Chuyện ghi trong vùng cách ly

Thứ Tư, 12/02/2020, 10:04
Chúng tôi có mặt tại khu vực cách ly của Trung đoàn 123, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn, nơi đang tiếp nhận hơn 400 người được cách ly để phòng lây lan dịch từ virus corona.


Những ngày này, tại tỉnh Lạng Sơn, ba địa điểm của quân đội đã được sử dụng làm nơi tiếp nhận, cách ly công dân Việt Nam trở về từ bên kia biên giới Việt - Trung, gồm Trung đoàn 123, Tiểu đoàn bộ binh 1 và Bệnh xá Quân - dân y 24 nằm trên địa bàn thành phố Lạng Sơn và huyện Chi Lăng. Hiện đã có hàng trăm công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc đã được đón tiếp, theo dõi tình hình sức khỏe của những người về từ vùng dịch.

Chúng tôi có mặt tại khu vực cách ly của Trung đoàn 123, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn, nơi đang tiếp nhận hơn 400 người được cách ly để phòng lây lan dịch từ virus corona. 

Đơn vị bố trí 7 dãy nhà của chiến sỹ làm nơi ăn ở, sinh hoạt cho các công dân Việt Nam vừa trở về từ Trung Quốc. Tại đây hiện có 22 cán bộ bác sỹ quân y và cán bộ của Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn được điều động sang làm nhiệm vụ.

Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Công Hạnh- Chủ nhiệm Quân y Trung đoàn 123, cho biết đây hầu hết là những gia đình có bố người Trung Quốc, mẹ Việt Nam sinh sống tại khu vực biên giới Trung Quốc. Các em nhỏ theo mẹ qua biên giới về quê được sắp xếp ở riêng một dãy nhà trong khu vực cách ly của trung đoàn, để tiện chăm sóc sức khỏe cho các em. Các gia đình có con nhỏ vào khu cách ly sẽ được cung cấp đủ nhu yếu phẩm cá nhân, thuốc kháng virus và sữa uống hàng ngày cho trẻ em.

Trước khi bị cách ly tại Trung đoàn 123, nhiều người đã bị phía Trung Quốc cách ly tại bên kia biên giới. Anh Nguyễn Nam Du (quê Quỳnh Phụ, Thái Bình) cho biết điều kiện ăn ở, sinh hoạt tại Trung đoàn 123 tốt hơn rất nhiều so với khi bị cách ly ở bên kia biên giới. 

Chị Huỳnh Thị Bé Bảy (quê Cần Thơ) chia sẻ chị và những người khác được cách ly tại Trung đoàn 123 được chăm sóc chu đáo, thăm khám, kiểm tra thân nhiệt hàng ngày. Hầu hết các y bác sĩ đều tận tình, chăm sóc, hướng dẫn người cách ly cách phòng chống dịch bệnh.

Hai cha con anh Tú trong khu cách ly tại Trung đoàn 123 - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn.

Tại Trung đoàn 123 có một gia đình là sinh viên du học tại Trung Quốc được đón về Việt Nam cách ly. Anh Nguyễn Thanh Tú, giảng viên Đại học Sư phạm Thái Nguyên cùng vợ là chị Nguyễn Thị Nhâm, cũng là giảng viên cùng trường, là học viên tại thành phố Nam Kinh (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) hiện đang được đón tiếp tại khu cách ly của Trung đoàn 123. Cháu Nguyễn Trọng Kiên, 5 tuổi, con trai của vợ chồng Tú hiện đang được cách ly cùng bố mẹ.

Anh Tú cho biết, anh sang tỉnh Giang Tô học ngành Quản lý Giáo dục từ năm 2015. Vợ chồng anh được nhận học bổng toàn phần. Khi con trai 2 tuổi, vợ chồng Tú đưa con sang sinh sống cùng bố mẹ trong thời gian vợ chồng Tú theo học khóa học Thạc sỹ.

Ngày 5/2, vợ chồng anh Tú rời Giang Tô, được tiếp nhận để cách ly theo dõi tại Trung đoàn 123. "Gia đình em được bố trí một phòng riêng tại đơn vị quân đội. Mọi người khi vào đây được cán bộ Trung đoàn phổ biến nội quy ăn ở, sinh hoạt, nội quy giữ gìn vệ sinh chung... Em rất tin tưởng và tuân thủ theo quy chế chung của đơn vị" - anh Tú cho hay.

Thượng tá Nguyễn Văn Quyền, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 123 cho biết, trong số những người đang được cách ly tại đơn vị, người lớn tuổi nhất là 58 tuổi, có 8 cháu bé trong độ tuổi từ 2 đến 10 tuổi. Đối với các gia đình có cháu nhỏ đi  theo bố mẹ được đơn vị bố trí phòng ở, sinh hoạt riêng. Có 5 gia đình có con nhỏ được tiếp nhận, cách ly.

Theo tìm hiểu, công dân lớn tuổi nhất đang cách ly tại Trung đoàn 123 là ông Bùi Trọng Đê, SN 1963 (quê Đồ Sơn, Hải Phòng). Ông Đê cho biết, ông là lao động tự do sang Quảng Đông (Trung Quốc) làm thuê từ tháng 5/2019. Ngày mùng 4 Tết, ông quay trở lại Trung Quốc tiếp tục công việc, sau đó được nước bạn đưa trở lại Việt Nam để theo dõi, cách ly.

Chị Đoàn Thị Hằng (quê Thanh Hóa) có con là cháu Đoàn Hải Yến, 15 tháng tuổi được đơn vị tiếp nhận ngày 5/2. Mẹ con chị được bố trí một phòng ở riêng, hàng ngày cán bộ chiến sỹ Trung đoàn đưa cơm, suất ăn tới tận phòng; được thăm khám, theo dõi theo chế độ.

"Đối với các cháu nhỏ, tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo lo cho các cháu thêm các khẩu phần khác như sữa, bánh kẹo... để đảm bảo sức khỏe, chế độ dịn dưỡng. Hàng ngày, chiến sỹ tiếp nước nóng đun sôi, đun nước nóng để các công dân sử dụng, sinh hoạt, đảm bảo không thiếu thốn những nhu cầu tối thiểu", Thượng tá Quyền cho biết.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Quyền, khó khăn nhất cho đơn vị, hầu hết bà con là lao động tự do nên nhận thức hạn chế. Trong ngày đầu tiên, nhiều người còn không hợp tác với lý do, họ nói mình vẫn khỏe mạnh, không ốm yếu nên không cần cách ly. Tuy nhiên, sau khi được giải thích, tuyên truyền, bà con đã hiểu ra và hợp tác với cán bộ, bác sỹ.

Theo quy định, các công dân được cách ly sẽ được theo dõi trong 14 ngày, tính từ thời điểm đơn vị tiếp nhận. "Chế độ theo dõi diễn biến sức khỏe của các công dân được thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cập nhật thường xuyên ngày 2 lần để báo cáo về Sở Y tế. Hiện có 6 trường hợp bị sốt, cảm cúm đã được chuyển về Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn để điều trị, theo dõi", Thượng tá Quyền nói.

Thái Bình
.
.
.