ tránh được rau bẩn, nhưng họ có tránh được thực phẩm bẩn như thịt, cá hay không.

Còn ở Singapore, cửa hàng nếu dán một tờ giấy đỏ, thì khách đông, dán giấy vàng, khách giảm đi một ít, còn nếu dán giấy đen thì cửa hàng đó đóng cửa, không ai đến. Việc kiểm duyệt của họ quá đơn giản. Giấy đen, giấy vàng, giấy đỏ của họ giá trị lắm, vì người đi kiểm tra rất khách quan.

- Còn ở Việt Nam bây giờ, người dân mình mất niềm tin vào hộ kinh doanh, vào chính các loại giấy tờ kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước?

+ Trước đây chúng ta đã có luật, sống thực thi theo luật mới là điều quan trọng. Họ gọi khách hàng bằng một ngôn từ hoa mỹ: Người tiêu dùng thông thái, nhưng thông thái làm sao khi mình không biết nguồn gốc sản phẩm. Các cơ quan quản lý phải chủ động bảo vệ người tiêu dùng.

Người dân đang mất niềm tin vào họ. Và cuối cùng là người nghèo chịu trận, dẫn đến xã hội bất an, du lịch, đầu tư, sức khỏe, nòi giống bị ảnh hưởng nặng nề. Chúng ta đang đi xe đạp, còn các nước họ đi xe máy về vệ sinh an toàn thực phẩm, nên khoảng cách ngày càng xa.

- Có nghĩa rằng chúng ta cứ tặc lưỡi chung sống với thực phẩm bẩn đến bao giờ thưa ông. Liệu có một giải pháp nào đó cho vấn nạn này?

+ Gốc của vấn đề là không ai chịu trách nhiệm, các cấp đều chung chung, cuối cùng người dân chịu trận. Tôi nghĩ, giải pháp đầu tiên là trách nhiệm, sự gương mẫu, hiểu lòng dân của những người quản lý. Các nhà quản lý, những ông Bộ trưởng phải vi hành ra chợ, mua và dùng thực phẩm ở chợ, mới hiểu được thực trạng bi đát như thế nào.

Thứ hai, phải đầu tư tiền, cơ chế chính sách, từ đó phải thiết lập chuỗi thực phẩm sạch. Cũng đừng tham, chỉ cần những thứ thiết yếu như gạo, thịt lợn, rau, quả, sữa. Thiết lập 5 chuỗi thiết yếu, rồi nhân rộng, làm tử tế chuỗi đó trước vì tiền có hạn chứ đừng làm theo phong trào. Đích của nó là thực phẩm phải có bao bì, nhãn mác, nguồn gốc, khi có chuyện xảy ra, phải truy xuất được ai chịu trách nhiệm.  Chuỗi nhưng phải quản lý từ gốc thì sẽ ổn.

Vấn đề nữa là kỷ cương, nếu đã có quy định, thì phải có luật pháp nghiêm minh, bắt bỏ tù những người vi phạm. Đồng thời nhân rộng những điển hình làm tốt. Một vấn đề nữa là truyền thông phải vào cuộc, chỉ đích danh những đơn vị làm bẩn.

Phải đầu tư nhân lực, vật chất, đừng làm theo phong trào mà phải đi vào thực chất, vì chúng ta không giải quyết được tận gốc vấn đề. Lúc kiểm tra mắm tôm, lúc tương, cứ chạy theo sự vụ vì thiếu kiểm soát từ gốc.

- Vâng, vì thế nên mới có nghịch lý là một nước nông nghiệp như Việt Nam mà không có nguồn nông sản sạch để dùng? Người dân bây giờ đi vào ma trận hàng hóa.

+ Người dân Nhật chịu trách nhiệm với mớ rau mùi để cảnh báo người dân chúng ta lo trồng luống rau sạch cho riêng mình. Họ làm hại xã hội, xã hội sẽ làm hại họ. Chúng ta phấn đấu 50 năm không được như người Nhật, nhưng chúng ta phải làm để tử tế hơn, trong sạch hơn, lành mạnh hơn. Tử tế từ chăm sóc cây, từ đưa ra chợ.

Cái gốc từ giáo dục mà ra. Người Việt sống thiếu trung  thực và thiếu trách nhiệm với cộng đồng. Nhưng tại sao người Việt vô tội vạ như thế trong nước, nhưng ra nước ngoài họ lại tuân theo trật tự của các nước? Chúng ta phải xem lại.

Tôi tự hỏi, bao nhiêu vụ buôn bán nội tạng, rồi 9 tấn chất tạo nạc được nhập về và tiêu thụ gần hết ở Việt Nam, trong khi nhu cầu của chúng ta chỉ 10kg, 9 tấn đó đủ tạo nạc cho 6 triệu con heo, rồi ai sẽ chịu trách nhiệm. Đây là hậu qủa tiếp tục của vệ sinh an toàn thực phẩm rồi sẽ tồi tệ.

Những vụ như thế này sẽ xử lý ra sao, 6 triệu con lợn nằm ở đâu, ai ăn. 9 tấn chất tạo nạc đó, ai sẽ chịu trách nhiệm. Một loạt câu hỏi, liệu có rơi vào quên lãng như các vụ khác không? Tôi hy vọng, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, chúng ta hãy đẩy mạnh cuộc chiến với thực phẩm bẩn, để giúp cho người dân chúng ta được sống trong một môi trường trong lành, tử tế hơn.

- Xin cảm ơn cuộc trò chuyện của ông.

Hạnh Nguyên (thực hiện)
.
.
.