Chuyến bay đặc biệt về từ tâm bão

Thứ Hai, 03/08/2020, 08:39
15h10 ngày 29-7, chuyến bay VN06 chở 219 công dân Việt Nam (trong đó có 140 hành khách dương tính với COVID-19) từ Guinea Xích Đạo về nước đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài. Không chỉ có hàng trăm người bệnh, mà cả đoàn tiếp viên, phi công khi được trở về trên chuyến bay giải cứu đã vỡ oà niềm hạnh phúc. Với tinh thần “giải toả” nhanh nhất, 16h45 cùng ngày, đoàn xe đã chở các công dân về Bệnh viện nhiệt đới Trung ương để bắt đầu hành trình chữa bệnh và cách ly.


Hạ cánh muộn giờ dự kiến, 5 hành khách trở bệnh nặng

7h sáng 28-7, chiếc máy bay Airbus 350 với số hiệu chuyến bay VN06 rời Hà Nội đi Guinea Xích đạo. Theo như dự kiến, 11h10 trưa ngày 29-7, chuyến bay chở 219 người Việt về từ Guinea Xích đạo sẽ hạ cánh xuống Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài- Hà Nội. Thế nhưng, không như kế hoạch, phải đến tận 15h10, chậm 4 giờ so với dự kiến ban đầu, chuyến bay mới đáp xuống Nội Bài.

Lý do là một số chuyến xe chở công dân đến sân bay Bata chậm, thời gian xin phép cất cánh kéo dài hơn dự định. Điều đáng chú ý hơn, khi lên máy bay, số hành khách nhiễm COVID-19 đã được thông báo tăng từ 129 người lên 140 người, trong đó có 5 bệnh nhân nặng. Nhưng không vì thế mà cả đoàn bay 19 người gồm: 5 phi công, 8 tiếp viên nam, 2 nhân viên kỹ thuật mặt đất và 2 bác sỹ, 2 điều dưỡng của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương mất bình tĩnh.

Hạnh phúc của hành khách khi được đặt chân về đến Việt Nam.

Ngay khi hạ cánh, máy bay đã được dẫn về đỗ ở một vị trí biệt lập, được khử trùng tuyệt đối để đảm bảo quy trình phòng chống dịch cao nhất, đồng thời đảm bảo hoạt động khai thác hàng không tại Nội Bài vẫn diễn ra bình thường. Toàn bộ hành khách và phi hành đoàn không di chuyển vào nhà ga nên việc nhập cảnh được thực hiện tại chỗ.

Công an cửa khẩu đã làm thủ tục nhập cảnh theo đúng quy định, nhanh chóng và thuận lợi nhất để “giải tỏa” hành khách nhanh nhất có thể. 5 xe cứu thương túc trực sẵn tại sân bay để đưa 5 bệnh nhân nặng rời đi sớm nhất. Các bệnh nhân còn lại cũng được đưa ngay về Bệnh viện nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 tại Đông Anh.

Để chuẩn bị cho chuyến bay đặc biệt này, 100 bộ đồ bảo hộ tiêu chuẩn cao nhất đã được cấp phát cho các thành viên phi hành đoàn. 300 khẩu trang N95 cũng đã sẵn sàng để cung cấp cho các hành khách trên chuyến bay. Toàn bộ khoang khách được chia làm 3 khu vực, ngăn cách bằng các tấm nhựa dẻo PVC. Trong đó khoang thương gia được thiết lập làm “vùng sạch” và được lắp máy lọc không khí đặc chủng của Bộ Y tế.

Đây cũng là nơi các y, bác sĩ và thành viên tổ bay ngồi trong suốt chuyến bay. Khoang phổ thông đặc biệt là “vùng đệm” cũng được trang bị máy lọc này. Các thiết bị y tế mang theo cũng được đặt tại đây. Riêng khoang hạng phổ thông sẽ được chia làm 2, phần phía trên sẽ dành cho các hành khách được xác định âm tính trong khi phần dưới sẽ để phục vụ các hành khách dương tính với COVID-19.

Cáng y tế cũng được lắp trên máy bay dự phòng trường hợp cấp cứu bệnh nhân trong những tình huống khẩn cấp phát sinh. Do hành trình lần này bay hơn 30 giờ nên trên máy bay đã lắp buồng áp lực dương để tổ bay và các y bác sỹ ăn uống.

Trong khoang phổ thông, mỗi lưng ghế sẽ được trang bị 5 khăn ướt tẩm cồn, 1 túi rác và 1 tờ hướng dẫn hành khách trên chuyến bay. Đồ ăn thức uống trong suốt chuyến bay cũng sẽ được đặt sẵn trong túi ghế phía trước hoặc đặt trên ghế trước khi hành khách lên máy bay.

Tại sân bay Bata, hành khách đã được tách làm 2 đoàn. Các hành khách âm tính sẽ làm thủ tục trước. Trong quá trình đưa khách lên máy bay, các bác sĩ đi theo chuyến bay chịu trách nhiệm kiểm tra, sàng lọc sức khỏe của khách. Nhóm khách âm tính sẽ lên máy bay trước. Sau khi nhóm khách âm tính ổn định chỗ ngồi trên máy bay, tiến hành cho khách bị bệnh lên.

NIA phối hợp đón chuyến bay từ Guinea Xích đạo về Việt Nam an toàn.

Trước khi đóng cửa máy bay, thành viên tổ bay (ngoại trừ các tiếp viên trong khoang khách) phải cởi bỏ bộ đồ bảo hộ mặc bên ngoài và giao cho đối tác phục vụ mặt đất ở sân bay Bata trước khi về ghế ngồi tại khoang C (trước khi tàu bay hạ cánh, thành viên phi hành đoàn sẽ phải mặc sẵn 2 bộ đồ bảo hộ). Thành viên tổ bay phải mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang trong toàn bộ quá trình bay.

Các tiếp viên làm nhiệm vụ đón khách ban đầu tiếp tục làm nhiệm vụ tại khoang khách trong quá trình cất cánh. Khi tàu chuyển sang bay, các tiếp viên này có thể di chuyển lên khoang phổ thông đặc biệt, cởi bỏ bộ đồ bảo hộ mặc bên ngoài và ngồi tại đây trong quá trình bay, không di chuyển lên khoang thương gia…

Biết hiểm nguy nhưng không ngần ngại

Cơ trưởng Phạm Đình Hưng- giáo viên, Phó đội trưởng Đội bay Airbus 350 đồng thời cũng là "chỉ huy trưởng" của chuyến bay đặc biệt này chia sẻ: Ngay khi có thông tin về chuyến bay đón công dân Việt Nam từ Guinea Xích đạo, Đoàn bay 919 đã thông báo đến anh em phi công. Với các chuyến bay giải cứu thông thường, thì lãnh đạo Đoàn bay cứ phân công ai là người đó đi.

Tuy nhiên, chuyến bay này có rất nhiều khách dương tính với COVID-19, do đó, việc phân công phi công thực hiện chuyến bay đều dựa trên tinh thần tự nguyện. “Tôi cũng không mấy bất ngờ khi có rất nhiều đồng nghiệp tại Đoàn bay xung phong tham gia chuyến bay. Bản thân tôi thấy thực sự rất tự hào về điều này. Với 5 thành viên lần này, phi hành đoàn sẽ phải phân công, chia thời gian bay.

Do hành trình bay tương đối dài, do đó các phi công sẽ phải bay tối đa giờ bay được phép. Bản thân chúng tôi cũng không muốn thêm người nữa, bởi không chỉ là bay một chuyến bay mà còn cả 14 ngày cách ly sau đó. Còn rất nhiều các chuyến bay giải cứu khác đang chờ chúng tôi, không thể “lãng phí” phi công phải cách ly được”, anh Hưng nói.

Khi được hỏi về lo lắng trước chuyến bay, cơ trưởng Phạm Đình Hưng cho biết điều phi hành đoàn lo lắng nhất chính là sức khoẻ của hành khách trên suốt chuyến bay, lo ngại có những diễn biến xấu có thể xảy ra với bệnh nhân khi đang trong hành trình. Để đảm bảo an toàn cho hành khách trong cả một hành trình dài trên 13 tiếng và đặc biệt là hạn chế sự lây nhiễm trong khoang hành khách đối với cả hành khách lẫn thành viên phi hành đoàn thì đây thực sự là 1 thách thức vô cùng lớn.

Tất nhiên, các cơ quan chức năng, lãnh đạo Tổng công ty… cũng đã lường trước mọi tình huống có thể xảy ra và chuẩn bị rất kỹ càng cho chuyến bay này. Một lo lắng nữa của phi hành đoàn là khả năng lây nhiễm virus. Đù phi hành đoàn đều được trang bị áo bảo hộ đặc chủng, máy bay được chia khoang, thiết lập “vùng sạch”, lắp máy lọc không khí... nhưng việc hơn 100 hành khách nhiễm virus ở trên một môi trường khép kín trong khoảng thời gian dài đến mười mấy giờ đồng hồ, không ai dám khẳng định điều gì…

Giờ đây, khi chuyến bay đã hạ cánh an toàn, các bệnh nhân đã được đưa đi điều trị, với những người thực hiện chuyến bay đặc biệt này, họ đã hoàn thành nhiệm vụ không chỉ bằng trách nhiệm mà còn có cả nghĩa đồng bào.

Đón 140 người lao động ở Brunei về nước

Cũng trong ngày 29-7, được sự hỗ trợ của các Cơ quan chức năng tại Việt Nam và đặc biệt là Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei Darussalam, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) phối hợp cùng Hãng hàng khôngVietjet Air đã đưa 140 người lao động thuộc Tổng công ty từ Brunei Darussalam trở về nước an toàn. Số lao động này bao gồm người lao động đã hết hạn hợp đồng và/hoặc hết hạn giấy phép lao động cùng một số trường hợp có vấn đề về sức khỏe cần về nước điều trị nhưng bị mắc kẹt ở Brunei Darussalam do ảnh hưởng của dịch cúm COVID-19.

Đại sứ Trần Văn Khoa cùng Đại diện LILAMA hỗ trợ công dân trong quá trình làm thủ tục xuất cảnh tại Sân bay quốc tế Brunei.

Đây là chuyến bay LILAMA thuê riêng (charter flight) phục vụ cho việc đưa người lao động về nước, trên chuyến bay ngoài người lao động thuộc LILAMA còn có một số kiều bào hiện đang sinh sống tại Brunei Darussalam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần trở về nước. Đại sứ Trần Văn Khoa cùng toàn bộ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán đã có mặt tại Sân bay quốc tế Brunei trực tiếp hỗ trợ công dân trong suốt quá trình làm thủ tục xuất cảnh và lên máy bay.

Ông Lê Văn Tuấn, Tổng giám đốc LILAMA cho biết: “Trong trường hợp các chuyến bay thương mại giữa Việt Nam và Brunei Darussalam chưa được nối lại trong thời gian tới, LILAMA sẽ tiếp tục hợp tác cùng các hãng hàng không trong nước để đưa người lao động của tổng công ty về nước kịp thời khi các phần công việc thuộc phạm vi của Hợp đồng đã ký kết được hoàn thành. Việc thuê riêng máy bay để đưa công nhân về nước thể hiện sự quyết tâm trong việc bảo đảm an toàn tối đa cho người lao động của LILAMA tại nước ngoài, giúp cho người lao động của Tổng công ty tại Brunei Darussalam có thể yên tâm hoàn thành tốt các công việc còn lại, thực hiện thành công dự án theo đúng Hợp đồng LILAMA đã ký”.

LILAMA hiện đang thực hiện thi công xây lắp Nhà máy Phân bón A/U Brunei với công suất 2.200 tấn Ammonia/ngày và 3.900 tấn Urea/ngày, nhà máy được đặt tại Khu công nghiệp Sungai Liang Industrial Park cách thủ đô Bandar Seri Begawan khoảng 100km. Vào thời kỳ cao điểm, LILAMA đã huy động 1.600 cán bộ công nhân viên sang làm việc tại dự án.

Nhật Uyên
.
.
.