Chuyện "bà khùng" xây Trung tâm Bảo trợ từ thiện

Thứ Hai, 11/01/2016, 14:31
Nhiều người đã gọi bà Nguyễn Thị Nguyệt, 65 tuổi, trú tại xã Đồng Bẩm, TP Thái Nguyên, là "bà khùng". Không khùng sao lại bỏ ra hàng chục tỉ đồng để xây Trung tâm Bảo trợ. Tự mình đi gom những người già bệnh tật, tâm thần, cô đơn không nơi nương tựa và những đứa trẻ bị bỏ rơi, mắc bệnh xã hội về nuôi. Bà lý giải cho cái sự "khùng" của mình chỉ bằng hai từ "duyên nợ". Lòng trắc ẩn của người đàn bà cô quả
Chúng tôi đến Trung tâm Bảo trợ đúng lúc bà Nguyệt đang tới từng phòng hỏi thăm sức khỏe của các cụ già. Đó là thói quen mỗi sáng của người phụ nữ này. Vì là thói quen nên ngay cả khi sức khỏe của bà không được tốt thì bà vẫn cố gắng gượng để làm việc đó. Bà Nguyệt chia sẻ: "Ở Trung tâm Bảo trợ, cụ thì bị liệt, cụ thì mắc bệnh tâm thần, người lại không thể nhớ được mình là ai nhưng các cụ sống tình cảm lắm. Nếu một ngày không thấy tôi đến hỏi thăm là các cụ rất nhớ, cứ hỏi luôn đấy".

Thời gian này sức khỏe bà Nguyệt không tốt bởi bà đang bị xơ gan độ 4 (mức độ cao nhất). Nói chuyện với chúng tôi, chốc chốc bà lại hỏi: "Liệu có chết sớm không nhỉ?". Bà bảo: "Mạng thì tôi chả tiếc, chỉ thương các cụ và các cháu ở đây thôi. Nếu tôi mất sớm thì không biết cuộc đời của họ sẽ thế nào?". Nói chuyện với chúng tôi mà đôi mắt bà rơm rớm. Đã từ lâu bà Nguyệt vẫn coi những con người bất hạnh ở Trung tâm Bảo trợ như những người thân yêu của mình. Cho dù, có thể vì họ mà bà phải bươn chải gấp nhiều lần, có thể vì họ mà bà khánh kiệt tài sản.

Bà Nguyệt chăm sóc người già cô đơn như người thân của mình.

Bà tâm sự, việc phải gắn đời mình với những mảnh đời éo le như là duyên nợ. Năm 21 tuổi, trong một lần đi rừng kiếm củi, bà nhìn thấy một đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ở tảng đá gần bờ suối. Lúc bà Nguyệt phát hiện ra đứa trẻ thân hình tím tái, kiến bu đầy người. "Lúc đó tôi đã bế nó lên và chạy thẳng về nhà. Cũng chẳng dám nghĩ là sẽ nuôi nó đâu vì gia đình còn nghèo lắm. Bố tôi mất sớm, nhà lại đông anh chị em, một mình mẹ phải cáng đáng tất. Đã thế lúc đó tôi còn trẻ, chưa lấy chồng nên nghĩ là sẽ mang về cho người hiếm muộn" - bà Nguyệt nhớ lại.

Bà ôm đứa trẻ về thẳng nhà vợ chồng người chú hiếm con nhưng đã bị từ chối vì họ cũng mới xin được con nuôi. Thương đứa trẻ tội nghiệp bà quyết định mang về cưu mang. Nhiều người thấy thế đã can ngăn, họ nói với bà nuôi con nuôi thế thì lấy sao được chồng nhưng bà vẫn kệ.

Thật lạ, 2 năm sau ngày quyết định nuôi đứa trẻ mà mình nhặt được, vào một buổi sáng bà Nguyệt lại thấy một đứa trẻ khác được "gói ghém" cẩn thận đặt trong một cái giỏ để trước cổng nhà bà. Đứa trẻ thứ 2 lại được bà nhận nuôi. Tiếng lành đồn xa, 2 năm tiếp sau bà lại nhận được thêm 2 đứa trẻ do chính bố mẹ chúng mang đến nhờ cưu mang hộ. "Tự nhiên có 4 đứa con khiến tôi quay cuồng với chúng, vất vả nhưng hạnh phúc lắm. Thực sự là lúc đó tôi chả còn ý định lấy chồng nữa. Thế là cứ ở vậy nuôi con "nhặt được" thôi" - bà Nguyệt vui vẻ nhớ lại.

Đến nay bốn người con do bà Nguyệt nuôi từ tấm bé đều đã trưởng thành và lập gia đình, 3 người đã là Đảng viên. Cả bốn người đều đã biết được thân phận của mình, có người thì đã nhận lại được gia đình và người thân. Nhưng với họ, bà Nguyệt luôn là người mẹ bồ tát - người đã có công tái sinh ra họ lần thứ 2.

Bà Nguyệt lo sợ mai này không còn ai tiếp quản trung tâm nhân đạo này.

Tổ ấm của những mảnh đời bất hạnh

Nhà vốn nghèo rồi một chốc lại có thêm 4 đứa con nuôi nên bà Nguyệt luôn phải cố gắng làm việc gấp 5, gấp 10 người khác. Từ cấy thuê, đóng gạch thuê đến bán hàng thuê, nhặt phân đi bán… bà đều không nề hà bất kể việc gì. Chịu khó làm lụng đến khi có lưng vốn bà Nguyệt chuyển sang đi buôn chuyến ở các chợ biên giới vùng cao. Bà hồ hởi khoe: "Không biết có phải vì được giời phật thương hay không mà tôi làm đâu trúng đấy. Miếng đất đồi tôi mua năm 1996 chỉ có trăm triệu nhưng đến năm 2010 bán được tới 5 tỉ đồng. Đấy, nếu giời không thương thì lấy đâu ra ngần ấy tiền".

Trước đó, bà Nguyệt luôn ấp ủ dự định sau này khi những người con nuôi trưởng thành và yên bề gia thất, bà sẽ dành tất cả số tiền mà mình có được để xây Trung tâm Bảo trợ. Ban đầu, khi nói với các con ý định ấy, bà đã bị phản đối kịch liệt. Sau thấy mẹ quá tâm nguyện nên mấy người con nuôi của bà cũng buộc phải chấp thuận. Với số tiền dành dụm được suốt mấy chục năm cộng với tiền bán đất đồi, bà Nguyệt xây Trung tâm bảo trợ Nguyệt - Hường - Hà.

Tuy nhiên, số tiền xây dựng lên tới hơn chục tỉ đồng - con số vượt xa sự tính toán của bà nên cuối cùng bà đành phải vay thêm ngân hàng. Trung tâm Bảo trợ rộng 3.000 mét vuông với 47 phòng nên có thể tiếp nhận tới hàng trăm người già và trẻ em tàn tật không nơi nương tựa. Các phòng đều được trang bị bình nóng lạnh, tivi, tủ đựng quần áo và rất vệ sinh. Không chỉ có các phòng ngủ mà ở Trung tâm Bảo trợ còn có phòng y tế, phòng phục hồi chức năng và sân chơi. Ngoài chi phí xây dựng, hằng tháng bà Nguyệt phải bỏ ra xấp xỉ 50 triệu đồng để duy trì hoạt động của trung tâm.

Các cụ già ở đây được chăm sóc tận tình và khoa học.

Người phụ nữ đã bước qua tuổi lục tuần dù trong người đang mang trọng bệnh nhưng vẫn tự mình đi cấy, trồng rau, nuôi lợn, thả cá và chăn gà. Bà chia sẻ: "Phải làm theo mô hình đó thì mới có thực phẩm để phục vụ mấy chục suất ăn ở trung tâm chứ. Tôi cấy hơn 1 mẫu ruộng nhưng năm nay thóc ước tính chỉ đủ đến tháng 2 thôi, lo quá".

Hiện ở Trung tâm Bảo trợ đang có 17 cụ già và 8 cháu nhỏ và có tới 5 người phục vụ thường xuyên. Bà Nguyệt chia sẻ: "Ở đây nhiều hoàn cảnh thương tâm lắm, có cụ bà sinh tới 12 người con nhưng đến cuối đời lại phải sống cảnh cô đơn vì không con nào chịu nuôi. Sau đó, chính quyền địa phương phải đích thân mang tới Trung tâm Bảo trợ của tôi để chăm sóc. Có người khi tuổi còn trẻ là giám đốc doanh nghiệp nhưng cặp bồ nên vợ con bỏ luôn. Lúc ông ấy bị liệt, bồ cũng bỏ rơi luôn, giờ cũng đang ở trong này".

Ở Trung tâm Bảo trợ của bà Nguyệt không chỉ có những người già cô đơn mà còn có gần chục đứa trẻ bất hạnh. Rất nhiều em mất cả bố lẫn mẹ do mắc bệnh xã hội. Có trẻ lại bị bỏ rơi từ lúc mới sinh trong bệnh viện chỉ vì người mẹ sinh con ngoài ý muốn. Khi chúng tôi đến trung tâm, những đứa trẻ này đều đang đi mẫu giáo. Chỉ có duy nhất bé Nguyễn Văn Thành vẫn đang ngủ. Kéo lại chiếc chăn đã bị đạp tít xuống chân bé Thành, bà Nguyệt kể: "Nhìn nó bé bỏng thế thôi nhưng đã 7 tuổi rồi đấy. Thành bị bại não nên chỉ nằm một chỗ, không có nhận thức, phải đóng bỉm quanh năm. Lúc sinh ra biết con bị bệnh thế nên bố mẹ Thành bỏ luôn tại bệnh viện. Tội cho bé lắm!".

Nhiều người nói bà Nguyệt "khùng" nhưng ít ai hiểu được niềm hạnh phúc của bà giản dị lắm. Bà hồn nhiên khoe với chúng tôi: "Hồi tháng trước bệnh nặng quá tôi phải nằm bệnh viện gần tháng trời. Có thời điểm tưởng tôi không qua khỏi, các con đã chuẩn bị hậu sự. Vậy mà khi biết chuyện các bé ở đây chúng nó khóc nức nở. Chúng nó bảo bà Nguyệt chết rồi chúng con ở với ai. Các cụ cũng thế, cứ khóc ầm ĩ chả khác gì lũ trẻ. Tôi chả được chứng kiến nhưng nghe mọi người kể lại thấy hạnh phúc lắm".

Bà Nguyệt "khùng" có một sở thích rất đặc biệt. Mỗi năm vào ngày sinh nhật, bà lại đến ảnh viện để chụp ảnh và luôn phóng ít nhất một bức thật to. Đến phòng của bà có cảm giác như bước vào một ảnh viện đồ sộ. Những bức ảnh to như ảnh cưới được treo khắp phòng. Treo không hết bà còn bày biện dưới chân tường. Bà cười bảo chúng tôi: "Đồng bóng không? Nhưng kệ nhỉ. Chụp ảnh như thể viết nhật ký vậy. Mỗi năm nhìn vào bức ảnh mới sẽ thấy mình thay đổi thế nào so với những bức ảnh cũ trước đó".

Với số tiền ấy nếu không bị "khùng" thì giờ bà Nguyệt đã có thể ngồi không mà hưởng thụ một cuộc sống giàu sang. Nhưng bà đã không làm thế. Ngày ngày bà vừa làm một doanh nhân lại vừa kiêm một người nông dân đích thực để lấy tiền trang trải cho Trung tâm Bảo trợ từ thiện của mình. Ước mong giản dị của bà chỉ là làm sao cho Trung tâm Bảo trợ này được duy trì dài lâu để những mảnh đời bất hạnh kia không mất đi nơi nương tựa.

Phong Anh
.
.
.