Chuyện bên lề phiên toà nâng điểm

Thứ Ba, 22/10/2019, 08:40
Lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng  tỉnh Hà Giang, phiên tòa đặc biệt diễn ra trong gần một tuần lễ, người đứng trước bục xét xử là những người thầy.


1. Ngày 16-10, phiên xét xử vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại Hà Giang bước sang ngày thứ 3. Ông Vũ Văn Sử, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Hà Giang đứng trước bục xét hỏi với vai trò nhân chứng. Đứng xung quanh ông là những thuộc cấp thời ông đang đương nhiệm Giám đốc sở.

Trả lời Hội đồng xét xử về suy nghĩ của cá nhân ông với vai trò Giám đốc, ông Sử nói, đó là việc mình không bao giờ nghĩ tới, không nghĩ nó xảy ra, bản thân rất đau lòng về sự việc. “Lần đầu tiên trong lịch sử thi cử nước nhà xảy ra sự việc này. Tôi đã báo cáo với các cấp, báo cáo trung thực. Đây là điều hết sức đau lòng nên mới có phiên tòa ngày hôm nay”, ông Sử nói.

Phiên tòa chiều ngày 16-10.

Ông cho biết, trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, với vai trò Giám đốc Sở GD-ĐT, ông là Chủ tịch Hội đồng, Phó trưởng ban Thường trực Hội đồng thi quốc gia Hà Giang. Danh sách 13 cháu nhờ xem điểm thi - nội dung được HĐXX chất vấn các bị cáo và hàng chục nhân chứng để làm rõ hành vi vi phạm phạp luật, nguyên Giám đốc Sở GD- ĐT tỉnh Hà Giang cho biết “Tôi thấy rất buồn và khó hiểu”.

Lời trần tình trước tòa của ông Sử khiến những người có mặt tại tòa không khỏi đau xót. Nó liên quan tới câu chuyện đau buồn của gia đình một đồng nghiệp, chị Nông Thị Thanh Triều, người có chồng là bộ đội biên phòng huyện Đồng Văn bị đột tử mất đúng vào ngày đầu tiên kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 diễn ra.

Chị Triều cho biết buổi sáng ngày hôm đó, 25-6, chị nhân được điện thoại từ đơn vị của chồng công tác, nói phải lên ngay Đồng Văn vì có việc. Lúc đó, qua điện thoại, đơn vị vẫn giấu chị cái tin động trời ấy. Khi chị cho biết sẽ đi xe máy lên Đồng Văn, cách Thành phố Hà Giang 130km, đơn vị đã cho xe ô tô xuống tận nhà để đón.

Khi đó, họ không giấu được nữa: Chồng chị đã mất đột ngột từ đêm hôm trước, gọi chị lên để lo hậu sự cho chồng. Bỏ tất cả ở lại, chị Triều lên với chồng, nhờ bạn bè đồng nghiệp cùng cơ quan giấu bặt thông tin không cho con biết, để con yên lòng tham gia thi hết kỳ thi.

Câu chuyện gia đình của chị Triều đến tai ông Sử. Ông cho biết rất chia sẻ với câu chuyện sau đó nói với thuộc cấp của mình, bà Triệu Thị Chính - Phó giám đốc Sở về trường hợp này. “Tôi nói rõ mục đích là xem điểm, nếu cháu đủ điểm tốt nghiệp thì tốt, còn nếu có làm sao thì sẽ cho cháu làm đơn để được đặc cách đỗ. Nhưng, cháu đã tốt nghiệp kỳ thi nên không phải làm đặc cách”.

Nhưng, câu chuyện này sau đó đã trở thành một tình tiết của vụ án, là nguồn cơn dẫn tới chi tiết danh sách 13 thí sinh mà bà Triệu Thị Chính đánh máy, đưa cho Nguyễn Thanh Hoài để nhờ xem điểm. Bản danh sách này, tại tòa, bà Triệu Thị Chính khẳng định chỉ nhờ để xem điểm môn Ngữ văn, là môn tự luận, chấm bằng tay chứ không thao tác bằng máy. Nó cũng là nguồn cơn mà các bị cáo khai nhận lòng vòng, không trùng khớp giữa hai khái niệm: nhờ nâng điểm hay nhờ xem điểm.

“Tôi nói rất tin tưởng vào kỳ thi, tin tưởng phần mềm chấm điểm bằng máy tính chính xác, không có tiêu cực. Chỉ còn mỗi môn tự luận là chấm tay với quy chế ngặt nghèo nên không lo bị can thiệp, tác động. Bộ GD - ĐT chưa yêu cầu lắp camera giám sát nhưng tôi đã chỉ đạo lắp camera tại các hội đồng thi. Việc giám sát, đảm bảo an ninh cho kỳ thi được Hà Giang làm rất chắc chắn, nghiêm ngặt.

Thời điểm 19h30 ngày 7-7-2018, tôi được báo tin là mất dấu niêm phong tại phòng chứa bài thi trắc nghiệm đang được giữ tại Hội đồng thi trường Chuyên Hà Giang.

Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài.

Ngay lập tức, tôi cùng hai Phó giám đốc khác của Sở là anh Bình, chị Chính đến ngay trường Chuyên, cùng với anh em công an để kiểm tra sự việc. Lúc này, anh Bình cho biết không tìm được anh Hoài, gọi điện thoại cũng không được. Tôi cho xe xuống tận nhà anh Hoài để tìm thì cửa đóng then cài. Anh Lương cũng không tìm được.

Tôi linh tính có chuyện bất thường sau đó yêu cầu trích xuất camera giám sát thì thấy anh Lương xuất hiện tại phòng chứa bài thi trắc nghiệm, giật niêm phong, mở khóa cửa và mang cây CPU máy tính ra khỏi phòng chứa bài thi. Ngay ngày hôm sau, 8-7, tôi tổ chức cuộc họp tại Sở yêu cầu anh Lương giải trình.

Lúc đầu anh Lương không thừa nhận mình vi phạm quy chế kỳ thi, tôi yêu cầu đọc rõ điều 23 Quy chế thi trước cuộc họp, lúc đó anh Lương mới thừa nhận là vận chuyển tất cả những thứ đó về mà chưa được sự đồng ý của Hội đồng thi” – ông Sử khai báo trước tòa với sự chua chát không giấu giếm.

2.Trong số những bị cáo, ngoài bị cáo Lê Thị Dung, nguyên cán bộ Công an tỉnh Hà Giang, còn lại đều từng là những người thầy. Bị cáo Triệu Thị Chính, cựu Phó giám đốc Sở là giáo viên có 28 năm dạy Văn; Nguyễn Thanh Hoài, Vũ Trọng Lương trước khi làm quản lý ngành giáo dục, cũng đều là những người đã có nhiều năm đứng trên bục giảng.

Đứng trước tòa, bà Chính vẫn khẳng định, với đặc thù của môn văn, thí sinh phải viết giấy trắng mực đen, quy chế chấm thi ngặt nghèo qua nhiều công đoạn, việc sửa điểm thi là không thể can thiệp được. Đó cũng là lời tự bào chữa, bảo vệ cho hành vi phạm tội của cá nhân Triệu Thị Chính.

Ông Vũ Trọng Lương, người được xướng tên ngay từ thời điểm vụ tiêu cực gian lận điểm thi được phát hiện, là Phó phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang) được đánh giá là một cán bộ có chuyên môn tốt, nhiều năm công tác tại Sở này.

Ông Vũ Trọng Lương (SN 1978, nguyên quán huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) trước khi về công tác tại Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang là giáo viên trường THPT chuyên tỉnh Hà Giang. Ông Lương là giáo viên dạy môn Vật lý.

Được đánh giá là người có năng lực, phụ trách đội tuyển thi học sin h giỏi Quốc gia môn Vật lý của trường Chuyên Hà Giang nhiều năm. Sau đó, ông Lương về Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, biên chế tại Phòng THPT. Năm 2010, Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng được thành lập, ông Vũ Trọng Lương được chuyển sang phòng này, giữ chức vụ Phó phòng Khảo thí từ năm 2010 cho đến khi bị khởi tố.

Tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại Hà Giang, ông Lương là Thư ký Hội đồng thi THPT QG năm 2018 của Hội đồng thi tỉnh Hà Giang. Ông Vũ Trọng Lương được xác định là đối tượng chính trong việc thao tác, can thiệp làm thay đổi điểm số của 114 thí sinh với hơn 330 bài thi.

Bị cáo Vũ Trọng Lương.

Vũ Trọng Lương được giao nhiệm vụ phụ trách máy tính để quét bài thi trắc nghiệm. Nhiều năm qua, Sở GD-ĐT vẫn phân công cho ông Lương phụ trách trực tiếp và là người sử dụng máy này để thao tác xử lý các công việc hàng ngày.

Sau khi có kết quả đáp án của Bộ GD-ĐT, ông Lương đã lên mạng tải toàn bộ những đáp án đó về chuyển sang phần mềm Ecxel, lưu ở trong máy và sau đó đã sử dụng cách thức này để làm sai lệch kết quả thi của nhiều thí sinh.

Đồng thời, máy tính này được mang đến phòng quét xử lý bài thi trắc nghiệm. Trong quá trình này, ông Lương đã tiến hành thao tác quét được file ảnh và chuyển sang file excel, lấy kết quả đáp án đã được mình xử lý trước đây copy - past vào file ảnh bài thi của thí sinh, đánh lừa máy quét chấm điểm tự động.

330 bài thi trắc nghiệm đã được thay đổi điểm thi, trong thời gian 2 tiếng. Tốc độ trung bình được tính ra là 6 giây cho một bài thi được làm sai lệch. Ngoài ra, kiểm tra điện thoại của ông Lương có rất nhiều tin nhắn đến liên quan và căn cứ vào đó nhập các số báo danh vào máy tính.

Nguyễn Thanh Hoài – Trưởng phòng Khảo thí là cán bộ công tác lâu năm trong ngành giáo dục. Hoài tốt nghiệp ĐH Sư phạm Việt Bắc, công tác tại huyện Yên Minh từ khi tỉnh Hà Tuyên cnf chưa tách thành Hà Giang- Tuyên Quang. Sau đó, Hoài được điều động về làm Trưởng phòng THPT của Sở Giáo dục tỉnh Hà Giang, sau đó tách và thành lập mới, Hoài làm Trưởng phòng Khảo thí – Kiểm định chất lượng giáo dục. Hoài cũng là giáo viên dạy Lý.

3- Động cơ, mục đích của vụ tiêu cực điểm thi của Hà Giang, qua những ngày xét xử, các bị cáo đều cho biết “giúp đỡ” chỉ vì tình cảm, vì quan hệ, vì các ân nhân, bạn bè đồng nghiệp và cấp trên, không có bất kỳ một động cơ vụ lợi cá nhân. Điều đó, nếu như đúng sự thật, thì có lẽ là câu chuyện khó hiểu và đắng đót nhất. Và nhiệm vụ của Hội đồng xét xử sẽ phải làm rõ những lời khai ấy có đúng hay không.

Theo kế hoạch của TAND tỉnh Hà Giang, phiên tòa sẽ diễn ra trong ba ngày. Thế nhưng, sáng ngày 17-10, đại diện Tòa án cho biết sẽ kéo dài hết ngày 18, nghĩa là tăng thời lượng gần gấp đôi. Điều đó đồng nghĩa với việc, những uẩn khúc của vụ việc cần nhiều thời gian để làm rõ.

Nó sẽ không chỉ làm người dân Hà Giang buồn, mất niềm tin về những tiêu cực mà họ không bao giờ nghĩ xảy ra trong một môi trường mà bao giờ cũng được hiểu là “an toàn, vô trùng” như môi trường giáo dục.

Thái Bình
.
.
.