Chuyện chưa kể về nghĩa trang liệt sĩ Triều Tiên

Chủ Nhật, 02/06/2013, 17:21
Ai đã từng đi qua khu đồi rừng Hoàng, xã Tân Dĩnh, Lạng Giang, Bắc Giang sẽ rất ngạc nhiên khi bắt gặp một khu nghĩa trang với vài hàng bia mộ khắc song ngữ (Việt-Triều) lẻ loi giữa cây lá. Thông qua người cựu chiến binh ngày ngày quét dọn, hương khói đã kể lại câu chuyện để đưa chúng tôi xuôi thời gian về một thời quá khứ hào hùng, thể hiện dấu ấn hữu nghị giữa hai dân tộc Việt-Triều trong kháng chiến chống Mỹ.

1. Để ghi nhớ công lao của những người lính không quân Triều Tiên đã chiến đấu và ngã xuống trên đất nước Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã công nhận họ là những liệt sĩ ngay trong thời kỳ 1965-1969. Nhà nước Việt Nam nói chung cũng như Đảng bộ và chính quyền tỉnh Hà Bắc trước đây nói riêng đã trao toàn bộ quyền tìm nơi đặt hài cốt liệt sĩ cho bên phía Triều Tiên.

Theo ông Dương Văn Dậu, một cựu chiến binh hiện đang trông nom khu nghĩa trang liệt sĩ Triều Tiên cho biết: “Thời kỳ đó, đích thân một vị tham tán Đại sứ quán Triều Tiên đã đi chọn khu đất để đặt phần mộ cho 14 liệt sĩ. Họ đi tìm từ Bắc Ninh, Bắc Giang, lên Lạng Sơn và cuối cùng mới quyết định chọn đồi rừng Hoàng thuộc xã Tân Dĩnh, Lạng Giang, Bắc Giang để đặt nghĩa trang. Việc vì sao người Triều Tiên chọn nơi này khi đến giờ không một ai biết.

Khu nghĩa trang liệt sĩ Triều Tiên rộng khoảng 300m2 tọa lạc trên đỉnh đồi rừng Hoàng, với cổng quay về hướng Đông (có nghĩa hướng về quê nhà Triều Tiên). Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong quãng thời gian từ năm 1965-1969, Chính phủ Triều Tiên cử 87 chiến sĩ sang Việt Nam tham gia tác chiến để rút kinh nghiệm. Mọi chi phí ăn ở, tập luyện, chỉ huy tác chiến do phía Việt Nam đảm nhiệm. Trong số 87 chiến sĩ đoàn không quân sang Việt Nam học tập và tác chiến ấy có 14 người đã hi sinh và một số người khác sau này đã được Đảng và Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Anh hùng. Ông Dậu người biết rõ nhất lai lịch của khu nghĩa trang liệt sĩ đặc biệt này đã bắt đầu câu chuyện đưa chúng tôi về quá khứ…

2. Năm 1964, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ đã mở rộng ra cả nước với sự kiện các tỉnh miền Bắc bị địch tấn công dữ dội, oanh tạc suốt ngày đêm. Bằng sự giúp đỡ của Liên Xô, không quân Việt Nam đã được trang bị nhiều máy bay hiện đại thời đó như Mig 17, Mig 19…

Ông Dậu ngày nào cũng ra nghĩa trang thắp hương và kính cẩn làm lễ.

Chỉ trong thời gian ngắn, với sự cải tiến sáng tạo thêm của những quân nhân Việt Nam, những chú én nhỏ “made in Liên Xô” đã thực sự trở thành những pháo đài bay với hệ thống hỏa lực mạnh đủ để tiêu diệt máy bay địch. Liên tiếp những chiếc máy bay của không lực Hoa Kỳ bị không quân Việt Nam bắn hạ trên bầu trời miền Bắc. Chính những thành tích oanh liệt của quân và dân miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã lan rộng sang các nước bè bạn, anh em, trong đó có CHDCND Triều Tiên bé nhỏ ở phía Đông. Đây cũng chính là lí do khiến lực lượng không quân Triều Tiên ngưỡng mộ và họ đã quyết định cử 87 người lính trẻ sang Việt Nam tập huấn và chiến đấu để lấy kinh nghiệm.

Bộ Tư lệnh Không quân Việt Nam khi đó đã giao cho Trung đoàn Không quân 923 (còn gọi là đoàn Yên Thế - một địa danh nổi tiếng của Bắc Giang đã từng gắn liền với cuộc khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám cuối thế kỉ XIX-đầu thế kỉ XX) quản lý, tập huấn và chỉ huy đội không quân Triều Tiên. Nơi đội không quân Triều Tiên được chúng ta tập huấn, hướng dẫn tác chiến là sân bay dã chiến Kép (thuộc Hà Bắc cũ, nay sân bay này vẫn còn tồn tại ở xã Quang Thịnh, Lạng Giang, Bắc Giang).

Các chiến sĩ Triều Tiên đã được những sĩ quan của ta ở đoàn 923 huấn luyện, truyền đạt tỉ mỉ những kỹ thuật lái máy bay Mig 17,19, chiến thuật tiêm kích trên không... Trong đó, có một đặc điểm rất nổi trội của chiến tranh Việt Nam mà những chiến sĩ Triều Tiên đã học hỏi được đó chính là nghệ thuật đánh du kích và khả năng lấy yếu thắng mạnh, phản ứng nhanh trong những hoàn cảnh gian khó. Khóa huấn luyện diễn ra một cách quy củ và đã đạt được những kết quả tốt đẹp.

Do đó, ngay trong năm 1965, khi bom đạn của đế quốc Mỹ đang bắn phá điên loạn ở miền Bắc, các chiến binh không quân Triều Tiên đã xung phong ra trận ngay, đồng thời đây chính là những bài thực hành rất quả cảm của họ. Được sống và tập luyện cùng những chiến sĩ Việt Nam, thấu hiểu tinh thần yêu nước của dân tộc Việt và sự phi nghĩa của đế quốc Mỹ, chính vì thế, những chiến sĩ Triều Tiên đã ra trận chiến đấu mà không quản hy sinh mất mát có thể xảy ra với mình.

Những tấm bia mộ liệt sĩ Triều Tiên giữa vườn cây cối ở đồi rừng Hoàng.

3. Cuộc chiến đấu của đội chiến binh Triều Tiên chủ yếu trên vùng trời của các tỉnh ven Hà Nội như Hà Bắc, Vĩnh Phúc và Hải Hưng (nay là Hải Dương và Hưng Yên). Với tinh thần dũng cảm, ý chí mạnh mẽ mang đặc trưng của dân tộc Triều Tiên, nên ai đã ra trận là chiến đấu ngoan cường, phải quyết tiêu diệt bằng được đối phương.

Ngày 24/9/1965, sau trận đánh chặn cuộc oanh tạc của máy bay Mỹ ở vùng sân bay Kép, thì một tin dữ đã ập tới. Đó cũng là khúc mặc niệm bi tráng đầu tiên vang lên trên bầu trời Hà Bắc khi chàng chiến binh Ương-Hông-Xang (19 tuổi) đã anh dũng hy sinh. Đó cũng là trận đầu xuất kích của người chiến sĩ trẻ này sau khi được cử sang Việt Nam tập huấn. Ương-Hông-Xang đã hy sinh khi bắt đầu xuất kích và bị trúng bom của Mỹ.

Trong năm 1966, cuộc chiến đấu của đội quân Triều Tiên vẫn liên tiếp diễn ra, nhưng trong năm này đội không quân nước bạn không có ai hy sinh. Tuy vậy, chỉ trong năm 1967 đội quân chiến binh trên không này đã mất thêm 12 người nữa. Người quân nhân Triều Tiên thứ 14 có tên Kim-Chi-Hoan đã ngã xuống trên bầu trời Việt Nam vào ngày 12/2/1968. Trong số 14 người đã hy sinh ở Việt Nam thì có đến 11 người ngã xuống ngay vùng Hà Bắc - nơi hứng chịu rất nhiều bom đạn của Mỹ, còn lại 2 chiến sĩ hy sinh ở Vĩnh Phúc và 1 hy sinh ở Hải Hưng.

Như vậy chỉ chưa đầy 3 năm, có 14 chiến sĩ trong đội không quân của Triều Tiên được cử sang học hỏi, rồi tình nguyện chiến đấu ở Việt Nam đã hy sinh. Theo đánh giá của một số cựu chiến binh đã từng chiến đấu ở đoàn 923 thì đội chiến sĩ Triều Tiên đã bắn rơi được 26 chiếc máy bay của đế quốc Mỹ, bắt sống được nhiều giặc lái. Những người lính Triều Tiên đã chiến đấu bằng tinh thần quả cảm, như cho chính quê hương mình vậy. Sự hy sinh của 14 chiến sĩ Triều Tiên là một mất mát lớn của quân đội bạn và người dân Việt Nam mãi mãi ghi nhớ đến sự hy sinh đó, vì nó đã góp phần vào hòa bình và độc lập của dân tộc mình.

4. Trong một ngày tháng 7 nắng chói chang, chúng tôi đã quyết định về đồi rừng Hoàng để viếng linh hồn các liệt sĩ Triều Tiên. Chúng tôi nghiêng mình trước linh hồn các liệt sĩ trên đỉnh đồi rừng Hoàng lộng gió. Còn người quản trang già, một thương binh hạng 2/4 Dương Văn Dậu thì lặng lẽ thắp hương rồi kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện rất kì lạ.

Ông Dậu kể: “Khi mai táng, bên cạnh mỗi chiếc áo quan của liệt sĩ Triều Tiên còn được đặt một con cá chép hồng và một chú chó đen. Mọi người ở làng thắc mắc thì họ chỉ cho biết đó là phong tục truyền thống trong mai táng của dân tộc Triều Tiên, đặc biệt là với những người hy sinh nơi đất khách quê người...”. Sau này ông Dậu và những người trong làng mới hiểu rằng việc đặt cá chép hồng vào trong áo quan thầm mang ý nghĩa rằng khi mất đi họ sẽ được siêu thoát, con cá chép ấy sẽ theo sông ra biển lớn và tìm về với đất mẹ (nước Triều Tiên).

Sau khi quy tập 14 thi thể của những chiến sĩ Triều Tiên đã hy sinh, phía bạn đã mua được từ một ông già tên Đức ở Lạng Giang 6 con cá chép hồng bắt được trên sông Thương. Họ tiếp tục nhờ ông bắt thêm 8 con nữa, nhưng do đây là loại cá cực hiếm nên ông Đức đành chịu. Không hiểu sao như linh hồn những chiến sĩ Triều Tiên phù hộ mà từ sau ngày bán cá chép hồng, gia đình ông Đức đã làm ăn khấm khá và thoát cảnh sống nước, lên bờ dựng nhà lập nghiệp.

Đặc biệt năm 1972, trong trận oanh kích ác liệt của Mỹ vào khu vực sân bay Kép, nhà ông Đức đã bị trúng bom. Nhưng thật kì lạ và may mắn, đúng lúc đó cả 7 thành viên trong gia đình ông đều ở ngoài vườn nên thoát nạn trong gang tấc. Những năm sau này, như để ghi nhớ sự phù hộ và mách bảo của những linh hồn liệt sĩ Triều Tiên, năm nào ông Đức cũng đến viếng nghĩa trang và đứng lặng hàng giờ bên những hàng bia mộ.

Năm 2002, Chính phủ Triều Tiên đã quyết định mang toàn bộ hài cốt 14 liệt sĩ hy sinh ở Việt Nam về nước. Dù rằng ngày nay những ngôi mộ ở đây chỉ còn là mộ gió, nhưng để tưởng nhớ và biết ơn sự chiến đấu và hy sinh của những người con nước bạn, Đảng và Nhà nước ta đã chỉ thị cho tỉnh Bắc Giang đầu tư 100 triệu để xây dựng khu tưởng niệm, lư hương và mô hình 14 tấm bia mộ. Ông Dậu và người cháu đã ngày ngày thay nhau ra đây thắp hương, quét dọn, nhổ cỏ cho khu nghĩa trang được sạch đẹp hơn.

Ông Dậu tâm sự rằng: Gia đình chúng tôi ở ngay sát khu nghĩa trang này, nên ngày nào tôi và cháu cũng ra đây trông nom, vệ sinh cho khu nghĩa trang dù chẳng ai bảo và cũng chẳng hề có đồng tiền công nào. Chúng tôi làm việc này như bất kì người Việt Nam nào cần phải làm để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn đến những người lính Triều Tiên đã hy sinh. Tôi mong rằng chúng tôi và thế hệ mai sau sẽ mãi mãi nhớ đến câu chuyện tình nghĩa và đậm tình hữu nghị Việt-Triều từ cái nghĩa trang này

Hải Dương
.
.
.