'Hồi sinh' cho những người phụ nữ khiếm khuyết thiên chức làm vợ

Thứ Hai, 20/04/2015, 14:00
Tạo hóa sinh ra người phụ nữ và cho họ thiên chức được làm vợ, làm mẹ. Có lẽ, sống cả trên một núi tiền, có trong tay cả kho vàng bạc, châu báu thì không điều gì hạnh phúc hơn khi họ được viên mãn trong những thiên chức ấy.
Thế nên, còn điều gì bất hạnh hơn với những người phụ nữ không có âm đạo, chưa từng một lần được hiểu cảm giác "sung sướng". Khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn chính là cánh cửa để giúp họ được trở lại là người phụ nữ đúng nghĩa sau những ca phẫu thuật tái tạo âm đạo. Khiếm khuyết âm đạo không phải là thường gặp nhưng cũng không phải là hiếm tại Việt Nam.

Nỗi đau thầm kín

Khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội thỉnh thoảng lại tiếp nhận một ca bệnh mà theo các bác sĩ ở đây thì đó là bệnh "khó nói". Các bác sĩ ở đây nhớ nhất là trường hợp một phụ nữ trẻ đẹp, 27 tuổi, đến khám trong trạng thái rụt rè và có phần hơi ngượng ngùng. Trước khi thăm khám, chị này có chia sẻ rằng lấy chồng một thời gian nhưng vợ chồng chị chưa làm được "chuyện ấy".

Theo lời tâm sự của chị thì chị chưa một lần có kinh nguyệt và chị không hề biết mình bị khiếm khuyết bẩm sinh. Tình yêu của chị rất đẹp và được đơm hoa hết trái bằng một đám cưới linh đình. Thế nhưng ngay đêm động phòng, dù cố gắng thế nào thì chồng chị cũng "không thể tìm được đường vào". Ban đầu, với suy nghĩ chưa có kinh nghiệm nên anh chị đã tìm mọi biện pháp để hỗ trợ nhưng đều thất bại. Lâu dần giữa họ vẫn không thể làm được "chuyện ấy".

Tìm hiểu trên mạng, nhận biết cơ thể mình có dấu hiệu bất thường, chị mới đến đây để khám. Nghe câu chuyện của chị, các bác sĩ đã có thể chẩn đoán căn nguyên, họ cho chị siêu âm, làm xét nghiệm. "Thật là nghiệt ngã" - chị chỉ thốt lên được như thế khi cầm kết quả trên tay. Chị có buồng trứng nhưng không có tử cung và không có âm đạo dù nhìn bên ngoài thì nó hoàn toàn bình thường như những người phụ nữ khác.

Khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội là nơi ‘hồi sinh’ cho những người phụ nữ khiếm khuyết.

Để chị qua cơn sốc, bác sĩ khuyên chị nên phẫu thuật tái tạo âm đạo để có cuộc sống hạnh phúc vì chị có buồng trứng. Nhưng trước hết phải chuyển chị qua Trung tâm Hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện Phụ sản Trung ương để kiểm tra trứng. "Nhưng không hiểu sao sau lần thăm khám đó không thấy người phụ nữ này quay lại" - BS Phạm Thị Việt Dung, Khoa Phẫu thuật tạo hình chia sẻ.

Bẵng đi một thời gian, gần 3 năm sau, BS Dung gặp lại người phụ nữ đó tại Khoa Phẫu thuật tạo hình. Lần này chị đến với một tâm trạng hoàn toàn khác. "Chị ấy nói rằng muốn có cuộc sống bình thường, muốn được hạnh phúc" - giọng nhẹ nhàng, BS Dung bắt đầu kể… Sau lần khám đầu tiên, khi biết được sự thật vợ mình không có âm đạo, chồng chị đã chán chường. Cuộc sống hôn nhân rơi vào địa ngục.

Một vài tháng sau, trong một đêm đi nhậu về, anh chồng đã tuyên bố "không có con thì ly dị". Dù thấy mình "ngàn lần có lỗi" với anh, nhưng chị vẫn không muốn buông tay. Bởi đó là kết quả tình yêu gần 5 năm với biết bao yêu thương mặn nồng. Nhưng nếu anh tiếp tục sống với chị, thì chị thấy rất có lỗi. Họ ly hôn trong niềm đau tê tái mà người khổ sở nhất là chị. Mãi sau này, khi đã thoát khỏi những đau khổ triền miên, chị mới dám ngửa mặt đón ánh nắng ban mai của ngày mới.

Chị lấy xe đi tới viện, chị muốn mình được hạnh phúc, muốn được làm mẹ. "Chị ấy rất xinh đẹp, dáng người thanh thoát, lại còn rất trẻ, cần phải xây dựng gia đình và xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Bây giờ có Luật mang thai hộ, nếu chị ấy phẫu thuật thành công, chị ấy sẽ có cuộc sống bình thường như bao người phụ nữ khác" - BS Dung cho hay. 

Từ Hà Nam về Hà Nội tìm đến Khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn, chị Nguyễn Thị H. chỉ có một ước mong được các bác sĩ tái tạo lại vùng kín cho chị trở lại là một người bình thường như bao phụ nữ khác. Chị H. đã có người yêu đẹp trai, công việc ổn định và tính đến chuyện kết hôn. Giống như bao đôi yêu nhau khác, khi đã xác định tiến đến cái kết đẹp nhất, chị H. đã không ngần ngại dâng hiến cho chồng tương lai của mình thứ quý giá nhất của người con gái.

Tuy nhiên, trong lần gần gũi đầu tiên ấy, dù cố gắng thế nào thì mọi chuyện cũng không diễn ra một cách tự nhiên. Anh chị chỉ nghĩ đơn giản là do chưa có kinh nghiệm. Cảm thấy có điều gì bất ổn, chị H đã tìm hiểu sách báo và đến bệnh viện để được tư vấn. Điều chị không thể ngờ đến chính là việc chị không có âm đạo, không buồng trứng và không tử cung như người ta vẫn gọi là "ba không". Sốc nặng khi biết tin, chị H. rơi vào trạng thái khủng hoảng.

Bao lâu nay, chị vẫn nghĩ cơ thể mình phát triển bình thường. Đến tuổi dậy thì, mặc dù không có kinh nguyệt nhưng cảm giác xốn xang khi được các bạn trai tỏ tình luôn dâng trào trong chị. Lấy hết can đảm, tin vào tình cảm chân thành của người chồng tương lai, chị H. đã kể cho anh nghe.

Dường như ông trời cũng thương chị, anh không bỏ mặc, hắt hủi chị. Trái lại anh còn đưa chị đến Khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn để tìm cách can thiệp. Chị tâm sự với bác sĩ: "Tôi thật may mắn khi có một tình yêu đích thực như vậy".

Sau hàng loạt xét nghiệm và chuẩn bị, chị được bác sĩ tư vấn tái tạo âm đạo bằng phương pháp ghép tự thân. Được sự động viên của người yêu, gạt bỏ tâm trạng lo lắng, bất an, chị H. đã đồng ý thực hiện ca phẫu thuật. Là một trong những người trực tiếp thực hiện phẫu thuật tái tạo âm đạo cho chị H. nên BS Dung không khỏi vui mừng chia sẻ: "Rất thành công, chị ấy ra viện về nhà và thực hiện chăm sóc hậu phẫu đúng như hướng dẫn của bác sĩ nên kết quả rất tốt".

Hơn một năm trôi qua, một ngày gần đây BS Dung nhận được cuộc điện thoại của chị H. Chị ấy khoe cuộc sống hôn nhân hiện rất hạnh phúc và vợ chồng chị ấy muốn xin con nuôi cho vui cửa vui nhà, nhờ bác sĩ biết chỗ nào thì mách giúp. Nói đến đây, BS Dung nở nụ cười rạng rỡ. Với người thầy thuốc, không gì hạnh phúc hơn khi đem lại niềm vui, tái tạo trang cuộc đời mới cho bệnh nhân.

Niềm hạnh phúc cho những phụ nữ khiếm khuyết

Là dạng dị tật bẩm sinh, những người phụ nữ không có âm đạo không phải là hiếm tại Việt Nam. Bác sỹ Phạm Thị Việt Dung cho biết, qua nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ trẻ nữ không có âm đạo chiếm từ 1/4.000 cho đến 1/10.000.

Với mục đích giúp những người phụ nữ khiếm khuyết bộ phận âm đạo có thể quan hệ tình dục như những người bình thường khác, từ năm 2008, Khoa Phẫu thuật tạo hình đã nghiên cứu, tìm hiểu các phương pháp phẫu thuật nhằm tạo âm đạo có vị trí, kích thước, tính chất như âm đạo bình thường.

Hạnh phúc là khát khao chính đáng của mọi phụ nữ.

Nguyên tắc phẫu thuật cho các bệnh nhân này là tạo ra một khoang đúng vị trí và kích thước, đồng thời che phủ bề mặt khoang. Để phẫu thuật tạo âm đạo, các bác sỹ có thể lấy da tại các bộ phận như ở bẹn, bụng và ruột. Tuy nhiên, phương pháp này có những nhược điểm như để lại sẹo cho nơi lấy da, da sau khi sử dụng làm âm đạo thường bị khô, co lại gây hẹp âm đạo. Còn việc sử dụng ruột tái tạo âm đạo cũng có nhược điểm là dịch ruột tiết ra liên tục gây khó chịu, ngứa ngáy cho người được phẫu thuật.

Để khắc phục những nhược điểm trên, sau khi tìm hiểu và nghiên cứu, GS.TS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình đã quyết định sử dụng niêm mạc miệng để phẫu thuật cho các trường hợp không âm đạo vì cấu trúc của niêm mạc miệng và âm đạo giống nhau.

Niêm mạc miệng sau khi được cấy ghép sẽ dễ sống trong khoang âm đạo. Nhược điểm của phương pháp này chính là số lượng niêm mạc miệng ít, nhất là các bệnh nhân có khoang miệng hẹp. Để khắc phục nhược điểm trên, các bác sỹ đã sử dụng phương pháp đục lỗ mắt lưới hoặc lấy da ở các môi bé để hỗ trợ thêm.

Sau khi mở 1 lỗ để tạo khoang âm đạo hình ống, các bác sỹ sẽ dùng ống nong đẩy vào để ép chặt niêm mạc. Ống nong phải cố định trong vòng khoảng 10 ngày. Theo bác sỹ Phạm Thị Việt Dung thì thành công của ca phẫu thuật mới chỉ chiếm 50%,  còn 50% thành công nữa phụ thuộc vào việc chăm sóc sau mổ.

Bởi lẽ, nếu không chăm sóc vết mổ một cách cẩn thận, khả năng nhiễm trùng dễ xảy ra. Bên cạnh đó, chăm sóc sau hậu phẫu cực kỳ quan trọng. Nghĩa là sau khi ra viện, bệnh nhân còn cần phải tiếp tục tự nong để cho khỏi bị hẹp khoang âm đạo và để khỏi nhiễm trùng. Nếu hẹp lại và nhiễm trùng thì coi như thất bại.

Phải nói rằng, thành tựu y học và những cố gắng, nghiên cứu không mệt mỏi của GS.TS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình cùng các bác sỹ, y tá tại đây đã mang lại hạnh phúc  to lớn cho những phụ nữ không may bị khiếm khuyết.

Trong y văn thế giới đến nay vẫn chưa tìm thấy một nghiên cứu ghép tự thân bằng niêm mạc miệng cho phụ nữ không có âm đạo như tại BV Xanh Pôn đang làm. Có thể nói đây là một kỹ thuật mới và thành công nhất hiện nay với căn bệnh này.

Trần Hằng - Nguyễn Hương
.
.
.