Chung tay ngăn chặn nạn bạo lực gia đình

Thứ Hai, 15/08/2016, 12:19
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) đã được áp dụng gần 9 năm nay, nhưng thực tiễn cho thấy, vẫn còn những bất cập, mâu thuẫn. Điều này khiến tình hình vẫn phức tạp. Vậy nên, cần thiết phải nhìn thẳng vào các mặt hạn chế để có một phương án tối ưu nhất.


Những con số biết nói

Hiện nay, tình trạng BLGĐ vẫn đang tồn tại, số vụ bạo hành gia đình gây hậu quả nghiêm trọng bị phát hiện có chiều hướng tăng cao mà trong số đó nạn nhân chủ yếu của các vụ việc BLGĐ là phụ nư, trẻ em và người già.

Theo số liệu thống kê của Vụ Gia đình - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), từ năm 2011 đến 2015 có tổng 157.859 vụ BLGĐ, trong đó 117.206 trường hợp nạn nhân là phụ nữ, chiếm 74,24%; 17.586 là trẻ em, chiếm 11,14% và 14.017 là người cao tuổi, chiếm 8,91%.

Một trẻ bị bạo lực gia đình ở Đồng Nai.

Thống kê cũng cho thấy 58% phụ nữ đã kết hôn trải qua ít nhất một loại bạo lực trong cuộc đời. Đây là những con số biết nói, cho thấy các giá trị văn hóa gia đình Việt Nam như cha mẹ nhân từ, con cái hiếu thảo, vợ chồng chung thủy, anh em như thể chân tay có phần bị đảo lộn.

Qua thực tế làm công tác, chúng tôi luôn tự hỏi tại sao người ta có thể ra tay tàn ác với vợ, con, cha mẹ và người thân như thế được. Thí dụ có trường hợp đi làm, bị thủ trưởng mắng, về nhà trút giận lên vợ con. Có trường hợp nhìn thấy vợ "ngứa mắt" thì ném dùi đục gỗ vào trán vợ và đánh một cách tàn nhẫn.

Đặc biệt với những trường hợp bị bạo lực về tinh thần hay bạo lực tình dục thì không dễ để cho những nạn nhân có thể chống lại những người gây ra bạo lực với mình hoặc mong chờ sự trợ giúp từ bên ngoài. Gia đình là tổ ấm, là nơi trú ẩn của mỗi người mà còn bị đánh đập, không an toàn thì các nạn nhân còn biết đi đâu? Phải chăng tổ ấm đã thành… tổ lạnh? Thành nơi nguy hiểm?

Sự việc nghiêm trọng, bức thiết nhưng từ nhiều năm trước BLGĐ còn bị coi là "chuyện vặt", "chuyện nội bộ" gia đình. Không phải ai cũng dám đứng lên đấu tranh để chống lại nó. Ngay cả các nạn nhân cũng không dám tố cáo. Họ chịu đựng ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác. Và đến lúc bị dồn vào đường cùng, tìm cách phản kháng thì đã xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Theo kết quả điều tra của Ủy ban Các vấn đề về xã hội thì nguyên nhân cơ bản dẫn đến BLGĐ là do lạm dụng rượu bia (63,7%) và các tệ nạn xã hội khác như cờ bạc, nghiện ma tuý, ngoại tình, ghen tuông, thiếu hiểu biết pháp luật, kinh tế khó khăn, kể cả kinh tế khá giả cũng có BLGĐ.

BLGĐ tồn tại dưới nhiều hình thức, trong đó đối tượng bị bạo lực phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Theo ý kiến tôi, bất bình đẳng giới là một trong những nguyên nhân gốc rễ gây ra bạo lực trong gia đình. Trong gia đình, người phụ nữ có vị thế và quyền lực không ngang bằng với nam giới, không có quyền tham gia vào các quyết định trong gia đình khiến họ dễ bị bạo lực do nam giới gây ra.

Xuất phát từ một số quan điểm còn tồn tại nhiều định kiến giới như người đàn ông được quyền dạy vợ, và nhiều khi là dạy cả bằng bạo lực và người phụ nữ thì phải yếu đuối, phải phục tùng, và phụ thuộc vào chồng.

Các quan điểm này đã không còn phù hợp với thực tế hiện nay, nhưng nó vẫn chi phối nhận thức của nhiều người, tiếp diễn tại nhiều gia đình nên đôi khi nhiều người cho rằng hành động bạo lực đó là điều hiển nhiên và thủ phạm của bạo lực không bị lên án.

Chính sách chưa đi vào cuộc sống

Muốn giảm thiểu đáng kể vấn nạn này đòi hỏi phải nhìn nhận thực chất, đâu là mấu chốt của vấn đề khiến công tác này gặp khó khăn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ khâu tuyên truyền, đầu tư nguồn lực cho đến thực thi nhiệm vụ đều bộc lộ những hạn chế.

Ở góc độ pháp lý chúng ta đã xây dựng được Luật Bình đẳng giới (năm 2006), Luật Phòng chống bạo lực gia đình (năm 2007); Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống BLGĐ đến năm 2020…

Tuy nhiên, luật chưa thật sự đi vào cuộc sống. Tôi lấy thí dụ, cán bộ tư pháp cấp tỉnh, huyện cứ phát giấy mời chừng 500 người đi họp một buổi nghe phổ biến về Luật mới và báo cáo lên trên là hoàn thành nhiệm vụ. Không ai kiểm tra xem họ có hiểu không, có thực hiện không.

Phụ nữ Đăk Lăk tham gia tập huấn về PCBLGĐ.

Đó là việc làm rất hình thức, thiếu sâu sát.  Rồi các chương trình được triển khai vẫn theo phong trào, rầm rộ ở cấp tỉnh vì có các ban chỉ đạo, nhưng lại không "phủ sóng" được đến với đời sống người dân, với cuộc mưu sinh vừa ồn ào, vừa bận rộn nơi các làng quê.

Một vấn đề khác, là việc xử phạt, xử lý chưa nghiêm. Nhiều vụ ầm ĩ lên rồi, nhưng cơ quan chức năng còn chờ nạn nhân tố cáo thì mới xử. BLGĐ là vấn đề đặc thù, cán bộ địa phương khi phát hiện thì phải xử lý ngay, hoặc báo ngay với cấp trên để xử lý. Có chứng cứ rồi thì phải xử nghiêm. Chẳng ít vụ tòa án chuẩn bị xử án thì nạn nhân lại bãi nại, nhằm giảm tội cho người gây bạo lực.

Tòa án cũng thỏa hiệp. Nếu đã đánh vợ, con đổ máu, gây thương tích nhiều lần mà sau bãi nại liền được giảm tội, thì sao đủ sức răn đe. Ngành tòa án phải xác định, xử để giáo dục, răn đe cho xã hội hay xử cho gia đình đó? Đồng thời, phải phân tích rõ tính chất của từng vụ việc để xử cho chính xác.

Xin nêu một vụ điển hình, như cậu sinh viên Huỳnh Minh Mẫn ở TP Hồ Chí Minh, chích điện khiến cha chết khi chứng kiến cảnh mẹ làm lụng vất vả nuôi gia đình lại bị cha không làm gì chỉ say xỉn và bạo hành nhiều năm. Tòa án đã kết án Mẫn mức tử hình. Như vậy là nặng quá. Chúng tôi cùng với một số cơ quan khác lên tiếng thì tòa án hạ xuống thành án chung thân. Nhưng như thế vẫn là nặng.

Cậu sinh viên đó giết cha là sai, là bất hiếu, nhưng em chứng kiến cảnh bất công trong gia đình, em đã có hiếu với mẹ, bảo vệ mẹ thoát khỏi một tội ác mà không ai can thiệp, giúp đỡ. Nếu xử án mà đánh đồng nạn nhân với kẻ bạo hành thì chứng tỏ hiểu biết của Tòa án không đầy đủ, người dân không phục.

Mạnh tay hơn với BLGĐ

Tháng 5-2016, liên Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an đã ban hành Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT hướng dẫn thực hiện giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống BLGĐ. Trách nhiệm của từng đơn vị cũng được phân công rõ ràng nhằm thực thi tốt nhiệm vụ chuyên trách.

Tuyên truyền Luật PCBLGĐ tại Thái Bình.

Đây được coi là một trong những biện pháp nhằm giáo dục, tuyên truyền hướng tới giảm thiểu các hành vi bạo lực, đồng thời tháo gỡ khó khăn trong phối hợp liên ngành của các cơ quan chức năng.

Nhưng sẽ là chưa đủ nếu các cơ quan chức năng không xác định được một tiêu chí chung để phối hợp cùng các tỉnh, thành thực hiện chương trình, dự án; hay còn thiếu sự thống nhất về phương thức tiếp cận, các nhóm đối tượng cần tác động, quy trình giải quyết để các quy định của pháp luật đi sâu vào cuộc sống.

Trong quá trình thực thi, làm sao để tuyên truyền cho toàn xã hội hiểu được BLGĐ không chỉ là việc của các gia đình mà là vấn đề chung của xã hội. Cần làm cho các tầng lớp nhân dân hiểu được về bình đẳng giới, tầm quan trọng của gia đình - tế bào xã hội.

Muốn làm được điều đó cần phải có sự chung tay vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan chức năng, người dân, đặc biệt là hội phụ nữ thông qua các sinh hoạt chi hội, tổ hội, tổ dân cư, sinh hoạt câu lạc bộ.

Một vấn đề khác cần phải được khắc phục chính là việc xử án phải có lý, có tình, xử nghiêm đối với hành vi bạo lực bất kể họ là ai. Các tổ chức quốc tế rất phản đối việc làm ở các địa phương là sử dụng phương pháp hòa giải một cách đại trà, cứng nhắc. Đã gây án rồi thì phải xử bằng pháp luật, đằng này lại bao che, rồi hòa giải khiến cho kẻ gây tội ác nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Hay trên thực tế, có nhiều địa phương đã áp dụng hình thức chế tài khác như lao động công ích tại địa phương thay vì phạt tiền, việc này cũng chạm được đến lòng tự trọng của họ, tạo nên tiếng nói dư luận, do đó họ sẽ cố gắng tránh bằng cách không thực hiện hành vi vi phạm.

Tôi cho rằng đây cũng là một hình thức xử phạt mang lại hiệu quả cao trong phòng, chống bạo lực gia đình mà chúng ta nên cân nhắc để áp dụng bên cạnh các cách thức xử phạt hiện có.

Có một điều thật tiếc, là Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em đã bị giải thể, để chia nhỏ thành các đơn vị ở các bộ. Điều này đồng nghĩa với việc giải thể luôn đội ngũ cộng tác viên dân số ở các địa phương có tâm huyết, nhiệt tình. Nhóm này sẽ giúp thực hiện công tác xã hội và phòng chống BLGĐ từ cấp thôn, xã. 

Bởi vậy, hiện nay chỉ có Vụ Gia đình trong Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch. Thiết nghĩ, vấn đề gia đình là vấn đề lớn, phải được nâng lên thành Bộ Gia đình, để có cơ sở pháp lý đủ mạnh bao quát một vấn đề quan trọng trong đời sống cá nhân và xã hội này.
Lê Quý
.
.
.