Chuyện của người Cộng sản trở về từ chuồng cọp Côn Đảo

Thứ Sáu, 18/11/2011, 15:40

Sau buổi trò chuyện rất dài với ông, có hai điều tôi hoàn toàn không nghi ngờ. Điều thứ nhất: Ông là một tử tù Côn Đảo có một số phận đặc biệt. Điều thứ hai: Ông là một người Cộng sản chân chính với đầy đủ nghĩa của từ này…

Tiếng hát người tử tù

Trước khi gặp ông, tôi đã được nghe rất nhiều câu chuyện về cuộc đời ông - một trong những tử tù Côn Đảo nổi tiếng nhất thời chống Mỹ. Theo cách mạng từ khi còn là một cậu bé 14 tuổi, đã 3 lần bị giam trong nhà tù địch và có tới 15 năm bị đày ải trong chuồng cọp Côn Đảo, nếm đủ các ngón đòn tra tấn khắc nghiệt nhất của kẻ thù, nhưng đến bây giờ ở tuổi 75, khi ông đang ngồi đối diện với tôi và kể cho tôi nghe về cuộc đời mình, tôi vẫn thấy trong đôi mắt ông tình yêu và niềm tin tuyệt đối vào lý tưởng mà mình đã chọn.

Lê Quang Vịnh đã trải qua một tuổi thơ nhiều khó khăn và mất mát. Cha Lê Quang Vịnh là luật sư Lê Quang Dực vì có mối liên hệ mật thiết với cách mạng nên đã bị địch bí mật cho người theo dõi và bắn chết. Mất cha từ sớm, cậu bé Lê Quang Vịnh đã phải trải qua những ngày thơ ấu cơ cực và nghèo khó.

Ngày đó, bộ quần áo mà Lê Quang Vịnh mặc để đến trường bao giờ cũng là bộ quần áo nhiều miếng vá nhất trong tất cả đám bạn học. Có lần vì không có quần áo mặc, cậu bé Lê Quang Vịnh nghĩ ra cách cắt bộ quần áo bằng giấy rồi dán lại bằng hồ để mặc tạm. Bộ quần áo bằng giấy là sáng kiến của cậu học trò nghèo, nhưng "sáng kiến" đó vẫn trở thành thảm họa và gây cho Lê Quang Vịnh không ít "tai nạn" vào những hôm trời mưa. Tuy nhà nghèo, nhưng trong ký ức thầy giáo và những người bạn học, Lê Quang Vịnh lại là người vô cùng thông minh, sáng dạ và có thành tích học tập vô cùng xuất sắc. Lê Quang Vịnh đã đỗ Thủ khoa trong kỳ thi tú tài toàn phần, được nhận học bổng đi du học Pháp của quốc trưởng Bảo Đại.

Đã có thể lựa chọn một con đường thênh thang và nhàn nhã, nhưng ngày ấy, trong suy nghĩ của Lê Quang Vịnh, con đường duy nhất mà một người thanh niên có thể đi là con đường cách mạng, là con đường cứu nước, con đường vì nhân dân chiến đấu.

Cựu tù Côn Đảo Lê Quang Vịnh.

Lê Quang Vịnh kể: "Sau ngày cha mất, đứng thắp hương trước bàn thờ cha, tôi và chị gái Lê Thị Mai đã cùng thề sẽ trả thù cho người cha đã khuất. Quyết tâm trả thù cho cha đã khiến tôi bắt đầu hoạt động cách mạng từ đó, với công việc đầu tiên là đi rải truyền đơn cho phong trào sinh viên kháng chiến đang lên cao ở Huế. 14 tuổi, tôi đã bị đi tù lần đầu tiên ở nhà lao Thừa Phủ. Ra tù, đi học, 2 năm sau tôi bị bắt vào tù lần thứ 2, cũng vì tham gia các hoạt động phong trào ở Huế. Nhưng hai lần vào tù ấy không làm tôi run sợ, trái lại sau những ngày tháng ở tù, tôi đã thực sự được giác ngộ, khi được ở chung với những người tù cách mạng yêu nước và kiên cường. Ở trong tù, tôi đã thực sự tìm được lý tưởng và con đường của mình".

Tháng 8/1961, phát hiện ra Lê Quang Vịnh - một giáo sư của trường Petrus Ký - chính là một trong những người lãnh đạo của phong trào sinh viên - học sinh Sài Gòn, địch đã bắt ông cùng với những học sinh, sinh viên tham gia vụ ám sát Đại sứ Mỹ Nolting và đưa ra tòa án quân sự xét xử. Vụ án ấy đã gây chấn động dư luận cả nước và quốc tế. Báo chí đã gọi Lê Quang Vịnh và những người đồng chí, đồng đội của ông bị bắt trong vụ án ấy là "tiểu đội anh hùng". Trong phiên tòa ấy, tòa án quân sự đặc biệt Sài Gòn đã tuyên 4 án tử hình cho Lê Quang Vịnh, Lê Hồng Tư, Lê Văn Thành, Huỳnh Văn Chính.

Bị tuyên án tử hình, nhưng khi ấy, đứng trước cái chết, Lê Quang Vịnh không hề cảm thấy sợ hãi. Kết thúc phiên tòa, bị địch bắt nhốt vào xe thùng chở về nhà lao, ông và những người đồng chí trong "tiểu đội anh hùng" đã cùng nhau cất vang bài hát "Giải phóng miền Nam":

"Vùng lên nhân dân miền Nam anh hùng
Vùng lên xông pha vượt qua bão bùng
Thề cứu lấy nước nhà.
Thề hy sinh đến cùng
Cầm gươm ôm súng xông tới…
Vận nước đã đến rồi
Bình minh chiếu khắp nơi…"

Dù địch đã cố tình áp tải "tiểu đội anh hùng" của Lê Quang Vịnh về trại giam vào ban đêm, nhưng giữa đêm khuya vắng, khi tiếng hát của cả "tiểu đội anh hùng" vang lên trong chiếc xe thùng chạy dọc qua các con phố, lần lượt từng ô cửa sổ trên những con phố ấy bật sáng. Hết ô cửa này đến ô cửa khác đã sáng đèn, rất nhiều người dân đứng trong ô cửa ấy đã nghe và dõi theo tiếng ca hào hùng và hừng hực đấu tranh của những người tù cách mạng vừa bị tuyên án tử.

Khi nghe tin về bản tuyên án của tòa án quân sự Sài Gòn dành cho Lê Quang Vịnh và những đồng chí của ông trong "tiểu đội anh hùng", nhà thơ Tố Hữu đã viết bài thơ "Tiểu đội anh hùng": “Lê Quang Vịnh và các anh/ Tiểu đội anh hùng của tuổi xanh/ Mười hai tên mạnh như tên lửa/ Chấp cả gươm treo, án tử hình…". Một phong trào đấu tranh phản đối bản án tử hình dành cho Lê Quang Vịnh đã lan nhanh trong khắp giới sinh viên, học sinh cả nước khi ấy.

Những ký ức thiêng liêng ở địa ngục trần gian

Sau khi bị Tòa án quân sự đặc biệt tuyên án tử hình, Lê Quang Vịnh bị đày ra Côn Đảo. Là một tử tù chính trị, ông bị giam trong chuồng cọp và bị tra tấn hết ngày này qua ngày khác cho đến kiệt sức. Nhưng giống như rất nhiều người tù chính trị ở Côn Đảo trong những năm tháng ấy, không một sự tra tấn nào của địch có thể giết chết được ý chí, tình yêu và niềm tin vào cách mạng của Lê Quang Vịnh.

Sau khi bị tuyên án rồi bị đày ra Côn Đảo, Lê Quang Vịnh không hề biết gì về tầm ảnh hưởng mà ông đã gây ra đối với giới học sinh, sinh viên cả nước, cũng không hề biết về những bài thơ viết về ông được đăng trên báo chí khi ấy. Sau này, khi gặp những người tù chính trị mới bị bắt vào nhà tù Côn Đảo, ông mới được nghe kể về những câu chuyện đó. Điều ấy đã khiến ông có thêm sức mạnh để chiến đấu, chống lại sự tra tấn man rợ của địch trong những ngày sống ở chuồng cọp Côn Đảo.

Với cựu tù Côn Đảo Lê Quang Vịnh, những ký ức hào hùng và bi tráng trong những ngày sống trong chuồng cọp Côn Đảo là những ký ức vô cùng thiêng liêng - những ký ức mà ông và những người đồng chí, đồng đội của mình không bao giờ được phép quên đi. Ngày ấy, với tù chính trị ở Côn Đảo, bao giờ ngày Quốc khánh 2-9 cũng là ngày lễ lớn nhất và thiêng liêng nhất, là ngày mà tất cả những chiến sĩ bị giam trong chuồng cọp đều chờ đợi.

Trong chuồng cọp Côn Đảo ngày ấy, hầu như không có một người tù cách mạng nào có được một bộ quần áo lành lặn. Hầu hết những bộ quần áo mà họ mặc trên người đều đã bị rách tả tơi qua năm tháng hoặc do đòn roi của kẻ địch. Nhưng dù không ai bảo ai, khi đến gần ngày Quốc khánh, mỗi người tù đều cố gắng sửa soạn cho mình một bộ quần áo "tươm tất" nhất để chuẩn bị cho nghi lễ chào cờ. Họ lấy những chiếc xương cá làm kim, lấy những sợi chỉ bị sứt ra từ những miếng áo rách làm chỉ và cặm cụi, kiên nhẫn khâu từng "đường kim, mũi chỉ" lên những tấm áo rách không còn có thể rách hơn của mình. Cứ bị gãy "cây kim" này, họ lại đi tìm "cây kim" khác, lại cần mẫn khâu hết đêm này sang đêm khác, cho đến khi có một bộ quần lành lặn nhất, một bộ quần áo ít vá víu nhất có thể.

Ngày Quốc khánh 2-9 mỗi năm, những tù chính trị trong chuồng cọp đứng xếp thành hàng thẳng tắp,  mặc bộ quần áo mà họ đã cặm cụi khâu nhiều đêm, đứng nghiêm trang và đầy tự hào, mắt nhìn thẳng. Khoảnh khắc ấy, tất cả những đôi mắt trong chuồng cọp đều hướng về một bức tường trống và chào lá Quốc kỳ trong tưởng tượng.

Trên bức tường ấy không có bất cứ lá Quốc kỳ nào, nhưng trong đôi mắt, trong trái tim những người tù Cộng sản, lá Quốc kỳ đang tung bay đầy hiên ngang và tự hào trước gió. Vào giây phút thiêng liêng đó, họ đặt tay lên ngực mình, hát vang bài Quốc ca mà nước mắt chảy ròng, bất chấp địch ở trên mặc sức rải vôi bột và dùng gậy sắt chọc xuống, đánh tới tấp. Có không ít người tù cách mạng bị địch đánh, máu chảy ròng ròng xuống mặt, nhưng vẫn đứng hiên ngang và hát cho đến khi bài Quốc ca kết thúc. Bởi với những người tù Côn Đảo, chào cờ là một phép mầu, là một nghi lễ linh thiêng, mà không một nỗi đau nào, một sự tra tấn nào có thể khuất phục được.

Chuyện dạy con của một cựu tù Côn Đảo

Lê Quang Vịnh và vợ thời trẻ.

Trong những ngày bị giam ở chuồng cọp Côn Đảo, Lê Quang Vịnh đã quen biết rồi trở nên thân thiết với người tù chính trị Hai Tân (tức Trần Trọng Tân, khi đó là Thường vụ Khu ủy Sài Gòn) bị giặc giam ở chuồng cọp bên cạnh. Họ đã cùng nhau chia sẻ từng manh áo, cùng nhau chia sẻ mọi khó khăn của cuộc sống lao tù. Ngày ấy, dù chẳng bao giờ dám nghĩ đến ngày thoát khỏi nhà tù Côn Đảo, nhưng Hai Tân thỉnh thoảng vẫn nửa đùa nửa thật với Lê Quang Vịnh: "Mình có một cô em gái. Sau này nếu được tự do, mình muốn Vịnh trở thành em rể mình". Câu nói vui của đồng chí Hai Tân khi ấy sau này đã trở thành sự thật.

Năm 1975, chưa đầy 1 ngày sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Lê Quang Vịnh và những người tù chính trị ở Côn Đảo đã được giải phóng khỏi xiềng xích và chuồng cọp. Sau ngày đất nước thống nhất, Lê Quang Vịnh đã được cử vào "Đoàn Đại biểu miền Nam tiêu biểu" gồm 100 người, đại diện cho những chiến sĩ cách mạng tiêu biểu của miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ ra thăm Lăng Bác, thăm Thủ đô Hà Nội. Lần ra Hà Nội ấy, đồng chí Trần Trọng Tân đã không bỏ lỡ cơ hội giới thiệu Lê Quang Vịnh với cô em gái của mình - kỹ sư Trần Thị Kim Khánh. Khi ấy, Lê Quang Vịnh đã gần 40 tuổi.

Trong những ngày ra thăm Hà Nội, tình cảm của Lê Quang Vịnh và Trần Thị Kim Khánh đã nhanh chóng nảy nở. Tình cảm ấy càng bền chặt hơn khi Lê Quang Vịnh được ở lại Hà Nội để chữa bệnh. Việc đầu tiên mà các bác sĩ ở bệnh viện Việt - Xô làm là tẩy giun cho Lê Quang Vịnh. Lần tẩy giun ấy, các bác sĩ Bệnh viện Việt - Xô đã đếm được 175 con giun - một con số kỷ lục ở bệnh viện lúc ấy. Tình yêu của Lê Quang Vịnh và Trần Thị Kim Khánh có những kỉ niệm mà không phải những người yêu nhau nào cũng có cơ hội trải qua.

Khi Lê Quang Vịnh được đưa vào viện, Trần Thị Kim Khánh là người đi theo, chăm sóc Lê Quang Vịnh mỗi ngày. Chứng kiến sự chăm sóc ân cần của Trần Thị Kim Khánh dành cho Lê Quang Vịnh, tất cả các bác sĩ, y tá và bệnh nhân ở Bệnh viện Việt - Xô đều mặc nhiên coi rằng Trần Thị Kim Khánh chính là vợ chưa cưới của Lê Quang Vịnh. Trong cuốn sổ bệnh viện, nhân viên bệnh viện cũng mặc nhiên ghi: "Trần Thị Kim Khánh - vợ chưa cưới của bệnh nhân Lê Quang Vịnh".

Những ngày đó, cô kỹ sư Trần Thị Kim Khánh thường đạp xe đưa Lê Quang Vịnh đi thăm khắp Thủ đô. Một lần, khi đến thăm Lăng Bác, Lê Quang Vịnh đã làm những câu thơ như một lời tỏ tình với người con gái Hà Nội: "Em đưa anh về thăm Lăng Bác/ Hoa sữa dọc đường thơm bát ngát/ Em hát thì thầm trong đêm thu vắng/ Anh cài một đóa hồng lên áo em tinh trắng/ Em ngả đầu vào vai anh yên lặng…" - bài thơ ấy được viết vào 9/1975, với lời đề tặng: "Gửi Khánh thân yêu".

Năm 1976, đám cưới của Lê Quang Vịnh và Trần Thị Kim Khánh đã diễn ra, trong sự chúc phúc của rất nhiều bạn bè, đồng chí, đồng đội, đặc biệt là của những người tù đã cùng chịu chung những khó khăn gian khổ với Lê Quang Vịnh trong "địa ngục trần gian" Côn Đảo. Khi kết hôn với Trần Thị Kim Khánh, Lê Quang Vịnh đã 40 tuổi.

Sau 15 năm sống thiếu thốn, đói khổ và bị tra tấn ở chuồng cọp Côn Đảo, Lê Quang Vịnh mang trong mình rất nhiều bệnh tật. Dù mừng cho hạnh phúc của Lê Quang Vịnh, nhưng khi ấy người thân, bạn bè và đồng chí, đồng đội đều có một nỗi lo chung chẳng dám nói ra. Tất cả đều sợ những năm tháng ở nhà tù Côn Đảo sẽ để lại di chứng trong người Lê Quang Vịnh, khiến ông không thể có con.

Chính vì vậy, khi người con đầu lòng của vợ chồng ông bà ra đời, lành lặn và khỏe mạnh, rất nhiều người xung quanh thở phào nhẹ nhõm Ông kể: "Sau khi vợ tôi sinh con trai, vào bệnh viện thăm, việc đầu tiên mà anh trai của Khánh làm là sờ vào mông con trai tôi rồi reo lên mừng rỡ: May quá, không có cái đuôi nào. Anh vợ tôi cũng như rất nhiều người khác, đều sợ tôi sẽ không thể sinh được một đứa con khỏe mạnh và lành lặn như thế".

Với vợ và hai con.

Khi còn ở trong nhà tù Côn Đảo, điều Lê Quang Vịnh khao khát nhất chính là tự do. Cũng chỉ có những người tù sống mười mấy năm trong chuồng cọp như ông mới hiểu hai chữ "tự do" quý giá đến mức nào. Chính vì vậy mà cái ngày được giải phóng khỏi chuồng cọp Côn Đảo, dù đi không vững và phải nhờ đồng đội dìu ra khỏi chuồng cọp, nhưng chỉ 15 phút sau khi tự do, Lê Quang Vịnh đã viết những câu đầu tiên của bài hát "Chào Tự do" - để ghi lại những khoảnh khắc thiêng liêng và đáng nhớ nhất trong cuộc đời mình: "Ta reo hát lên đi/ Ta reo lên mừng lên đi/ Đời ta đã hết ngục tù chia ly…".

Sau này, sinh được hai người con, một trai một gái, Lê Quang Vịnh đã đặt cho hai người con của mình hai cái tên vô cùng đặc biệt: Lê Quang Tự Do và Lê Quang Hạnh Phúc. Ông kể, lúc bà Trần Thị Kim Khánh còn mang bầu Lê Quang Tự Do, hai vợ chồng ông bà đã đi xem một bộ phim tài liệu về chính cuộc đời ông, do một đoàn phim nước ngoài thực hiện, với bối cảnh chính là Côn Đảo. Kết thúc bộ phim ấy có cảnh Lê Quang Vịnh đi dọc dãy chuồng cọp Côn Đảo và cất vang lời bài hát "Chào Tự do".

Đến tận lúc ấy, ông vẫn chưa có ý định sẽ đặt tên gì cho người con sắp sinh của mình. Nhưng có lẽ, hình ảnh ấy đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng vợ ông - bà Trần Thị Kim Khánh. Nên khi con trai đầu lòng của ông bà vừa cất tiếng khóc chào đời, vẫn còn đang nằm trên giường bệnh và chưa lấy lại sức, vợ ông đã nắm chặt tay ông thì thầm: "Hãy đặt tên con là Tự Do anh nhé".

Đặt cho con trai mình một cái tên đầy ý nghĩa, Lê Quang Vịnh đã gửi gắm vào đó rất nhiều tâm sự, rất nhiều nỗi niềm và sự kỳ vọng. Khi con trai Lê Quang Tự Do của ông đi học mẫu giáo, ông đã dành tặng con trai mình một ca khúc: "Cái tên Tự Do của bé/ Vì ba đã quá đắng cay lao tù/ Có chi khổ đau hơn thế/ Những ngày chuồng cọp âm u/ Mười lăm năm xiềng xích/ Tuổi xuân qua trong chuồng bò/ Mẹ luôn nhắc bé khắc sâu căm thù…". Ông bảo, con trai ông đã hát bài hát đó từ lúc ấy, khi còn là một cậu bé 5 tuổi, cho đến tận bây giờ khi là một người thanh niên trưởng thành.

Là một người tù cách mạng, là một người Cộng sản chân chính, Lê Quang Vịnh đã dạy con theo đúng tinh thần của một người Cộng sản. Ông đã sống một cuộc đời thật đẹp, thật trong sáng, để là tấm gương cho con cái. Lê Quang Vịnh kể: "Có một lần Tự Do về nhà, vẻ mặt rất buồn. Tự Do nói với tôi: Ba ơi, con nghe có người ở ngoài người ta nói xấu ba ghê lắm? Điều đó có đúng không ba? Tôi kiên nhẫn ngồi nghe Tự Do nói về những điều đó, nhưng tôi không đi thanh minh, cũng không đi giải thích với Tự Do. Tôi chỉ nói với Tự Do một câu: Con hãy nhìn cách ba sống, nhìn những việc mà ba đã làm, để có thể tự trả lời câu hỏi ấy…".

Sau này con trai ông không bao giờ còn hỏi ông những câu như thế nữa, bởi Lê Quang Vịnh đã sống một cuộc đời mà vợ ông và những người con của ông hoàn toàn có thể tự hào: một cuộc đời trong sáng, đầy hy sinh và không bao giờ hết niềm tin vào lý tưởng mà mình đã chọn.

Lê Quang Vịnh không dạy con trai mình bằng những lý thuyết, những lời giáo huấn suông, mà dạy bằng chính những câu chuyện mà ông vẫn kể cho con trai ông nghe: những câu chuyện về những người đồng chí, đồng đội của ông, những câu chuyện về chính ông, về những năm tháng mà ông không bao giờ quên ở nhà tù Côn Đảo. Con trai ông đã lớn lên với những câu chuyện ấy, đã trưởng thành nhờ chính những câu chuyện ấy và trở thành một người thanh niên khiến ông - một người cha - hoàn toàn có thể tự hào.

Ông bảo: "Khi Tự Do vừa đi du học về, Tự Do có rất nhiều lựa chọn về công việc, có những nơi mời Tự Do về làm với lương tháng cả nghìn đô, Tự Do có hỏi ý kiến tôi. Nhưng tôi bảo con hãy tự quyết định. Cuối cùng con trai tôi đã tự quyết định lấy con đường mà mình phải đi, tự quyết định lấy công việc mà mình sẽ làm. Nơi Tự Do chọn để công tác và gắn bó là Trung ương Đoàn, một nơi mà thu nhập chỉ như bao công chức nhà nước bình thường khác, nhưng ở đó, con trai tôi có thể thực hiện được những lý tưởng của riêng mình". Dù không nói ra, nhưng ông đã luôn tự hào về sự lựa chọn của người con trai đầu lòng mà ông vốn đặt rất nhiều yêu thương và kỳ vọng

Hương Thảo Nguyên
.
.
.