Chuyện đất đai, nghe là giật mình

Chủ Nhật, 07/06/2020, 14:58
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương trong tháng 5-2020 đã thông tin về vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Công ty 3-2).


Trước đó, Công an tỉnh Bình Dương thụ lý tin báo về tội phạm đối với việc quản lý, sử dụng 43 ha đất tại TP Thủ Dầu Một, có nguồn gốc là tài sản nhà nước, được UBND tỉnh Bình Dương giao cho Công ty 3-2 để thực hiện đầu tư dự án đối với Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương.

Năm 2016, Công ty 3-2 đã chuyển nhượng quyền sử dụng 43 ha đất này cho Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Tân Phú (Công ty Tân Phú) với giá do 2 công ty tự thỏa thuận, thấp hơn so với giá quy định do UBND tỉnh Bình Dương ban hành cùng thời điểm chuyển nhượng là trên 126 tỉ đồng. Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí"; đồng thời khởi tố bị can đối với một loạt cán bộ chủ chốt của Công ty 3-2.

Cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến tại phiên tòa.

Cũng một dạng tương tự như Công ty 3-2 là chuyện xảy ra ở Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận (gọi tắt là Công ty Tân Thuận, 100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy TP Hồ Chí Minh).

Công ty Tân Thuận được giao làm chủ đầu tư dự án Khu dân cư Phước Kiển và đã thỏa thuận đền bù, giải phóng mặt bằng, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người dân với hơn 33 ha. Quá trình thực hiện, Công ty Tân Thuận tham mưu, đề xuất với Văn phòng Thành ủy TP Hồ Chí Minh về việc chỉ định hợp tác, chuyển nhượng cho Công ty Quốc Cường Gia Lai. 

Lãnh đạo công ty đã không họp thảo luận để thống nhất chủ trương chuyển nhượng và giá chuyển nhượng dẫn đến việc đề xuất giá chuyển nhượng chưa đảm bảo giá trị ngang giá thị trường tại thời điểm chuyển nhượng và thấp hơn giá do Hội đồng thẩm định giá thành phố thẩm định, thấp hơn cả giá do chính công ty xây dựng phương án dự kiến thỏa thuận đền bù tiếp theo với người dân.

Sự việc được phát giác và Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu Công ty Tân Thuận đàm phán với đối tác để hủy hợp đồng. Nhờ vậy mà ngăn chặn được thiệt hại về kinh tế nhưng đã gây dư luận bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm ảnh hưởng uy tín của Đảng bộ TP.

Một loạt quan chức của Công ty Tân Thuận đã bị xử lý, nguyên Tổng Giám đốc Trần Công Thiện và Chủ tịch Hội đồng thành viên Nguyễn Văn Minh đều bị khởi tố bị can và bắt tạm giam để điều tra về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Gần đây nữa là vụ án liên quan 5 người, nguyên cán bộ của Quân chủng Hải quân (thời kỳ ông Nguyễn Văn Hiến là Đô đốc) và Công ty TNHH MTV dịch vụ và du lịch biển đảo Hải Thành (Quân chủng Hải Quân) đã chuyển đổi 3 khu đất quốc phòng ở đường Tôn Đức Thắng (TPHồ Chí Minh) với tổng diện tích hơn 6700 m2 sang đất kinh tế trong 49 năm, không đúng quy định của pháp luật, sai chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Theo Hội đồng xét xử thì hành vi của các bị cáo, đặc biệt là cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến "đã khiến Quân chủng Hải quân mất quyền sử dụng 3 khu đất trong thời gian dài, gây thất thoát hơn 939 tỉ đồng tiền sử dụng đất, thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng".

Vì sao Công ty 3-2, Công ty Tân Thuận hay Quân chủng Hải quân trong những trường hợp này lại dễ dàng bất chấp các qui định về pháp luật để xảy ra sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai? Rất khó để biện minh là không hiểu biết pháp luật.

Dẫn ra 3 vụ nói trên trong không ít vụ việc tương tự để thấy một thực trạng là: Đất đai do Nhà nước quản lý và trong đó một phần lớn là giao cho các địa phương, tổ chức quản lý, sử dụng. Nhưng việc quản lý, sử dụng như thế nào thì có thể khẳng định ngay là còn nhiều nơi quản lý rất lỏng lẻo. Sở dĩ nhận định như vậy là vì khi giao cho các địa phương hay đơn vị, tổ chức, ngay cả chặt chẽ như lực lượng Quốc phòng, mà khả năng đất đai bị sử dụng sai mục đích, thậm chí là rơi vào tay các doanh nghiệp tư nhân vẫn xảy ra.

Tại kỳ họp Quốc hội diễn ra cuối tháng 5 và đầu tháng 6, nhiều vấn đề "nóng" về đất đai cũng đã được đặt lên bàn nghị sự. Có cả những vấn đề liên quan đến an ninh đất đai. Đất đai không chỉ đang được sử dụng sai mục đích tràn lan ở nhiều nơi, như một thứ dịch bệnh, mà còn có cả chuyện bằng cách này hay cách khác rơi dần vào tay các doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài, thậm chí không chỉ đất "vàng" đô thị.

Và như thế để thấy thực tiễn đang đặt ra Quốc hội cần có những chương trình giám sát đặc biệt về tình hình quản lý, sử dụng đất đai, thậm chí là có những thay đổi về pháp luật liên quan đến đất đai, để không phải nghe tiếp những cuộc tranh luận gay gắt về chuyện tài nguyên đặc biệt quan trọng này.

Lương Duy Cường
.
.
.