Chuyện hai vợ chồng viết đơn xin hiến xác cho y học

Thứ Tư, 31/12/2014, 13:00
Với suy nghĩ muốn đóng góp một phần nhỏ cho khoa học, đồng thời phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu và giảng dạy của Trường Đại học Y khoa Vinh, hai vợ chồng đã viết đơn nguyện hiến xác mình cho nhà trường khi không còn trên đời này nữa.

Số phận không may mắn

Người dân xứ Nghệ xôn xao bởi câu chuyện cặp vợ chồng ở quê lúa Yên Thành viết đơn tự nguyện hiến xác cho ngành y sau khi qua đời. Đó là một việc làm rất ý nghĩa của vợ chồng ông Trần Đức (SN 1937) và bà Nguyễn Thị Khôi (SN 1961), trú ở xóm Hồng Lĩnh, xã Nhân Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An).

Chúng tôi về thăm gia đình bà Khôi vào một ngày trời mới lập đông. Trong ngôi nhà nhỏ hai gian ẩm thấp của gia đình, ngước mắt nhìn lên là những tấm cót được lót trên mái để tránh nóng, thêm một lớp vải nilon mỏng để che mưa xuống, ấy vậy mà vẫn thấy ánh nắng rọi vào lỗ chỗ.

Thấy có khách hỏi thăm nên bà cụ tóc bạc trắng lòm còm đi từ trong nhà ra mời chào và cho biết là mẹ của bà Khôi. Chưa kịp ngồi xuống chiếc xe đá gia chủ tự làm rồi ốp gạch men lên đặt ở phía cuối sân thì bà Khôi với chiếc xe đạp cọc cạch từ ngoài đi về. Trên mặt còn lấm tấm mồ hôi vì oi nóng, bà Khôi quệt vội rồi vội vàng rót nước mời khách.

Nhiều huân, huy chương, kỉ niệm chương của ông bà được treo trang trọng ở gian khách.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại vùng đất địa linh nhân kiệt, học xong cấp 3, cô thiếu nữ Nguyễn Thị Khôi lên đường nhập ngũ. Trước khi nhập ngũ, cô cũng có mối tình với anh chàng làm công an ở địa phương. Tuy nhiên, sau 2 năm yêu nhau thì tình cảm rạn nứt, chàng trai đi lấy người khác. Xuất ngũ trở về, một phần vì sức trẻ, một phần buồn phiền chuyện tình, cô tình nguyện đi làm công nhân phủ xanh đồi trọc.

Đến năm 1987 thì cô về đi học 2 năm ở trường cán bộ quản lý giáo dục Nghệ Tĩnh. Ra trường với tấm bằng loại giỏi, cô Khôi được phân về công tác ở phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thành, rồi làm văn thư tại trường cấp 2 xã Nhân Thành. Trong thời gian này, cô kết duyên với một người đàn ông ở xã Long Thành, huyện Yên Thành và có với nhau người con trai đầu là Đặng Hoàng Anh (SN 1992).

Cuộc hôn nhân với người chồng đầu không đem lại hạnh phúc nên năm 1993, họ chấp nhận ly hôn khi đứa con còn nhỏ dại. Bà Khôi được quyền nuôi con trai. Thương con thiếu vắng tình cảm của cha không biết sẽ thế nào nên dường như bà làm tất cả mọi việc cũng vì muốn bù đắp những mất mát mà con phải gánh chịu.

Năm 1994, hai mẹ con dắt nhau về sinh sống cùng cha mẹ đẻ và được cất cho ngôi nhà ngói 2 gian, nhưng rồi sau một đêm bão, ngôi nhà bị sập. Hai mẹ con không biết tá túc ở chỗ nào, thương tình nên anh em, làng xóm lại giúp đỡ mẹ con bà dựng lên ngôi nhà mới và bà ở tạm từ đó cho đến nay.

Sau một thời gian dài công tác, đến năm 2001, vì sức khỏe không đảm bảo nên bà đã xin về nghỉ hưu sớm. Với những cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, bà đã được tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục.

Duyên số nên nghĩa vợ chồng

Nhớ lại quãng đời đầy tủi phận của mình, bà Khôi không cầm được nước mắt. Bà nói, nhiều khi nghĩ lại không ngờ bản thân có nghị lực, sức sống mãnh liệt như vậy. Nhưng rồi hạnh phúc nhỏ nhoi cũng mỉm cười với bà. Bà được gặp ông Đức, người chồng thứ 2. Chuyện tình của ông bà bắt nguồn từ nơi mà hiếm ai nghĩ đến, đó là bệnh viện. Vào năm 2008, bà Khôi bị bệnh và vào viện Lao phổi Nghệ An để điều trị, trong lần đi bệnh viện ấy, tình cờ bà gặp ông Đức cũng đi điều trị bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối. Ông Đức đi bộ đội năm 1961, phục viên năm 1978 với thương tật mất 61% sức khỏe vì bị nhiễm chất độc da cam, ông là thương binh 4/4. Với những đóng góp cho đất nước, ông Đức được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương chiến sĩ giải phóng, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang.

Đơn hiến xác của vợ chồng bà Khôi.

Ông cũng có hoàn cảnh rất đáng thương. Bị vợ con bỏ nên một thân một mình nằm ở bệnh viện không ai đoái hoài chăm sóc. Thương cảm cho số phận của người đồng hương nên bà nguyện ở lại chăm nuôi, săn sóc mỗi ngày dù bản thân bà cũng đang bị bệnh. Rồi tình cảm hai người lớn dần lên, như có sự sắp đặt của số phận để ông bà có duyên gặp nhau, hai cảnh đời nguyện về ở cùng nhau để tiện bề chăm sóc cho nhau khi sau này ốm đau, già yếu.

Ông Đức về sinh sống cùng với mẹ con bà, ông được bà hết lòng quan tâm chăm sóc. Không những vậy, đứa con riêng của bà cũng coi ông như cha đẻ của mình. Một gia đình ấm êm hòa thuận ở vùng quê nghèo khiến ai nấy đều cảm phục.

Thế nhưng bệnh tật không để cho ông Đức được yên. Sau một thời gian về ở với bà Khôi, cứ dăm bữa nửa tháng, ông lại phải đi bệnh viện điều trị, thuốc thang đủ thứ tốn kém, trong khi đó số tiền chế độ ít ỏi của ông và tiền lương của bà thấm tháp vào đâu. Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng bà Khôi vẫn gắng gượng hết mình để chạy vạy lo cho ông.

"Đến nay số tiền điều trị bệnh cho ông ấy đã lên tới 150 triệu đồng rồi, vay mượn anh em, làng xóm rồi bạn bè khắp nơi, giờ không ai dám cho gia đình vay thêm nữa. Đến ngôi nhà cũ này cũng đã sập 2 lần rồi mà không có tiền để sửa sang lại, cứ mưa đến là nước chảy xuống nhà, không có nơi khô ráo mà nằm. Giờ có bán đi để trả nợ thì không biết sống ở đâu" - bà Khôi cho biết.

Ngôi nhà xập xệ của gia đình cứ mưa là dột, không có chỗ để ngủ.

Mong góp một phần nhỏ cho xã hội

Nói về việc tự nguyện viết đơn hiến xác của vợ chồng ông bà, bà cho biết: Một lần đang chăm sóc chồng trong bệnh viện, tôi xem trên tivi và biết được có việc Nhà nước kêu gọi hiến xác cho y học để phục vụ cho nghiên cứu khoa học, vậy là tôi bàn với ông ấy, ông Đức nghe vậy cũng đồng tình hưởng ứng.

Hai vợ chồng thống nhất ý kiến với nhau, nhưng lúc đó vì đứa con đang còn nhỏ, sợ con lo lắng nên ông bà định đến khi con trưởng thành thì sẽ viết đơn tình nguyện hiến xác cho Trường Đại học Y khoa Vinh để phục vụ nghiên cứu.

Mọi người ở viện khi nghe hai ông bà trao đổi thì phản ứng kịch liệt và cho rằng hai người có vấn đề. Bởi theo họ, trong khi bao nhiêu người chết trôi sông, ngoài biển, gia đình dù mất bao nhiêu tiền cũng cố gắng tìm xác về chôn cất thì hai ông bà lại có ý định mà theo họ là điên rồ. Nhưng, bỏ ngoài tai, đôi vợ chồng già âm thầm thực hiện kế hoạch của mình

Tháng 3/2011, vợ chồng ông bà viết đơn gửi cho Trường Đại học Y khoa Vinh, trong đơn có đoạn viết: "Đây là tâm nguyện lớn nhất của vợ chồng chúng tôi, mong được góp một phần nhỏ cho ngành y tỉnh nhà. Cũng là tấm lòng tri ân của gia đình chúng tôi đối với xã hội…"

Mặc dù đã làm đơn từ năm 2011, hai lần vào gặp Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Vinh nhưng bà Khôi cho biết, hiện tại giấy tờ về việc hiến xác cho nhà trường vẫn chưa hoàn tất do còn vướng mắc một số thủ tục. Dù vậy, bà Khôi vẫn khẳng định: "Kể từ khi viết đơn xin tự nguyện hiến xác cho y học thì thi thể vợ chồng tôi đã thuộc về họ. Mỗi lần nghĩ như vậy là tôi lại thấy rất tự hào".

Thời gian gần đây, sức khỏe của vợ chồng bà ngày một yếu đi. Ông Đức bị bệnh ung thư phổi sau nhiều năm được bà Khôi chăm sóc chữa trị, nay do khánh kiệt kinh tế nên bà để cho cô con gái riêng của ông đưa về chăm sóc. Còn bà cũng không làm được gì nhiều, trái gió trở trời là đổ bệnh, chỉ nằm một chỗ. Thêm vào đó là cậu con trai bị hở van tim bẩm sinh, nay lại bị thoát vị đĩa đệm đốt sống lưng, điều trị đã năm năm nay. Hiện bà Khôi còn phải chăm sóc người mẹ ruột đã ngoài 90 tuổi mắt mờ, tai điếc, mọi sinh hoạt đều phải có người chăm sóc. "Tôi cũng có dấu hiệu già yếu rồi, chỉ mong nhà nước sớm cho vợ chồng tôi hoàn thành tâm nguyện của mình trước khi nhắm mắt xuôi tay. Đó cũng là mong muốn lớn nhất của tôi trong suốt quãng đời còn lại", bà Khôi tâm sự.

Nhiều lúc nghĩ về đời mình, bà khôi muốn buông xuôi tất cả cho xong, nhưng vì thương con, thương chồng nên bà lại gắng gượng để sống tiếp, để lo cho gia đình. Và đối với ông bà, việc hiến xác đó là hết sức bình thường, hoàn toàn không vì toan tính thiệt hơn,  ông bà luôn sống khiêm tốn, giản dị và lặng lẽ cống hiến sức mình cho xã hội.

Đức Chung
.
.
.