Chuyện ở đồn Công an nơi góc trời Tây Bắc

Thứ Sáu, 01/03/2019, 07:00
Thành lập từ năm 2013 với nhiệm vụ quản lý địa bàn 6 xã đặc biệt khó khăn của huyện Mai Sơn (Sơn La), 5 năm qua, Đồn Công an Nà Ớt, Công an huyện Mai Sơn, luôn làm tốt nhiệm vụ được giao góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn...


Trụ sở Đồn Công an Nà Ớt là hai dãy nhà mái bằng cũ kỹ nằm chênh vênh trên sườn một quả đồi bên cạnh Quốc lộ 4G. Ngay sát dưới chân lại là Trạm y tế xã. 

Nghe chúng tôi nói đùa rằng trên này thiếu gì đất mà lại xây trụ sở ở chỗ chênh vênh kiểu… nhà bậc thang thế này, đến cái sân cũng không đủ rộng để quay đầu xe, Thiếu tá Nguyễn Đức Thắng, Trưởng đồn, cười bảo “chỗ này bọn em cũng ở nhờ đấy, trụ sở mới chắc phải cuối năm 2019 mới xây xong. Trên này đất rộng người thưa, nhưng toàn rừng núi nên kiếm được mảnh đất bằng phẳng vài trăm mét vuông đất xây trụ sở cũng khó lắm”. 

Hoá ra hai dãy nhà này vốn là trụ sở của Phòng khám Đa khoa khu vực Nà Ớt. Cuối năm 2013, khi Đồn thành lập, trụ sở không có, đúng lúc ấy thừa trụ sở của phòng khám, vậy là Công an huyện mượn cho anh em ở nhờ đến bây giờ. Cũng may nhà cũ nhưng được xây cất chắc chắn nên chỗ ăn ở của anh em đỡ khổ. 

Cũng vì cái địa bàn chênh vênh thế này mà mặc dù 5/6 xã Đồn phụ trách đều đã có đường cáp quang internet nhưng ở Đồn thì… không, vì điểm cuối cùng có internet cách chỗ này 2km, xem tivi thì phải dùng “chảo” parabol mà tín hiệu nhiều lúc cũng phập phù, nước sinh hoạt thì phải nối đường ống vào trong khe núi cách gần 1 cây số dẫn về… 
Cán bộ Đồn Công an Nà Ớt và Công an xã tiếp nhận súng tự chế do người dân giao nộp.

Mãi đầu năm 2018, Công an tỉnh mới bố trí được nguồn vốn, Ban chỉ huy Đồn tìm được một khu đất ở xã Nà Ớt phù hợp xây trụ sở, mới đề xuất Công an huyện đề nghị UBND huyện cấp cho Công an xây trụ sở.

Điều kiện ăn ở còn như vậy nhưng 21 CBCS của Đồn phải đảm nhiệm quản lý địa bàn 6 xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Mai Sơn gồm: Phiêng Cằm, Chiềng Nơi, Nà Ớt, Chiềng Kheo, Chiềng Ve, Chiềng Dong, với 88 bản, 5.254 hộ, 24.946 khẩu chủ yếu là đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Sinh Mun. 

Nếu ở đồng bằng, quản lý 6 xã thì địa bàn cũng không quá rộng, nhưng ở đây từ trụ sở Đồn đến trung tâm xã xa nhất là 50km, còn xuống đến bản xa nhất là bản Sài Khao, xã Chiềng Nơi (địa danh đi vào bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng từ thời kháng chiến chống Pháp) là 80km, mà nhiều khi từ xã xuống bản chỉ có đi bộ thôi.

Hôm chúng tôi đến, dù đã gần 12 giờ trưa, nhưng trong hội trường của Đồn, mấy anh em cán bộ và gần chục người khác vẫn đang miệt mài ghi chép bên những chồng hồ sơ. 

Thấy chúng tôi ngạc nhiên, Thiếu tá Thắng cho biết anh đang làm kê khai thông tin về dân cư của 6 xã do Đồn phụ trách, còn những người làm cùng là các thầy cô giáo ở các trường học trên địa bàn đến làm giúp. Trong khi ở thành phố, việc kê khai này chỉ cần photocopy bản khai rồi chuyển cho các tổ trưởng dân phố để họ phát cho từng gia đình tự khai rồi nộp lại thì ở đây Công an phải làm tất... 

Đã thế, phong tục người Mông phụ nữ khi lấy chồng sẽ đổi theo họ chồng, vì vậy ngay cả đã thu thập đủ thông tin rồi vẫn phải rà soát, đối chiếu với giấy khai sinh lại để lấy đúng họ thật nên rất mất thời gian.

Nhưng, đấy chỉ là một trong rất nhiều công việc mà anh em phải làm. Thiếu tá Nguyễn Đức Thắng kể rằng trước đây địa bàn 6 xã này khá phức tạp khi nổi lên hoạt động truyền đạo trái phép; phá rừng làm nương, tệ nạn ma túy... Đặc biệt do dân trí thấp nên nhiều phụ nữ ở các bản xa đã bị lừa bán ra nước ngoài…

Sau khi thành lập Đồn, anh em đã xác định để thay đổi tình hình cần phải tốt công tác quản lý địa bàn. Vì vậy, Đồn đã tập trung quản lý hành chính về TTXH như: Hướng dẫn, chỉ đạo Công an 6 xã  thực hiện 150 cuộc kiểm tra cư trú; tổ chức 44 cuộc tuyên truyền pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, qua đó thu được 327 khẩu súng tự chế các loại… 

Phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã tổ chức 64 hội nghị cấp xã và cấp bản để tuyên truyền pháp luật; củng cố xây dựng các mô hình quần chúng tham gia giữ gìn ANTT ở cơ sở gồm: 88 tổ an ninh bản với 460 thành viên, 88 đội dân phòng với hơn 700 thành viên, 351 nhóm liên gia tự quản…

Cán bộ Đồn Công an Nà Ớt trực tiếp xuống bản họp với người để nắm tình hình.

Nghe những con số có vẻ khô khan, đơn giản, nhưng để làm được từng ấy công việc là rất nhiều công sức. Như việc vận động người dân giao nộp súng tự chế. Với người dân vùng cao, việc trong nhà có một khẩu súng kíp nó quen thuộc như một vật dụng trong gia đình, bởi vừa để săn bắn, vừa để bảo vệ mình. Việc tàng trữ súng tự chế như vậy lại luôn tiềm ẩn nguy cơ mất ANTT. Nhưng làm thế nào để đồng bào hiểu không nên giữ súng trong nhà thì không đơn giản. Hay việc vận động người dân không di dân tự do cũng vậy. 

Tháng 4-2018, Đồn phát hiện 21 người của 4 hộ dân cùng trú tại bản Huổi Lặp, xã Chiềng Nơi bất ngờ đi khỏi địa phương không rõ lý do. Sau khi xác minh, anh em đều bất ngờ khi biết 4 gia đình này quyết định rủ nhau… xuất ngoại sang Myanmar làm ăn, sinh sống. Ròng rã gần 2 tháng sau đó, bằng đủ biện pháp thuyết phục, cuối cùng các anh đã vận động được 11 người của 2 hộ trở về địa phương.

Hôm chúng tôi đến là ngày giữa tuần nên ở Đồn chỉ có gần chục anh em “ở nhà” giải quyết công việc, còn đều đang đi địa bàn. Đồn trưởng Nguyễn Đức Thắng bảo rằng mỗi tuần chỉ có 1 ngày giao ban công tác thì anh em có mặt đủ, còn lại đều xuống xã, bản.

Do nắm chắc địa bàn mà nhiều khi chính quyền các xã có việc gì cũng báo Công an đầu tiên. Tháng 8-2018, Chủ tịch xã Chiềng Nơi thông báo UBND xã nhận được 10 đơn đề nghị xin từ chức của 10 cán bộ cấp ủy, ban quản lý, ban ngành, đoàn thể bản Nà Phặng. Lý do từ chức tập thể là vì người dân bản bất bình việc đường điện đi qua bản cấp điện sinh hoạt cho bản khác nhưng bản Nà Phặng không có điện, đã nhiều lần đề nghị nhưng không được. Đồng thời cho rằng cán bộ bản không làm được việc nên yêu cầu nghỉ, không đóng góp các quỹ xã hội. 

Nhận được tin, ngoài báo cáo về Công an huyện, Ban chỉ huy Đồn đã lập tức xuống tham mưu, phối hợp với Đảng ủy, UBND xã tuyên truyền cho người dân về chủ trương, lộ trình đầu tư đường điện, vận động cán bộ bản tiếp tục công tác. Cuối cùng 10 người đã xin rút đơn, tiếp tục công tác và nhân dân chấp hành quy định của địa phương về thu các quỹ.

Cũng nhờ nắm chắc địa bàn mà Đồn đã bắt giữ được 3 đối tượng trốn truy nã. Năm 2018, khi Công an tỉnh Sơn La tập trung đánh mạnh các tụ điểm, băng nhóm buôn bán ma tuý từ Lào về qua đường Mộc Châu, Vân Hồ thì tội phạm ma tuý lại có xu hướng chuyển đường vận chuyển sang tuyến Quốc lộ 4G, bởi điểm cuối của tuyến đường này là ra biên giới giáp Lào. 

Tập trung đấu tranh với tội phạm ma tuý, năm 2018, Đồn đã chủ trì phát hiện, bắt 16 vụ, 18 đối tượng, thu giữ 1.507,246gr heroin; 5.629 viên MTTH; 1 xe ô tô; 5 xe máy; 15 ĐTDĐ và 38,9 triệu đồng. Ngoài ra phối hợp phát hiện, bắt 9 vụ, 10 đối tượng, thu giữ: 2.097,776gr heroin; 15.039 viên MTTH; 113,558gr các loại MTTH khác; 19.518,79gr nhựa thuốc phiện; 1 xe ô tô; 10 xe máy; 25 ĐTDĐ; hơn 140 triệu đồng... 

Vì vậy đến nay các xã thuộc Đồn quản lý không có xã, bản thuộc diện trọng điểm, phức tạp về ANTT. Đặc biệt có xã Chiềng Dong liên tục 10 năm đạt tiêu chuẩn không có tội phạm và tệ nạn ma tuý.

Chiều muộn, chúng tôi rời Đồn Nà Ớt khi trên những dãy núi phía xa, sương mù đã bắt đầu buông xuống khiến núi rừng càng thêm bí hiểm. Nhưng ở nơi núi cao và mây mù ấy, đang có những CBCS Công an đang “3 cùng” với người dân để giữ yên cho vùng đất biên giới này.

Nguyễn Thiêm - Anh Hiếu
.
.
.