Chuyện bi hài về người đàn bà "mắn đẻ"

Thứ Tư, 29/03/2017, 14:48
Chồng bỏ theo tình nhân, một nách nuôi 11 đứa con, người đàn bà héo như cây cỏ úa. Người ta không thể hiểu nổi tại sao chị ta lại đẻ khỏe thế, trong khi miếng ăn còn lo không nổi? Chị cười, giải thích bằng lý lẽ của riêng mình: "Nghèo mới đẻ nhiều".

Bà đẻ vượt rào trốn viện

Tiếng khóc cười trẻ nhỏ vang ra khỏi con hẻm chật chội của dãy phòng trọ thuộc phường 16, quận Gò Vấp (TP. Hồ Chí Minh). Chị ra đón khách, chiếc áo mặc vội còn chưa kịp cài cúc. Nhưng điều làm chúng tôi chú ý là bộ tóc của chị bết thành mảng nhóng nhánh dầu mỡ, trắng xóa gàu. Chị gãi đầu sùng sục, thật thà cho biết, cả tuần rồi không có thời gian gội đầu.

Trong căn phòng trọ rộng chưa đầy 10 m², tụi nhỏ nằm, ngồi, bò, trườn đủ kiểu. Đứa đòi ăn, đứa gào thét cướp đồ chơi, đứa lầm lì tập viết… Có lẽ chúng chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra trong gia đình, cũng chưa nhận thức được hoàn cảnh nên cứ hồn nhiên đùa giỡn, khóc cười.

Hoàng Thị Loan (42 tuổi) là con gái của một gia đình khá giả ở TP Hồ Chí Minh. Ngày bé, chị được cha mẹ cưng chiều, muốn gì được nấy.

Khi vừa đủ tuổi đến trường thì tai họa ập xuống, người cha đột ngột qua đời, để lại vợ và một đàn con. Kinh tế gia đình suy yếu, Loan không được đến trường học chữ. Lên 10 tuổi, cô bé theo chân bà dì đi buôn bán ngoài chợ.

Gia tài còn đúng căn nhà nhỏ nương náu thì mẹ chị đổ bệnh, không chạy được tiền phải bán. Mỗi người phiêu bạt một hướng, Loan lang thang mãi đến năm 18 tuổi đã đồng ý lấy người đàn ông quê Tiền Giang.

Ra ở riêng, hai vợ chồng làm đủ nghề để sống và bắt đầu chuỗi hành trình sinh nở "miệt mài". Đứa con trai đầu tiên ra đời, chồng chị là người hạnh phúc nhất vì có "đích tôn" mở mày mở mặt với bên nội.

Những đứa trẻ nằm, ngồi la liệt trong căn phòng trọ chật chội, ẩm thấp.

Một năm sau thì đứa tiếp theo chào đời. Cứ thế, đứa này chưa cai sữa thì đứa khác lại tiếp nối. Cho đến đứa thứ sáu, bảy, người mẹ chợt bừng tỉnh, ngoái lại nhìn đàn con mới thảng thốt: "Lấy gì nuôi chúng!". Một mình chồng đi phụ hồ "bữa đực bữa cái" nên nồi cơm cũng hôm vơi hôm đầy. Chị Loan quần quật sinh nở, đến nỗi không có một chút thời gian nào rảnh đi làm.

Khi cái đói đang treo lơ lửng trên đầu thì chị Loan tiếp đà sinh con. Những đứa trẻ đói ăn từ trong bụng mẹ, nhưng chào đời khỏe mạnh, kiên cường mà lớn. Mẹ chị khuyên can con gái không sinh nữa, nhưng đâu vẫn vào đấy.

Vài tháng sau lại nhìn thấy bụng con lum lum tròn, bà bực mình, có thời điểm không thèm nhìn mặt. Những chủ nhà trọ mà vợ chồng chị Loan thuê đều lắc đầu ngao ngán. Họ không chịu được tiếng khóc của trẻ con suốt ngày, rồi bao nhiêu chuyện rắc rối, phiền phức về "bà đẻ" nên chỉ một thời gian ngắn, chủ nhà lấy cớ này cớ nọ tống khứ đi. 

Cán bộ kế hoạch hóa gia đình tới tận nơi tuyên truyền và cung cấp các biện pháp tránh thai cho hai vợ chồng nhưng vô hiệu quả. Chị Loan gãi đầu phân trần: "Cả ngày túi bụi với mấy đứa, tối đến lên giường quên béng luôn. Cứ sáp vô là có bầu. Mà đã có thì đẻ chứ không đi bỏ, mang tội chết".

"Đường dây đẻ" của chị Loan đến đứa thứ 11 thì dừng hẳn, vì chị mắc phải bệnh phụ nữ rất nghiêm trọng, bác sĩ quyết định cắt luôn... Nhìn chúng tôi, chị gãi đầu cười: "Nếu không cắt chắc thêm vài đứa rồi". 

Chị cũng khoe luôn, hai đứa sau cùng không có tiền nên vợ chồng bảo nhau trốn viện. Vào giữa đêm, khi tất cả các khoa, phòng của bệnh viện im ắng, không thấy có bóng "áo trắng" nào, chồng ôm con, vợ xách giỏ đồ rón rén đi thật khẽ ra khu vực tường rào. Chồng nhảy sang trước đón con, cầm giỏ để vợ phi qua sau. Chị Loan cho biết, tường rào của bệnh viện cao gần hai mét nhưng không hiểu sao lúc ấy chị nhảy qua nhẹ tênh, không thấy khó khăn và đau đớn gì.

Pha nhảy rào trốn viện đầu tiên thành công, đứa sau chị tiếp tục thực hiện theo phương án cũ và cũng thành công. Tuy nhiên, lần đó gặp phải sự cố cười chảy nước mắt. Số là bà đẻ vẫn đang trong thời kỳ kiêng kị đi lại và vận động mạnh. Chị Loan không nghĩ đến điều đó, vén váy phi một cái lên tận bờ, khi nhào xuống thì bị hụt nên ngã lăn ra đất. Chồng bận ôm con không đỡ được, người xe ôm nhìn thấy chạy tới dìu chị dậy. Xong xuôi hết, chợt ông xe ôm thét lên vì người dính toàn máu. Ông sờ khắp người xem mình có bị thương chỗ nào không, chị Loan thấy thế vỗ vai an ủi: "Không bị sao đâu, là máu bà đẻ đó...".

Vì trốn viện nên hai đứa con sau của chị Loan không làm được giấy khai sinh. Chị cười xòa: "Sau này gửi chúng ở mấy lớp học tình thương thì chẳng cần giấy tờ gì đâu. Học biết chữ được rồi, còn phải đi làm mà sống nữa".

Tập viết trên nền nhà.

Ôm con đi đòi chồng

Mười mấy năm người đàn bà này ngập chìm trong việc sinh nở. Là người thành phố nhưng chị chưa biết chợ Bến Thành ở đâu, không biết đất quận Nhất có gì đẹp.

Các con của chị hồn nhiên lớn lên như cây cỏ, ăn đói mặc rách mà khỏe như trâu, chưa đứa nào phải nằm viện. Chồng chị sau hơn mười năm chống chọi gắng gượng với đàn con, đã không thể chịu đựng nổi.

Anh rũ áo ra đi trong một ngày mưa ngập giăng lối về. Chị Loan đau như có ai xát muối vào ruột, nỗi đau gấp trăm ngàn nỗi đau "vượt cạn". Chị bỏ mấy đứa lớn ở nhà cho chúng tự trông nhau, còn mình dắt hai đứa nhỏ nhất về quê chồng ở Tiền Giang đòi công lý. Chị gào thét ở đó, bảo rằng nếu đoạn nghĩa vợ chồng rồi thì cũng phải nghĩ đến con, phải có trách nhiệm với con.

Không ai nghe thấu lời chị, không ai quan tâm đến người đàn bà đẻ khỏe này. Cả gia đình chồng hùa vào mắng nhiếc chị, trách chị không giữ được chồng thì phải chịu. Chị lồng lộn, đòi viết giấy li hôn ngay, nhưng anh chồng trốn biệt tăm, không chịu về ký. 

Chị lại xách con về lại thành phố, cái đói bủa vây khiến người mẹ phải vùng dậy đi kiếm cơm. Nhiều năm sinh nở nên chị không biết phải bắt đầu từ đâu, làm nghề gì. Có lẽ bán vé số là việc đơn thuần và nhẹ nhàng nhất. Vậy là chị đi bán vé số.

Sáng gửi con ở trường tình thương, trưa vội vã trở về nấu ăn, rồi tiếp tục đi bán cho đến tối. Một ngày dãi nắng dầm mưa ngoài đường, mời chào khô khan cả cuống họng, tối về chị lại ngập đầu với trăm thứ việc. Nấu ăn xong thì giặt đồ, thúc con tập viết chữ...

Vì nhà chật nên mấy đứa lớn lang thang bên ngoài không về.

Còn nỗi khổ uất nghẹn nữa là người mẹ này mù chữ, nên không thể dạy con dù chỉ là bảng chữ cái. Chị để đứa lớn dạy đứa nhỏ, biết đến đâu thì đến, phấn đấu đủ viết được tên mình là đạt mục tiêu. Có hôm mệt quá, chị nằm thiếp đi mặc cho đàn con học hành, quấy khóc chán chê thì lăn ra ngủ. Đêm tỉnh dậy, chị đi sờ khắp nhà đếm số con. Có đứa nằm tận ngoài bếp, sờ mãi không thấy chị thét lên hoảng loạn rồi kêu tên từng đứa bắt chúng phải hô như kiểu điểm danh.

Mấy năm nay từ đứa thứ 7 trở lên đã biết ra ngoài kiếm ăn nên chị Loan bớt gánh nặng. Thằng đầu đang đi ở thuê cho một quán ăn, đứa thứ hai làm ở tiệm may mặc, được chủ bao ăn ở. Mấy đứa còn lại lượm ve chai, sắt vụn cũng được cân gạo mỗi ngày.

Nỗi lo lớn nhất của chị Loan là bệnh tật. Chị sợ mình ngã xuống thì lấy ai lo cho đàn con hoặc không may đứa nào bị bệnh phải vào viện, cũng không có tiền, chẳng lẽ cứ trốn viện suốt đời. Người chồng bỏ đi, chưa một lần về thăm mẹ con chị.

Qua vài mối quan hệ, chị Loan biết được chồng đang má ấp vai kề với người đàn bà khác và họ đã có một con chung. Bây giờ chị Loan không còn oán hận chồng nữa, bởi còn chồng cũng không làm thay đổi hoàn cảnh và những đứa con của chị cũng không no đủ hơn. Chúng đã quen với việc không có cha xuất hiện trên đời, cũng quen luôn cả cuộc sống khổ cực của gia đình. 

Bà Lê Kim Chung, bảo vệ tổ dân phố phường 13, quận Bình Thạnh đến thăm, tặng quà cho mẹ con chị Loan.

Khi những bĩ cực không thôi dồn dập trút xuống đầu người đàn bà này thì vài ngày trước, mẹ chị đã qua đời, cũng vì không có tiền chữa bệnh. Chị Loan quệt nước mắt, nói: "Bà bị khối u ở cổ lâu ngày không đi chữa. Nó phát triển rồi vỡ ra. Nếu có tiền thì mẹ tôi đã không chết". Không còn đủ nước mắt để khóc cho những nỗi đau, chị Loan thẫn thờ như người vô hồn.

Một đứa nào đó khóc ré lên lại kéo chị về thực tại. Hôm chúng tôi tới là hạn cuối chị Loan phải dọn đồ trả lại phòng trọ. Chị chưa tìm được nơi ở mới nên năn nỉ chủ nhà cho thêm một ngày nữa. Lý do người ta lấy lại phòng rất đơn giản, vì không chịu nổi tiếng khóc và sự ồn ào của trẻ nhỏ.

Ngọc Thiện
.
.
.