Chuyện ghi ở "xóm Thủ Thiêm"

Chủ Nhật, 17/03/2019, 10:41
Chiều chạng vạng, ánh điện bắt đầu sáng rực trên những tòa nhà cao tầng lộng lẫy và hào nhoáng ở bán đảo Thủ Thiêm (quận 2, TP HCM). Lẫn trong khối cao ốc hiện đại và những con đường thênh thang ấy là những cuộc đời "Thủ Thiêm" sống giữa đám lau sậy và dòng kênh đen đặc rác. Họ vẫn đang từng ngày lặng lẽ, bền bỉ, kiên cường trên chính mảnh đất và ngôi nhà của mình...


1.Chúng tôi tới thăm những cư dân cuối cùng còn "sót lại" ở Thủ Thiêm trong một buổi chiều mà cái nắng như đốt cháy da thịt. Từ con đường nhựa "ngàn tỷ" nối giữa quận 1 và quận 2, chúng tôi rẽ vào đoạn cuối của đường Lương Định Của, thuộc khu phố 1 (phường An Bình, quận 2).

Nơi đây còn độ hơn chục mái nhà nằm lấp ló sau đám cỏ lau và cây dại cao tới quá đầu người. Trời nóng, nhà ẩm thấp nên vợ chồng anh Nguyễn Huy Hoàng bế con ra ngoài hóng mát. Trước cửa nhà anh Hoàng là một khu rừng non với đủ loại cây cỏ và rác sinh hoạt.

Bà Sáu chuẩn bị bữa tối trong gian bếp hoen ố.

Chỉ khi nào có người lớn đi kèm, anh mới cho hai đứa con ra sân chơi bởi sểnh một tý là rắn, rết kéo tới, không nhanh tay nhanh chân là chúng luồn vào nhà ẩn nấp chờ cơ hội "hành động".

Chỉ ra "khu rừng" trước mặt, anh Hoàng cho biết: "Thỉnh thoảng lại xảy ra một vụ cháy, chẳng biết do tự nhiên hay có bàn tay con người nhúng vào. Lau sậy mùa khô cháy lan rất nhanh, nếu không phát hiện kịp thì sẽ mất nhà trong tích tắc. Mới có hơn một tháng mà cháy mấy lần, tôi phải bỏ hết việc ở nhà canh chừng".

Anh Hoàng từng tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh. Ra trường, anh đầu quân cho một công ty lớn, mức lương khá. Vợ anh tốt nghiệp ngành y, làm dược sĩ. Cuộc sống êm đềm với công việc ổn định được vài năm thì câu chuyện Thủ Thiêm bắt đầu. Anh Hoàng nghỉ việc tập trung thời gian cùng bà con đi đòi công lý.

Họ đi mỏi gối chùn chân, hết tiền bạc, kiệt quệ sức lực bao nhiêu năm ròng rã như thế. Trở về, nhìn vào căn nhà mục nát, phên dậu, cửa nẻo rách tả tơi, anh Hoàng nuốt nước mắt vào trong.

Ở đây, quê chẳng ra quê, thành phố chẳng ra thành phố, phải gọi là gì thì chưa ai nghĩ được tên. Anh Hoàng bần thần: "Nói chính xác thì đây là lãnh địa của bọn trộm cắp, xì ke ma túy và các loại tệ nạn khác.

Nhà tôi khóa cửa ra ngoài một lúc mà trộm cầm cưa vào ngang nhiên phá cửa, đến khi mọi người nhìn thấy hô hoán thì chúng cười rồi thong dong bỏ đi. Ban đêm cũng như ban ngày, trong các lùm cây, đám xì ke ngọ nguậy chích choác rồi phê luôn tại đó". 

Ấy vậy mà cuộc sống ở Thủ Thiêm vẫn lặng lẽ diễn ra, ngày này qua tháng nọ. Vất vả cực khổ mấy họ vẫn chịu đựng được, bởi dù sao thì vẫn được sống trong ngôi nhà của mình. Mùa nắng khói bụi, nóng chảy mỡ nhưng còn hạnh phúc gấp trăm lần mùa mưa.

Con đường chính của "xóm Thủ Thiêm" vắng lặng vào buổi tối.

Mưa về khiến nhà dột, tường thấm, mọi thứ ẩm ướt, hôi mốc. Muỗi mòng, rắn rếp nhung nhúc làm ổ. Khổ nhất là tắc cống, nước thối tràn vào nhà kéo theo trăm thứ rác bẩn. Anh Hoàng dẫn chúng tôi ra con mương có một cống thoát nước duy nhất.

Chỉ vào đó, anh nói: "Không hiểu sao cứ mưa to là cống bị tắc, mà cái tắc này do con người làm. Nước ngập tới đầu gối, có khi lên tận giường. Hai thằng con của tôi bị nước ăn chân, bị muỗi cắn, ho, viêm phổi phải đi bệnh viện. Rồi có đêm đang ngủ thấy cái gì ngọ nguậy dưới chân, dậy soi đèn pin hóa ra là cặp rắn lục. May là mắc màn cẩn thận nên chưa bị cắn".

Ở đây không Intener, không cáp quang, điện thường xuyên cúp vào giữa trưa ngày nóng nhưng tất cả những điều trái ngoe ấy, "xóm Thủ Thiêm" đều vui vẻ chấp nhận. Mọi người thường động viên nhau cùng cố gắng, lấy niềm tin công lý để tồn tại.

Nước mưa tràn vào nhà, anh Hoàng phải kê ghế để đi.

Trên những nhánh đường nhỏ, gồ ghề, gập ghềnh dẫn vào "xóm Thủ Thiêm", cứ chiều về, những người già lại vác bao đi lượm ve chai. Rác ở đây không có xe thu gom nên ai có rác sẽ tự xử. Khi nào nhiều lên thì chất đống đốt. Nhiều người kiếm ăn trên những đống rác dân sinh và rác công trường, còn những người trẻ thì ra ngoài làm đủ thứ nghề tự do.    

2. Cách nhà anh Hoàng một khoảnh đất hoang là nhà vợ chồng bà Lê Thị Sáu (53 tuổi). Căn nhà bà Sáu nằm lẻ loi, chơi vơi một mình và lúc nào cũng cửa đóng then cài. Phải gọi mấy lần, bà Sáu mới ngập ngừng ra mở cửa.

Bà bảo, do sợ trộm cắp nên phải đóng cửa suốt, với lại ở đây hàng xóm ít, đường xá tối tăm nên chẳng ai muốn ra ngoài khi trời tối. Bà Sáu là một trong những người "kiên cường và dũng cảm" nhất ở Thủ Thiêm.

Bà nói chắc nịch: "Hai vợ chồng tôi đồng lòng ở đây, chấp nhận tất cả khó khăn, tủi nhục thậm chí sẵn sàng sống chết trên chính ngôi nhà của mình". Là một nhà giáo say nghề, yêu trẻ, năm 2010, bà thành lập cơ sở mầm non nuôi dạy trẻ. Lớp mầm non duy trì ổn định gần 200 bé. Cuộc sống ngỡ như viên mãn khi bà Sáu thực hiện được ước mơ của một người thầy.

Bà không ngờ niềm hạnh phúc nhỏ nhoi ấy đã bị tắt lịm chỉ sau hơn một năm "nở hoa". Thủ Thiêm "dậy sóng", khu phố của bà dần dần thưa vắng, những đứa trẻ theo cha mẹ đi nơi khác, lớp học vắng hoe, phải đóng cửa. Bà Sáu tiếp tục qua phường Thạch Mỹ Lợi (quận 2) mở lớp.

Lúc này, tâm trạng bà ngổn ngang trăm mối, không còn tâm trí dạy học. Cơ sở tại nơi mới cũng thưa dân, chỉ có vài bé học nên bà phải bỏ dở giữa chừng. Sau này nhớ nghề và cũng muốn có việc làm kiếm tiền, bà Sáu xin đi dạy lại.

Từ một nhà giáo tràn đầy năng lực và khát khao, bà Sáu trở thành người đàn bà "thép" về vấn đề Thủ Thiêm. Gần 10 năm như thế, giờ đây cô giáo Sáu thông thạo pháp luật chẳng khác nào luật sư. Không cần nhìn giấy tờ, bà có thể đọc cho chúng tôi nghe hàng chục số hiệu văn bản cũng như các thông tư, nghị định của nhà nước liên quan đến Thủ Thiêm.

Đanh thép là vậy, nhưng hễ nhắc đến bà con đang sống trong "khu rừng cỏ lau" thì nước mắt bà Sáu lại ứa ra, xót đau đến quặn lòng. Bà chỉ sang căn nhà gạch vữa nham nhở phía đầu đường, nói rằng đấy là nơi nương náu của vợ chồng cụ Nguyễn Thị Giáp (80 tuổi) và Huỳnh Văn Lực (91 tuổi). Hai thân già này không con cái, không có bất cứ tài sản gì ngoài miếng đất cắm dùi ở Thủ Thiêm. Họ sống bằng tiền lương hưu vài triệu đồng mỗi tháng.

Từ năm ngoái, cụ Lực bị tai biến nằm liệt. Cụ Giáp còm cõi, lụ khụ chăm chồng, khi nào rảnh vẫn sang hàng xóm dò hỏi về chuyện Thủ Thiêm rồi những lúc khỏe cũng vác đơn đi cùng bà con trong xóm.

Mỗi ngày, cụ Giáp tranh thủ đi hái rau muống mọc dại ở bãi đất hoang gần cống thoát nước. Mùa mưa, rau mọc xanh tốt, ngọn to bằng đầu ngón tay ăn rất giòn ngọt. Ông bà hài lòng với bữa cơm rau sạch như vậy.

Mong mưa xuống để có rau ăn nhưng cũng sợ trời mưa bởi nước ngập vào nhà. Hai ông bà đã không còn đủ sức lực để chạy đua với nước. Mỗi lần ngập, bà lại chạy đi gọi hàng xóm sang tát giùm.

Cha con anh Hoàng thường ra ngoài cửa nhìn lên tòa nhà cao nhất Việt Nam.

Người hàng xóm tốt bụng và đáng thương của cụ Giáp là bà Lê Thị The (70 tuổi). Số phận bà The có lẽ bi đát nhất ở Thủ Thiêm này. Bà sinh được 4 người con thì hai người chết vì bệnh tật, một người treo cổ tự tử vì uất ức. Trong căn nhà loang lổ ấy, bà The cùng mấy cô con dâu, cháu nội ngày ngày gặm nhấm nỗi đau để sống.

Con dâu bà dựng túp lều ở đường Lương Định Của bán đồ ăn sáng. Có ai nhắc đến Thủ Thiêm, bà The lại bần thần. Bao nhiêu năm qua, bà vẫn cặm cụi cùng dân làng Thủ Thiêm đi tìm công lý. Bà cho biết, sẽ làm đến khi nào không thở được nữa mới thôi.

Có tới đây mới cảm nhận hết tình làng nghĩa xóm của bà con Thủ Thiêm. Họ nương vào nhau để sống, tìm niềm vui trong những bài báo viết về họ. Cả xóm ăn chung một rổ rau muống, xẻ chung trái mít và cùng nhau canh trộm, bắt cướp.

Những ngày lễ, Tết, cả xóm lại vác ghế ra ngoài ngồi quây quần nói chuyện, ngắm nhìn lên tòa tháp cao lung lính đẹp nhất thành phố.

Ở đây, bà con rất ngại đón khách và tiếp khách, bởi không muốn họ thấy cảnh thê lương, tối tăm ở nơi được mệnh danh là "Khu đô thị hiện đại bậc nhất Đông Nam Á". Không biết từ bao giờ, cụm từ "bà con Thủ Thiêm" đã trở nên thân thương đến nhói lòng.

Ngọc Hoa
.
.
.