Kỷ niệm Cách mạng tháng mười Nga (7/11/1917-7/11/2020)

Chuyện bảo vệ lãnh đạo CCCP

Thứ Sáu, 06/11/2020, 08:26
Cuộc mưu sát Lenin bất thành xảy ra vào ngày 1-1-1918: vị lãnh tụ ngồi trong xe cùng với Fritz Platten - người gốc Thụy Sĩ, là đảng viên đảng Dân chủ Xã hội - đang đi trên đường phố Petrograd thì mấy sĩ quan cũ của Nga hoàng xả súng. Fritz Platten đã lấy thân mình che chở Lenin, còn bản thân chỉ bị thương nhẹ ở tay...


Mùa Thu năm 1917, những người Bolshevik dồn sức thay đổi gốc rễ thế giới cũ để xây dựng thế giới mới của mình. Bây giờ thì rất khó tin, nhưng trong những ngày đầu tiên sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, nguyên thủ quốc gia Xô viết chưa có lực lượng chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ. Sau đó người ta mới phân công một người tên là Stepan Gil làm nhiệm vụ bảo vệ Lenin kiêm lái xe. Ông ấy trước cách mạng đã phục vụ trong đoàn xe Hoàng gia, chuyên chở hoàng hậu Alexandra Fyodorovna.

Người cứu mạng lãnh tụ Lenin

Cuộc mưu sát Lenin bất thành xảy ra vào ngày 1-1-1918: vị lãnh tụ ngồi trong xe cùng với Fritz Platten - người gốc Thụy Sĩ, là đảng viên đảng Dân chủ Xã hội - đang đi trên đường phố Petrograd thì mấy sĩ quan cũ của Nga hoàng xả súng. Fritz Platten đã lấy thân mình che chở Lenin, còn bản thân chỉ bị thương nhẹ ở tay.

Lãnh tụ Lenin (bên phải) và Stalin.

Mùa Xuân, Chính phủ Xô viết chuyển từ Petrograd về Moskva. Ở đây, ngày 30-8-1918, sau một cuộc mít tinh ở xí nghiệp Mikhelson trên phố Serpukhovskaya, Kaplan - một nữ đảng viên đảng Xã hội Cách mạng - đã bắn vào Lenin, nhưng nhờ phép màu nào đó, vị lãnh tụ vẫn vượt qua. Sau đó, Ủy ban Đặc biệt toàn Nga (VCheka) hàng ngày phải cử một số "Ủy viên tác chiến" giúp Stepan Gil’ tháp tùng Chủ tịch Hội đồng Dân ủy trong những chuyến công tác, thỉnh thoảng cũng có cắt cử người bảo vệ cho Trotsky và Dzerzhinsky…

Mùa Xuân năm 1920, Lenin ốm nặng, Người ở thành phố Gorky gần Moskva hầu hết thời gian cho đến khi mất. Ở đây có hai chục chiến sĩ bảo vệ. Đêm đầu tiên vừa tới nơi, họ phải xua đuổi chim họa mi trong các lùm cây để chúng đừng ríu ran quấy rối giấc ngủ của Lenin. Không lâu trước khi mất, Lenin đã tắm và đề nghị cắt tóc cho Người. Chiến sĩ bảo vệ Frantz Baltrušaitis ban đầu dùng tôngđơ điện, sau đó bôi kem cạo râu và tỉa ria. Diện mạo Lenin nằm trong lăng sau này được giữ đúng như thế.

Người bảo vệ lãnh tụ Stalin

Tháng 6-1927, một kẻ lạ mặt quăng bom vào trạm kiểm soát lối vào trụ sở cơ quan An ninh Quốc gia Lubyanka, hành động khủng bố này buộc Bộ Chính trị và các nhà tình báo phải thiết lập nghiêm chỉnh hệ thống bảo vệ các nguyên thủ quốc gia. Sau khi thông qua một nghị quyết đặc biệt, 15 nhà lãnh đạo CCCP được có vệ sĩ riêng kèm cặp. Từ 10-6-1927, người bảo vệ Stalin là Ivan Jusis (1891-1931), chính ủy đặc cách của Cơ quan Đặc biệt thuộc ngành an ninh (OGPU), người Litva. Trước kia, ông bảo vệ Dzerzhinsky - người lãnh đạo VCheka.

Sau vụ khủng bố Lubyanka, một chiến hữu thân thiết của Dzerzhinsky là Nikolai Vlasik - Trưởng ban Tác chiến của OGPU - đang nghỉ phép cũng được gọi về. "Lãnh đạo giao cho tôi cấp tốc tổ chức lực lượng bảo vệ Kremli cũng như các thành viên Chính phủ ở nhà vườn, trong các cuộc đi dạo, các chuyến đi xa và phải đặc biệt chú ý bảo vệ riêng cho đồng chí Stalin", - ông viết trong hồi ký. Trên thực tế trong năm 1927 Vlasik trở thành Đội trưởng đội bảo vệ Stalin.

Stalin được xây dựng 3 nhà nghỉ ở Moskva, 10 nhà nghỉ ở Kavkaz và 4 nhà nghỉ ở Crime, nhưng ông ở nhà nghỉ Kuntzevskaya lâu nhất, tới hai mươi năm. Tất cả các nhà nghỉ đều sơn màu lá cây vì chủ nhân sợ những cuộc tấn công từ trên không. Ở những nơi đó đều được bảo vệ không kém gì những phòng thí nghiệm quân sự bí mật: trên lãnh thổ rộng 50-100 ha có một số dạng hàng rào kẽm gai, tường vây bằng kim loại cao tới 6 mét. Xung quanh nhà nghỉ, trong chu vi vài kilomet có những đơn vị của Bộ Dân ủy Nội vụ CCCP (về sau là Bộ An ninh Quốc gia CCCP) bảo vệ.

Không trung trên nhà nghỉ có lực lượng phòng không che phủ, đấy được quy định là vùng cấm bay. Sau hàng rào bằng gỗ bắt đầu có sự kiểm tra của đội bảo vệ riêng. Mỗi nhà nghỉ mà Stalin hay đến còn được bảo vệ thêm bằng hàng nghìn chiến sĩ Cheka. Ngoài lực lượng bảo vệ, trong mỗi nhà nghỉ còn một đội ngũ nhân sự phục vụ, bao gồm lao công, thợ cắt tóc, đầu bếp, bồi bàn, y tá, người lái xe, người làm vườn, nhân viên kiểm tra độc tố trong các món ăn sắp được đưa đến để Stalin dùng… - tất cả 50 người. Do Stalin vốn bị bệnh phong thấp nên cầu thang trong các nhà nghỉ đều có bậc khá thấp, phù hợp với bước chân. Các tài liệu cũng khẳng định trong lãnh thổ Kremli đã xây dựng hầm tránh bom, giữa năm 1942 được đưa vào sử dụng nhưng khi ấy quân Đức đã không bay tới được Moskva. 

Trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, Vlasik chịu trách nhiệm về việc chuẩn bị cho cuộc sơ tán lãnh đạo Đảng, Chính phủ, ngoại giao đoàn và các cơ quan trung ương khi cần thiết. Cục Bảo vệ đã chọn được địa điểm ở Kuybyshev những chỗ làm việc và nghỉ ngơi cho Chính phủ, đảm bảo tốt giao thông, liên lạc và cung ứng lương thực thực phẩm. Ông cũng chịu trách nhiệm để chuẩn bị sơ tán thi hài Lenin và đội ngũ bảo quản, bảo vệ ở Tyumen. Kể cũng đáng tò mò: khi Stalin đi thị sát mặt trận, Lavrenty Beria - người lãnh đạo bộ máy an ninh và cảnh sát mật CCCP -  đã cấm Vlasik không cho đi tháp tùng để giữ bí mật tuyệt đối, bởi vì trong giới thân cận coi rằng nếu Vlasik ở Moskva thì Stalin ở đấy.

Trong những năm cuối đời, Stalin nhìn thấy nhiều mối nguy hiểm nhưng hồi ấy đối với an toàn của chính mình thì lại khá nhẹ dạ, không hiếm khi ông vi phạm quyết định của Bộ Chính trị và cứ hay đi bộ quanh Moskva mà chỉ có mỗi mình Vlasik tháp tùng. Mùa thu năm 1931, trên bàn làm việc của Stalin xuất hiện một mảnh giấy nhỏ của OGPU: "Ngày 16-11, khi cùng với tình báo của chúng tôi đi trên phố Ilinka vào lúc 3 giờ 35 phút chiều, gần ngôi nhà số 5/2 đối diện với Starogostinyi Dvor, một tên gián điệp Anh tình cờ gặp đồng chí và định rút súng lục ra bắn. Như tình báo của chúng ta cho biết, đồng chí tình báo đã kịp tóm lấy tay và bắt giữ tên gián điệp Anh, không để nó thực hiện vụ mưu sát". Bên dưới ghi nghị quyết: "Đồng chí Stalin phải ngừng việc đi bộ ra phố Moskva".

Jusis mất trong năm 1931 vì nhồi máu cơ tim nên Vlasik phải kiêm thêm nhiệm vụ làm bảo vệ riêng của lãnh tụ. Ngày 23-9-1933, trong kỳ nghỉ ở Pitsunda, họ lái xuồng máy ra biển thì từ phía bờ bất ngờ vang lên tiếng súng. Vlasik thấy thân mình che cho ông chủ. Về sau mới vỡ lẽ: do không được báo trước về chuyến dạo chơi trên biển của lãnh tụ tối cao, các chiến sĩ biên phòng cứ tưởng đấy là xuồng của bọn vi phạm.

Qua một phần tư thế kỷ phục vụ, Vlasik được thăng đến cấp Trung tướng an ninh, tạo nên một hệ thống bảo vệ nguyên thủ quốc gia vào loại tốt nhất vào thời đó, lãnh tụ được trang bị xe bọc thép. Chính Vlasik đã áp dụng vào đoàn một hệ thống có một số xe giống hệt nhau để không ai biết được Stalin đi xe nào. Vlasik đã kề vai sát cánh với Stalin một phần tư thế kỷ. Lãnh tụ chỉ thiếu người vệ sĩ của mình vẻn vẹn 10 tháng.

Beria đã tổ chức cuộc bãi nhiệm Vlasik, ban đầu còn mớm tin cho Stalin rằng Vlasik từng chuẩn bị ám sát lãnh tụ nhưng bắn trượt. Do đó năm 1952 Beria tổ chức thanh tra toàn lực lượng cảnh sát mật CCCP và lần này nổi lên những vụ khó chịu có vẻ rất gần với sự thật như: những chiến sĩ bảo vệ và nhân vật trong lực lượng đặc nhiệm bỏ bê nhiệm vụ, hay tổ chức chè chén linh đình, ăn cắp hoa quả và đồ uống đắt tiền.

Về sau cũng tìm thấy những nhân chứng khai ra rằng chính Vlasik cũng không chống lại sự thư giãn bằng cách ấy. Tháng 4 năm 1952 Beria kiếm cớ đó cách chức Vlasik và chuyển ông xuống Ural cho làm Phó trại giam được ít lâu thì bắt ra tòa, bỏ tù 10 năm, tước hết quân hàm tướng và tất cả các huân, huy chương.

Ở tù được gần 4 năm (1956), Vlasik được ân xá, bãi bỏ bản án cũ, nhưng lãnh đạo cấp cao thời hậu Stalin không phục hồi quân hàm và trả lại huân, huy chương cho ông. Trong hồi ký của mình, Vlasik viết: "Sau 25 năm công tác miễn chê, không có bất cứ một lời trách móc nào, chỉ toàn ngợi khen và phần thưởng, tôi bị khai trừ Đảng và bỏ vào nhà ngục. Vì lòng trung thành vô bờ bến của tôi đối với ông, ông trao tôi vào tay kẻ thù. Nhưng không bao giờ, không một phút giây nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào dẫu ở trong tù, trong lòng tôi vẫn không có điều ác nào đối với Stalin". Hồi ký của Vlasik chỉ được giải mật vào năm 2011, sau khi ông được minh oan toàn bộ năm 2000, sau khi chết. Bản thân ông bị ung thư phổi và mất năm 1967 tại Moskva. 

Bảo vệ của Ông Khrushchyov từng phát hoảng

Thời Khrushchyov, xuất hiện "Cục 9" trứ danh, đó là Cục 9 bảo vệ các nhà lãnh đạo CCCP. Thế nhưng đối với việc bảo vệ mình thì ông lại khá qua quýt. Năm 1961, ông ra lệnh gỡ bỏ thiết bị bảo vệ hàng rào khu nhà vườn của mình ở Livadia, chỉ để trạm gác ở lối vào chính và lối từ phía biển. Một đêm, đàn ông, đàn bà trèo qua hàng rào núp trong bụi rậm để sáng hôm sau, khi Khrushchyov vừa bước ra cửa thì họ chuyển cho ông đơn khiếu nại chính quyền địa phương. Chỉ sau sự kiện đó, Khrushchyov mới chịu lập lại hệ thống bảo vệ ở dạng cũ.

Ông Khrushchyov thích đi xe mui trần.

Ở Austria có kẻ ném dưới chân Khrushchyov một vật giống như lựu đạn, người bảo vệ tên là Mikhail Soldatov kịp thời nằm đè lên và may mắn là bi kịch đã không xảy ra. Trong một ống kim loại là bức thư của một người Nga lưu vong cầu khẩn giúp cho ông được trở về Tổ quốc. Lại còn một trường hợp nữa rất hy hữu xảy ra ở Minsk - thủ đô Belarus hiện nay - tại một nghi lễ trang trọng: một nữ diễn viên bỗng dưng lôi từ cổ áo ra một vật gì đó. Soldatov bèn xông ngay lên sân khấu và túm lấy tay cô ta. Váy áo lễ hội trên người bị toạc mạnh, lộ ra bộ ngực trần của nữ diễn viên. Vật cô lôi từ cổ áo hóa ra là một… bức thư gửi cho Khrushchyov.

Tiện đây cũng kể luôn là Khrushchyov thích ngồi trong xe mở ở cửa trần làm cho cánh bảo vệ cũng vất vả thêm. Sau vụ ám sát Tổng thống Mỹ Kennedy đi xe mui trần ở Dallas thì Khrushchyov cũng như lãnh đạo các nước khác mới thôi mạo hiểm. 

Những sự cố với Ông Brezhnev

Leonid Brezhnev được coi là người đối xử với cánh bảo vệ tốt nhất trong các nhà lãnh đạo CCCP. Thủ trưởng đội vệ sĩ riêng của ông là Thiếu tướng Alexandr Ryabenko.

Vụ mưu sát ông Brezhnev diễn ra vào ngày 22 tháng 1 năm 1969: viên trung úy Hồng quân Viktor Ilyin hồi nhỏ sống trong trại mồ côi vì bố mẹ nát rượu, trộm được ở đơn vị 2 khẩu súng ngắn "Makarov" và 4 băng đạn, bay từ Leningrad đến Moskva, dừng chân tại nhà ông bác vốn là cảnh sát. Sáng hôm sau, y trộm bộ sắc phục của bác mình, đến cổng Borovitzky trà trộn vào hàng ngũ cảnh sát. Khi ấy ở Kremli đang chờ đón Brezhnev và các nhà du hành vũ trụ sắp đến.

Lúc đoàn xe tới gần, Ilyin bỏ qua chiếc xe thứ nhất, đoán rằng xe chở Tổng Bí thư sẽ là chiếc thứ hai.  Y bắn bằng cả hai tay vào cửa kính bên sườn xe, 11 viên đạn lọt vào trong, ở đó các nhà du hành vũ trụ Georgy Beregovoy, Aleksey Leonov, Andrian Nikolaiev với vợ là Valentina Tereshkova đang ngồi. Người lái xe là sĩ quan "Cục 9" Ilya Zharkov bị thương nặng, một chiến sĩ lái môtô trong đoàn tiêu binh tháp tùng bị thương ở tay.

Tên khủng bố không kịp nạp đạn tiếp liền bị hạ thủ bởi nhân viên "Cục 9" Mikhail Yagodkin đang túc trực ở cổng Borovitzky. Xe chở Brezhnev không bị trúng đạn, ngồi cùng với Tổng Bí thư là thủ trưởng đội bảo vệ Ryabenko khi đó vừa đến cầu Đá Lớn đã ra lệnh cho lái xe không tiếp tục đi theo đoàn mà vào Kremli qua cổng Spassky. Trong thời khắc cuối cùng, linh tính đã mách bảo Ryabenko chăng?

Ông Brezhnev cũng có những lúc gây khó dễ cho các vệ sĩ của mình vì thích tốc độ cao, tăng ga hết cỡ, đã mấy lần suýt gây ra tai nạn giao thông, nhưng Ryabenko kịp bảo toàn tính mạng cho ông. Ngay như ngày 23 tháng 3 năm 1982, trong chuyến thăm Tashkent - thủ đô nước Cộng hòa Uzbekistan hiện nay. Brezhnev đã 75 tuổi mà chương trình thì rất nặng nên đoàn quyết định khước từ chuyến đến thăm xí nghiệp sản xuất sửa chữa máy bay. Đến khi trở về trụ sở, Brezhnev tỏ ra khó nghĩ: "Mọi người đã chuẩn bị cho cuộc gặp, bao nhiêu người đang chờ"...

"Thưa đồng chí, không thể đến xí nghiệp ấy được. Bảo vệ đã bãi bỏ chương trình đó rồi ạ", - Ryabenko trả lời, nhưng Tổng Bí thư đề nghị chỉ gặp trong vòng 15 phút thôi. Cuộc gặp gỡ diễn ra ở xưởng lắp ráp, nơi có những chiếc máy bay đang thành hình giữa các giàn giáo. Nghe đài truyền thanh nội bộ thông báo, hàng trăm công nhân đổ đến đó, họ trèo lên cả giàn giáo cốt để thấy rõ Tổng Bí thư. Bảo vệ phải rất vất vả ngăn cản.

Ryabeko nhất quyết đòi phải quay về ngay! Nhưng ông Brezhnev lại chẳng muốn nghe: tôi phải chuyện trò với công nhân đã chứ! Sân khấu lớn ghép bằng những tấm gỗ không chịu nổi sức nặng của đám đông bỗng nhiên bị ụp, Brezhnev, Ryabenko và thủ lĩnh Uzbekistan Rashidov đứng ở bên dưới, cánh bảo vệ phải chật vật nâng sàn sân khấu lên để kéo Brezhnev ra. Ông bị rách vành tai, máu chảy nhiều. Trong khi đó dân tình muốn biết chuyện gì xảy ra kéo đến càng đông, Ryabenko phải rút súng lục ra dọa để giải tán họ, mở đường ra chỗ xe đậu. Sau đó, các bác sĩ chẩn đoán xương đòn gánh của Brezhnev bị tổn thương nhẹ.

Câu chuyện này do Yegor Ligachyov - cựu Ủy viên Bộ Chính trị - kể lại: "Khi còn làm Bí thư thứ nhất Đảng bộ tỉnh Tomsk, tôi đến chỗ Brezhnev hàng chục lần. Trong một cuộc gặp, ông phàn nàn: "Yegor, anh nghe này, không biết họ muốn làm gì với tôi, đúng là họ muốn nhạo báng! Tôi muốn hút thuốc lá, họ không cho. Không cho Tổng bí thư nhé! Anh nói đi, để hộp thuốc lá trên mặt bàn làm gì? Cứ thử mở nó ra xem nào!". "Leonid Ilich, tôi không nghiện thuốc lá nên tôi không mở ra đâu". "Thậm chí có muốn cũng không thể mở. Nó chỉ được mở mỗi một lần, chừng 40-50 phút. Nhưng tôi rất muốn hút thuốc. Anh biết không, tôi đã làm gì?" và Brezhnev nhấn nút chuông. Người bảo vệ đi vào ngay. "Cho một điếu thuốc nhé!". "Leonid Ilich, đồng chí không được hút, bác sĩ cấm ngặt mà!". "Thôi thế thì tạm biệt anh. Tôi sẽ chọn người bảo vệ khác". Một câu nói nửa đùa nửa thật, nhưng anh bảo vệ này liền mang thuốc lá đến".

Lệnh bà Gorbachyov

Kỷ niệm chẳng hay ho gì giữa các cựu chiến binh của "Cục 9" là với bà Raisa Maximovna - phu nhân của Mikhail Gorbachyov. Đại tá hưu trí Viktor Kyzovlev làm nhiệm vụ bảo vệ lãnh đạo cao cấp của đất nước đã viết: "Xét theo mọi vấn đề - kể cả những vấn đề vặt vãnh nhất - thì bà Raisa Maximovna đã giành lấy quyền gọi điện cho Plekhanov - Thủ trưởng "Cục 9" - vào bất cứ lúc nào và thường xuyên đòi phải có sự chú ý cao nhất đối với bà, không tính đến hoàn cảnh và cương vị của ông. Tất cả những chuyện đó làm ông tổn thương lắm.

Bà Raisa Maximovna đã biến Thiếu tướng Klen, Phó thủ trưởng "Cục 9" của KGB dường như chỉ phục vụ riêng mình. Trước Tổng bí thư Gorbachyov, không một bà vợ nào của Tổng Bí thư dám can thiệp vào các quyết định có tầm quan trọng quốc gia, thế mà Raisa Maximovna đã phá vỡ truyền thống đúng đắn đó".

Những chuyến công tác ngoài nước của Gorbachyov làm cho công việc của "Cục 9" nảy sinh nhiều vấn đề. Thông thường, lộ trình đi đâu, dừng ở chỗ nào, gặp gỡ dân chúng ra sao… đều được sắp đặt từ trước để tránh mọi sự cố khó chịu. "Còn Tổng thống của chúng ta thì ra xe ở đâu là do phu nhân của ông mách bảo, - ông Vladimir Madvedev, thủ trưởng đơn vị bảo vệ của Gorbachyov nhớ lại. - Có khuyên ông ấy điều gì cũng không nghe: "Cậu làm gì thế nhỉ, bảo vệ lại dạy dỗ cơ à? Không đời nào, không đời nào có như thế đâu!". Kết quả là xuất hiện những sự cố chen chúc, xô lấn, cả tai nạn giao thông… khiến anh em bảo vệ phải thâm tím, thậm chí phải khâu vài mũi".

Rượu dành cho ông Yeltsin

Năm 1985, ông Alexandr Korzhakov - nhân viên "Cục 9" của KGB được giao nhiệm vụ làm bảo vệ riêng cho Boris Yeltsin - Bí thư thứ nhất Đảng bộ tỉnh Moskva. Khi Yeltsin bị thất sủng, ông vẫn ở lại với sếp. Năm 1990, Yeltsin được bầu làm Chủ tịch Xô viết Tối cao nước Cộng hòa Liên bang Nga, Korzhakov trở thành Cục trưởng Cục Bảo vệ và chọn tình báo viên Boris Ratnikov - người quen cũ từ hồi còn công tác ở Afghanistan - làm Phó cho mình.

Ông Yeltsin đâu có ngờ rượu đã được pha nước lã...

Thiếu tướng hưu trí Ratnikov kể rằng lúc đầu trong đơn vị bảo vệ chỉ có 8 con người - tính cả Korzhakov - vừa làm vệ sĩ đồng thời vừa làm cảnh sát cơ động. Sau khi bị thua Ủy ban Tình trạng Khẩn cấp Quốc gia thì Yeltsin đề xuất thành lập KGB mini của mình bởi vì ông không tin Ủy ban An ninh Quốc gia, đến khi xảy ra chuyện đổ vỡ CCCP mới tổ chức được cơ quan bảo vệ lãnh đạo nghiêm chỉnh.

Yeltsin vốn có nhược điểm về phần alcohol nên để tránh gặp sự cố, cơ quan bảo vệ lãnh đạo phải họp bàn nghiêm túc. Korzhakov đã thu tất cả các chai đồ uống có cồn trong nhà ăn, pha nước vào cho loãng ra rồi khéo léo đóng nút y hệt như cũ bằng một thứ máy lấy từ xí nghiệp sản xuất vodka "Kristall". Ông Yeltsin uống và giữ được trạng thái làm việc.

Mùa Xuân năm 1881, những tên khủng bố của tổ chức "Ý chí Nhân dân" đã nổ bom tự chế sát hại vị Nga hoàng giải phóng dân tộc Àlexandr II. Sau tấn bi kịch đó, ngày 16-9-1881 (đúng 139 năm về trước!) lần đầu tiên trong lịch sử nước Nga đã lập ra một cơ quan đặc biệt lo toan việc bảo vệ nguyên thủ quốc gia - tiền thân của Cục Bảo vệ Liên bang (FSO) hiện nay. Chỉ huy trưởng Cục Bảo vệ Hoàng thượng là tướng P. A. Cherevin (1837-1896).
Đăng Bẩy (tổng hợp)
.
.
.