Chuyện ghi ở ngã ba biên giới

Chủ Nhật, 08/04/2018, 21:20
Cách xa TP. Hồ Chí Minh hơn 700km, ngã ba Đông Dương, nơi tiếp giáp biên giới giữa 3 nước (Việt Nam – Lào - Campuchia) nằm gần cửa khẩu quốc tế Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) được cho là nơi một tiếng gà gáy cả ba nước đều nghe.


Giữa mùa mưa như trút nước ở Tây Nguyên, chúng tôi đã có mặt tại đây, được ngắm nhìn miền biên viễn của Tổ quốc. 

Thiêng liêng cột mốc chủ quyền

Vừa qua khỏi cửa khẩu Bờ Y, chưa tới khu kiểm soát liên hợp của nước ta, chúng tôi rẽ trái để đến cột mốc chủ quyền. Trước khi lên cột mốc, có một cái barie chắn ngang là nơi đặt trạm biên phòng để canh giữ.

Trong một cái lán nhỏ, Thiếu úy Hồng Lạc Thoại (30 tuổi, người Giẻ Triêng) và binh nhất A Nhật (20 tuổi, người Xê Đăng) đang vào giờ trực. Các anh cho biết, vào các ngày lễ, tết, du khách về tham quan cột chủ quyền rất đông, còn ngày thường thì chỉ có dân địa phương đi làm rẫy ở xung quanh.

Cán bộ, chiến sĩ biên phòng thay nhau trực ở đây từng giờ. Mùa khô, các anh lấy nước ở khe suối để dùng, còn mùa mưa thì chịu khó hứng nước mưa để sinh hoạt.

Cột mốc chủ quyền.

Hiện có một khu tưởng niệm các chiến sĩ biên phòng đã ngã xuống đang được gấp rút xây dựng trên một ngọn đồi cao. Dù mưa vẫn rơi nhưng xe công binh vẫn chở đất đá vào tận đây để gấp rút hoàn thành công trình theo kế hoạch.

Cột mốc nằm trên một ngọn đồi cao 1.068m so với mực nước biển, có tên Đồi Tròn, cách đường tuần tra của Bộ đội Biên phòng không xa. Đường tuần tra này xuyên suốt dọc chiều dài biên giới trên bộ. Ở đây, ngày 18 – 1 - 2008 có mặt đầy đủ đại diện Bộ Ngoại giao ba nước, đại diện lãnh đạo ba tỉnh giáp ranh: Kon Tum (Việt Nam), Attapeu (Lào) và Ratanakiri (Campuchia) đã diễn ra buổi lễ khánh thành cột mốc chung. Cột mốc đặc biệt này mang số hiệu 2007, là một khối đá granit nặng một tấn, cao hai mét, được vạch thành ba mặt hướng về ba nước.

Từ đây đi thủ đô Bangkok của Thái Lan khoảng 1.000km, gần hơn đi Hà Nội vài trăm cây số. Lệ thường, các cột mốc biên giới đều chỉ có hai mặt, mỗi mặt ghi số hiệu và Quốc hiệu, Quốc huy hai nước giáp ranh nhau, nhưng ở đây có một cột mốc ba mặt.

Do vậy du khách nào đặt chân đến đây cũng đều háo hức muốn tận mắt “mục sở thị” cột mốc ba mặt. Phóng tầm mắt ra xa, toàn những đồi núi chập chùng. Xung quanh nơi đây, người dân địa phương chủ yếu làm rẫy với cư dân nước bạn.

Hiện chưa có cửa khẩu mở sang Campuchia, từ ngã ba Đông Dương theo đường 40 đi về phía Tây thì gặp cặp cửa khẩu quốc tế Bờ Y - Phu Cưa thông thương qua Lào.

Ngày 19- 5 - 2010, nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại diện hai nước Việt Nam- Lào, đại diện hai tỉnh Kon Tum và Attapeu đã làm lễ khánh thành cột mốc 790 phân ranh hai nước trên đỉnh Dốc Muối, là nơi thời chống Mỹ có một kho muối phục vụ chung cho chiến trường ba nước.

Cột mốc 790 khởi công từ năm 2009, bằng đá granit nguyên khối, đế rộng 1,6 mét, cao 2,2 mét. Cạnh cột mốc, ngày 9-7-2010 cũng đã diễn ra lễ khánh thành khu Kiểm soát liên hợp Việt Nam - Lào. Cửa khẩu vào Lào được gọi là Phu Cưa, nghĩa là Dốc Muối, tọa lạc tại bản Phu Cưa, huyện Phu Vong, tỉnh Attapeu.

Cửa khẩu Bờ Y phía Việt Nam.

Ông Nguyễn Trọng Hảo, Trưởng Ban quản lý khu kinh tế Bờ Y cho biết, thu ngân sách tại đây còn cao hơn thu nhập của cả huyện Ngọc Hồi. Bờ Y có một vị thế đặc biệt, cũng như A Pa Chải ở Điện Biên (cột mốc ba mặt ở A Pa Chải được cắm năm 2005).

Từ sáng kiến của Thủ tướng ba nước Đông Dương, cửa khẩu Bờ Y được xác định là trung tâm của tam giác phát triển. Bờ Y nằm trên trục hành lang phát triển Đông Tây, nối Đông Bắc Thái Lan với Việt Nam, lấy tỉnh Upon (Thái Lan) làm điểm nhấn thông qua Bờ Y để nối với cảng Quy Nhơn (Bình Định), theo QL 40 B đi cảng Kỳ Hà, Chu Lai (Quảng Nam). Mỗi ngày có trên 40 chuyến xe khách từ các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên của nước ta qua cửa khẩu này để đến Viêng Chăn, Champasak… của nước bạn.

Lí giải về siêu thị miễn thuế còn ít người, ông Hảo cho rằng do địa lý quá xa các khu dân cư của hai nước nên hoạt động thương mại chưa sầm uất. Phía Lào phải đi 52km mới tới siêu thị, còn phía Việt Nam phải đi 6km.

Hiện đã có nhà đầu tư từ TP. Hồ Chí Minh lên đây để phát triển xung quanh siêu thị miễn thuế. Trên các tuyến đường Hồ Chí Minh chưa có điện thì sắp tới điện lực miền Trung sẽ lập dự án đầu tư các trạm biến áp 100Kv. Khác với phía Việt Nam, nhiều đoạn đường đang xuống cấp vì xe chở gỗ.

Qua khỏi cửa khẩu nước bạn thì đường Lào khác hẳn. Con đường 18, sau đó nhập với đường 13, nối hai tỉnh cực nam Hạ Lào là Attapeu và Champasak do Việt Nam giúp Lào xây dựng cách đây không lâu, như một dải lụa len lỏi giữa rừng đại ngàn.

Khá nhiều dốc, nhiều cua tay áo, nhưng chất lượng đường “chuẩn”, lại đặc biệt vắng, đi cả giờ đồng hồ gần như chẳng gặp một chiếc xe nào nên cảm giác xe lướt như ru, không lo tránh, không lo đạp phanh và cũng không lo… bị bắn tốc độ.

Từ TP. Hồ Chí Minh lên Kon Tum mất trọn một ngày nhưng chỉ cần một nửa thời gian như thế để đặt chân Pakse, thủ phủ tỉnh Champasak, dù quãng đường có độ dài tương đương. Bình yên nằm bên dòng sông Mekong, Pakse và Champasak là chốn du lịch khám phá lý tưởng.

Nơi có đền Wat Phou, di sản thế giới, chốn phát tích của Angkor ; có thác Khôn lớn nhất Đông Nam Á, có quần thể 4.000 hòn đảo… nơi ngã ba biên giới. Trong tỉnh có địa điểm Nam Xe Kamane ở tọa độ 15o19' Bắc, 107o38' Đông là điểm cực Đông Nam của Lào.

Cách cửa khẩu Việt Nam và Lào không xa là cửa khẩu Contuneo (tỉnh Rattanakiri, Campuchia). Do dân cư chưa phát triển, chưa có đường về trung tâm tỉnh nên cửa khẩu nước bạn chỉ có hai trạm biên phòng của hai nước đứng gác.

Tăng cường giao thương với nước bạn

Qua khỏi cửa khẩu Phu Cưa của nước bạn, chúng tôi trông thấy nhiều người phụ nữ Việt Nam sang đây để buôn bán. Họ mang nông, hải sản qua đây bán cho nhà hàng và người dân Lào tại cây số 52 và 100 – nơi tập trung nhiều người Việt.

Một cán bộ của Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y nói vui đội quân này là “công ty” hai sọt vì chở lủng lẳng hàng hóa hai bên xe máy. Chiều về, họ lại mua sắt phế liệu để về Kon Tum bán kiếm lời.

Cửa khẩu Bờ Y phía Việt Nam.

Họ đi xe máy tới tận trung tâm tỉnh Attapeu. Ngày trước, họ đi có giấy thông hành (có sọc đỏ), giờ thì dùng CMND có giấy xác nhận của xã là được. Chị Nguyễn Thị Lệ (40 tuổi, quê Hải Dương), bán hàng tại cửa khẩu nước bạn cho biết, mỗi ngày nếu cố gắng bán và thu mua đầy chiếc xe máy thì chị cũng kiếm được cả triệu đồng. Số tiền này ở quê nhà thật khó kiếm được.

Rời cửa khẩu Bờ Y, thẳng tiến về thị trấn Plei Kần của huyện Ngọc Hồi, chúng tôi tìm chỗ nghỉ ngơi sau thời gian “thám hiểm”. Đây là nơi có diện tích 25,1km vuông, dân số trên 12 nghìn nhân khẩu, đa dạng thành phần dân cư.

Từ đây, chúng tôi vượt đèo Tân Cảnh để trở lại TP. Kon Tum, trước khi về TP. Hồ Chí Minh. Sau một đêm trên xe khách, Sài Gòn đón chúng tôi bằng những tia nắng sớm ấm áp thay cho cái không khí giá lạnh nơi thâm sơn cùng cốc của ngày hôm qua.

Ông Lê Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Kon Tum nói, về lâu dài cửa khẩu Bờ Y có vị trí rất quan trọng trong quan hệ giữa ba nước Đông Dương. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt, trong 28 khu kinh tế cả nước có 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm trong đó có cửa khẩu Bờ Y. Do tình hình kinh tế khó khăn chung nên các nhà đầu tư vẫn chưa vào Bờ Y nhiều như mong đợi.

Hà Tiên
.
.
.