Chuyện chó kéo xe và sức mạnh của tình yêu thương

Thứ Năm, 03/01/2019, 10:00
Chừng dăm năm trở lại đây, thi thoảng báo chí lại rộ lên thông tin ông kia bà nọ ở Việt Nam nảy "sáng kiến" dùng chó…kéo xe - một việc ngỡ chỉ xảy ra ở xứ tuyết. Họ lấy lý do bị tật nguyền, không đi lại được, hoặc do tuổi tác không đủ sức kham công việc, phải dùng chó hỗ trợ.


Cũng có lý do đơn giản là để "cho chó vận động, đỡ buồn chân" vv và vv…Chó được dùng trong trường hợp này phần nhiều là chó ta. Và những ông chủ bà chủ được báo chí "xướng tên" nhiều nhất là: Cao Thị Mỹ (xã Phước Vinh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh);  Nguyễn Văn Dũng (phường An Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) và Bùi Văn Huệ (xã An Bình, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).

Cả ba trường hợp trên đều được phản ánh bằng bài viết lẫn hình ảnh ghi lại trên clip. Bạn đọc qua đó có thể thấy được các loại xe kéo: Có cái tự chế rất thô sơ (như chiếc xe của bà Mỹ, khung được ghép bằng mấy thanh nhựa PVC, hai bánh làm từ lốp xe đạp cỡ nhỏ, vành sắt, khi sử dụng phải bơm hơi, tra dầu); có cái được chỉnh sửa lại từ chiếc xe lăn cũ thành chiếc xe giống với xe ngựa (như chiếc xe của ông Dũng). Riêng chiếc xe của anh Huệ thì hoàn toàn là xe lăn "nguyên bản" do đơn vị sản xuất biếu tặng.

Cả bà Mỹ, ông Dũng, anh Huệ, ai nấy đều thổ lộ, sở dĩ họ nghĩ ra việc dùng chó kéo xe là do…xem tivi,  thấy ở vùng Bắc Cực, các "ông Tây" vẫn dùng chó để kéo xe trượt tuyết. Từ đó họ muốn áp dụng việc này vào đời sống thường nhật của mình.

Tất nhiên, khi đưa tin, viết bài phản ánh những việc làm "khác người" của bà Mỹ, ông Dũng, anh Huệ, "âm hưởng" chung của báo giới vẫn "ca là chính". Nhiều cây bút trẻ thậm chí còn xem việc huấn luyện những chú chó nhỏ con, nghịch ngợm thành những "tài xế" dạn dày trên nẻo đường cát bụi giúp chủ mưu sinh là một điều thú vị, một chiến tích kỳ diệu. 

Bên cạnh đó, cũng có một bộ phận người viết và người đọc (trong đó có tác giả bài viết này) nhìn nhận sự việc ở một góc độ khác. Họ cho rằng việc dùng một loài vật có thiên chức săn bắt và trông nhà vào việc kéo xe là hành vi ngược đãi động vật, là việc làm không nên ủng hộ. 

Xem clip ghi lại hình ảnh các chú chó kéo xe, trong khi ai đó ngỡ ngàng thán phục sao những chú chó nhỏ con lại có thể chở số hàng nặng đến thế, và chạy bon đến thế, vừa đúng đường vừa bám rất sát - không hề lạc chủ (như trường hợp con chó của bà Mỹ), hoặc biết dừng khi đèn hiệu giao thông chuyển màu đỏ; tiếp tục chạy khi đèn chuyển màu xanh (trường hợp con chó của ông Dũng), trong tôi lại tràn ngập một nỗi hoang mang, xa xót. 

Nói gì thì nói, khác với bò với ngựa, việc chó kéo xe vẫn có gì đó ngọng nghịu, không chắc chắn, như người đeo răng giả nhai trệu trạo (anh Huệ từng kể không ít lần anh bị ngã xe thâm tím mặt mày, xước xát chân tay do hai chú chó chưa quen đường, cứ chạy theo quán tính khi bị buộc vào xe. Đấy là anh Huệ nhìn từ mình nhìn ra, chứ về phía những chú chó, xe đổ hẳn chúng cũng đau chứ!).

Bà Cao Thị Mỹ bên chú chó chuẩn bị hành trình kéo xe ra chợ. Ảnh: sưu tầm

Trong "bộ ba" nhắc tới trên, người hứng chịu sự công kích từ dư luận nhiều nhất chính là ông Dũng. Khác với trường hợp bà Mỹ (già yếu, gia cảnh khốn khó), anh Huệ (liệt hai chân), ông Dũng không chỉ có cơ thể lành lặn mà trong clip "cưỡi xe chó đi dạo", ông còn lộ diện như một "tay chơi": Mũ bêrê đội đầu; chiếc gậy điều khiển màu xanh vung vẩy trên tay; dáng ngồi điệu đà, kiểu rất "thong dong thụ hưởng". 

Đã vậy, con chó ông dùng vào việc kéo xe trên đường phố Việt Nam lại là giống chó Tây thuộc hạng "quý tộc", đắt tiền (chó Husky). Bảo sao những người chơi chó diện "sang chảnh" không khỏi cảm thấy..."xót ruột". 

Trên Facebook của mình, bạn Ngân Hạnh nhắc nhở: "Husky là chó kéo xe, đó là chuyện bình thường. Nhưng nó kéo xe ở vùng tuyết, chứ không phải ở dưới cái nắng cháy da của Việt Nam. Husky ở Việt Nam thôi cũng đủ bị sốc nhiệt khi nóng rồi, nói chi bắt nó kéo như vậy". Bạn Bình An thì lo lắng: "Ở Bắc Cực, cả chục con chó kéo xe có một người. E rằng con chó này sẽ bị quá sức".

Không chỉ khó chịu với việc sử dụng chó được xem là "bừa bãi" của ông Dũng, tôi còn ái ngại với việc dùng chó của bà Mỹ. Thực tế, so với con chó của ông Dũng, con chó của bà Mỹ đáng cám cảnh hơn nhiều. Đó là một chú chó ta còi cọc, sống cùng bà chủ trong một túp lều rách nát được cất lên trên mảnh đất mượn. Bà Mỹ nay tuổi đã cao (trên 80), sống chủ yếu bằng nghề mót lúa và bán rau  quả lặt vặt.... 

Điều đáng nói là bà Mỹ dùng chó kéo xe từ hàng chục năm nay, và từ đó đến nay cũng có tới cả chục con từng tham gia kéo xe cho bà "về chầu tiên tổ" (con thì chết bệnh, con thì vì bị "chốt" cố định vào chiếc xe, mất khả năng cơ động nên chỉ cần bà chủ có chút sơ sểnh là đành lòng làm mồi cho bọn "cẩu tặc"). Càng nghĩ càng xót xa thương cảm. 

Cũng vậy, xem clip, làm sao không động lòng trước cảnh con chó bé nhỏ bị đóng vào chiếc xe cà tàng, chạy long nhong trên đường, có lúc như bị nuốt chửng bởi đám bụi đường mỗi lần có chiếc ôtô sầm sập chạy qua... 

Rồi khi gặp cả đàn trâu vài chục con đen đặc ngáng đường, chú chó tinh khôn và cần mẫn vẫn cố tìm cách lách được qua để đưa hàng (thường là các bao lúa, gạo) cho chủ tới đúng điểm hẹn. Với chú chó bé nhỏ này, không cần hình dung nhiều ta cũng đủ để ta rùng mình về những gì mà ngày ngày nó phải đối mặt...

Với cách sử dụng chó của ông Dũng, bà Mỹ, quan điểm nhìn nhận của tôi là thế - khá "nghiêm khắc". Với cách sử dụng chó của anh Huệ, mặc dù rất chia sẻ với người đàn ông từng chịu cảnh bại liệt cả hai chân khi đang ở tuổi thanh xuân, song thú thực là tôi cũng không mấy hài lòng trước việc để chó kéo xe trên địa hình nhiều dốc lên dốc xuống, với những lần xe đổ, người văng...như đã đề cập ở phần trên của bài viết...

Dẫu sao, tất cả những gì vừa trình bày - đó mới chỉ là những đánh giá ban đầu thể hiện cách cảm, cách nghĩ của riêng tôi. Điều quan trọng là với tư cách "người trong cuộc", những ông Dũng, bà Mỹ, anh Huệ, họ nghĩ gì về việc làm của mình? Và các chú  chó, nếu xem các chú là "nạn nhân" thì sự thực, "thái độ", "cảm xúc" của các chú về việc bị ông chủ bà chủ bắt kéo xe ra sao? Và tôi đã rất ngạc nhiên khi tìm ra câu trả lời cho vấn đề này:

Trước một số phản hồi không hay từ dư luận, ông Dũng đã hơn một lần lên tiếng giải thích, rằng ông nuôi con Bin (tên ông đặt cho chú chó Husky)  để bầu bạn tuổi già (ông Dũng năm nay 70 tuổi), "còn việc kéo xe chỉ là tập cho nó khỏe". Vì lẽ ấy mà mặc dù nhiều người hỏi mua con chó, họ trả giá nào ông cũng không bán. Ông Dũng còn cho biết, con chó rất khoẻ, có thể kéo người nặng đến 70-80 kg, trong khi ông chỉ nặng hơn 50 kg. Nói điều này chắc ông Dũng muốn trấn an để ai nấy "yên tâm", không lo con chó phải "gồng gánh" quá sức.

Với bà Mỹ, dù không ai nỡ công khai lên tiếng trách cứ bà đang tâm dùng chó vào việc vất vả và nguy hiểm như vậy, song bà chủ động đưa ra vấn đề này với một quan điểm rất rõ ràng, sòng phẳng: "Mình già rồi, không làm nổi, đành nghĩ ra cái kế là để tập chó cho mình có đi đây đi đó thì cho nó kéo phụ với mình, làm kiếm sống". Không chỉ tâm sự với các phóng viên, trước đấy, bà Mỹ đã thủ thỉ "tâm tình" điều này với chú chó được bà dùng để kéo xe: "Tao nuôi bây, bây ăn nhiều, tao ăn ít, nên bây phải mần phụ tao".

Hỡi các nàng "tiểu thư", các chàng "công tử", nghe bà lão quê mùa của "đất rừng phương Nam" thực thà bộc bạch vậy, ai mà không cảm thông? Nhất là khi những lời gan ruột đó thấm đẫm lẽ đời giản dị, rằng đến ngay như bà, ở cái tuổi gần đất xa trời  mà vẫn hằng ngày chống chọi, vật lộn với cuộc mưu sinh, thì phận con chó, lẽ nào nó không chung vai giúp sức phụ giúp chủ.

Ở Bắc Cực, chó thường được dùng để kéo xe trượt tuyết.

Xem lại clip, tôi nhận thấy giữa bà Mỹ và chú chó kéo xe luôn quyến luyến, quấn quít như thể mẹ con. Bà Mỹ với mái tóc cắt ngắn, gương mặt khắc khổ như đàn ông, quần áo bết bụi, đạp chiếc xe vẹo vọ đi trước, con chó kéo xe hai bánh (trên đặt mấy bao gạo, bao mì) long tong chạy sau. Lòng thương con vật ở người đàn bà tuổi bát tuần thể hiện qua câu nói đầy day dứt: "Con chó nó theo tôi mà cũng cực khổ". Theo bà Mỹ, có lúc con chó chở được tới 70,80 kg, nhưng thương nó, bà chỉ giới hạn từ 50 kg trở xuống.

Một bạn phóng viên nhìn cảnh con chó kéo xe trong clip, đã viết: "Dù chỉ là chú chó ta nhỏ thó, nhưng dường như chú chó này lại không hề cảm thấy vất vả mà vẫn chăm chỉ kéo xe bon bon trên đường để giúp chủ bán hàng". Bạn phóng viên thật tinh. Bạn đã giúp tôi nhìn ra điều mà thoạt đầu, vì những suy nghĩ nặng "áp đặt" của mình, tôi đã không nhìn ra. 

Giống như bạn phóng viên, bà Mỹ cũng cảm nhận được tình thương và "trách nhiệm" con chó dành cho bà: "Mình thương nó, nó khôn nên nó cũng biết thương mình". Ở đây, xin đừng ai dùng hai chữ "thuần hóa", "giỏi huấn luyện nên chó biết vâng lời" nhé. 

Cao hơn thế, đó chính là sự thương yêu, chia sẻ, cảm thông với nhau, từ đó dẫn tới "trách nhiệm" (cụ thể trong trường hợp này là của con vật đối với chủ). Tôi nghiệm ra điều này từ thái độ kéo xe của con chó của bà Mỹ. Càng thấu rõ hơn qua trường hợp những con chó của anh Bùi Văn Huệ. Nếu như lúc đầu, khi "khớp" chó vào xe để kéo khó bao nhiêu thì sau này, chúng phục vụ chủ tự giác bấy nhiêu. 

Thậm chí, có tình tiết nếu không phải chính anh Huệ nói ra thì không ai tin nổi: "Thỉnh thoảng buồn quá, tôi bảo chúng kéo mình ra bờ biển, rồi ngồi cùng ngắm hoàng hôn, tâm sự đủ điều dù chúng có hiểu gì đâu. Có hôm tôi muốn tự đi một mình nên trói chúng vô cột rồi đẩy xe đi ra cầu Cảng, một lát sau thấy chúng chạy hộc tốc tới để kéo mình về. 

Dù bị xích nhưng chúng vẫn giật bung cây cột để chạy đi tìm tôi về" (bài "Những chú chó nghĩa tình làm "đôi chân" cho cậu chủ tật nguyền", tác giả Nhuận Oanh, Báo Pháp luật onnile ra ngày 23/3/2018). Để làm nên điều này, theo chính anh Huệ đúc kết là do anh luôn "coi chúng như những người bạn của mình vậy".

Những câu chuyện trên chắc chắn đã giúp tôi và các bạn trẻ yêu chó "giải tỏa" được nhiều "ấm ức". Có thể do trí tưởng tượng và sự nhạy cảm quá mức, chúng tôi đã lo lắng có phần thái quá cho những con vật mà mình yêu quý. Chúng tôi lo chúng bị bắt làm việc quá sức, bị bắt làm những điều trái với "sở trường" của chúng mà không nghĩ được rằng, ở đời, có những việc "nhọc mà vui" (như với trường hợp con chó Bin của ông Dũng, có người giàu kinh nghiệm nuôi chó cho hay, với giống chó ấy, "không cho chạy là nó không chịu được"). 

Thi sĩ Xuân Diệu chẳng đã  viết: "Người ta khổ vì thương không phải cách"? Sao ta không hiểu, đối với loài chó, tận hiến cho con người là niềm hạnh phúc tột cùng của chúng. Chỉ cần ta dành cho chúng một chút thương yêu, một chút quan tâm và đặc biệt là không phụ bạc chúng bằng việc giết hại chúng. 

Như với bà Mỹ, việc bà san sẻ miếng ăn, vỗ về giấc ngủ, ôm ấp ve vuốt chúng và nhắn nhủ con cháu, rằng khi bà mất, nếu ai thương thì chăm sóc chó chứ tuyệt đối không được bán, không được ăn thịt - nội điều ấy đã đủ để chúng không nề hà gì, cúc cung phục vụ bà đến hơi thở cuối cùng rồi. 

Từng đọc nhiều cổ sử, chẳng lẽ chúng ta không nhớ đã có bậc nho sĩ, vì ơn cứu mạng đã nguyện kiếp sau "làm thân trâu chó" để báo đáp cho người đó sao? 

Phạm Khải
.
.
.