Chuyện bên lề về những chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ tới Việt Nam

Thứ Ba, 24/05/2016, 08:44
Bảo vệ Tổng thống Hoa Kỳ công du ở nước ngoài là công việc cực kỳ quan trọng, được cơ quan an ninh của Mỹ và nước đến thăm đặc biệt quan tâm. Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama (từ ngày 23-25/5), CSTC xin chuyển tới bạn đọc những chuyện thú vị về công tác bảo vệ, tiếp cận Tổng thống Hoa Kỳ trong hai chuyến công du năm 2000 và 2006.


Năm 2000, Tổng thống Bill Clinton trở thành vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ tới Việt Nam kể từ khi kết thúc chiến tranh. Chuyến thăm vì thế được hai bên đặc biệt quan tâm, đồng thời thu hút sự chú ý của dư luận thế giới. 

Đoàn tháp tùng Tổng thống có 1.500 người, trong đó có 250 nhân viên an ninh. Đi đưa tin về chuyến đi này có 350 nhà báo nước ngoài. Sứ quán Mỹ ở Việt Nam  đã sử dụng 270 ôtô và 1.000 người để phục vụ đoàn.

Nhà báo Nguyễn Như Phong kể, 15h15’, bà Hillary - phu nhân Tổng thống Bill Clinton về đến khách sạn Daewo. Nhưng đùng một cái nửa tiếng sau, Sứ quán Mỹ thông báo là bà muốn đi đến mấy cửa hàng mỹ nghệ, tranh, hàng lụa ở  phố Nguyễn Hữu Huân, Văn Miếu, Hàng Gai, ngõ Yên Thế.

Một việc hoàn toàn bất ngờ và không có trong kế hoạch, vậy mà các đồng chí lãnh đạo Cục Cảnh vệ và Công an Hà Nội không hề bối rối. Mất năm phút bàn bạc, việc triển khai bảo vệ và dẹp đường đã xong. 

Thế rồi khi chỉ còn 5 phút nữa là đến giờ xuất phát, phía Mỹ lại thay đổi kế hoạch. Lẽ ra đến cửa hàng ở phố Nguyễn Hữu Huân trước thì họ lại đổi là đến  cửa hàng ở Văn Miếu trước…

Tổng thống Bush đến thăm Việt Nam năm 2006.

Lúc đưa Tổng thống về khách sạn và lúc đến Nhà  hát Lớn thành phố, họ đề nghị đi cổng phụ. Nhưng các lực lượng Công an đã  không để xảy ra một trục trặc nhỏ nào  trong khâu giữ an ninh và trật tự giao thông.

 Sáng ngày hôm sau, Tổng thống Mỹ đến thăm nơi tìm kiếm hài cốt viên Đại úy phi công Lauren Evert tại xã Tiền Châu, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc.

Cách thời điểm đó 33 năm, cũng vào tháng 11, trong khi lái chiếc F105D đi ném bom chiếc cầu đường sắt, chiếc F105D bị trúng đạn phòng không và lao cắm đầu xuống ruộng lúa cách con đường sắt hơn trăm mét.

Theo lời nhân dân kể lại thì chiếc máy bay lao xuống ruộng  tạo thành hố sâu đến 7m và nổ tung. Phần thân máy bay đã được bà con nhặt nhạnh đem về đúc soong, nồi…

 Rất nhiều nhân viên An ninh Mỹ có mặt ở đây nhưng trong tay họ không có súng mà chỉ có những chiếc ống nhòm tiêu cự lớn. Được biết chúng ta đã phải thay đổi giờ tàu chạy. Trong thời gian Tổng thống đến thăm, không có chiếc tàu nào được đi qua.

Buổi chiều, trước lúc Tổng thống Bill Clinton vào thăm TP Hồ Chí Minh, ông Samuel Berger, trợ lý đặc biệt của Tổng thống về an ninh quốc gia  đã gặp, cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Cục Cảnh vệ. Ông cho biết, Tổng thống Bill Clinton đã rất vui trong chuyến thăm Việt Nam lần này.

Tháng 11-2006, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ nhận nhiệm vụ vô cùng quan trọng: Bảo vệ các nguyên thủ cùng với phu nhân sang thăm chính thức nước ta và dự Hội nghị cấp cao APEC 14, trong đó có Tổng thống Hoa Kỳ G.W.Bush. 

3 đồng chí trong số gần 400 cán bộ của đơn vị vào tổ bảo vệ Tổng thống Bush là Trung tá Võ Văn Quang và hai tay súng thiện xạ là Vũ Huy Cẩn và Nguyễn Xuân Luyện được giao bảo vệ tiếp cận Tổng thống.

Sau khi đoàn tiền trạm cảnh vệ Mỹ phối hợp với các cơ quan chức năng nước sở tại khảo sát một số khách sạn ở Hà Nội, họ thấy khách sạn Sheraton có hệ thống giao thông ra, vào thuận tiện; có thể lên ô-tô ngay trong nhà rồi đi đến các địa điểm hoạt động mà mọi người không biết Tổng thống ngồi xe nào. Đặc biệt, Sheraton có độ cao lý tưởng để có thể quan sát.

Mặc dù, đội tiền trạm của đoàn an ninh Mỹ đã làm việc với Bộ Tư lệnh Cảnh vệ rất tỉ mỉ nhưng khi vào cuộc, phía cảnh vệ Mỹ vẫn đưa ra một số yêu cầu ngoại lệ. Nhưng với nguyên tắc "Dĩ bất biến ứng vạn biến", cảnh vệ hai nước đã nhanh chóng thống nhất kế hoạch.

19h25 ngày 19-11-2006, sau 2 vòng kiểm tra an ninh sân bay của mật vụ Mỹ, chiếc phi cơ chở Tổng thống Bush đã đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, bắt đầu chuyến thăm TP Hồ Chí Minh . Buổi sáng hôm sau, an ninh được thắt chặt để bảo vệ cho chuyến tham quan của Tổng thống Bush. 

Điểm đến đầu tiên của ông là Trung tâm giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh. Tổng thống Bush tỏ ra là một người ít câu nệ, ông sẵn sàng khom người chui qua sợi dây bảo vệ để vào chụp ảnh chung với đội ngũ quản lý sàn giao dịch khiến lực lượng bảo vệ của cả 2 nước liên tục trong tình trạng căng thẳng.

Chỉ 15 giờ đồng hồ ở TP Hồ Chí Minh của Tổng thống Mỹ, nhưng hàng trăm người đã phải chuẩn bị từ trước đó hơn 6 tháng. 

Ông Đặng Huy Hải, Phó Tổng giám đốc khách sạn New World Saigon cho biết, dù có ưu thế nhưng khách sạn cũng đã phải trải qua một cuộc "sát hạch" căng thẳng của nhân viên an ninh Mỹ. 

Đến cuối tháng 10-2006, Nhà Trắng cử một người sang lo chuyện hậu cần cho Tổng thống và số lượng người đi tiền trạm cứ tăng dần lên.

Dù căn phòng sang trọng nhất của khách sạn (có giá tới 2.000-USD/đêm) từng đón nguyên thủ nhiều nước nhưng khách sạn ngày đó vẫn phải "cải tạo quy mô lớn" để đón ông Bush. Ít ai biết, yêu cầu của đoàn Mỹ là khách sạn phải được lắp đặt thêm 100 line đường truyền internet, 250 line đường điện thoại dành riêng.

Từ ngày 8-11-2006, trước khi ông Bush vào TP Hồ Chí Minh 11 ngày, mỗi ngày khách sạn đều phải họp với đội ngũ nhân viên Nhà Trắng, một tổ của Tổng thống, một tổ của Ngoại trưởng và một tổ lo về cơ sở vật chất. Mọi ngóc ngách trong khách sạn đều được soi rất kỹ vừa bằng máy móc, vừa bằng kinh nghiệm của nhân viên an ninh Mỹ, Việt Nam, và của 8 con chó nghiệp vụ đưa từ Mỹ sang. Khoảng 530 phòng của New World Saigon trong ngày 19-11-2006 đều kín người.

Các yêu cầu về thực phẩm, vệ sinh đối với Tổng thống Mỹ cũng vô cùng khắt khe và... đều được giám sát. Lúc đầu bếp chuẩn bị bữa ăn của Tổng thống luôn có bác sỹ đứng bên giám sát, sau đó chính người của Tổng thống đem lên cho ông chứ không phải nhân viên khách sạn... Các nắp ống cống quanh khách sạn đều được hàn kín, chắc chắn đề phòng tình huống xấu. Nhân viên an ninh Mỹ kỹ đến mức chuẩn bị phương án cho cả những trường hợp đùa cợt cố tình hay hữu ý như báo cháy giả...

Trung tá Võ Văn Quang từng vinh dự được bảo vệ rất nhiều nguyên thủ các nước trên thế giới sang thăm Việt Nam như Tống thống Nga Putin, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Đức Helmut Kohl...

Trung tá Võ Văn Quang kể: "Sau khi nhận được chương trình và thời gian làm việc của Tổng thống Bush, nhưng thực tế lịch trình hầu như thay đổi rất nhiều. Lúc thì đi sớm hơn, lúc thì đi muộn hơn chương trình và thường đi một đường, về một đường để đánh lạc hướng những ai tò mò. Mặc dù vậy, tôi vẫn chủ động bám sát Tổng thống trong bất kỳ tình huống và thời gian nào.

Tổng thống Bush và phu nhân sang thăm Việt Nam mang theo rất nhiều loại xe đặc chủng. Đặc biệt có hai chiếc xe Caldillac One ba khoang đen bóng giống hệt nhau đều đăng ký biển kiểm soát 800 - 002. Lúc nào cũng đi liền nhau và có thể đảo vị trí khi cần thiết. Áp sát phía sau là xe 33R - 453 đặc chủng có thể chống được cả súng trường. Mô-tô của cảnh vệ Việt Nam được hộ tống xe Tổng thống tại lễ đón tại Phủ Chủ tịch, còn các lần khác được phía an ninh bạn yêu cầu mô tô hộ tống đi trước và đi sau xe Tổng thống".

Khi đón Tổng thống Bush ở các địa điểm, Trung tá Quang rất lo lắng vì không hiểu Tổng thống đi đường nào ra nên anh cùng các đồng chí trong tổ nhanh chóng hội ý và thống nhất mỗi người quan sát một cửa và liên tục liên lạc với nhau để chủ động đưa Tổng thống ra xe. Có một chi tiết diễn ra ngoài kịch bản, đó là ở tiền sảnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia lúc đón và tiễn khách được bố trí hai đồng chí cảnh vệ ăn mặc lễ phục, cao to, đẹp trai, tác phong rất "điều lệnh" đứng chào và mở cửa xe. Các đoàn khác thì diễn ra suôn sẻ, nhưng riêng  xe Tổng thống Bush đến, đồng chí cảnh vệ Việt Nam đứng chào theo nghi lễ rồi đưa tay ra mở cửa thì nhân viên cảnh vệ Mỹ đứng cạnh đó đã hét toáng lên và chạy vào thực hiện nhiệm vụ cảnh vệ của mình một cách hết sức thuần thục...

Xe bảo vệ Tổng thống Hoa Kỳ của lực lượng an ninh.

Đoàn Mỹ đưa sang trên 30 cận vệ tháp tùng Tổng thống G.Bush, trong đó có 4 cận vệ ngồi xe thùng chạy áp sát xe Caldillac One. Riêng hai xe Caldillac One, Tổng thống Mỹ có thể đảo vị trí và ngồi bất kỳ xe nào... "Bảo vệ Tổng thống Mỹ ra nước ngoài là tuân thủ lệnh giới nghiêm" - ông John Edwards, cận vệ Tổng thống G.Bush nói. Người Mỹ có nguyên tắc rất riêng và nguyên tắc này cũng "không giống ai", được vận hành ngay tại APEC. Đó là khi xe chở Tổng thống dừng, lập tức hai cận vệ nhảy từ xe đi cạnh bước tới mở cửa. Việc mở cửa ở đâu cũng chỉ do cận vệ của chính người Mỹ chứ người nước khác không được đụng vào.

Giờ giấc hoạt động đối với đội cận vệ Mỹ cũng hết sức khắt khe. Tuy nhiên, khi sang Việt Nam, số này đã luân phiên nhau nên thường chỉ có gần 10 cận vệ hoạt động trong cùng thời điểm, số còn lại vẫn nghỉ ngơi ở khách sạn Sheraton. Khi hoạt động, hầu như cận vệ Mỹ đều đeo kính đen, gương mặt đầy "thị uy".

Biết tính cách người Mỹ có những nguyên tắc đặc thù như vậy nên cận vệ của ta được giao nhiệm vụ bảo vệ Tổng thống G.W.Bush cũng "nắm bài" chặt chẽ lắm. Cận vệ Võ Xuân Quang khi được giao nhiệm vụ bảo vệ Tổng thống Mỹ cũng sốt sắng tìm nhiều tư liệu nghiên cứu. Ban đầu, đoàn Mỹ rất khắt khe và có vẻ không tin tưởng ở năng lực, khả năng hoạt động của cận vệ ta nên việc thực hiện cũng có những trở ngại.

Tuy nhiên, chính những ngày ở Việt Nam, cả trong quá trình ăn nghỉ, đi lại trên đường phố và đến các địa điểm hội họp, thăm viếng, cận vệ ta đều làm bài bản nên họ hài lòng hơn. Anh Quang cho biết, hôm Tổng thống G.W.Bush đến nhà thờ Cửa Bắc, người dân kéo ra ngoài đường xem rất đông, tuy nhiên chúng ta đã làm tốt công tác tiền trạm nên mọi việc đều diễn ra suôn sẻ.

Không cứ riêng nguyên thủ quốc gia - lãnh đạo các nền kinh tế APEC (dự APEC, chỉ có một số trưởng đoàn là nguyên thủ), những người được coi là "ba trong một" (có khi vừa làm nhiệm vụ bảo vệ vừa kiêm phiên dịch và hướng dẫn viên) thường rất tất bật mỗi khi đất nước có sự kiện quốc tế hay khu vực lớn. Họ chính là những cán bộ chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ (Bộ Công an), những người có nhiệm vụ bảo vệ, tiếp cận các nguyên thủ quốc gia, các vị trưởng đoàn, đại biểu cấp cao của các quốc gia, tổ chức quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam.

Nhóm PV thời sự
.
.
.