Chuyện cảm hóa người lầm lỗi ở Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ

Thứ Tư, 18/11/2020, 08:45
Cũng như các trại tạm giam trên địa bàn cả nước, Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ không chỉ quản lý, giam giữ các phạm nhân đã có án mà còn giam giữ các bị can, những người đang trong quá trình tạm giữ, tạm giam.


Với các cán bộ chiến sĩ  đang làm việc tại đây, điều mong muốn nhất là giúp những con người từng lầm lỡ biết hướng thiện, giúp họ cải tạo tốt, sớm trở thành người có ích cho xã hội.

1. Chúng tôi đến Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ vào một buổi chiều giữa tháng 11. Bước qua chiếc cổng bề thế, tạo sự uy nghiêm, cách biệt với thế giới bên ngoài, là một khuôn viên xanh mướt với vườn cây, ao cá. Khó có thể hình dung được mới cách đây không lâu, nơi đây vẫn chỉ là mảnh đất cằn cỗi, đầy sỏi đá mà mỗi người làm vườn phải hai lần dùng cuốc chim mà phải vào những ngày trời mưa mới có thể cày xới; trồng cây vụ đầu chẳng thể sống nổi…

Nhiều năm qua, Công an tỉnh Phú Thọ được biết đến với việc phá những vụ án lớn. Đó không chỉ là các vụ án khó mà còn là những vụ việc lần đầu tiên được phát hiện trên địa bàn cả nước. Gần đây nhất có thể kể đến như vụ đánh bạc hàng nghìn tỷ đồng do Phan Sào Nam và đồng phạm thực hiện; các vụ án kinh tế điển hình... Có người khi vào trại thì ăn năn hối cải song cũng có những đối tượng thì quanh co, chối cãi, cũng có trường hợp chống phá quyết liệt... 

Tâm lý của các bị can, phạm nhân thường diễn biến phức tạp. Có người phạm tội lần đầu song cũng có những trường hợp ra vào tù như cơm bữa. Giáo dục những con người đã từng có một thời lầm lỡ đó nếu chỉ có nguyên tắc và các quy định pháp luật thì chưa đủ mà còn cần tình người và cái tâm của những quản giáo, từ đó giúp bị can, phạm nhân hướng thiện phối hợp với cơ quan điều tra trong việc giải quyết các vụ án, yên tâm cải tạo. 

Các cán bộ, quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ hướng dẫn các phạm nhân lao động, sản xuất.

Kể lại trường hợp của Phan Sào Nam, đối tượng chính trong vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỷ, Thượng tá Nguyễn Đức Thắng, Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ nhớ lại: Sau khi vụ án được xét xử, Phan Sào Nam được trích xuất về trại để tiếp tục phục vụ cơ quan điều tra. Với trường hợp của Nam, anh và đồng đội lại có cách tiếp cận khác. Nam là người có học thức, am hiểu về pháp luật và cũng đã thành khẩn khai báo hành vi phạm tội tại phiên tòa nhưng không vì thế mà việc tiếp cận dễ dàng hơn.

Thượng tá Nguyễn Đức Thắng và các cán bộ quản giáo đã dành nhiều thời gian trò chuyện với Nam. Những câu chuyện đời, chuyện người, từ xa đến gần, Nam cởi mở hơn. Từ đó, giúp Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ trong việc mở rộng giai đoạn hai của vụ án. 

Hay trường hợp của Nguyễn Lê Thanh Tú, đối tượng nằm trong đương dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ vừa phát hiện và xử lý. Tú đã chia sẻ với Thượng tá Nguyễn Đức Thắng về sự ăn năn, hối hận của bản thân. Khi đã bước chân vào trong trại tạm giam, anh ta mới hiểu rằng cái gì là quan trọng nhất đối với một con người... Từ đó, Tú yên tâm cải tạo và hợp tác với cơ quan Công an trong việc điều tra, mở rộng vụ án.

2. Gần 30 năm công tác trong lực lượng Công an cũng là ngần ấy thời gian, Thượng tá Quách Xuân Thế, Phó giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ, gắn bó với công tác trại giam. Anh như một cuốn sách sống với những câu chuyện cảm động đầy tình người.

Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Thế không khỏi đau xót trước thực tế đối tượng phạm tội ngày càng trẻ hóa với thành phần ngày càng đa dạng; hành vi phạm tội ngày càng manh động và liều  lĩnh... Cho đến bây giờ, Thượng tá Thế không nhớ hết anh và đồng đội đã quản lý, giam giữ và giáo dục bao nhiêu bị can và phạm nhân. Song trường hợp của Nguyễn Thành Nam (SN 1983, trú tại xã Trung Giáp, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ), đối tượng gây ra vụ cướp liều lĩnh tại Phòng giao dịch Thanh Hà, thuộc một ngân hàng trên địa bàn huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ vẫn để lại anh một cảm xúc rất đặc biệt.

Ở bên ngoài là một tên cướp manh động và liều lĩnh, khiến cơ quan điều tra tốn không ít công sức để truy bắt nhưng khi vào trại, Nam chẳng khác gì một đứa trẻ mới lớn. Cũng như các bị can khác, những ngày đầu, diễn biến tâm lý của Nam rất phức tạp. Có lúc anh ta bỏ ăn, lúc lai khóc lóc vì sợ mức án cao. 

Để ổn định tâm lý phạm nhân, giúp Nam yên tâm cải tạo, Thượng tá Quách Xuân Thế và Thiếu tá Nguyễn Hải Quân, Đội phó Đội quản giáo, đã phối hợp với cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự nắm bắt hoàn cảnh gia đình; nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của Nam. Sự phối hợp nhịp nhàng của hai đơn vị đã mang lại kết quả mong đợi. Đối tượng Nguyễn Thành Nam sau khi nhận thức được sai phạm của bản thân đã khai báo vụ cướp ngân hàng vào ngày 31-5-2019, chiếm đoạt được số tiền gần 530 triệu đồng. 

“Tâm lý của tội phạm là che giấu hành vi phạm tội nhưng trong vụ án này, đối tượng còn khai báo thêm một vụ cướp ngân hàng khác trên địa bàn tỉnh Phú Thọ”, Thượng tá Quách Xuân Thế nhớ lại. Quá trình điều tra, Nam còn khai trước đó, ngày 6-8-2018, đối tượng đã thực hiện vụ cướp tài sản tại phòng giao dịch Phú Lộc – Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - chi nhánh huyện Phù Ninh nhưng không thành.

Trước khi được điều về làm Giám thị trại tạm giam, Thượng tá Nguyễn Đức Thắng công tác ở đơn vị nghiệp vụ, vì thế khi nhận nhiệm vụ này, anh có một góc nhìn khác về việc giáo dục cảm hóa, phạm nhân. Anh thường tâm sự với các cán bộ quản giáo: Nếu ví trại tạm giam là một xã hội thu nhỏ cũng không sai, bởi mỗi con người đang quản lý, giam giữ tại đây là một câu chuyện đầy trắc ẩn. 

Ở xã hội có những nghề nghiệp gì, thành phần như thế nào thì trong trại cũng đủ cả. Các trường hợp từng là cán bộ công chức chỉ vì lòng tham mà sa vào vòng lao lý; Đó là những người bị tuyên án tử hình đang chờ thi thành án; số các phạm nhân nữ và và có những đối tượng phát sinh mới trong giai đoạn hiện nay như người chuyển giới...

Phạm nhân mới vào trại thì tâm lý hoang mang, sợ hãi; đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự thì liều lĩnh, manh động. Các trường hợp là cán bộ công chức thì có tâm lý tự ti, nhiều người suy sụp... Muốn cảm hóa để họ chấp hành tốt thì trước hết phải hiểu họ. Không đao to, búa lớn hay giáo điều, sách vở, từ những việc làm thiết thực như đảm bảo chế độ ăn uống; quan tâm đến những sinh hoạt dù nhỏ nhất hay đơn giản chỉ là một cuộc gặp gỡ với người thân trong gia đình..., với những người đang ở trong bốn bức tường ở trại tạm giam những câu chuyện đó lại trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết. 

Có gia đình chỉ quan tâm đến bữa ăn nhưng quên mất nhu cầu tối thiểu của một phụ nữ trong chu kỳ hằng tháng. Nhiều gia đình từ xa xôi lặn lội đến thăm con nhưng không phải ngày được thăm gặp. Tùy từng trường hợp cụ thể để có sự điều chỉnh thích hợp, các cán bộ quản giáo đã làm thêm giờ, thêm ngày, tạo điều kiện cho họ gặp những người thân trong gia đình... 

Những câu chuyện tình người, giản dị trong cuộc sống ấy lại có sức lay động không nhỏ đến các bị can, các phạm nhân đang cải tạo, giam giữ ở nơi đây. Không ít đối tượng sau khi được cảm hóa đã tích cực hợp tác với cơ quan Công an giúp điều tra mở rộng vụ án.

Trong số đó, có cả những đối tượng côn đồ, cộm cán, những kẻ đã từng mang trên người tiền án giết người. Trường hợp của Lê Mạnh Thắng còn gọi là Thắng đen (32 tuổi, trú tại xã Hà Thạch) là một ví dụ. Do mâu thuẫn cá nhân với Vũ Mạnh Hùng (24 tuổi, trú tại thị xã Phú Thọ), Thắng đã cùng Vũ Ngọc Linh tức Linh tô (32 tuổi) và Trần Ngọc Dũng tức Dũng câm (38 tuổi, cùng trú tại phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ) đánh “dằn mặt” nạn nhân, gây thương tích lên đến 90%. 

Với bản chất của một đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự, sau khi vào trại đối tượng chống đối bằng cách không hợp tác với cơ quan điều tra. Đối mặt với một tên tội phạm đã từng nhiều lần ra tù, vào tội phải đánh thức được cái “anh, chị” trong anh ta, các cán bộ Trại tạm giam đã tác động tâm lý, phối hợp chặt chẽ với các điều tra viên Phòng Cảnh sát hình sự đã vận động, thuyết phục đối tượng khai báo ra đồng phạm. Từ đó, giúp vụ án nhanh chóng được khám phá trong thời gian sớm nhất.

Trong câu chuyện với chúng tôi, dù mỗi người ở một vị trí công tác khác nhau, những các cán bộ chiến sĩ ở đây đều có chung mong muốn sự hướng thiện trong mỗi con người lầm lỗi để rồi khi trở về với cộng đồng, họ trở thành người có ích cho xã hội.

Xuân Mai
.
.
.