Chuyện huyền bí ở làng vớt xác chết

Thứ Tư, 02/11/2011, 13:20

Với những người dân làng Cổ Đô, gần như ai cũng có cho mình một vài kỷ niệm về việc đi vớt xác người chết trôi. Người nhiều, người ít, nhưng tất cả đều là những câu chuyện đau thương chẳng ai muốn kể. Công việc của người dân làng Cổ Đô thật vất vả và đẩy hiểm nguy nhưng rất ít khi họ chia sẻ cùng ai.

Họ đều là những ngư dân cả đời bập bềnh cùng sông nước. Cuộc sống của những con người này phụ thuộc hoàn toàn vào dòng sông. Họ ăn ngủ trên sông, mưu sinh trên sông, cuộc đời của họ lên xuống theo dòng nước quằn quạo của dòng sông Đà.

Đối với những con người này, họ tôn thờ dòng sông vì nó mang đến cho họ cuộc sống. Họ thờ thần sông, vị thần mà đã che trở, nuôi dưỡng họ. Nhưng một điều lạ thay, cả ngôi làng này, những con người ở đây lại làm một việc chống lại hà bá. Họ cả gan"cướp cơm" của hà bá. Ở ngôi làng chài Cổ Đô (Ba Vì-Hà Nội) này, những ngư dân ở đây đã truyền đời nhau về công việc vớt những xác chết trôi nổi trên sông. Với những người hành nghề sông nước, công việc đi ngược phép tắc, quy luật, nhưng người làng chài Cổ Đô vẫn làm vì họ nghĩ rằng, việc làm đó đúng với đạo lý của cuộc đời.

Huyền bí làng vớt xác chết

Ở làng chài Cổ Đô gần như gia đình nào cũng tự trang bị cho mình một lưới câu dài chừng hơn chục sải tay. Đây là loại lưới chuyên dụng không phải dùng để đánh bắt cá mà để người dân làng sử dụng mỗi khi đi… câu xác chết. Tấm lưới được dệt rất chắc chắn, trên phía đầu có gắn rất nhiều lưỡi câu. Đây là phần quan trọng nhất của tấm lưới vì chính nó sẽ phát hiện và "câu" được những xác chết trôi nổi. Khi thả tấm lưới xuống nước hàng trăm chiếc lưỡi câu sẽ tua tủa khắp các hướng, chỉ cần một vật thể đi qua lập tức sẽ mắc lại và trong số đó có cả những xác người.

Loại lưỡi câu dùng cho tấm lưới phải loại thép đặc biệt chống rỉ sét mới có tuổi thọ cao. Tuy nhiên, những lưỡi câu nào mắc vào người chết chỉ có thể  sử dụng được một lần là phải bỏ vì sau đó sẽ rỉ rất nhanh. Ông Đức, một lão niên ở làng Cổ Đô khẳng định, những tấm lưới dùng để vớt xác người chết là một vật không thể thiếu trong mỗi gia đình ở xóm chài này. Có gia đình cả năm không dùng đến tấm lưới nhưng hàng tháng vẫn mang ra lau chùi và bôi dầu lên lưỡi câu để chống hỏng.

Sinh ra và lớn lên tại làng Cổ Đô, trong tâm trí của ông Đức, kỷ niệm về những lần đi vớt xác người trôi nổi luôn hiển hiển mỗi lúc. Đã tận tay vớt cả trăm xác chết trong suốt cuộc đời, nhưng đối với ông Đức, kỷ niệm về lần vớt xác năm 1989 là sâu đậm nhất đối với ông.

Khi đó, xã Phú Cường (Ba Vì) xảy ra một vụ đắm thuyền rất thương tâm làm hơn 20 người thiệt mạng. Đa số người chết đuối đều bị dòng nước hung dữ của sông Đà cuốn mất. Chính quyền xã cũng như người dân trong vùng đã huy động toàn lực để tìm kiếm xác nạn nhân mất tích. Lúc đó, người dân làng Cổ Đô cũng được huy động một cách tối đa.

Lúc đó, nghe thấy sự kêu gọi của mọi người, dân chài xóm Cổ Đô đã tự động mang lưới ra sông giăng tìm. Do bề rộng đoạn sông quá rộng nên các hộ gia đình đã phải nối những tấm lưới của mình lại với nhau. Sau khi tấm lưới của dân làng Cổ Đô được giăng ra, những xác chết mất tích dần được tìm thấy. Chỉ mất hơn 1 ngày sau khi triển khai công việc tìm kiếm, xác tất cả các nạn nhân xấu số đã được tìm thấy bằng những tấm lưới câu của dân làng Cổ Đô.

Với những người dân làng Cổ Đô, gần như ai cũng có cho mình một vài kỷ niệm về việc đi vớt xác người chết trôi. Người nhiều, người ít, nhưng tất cả đều là những câu chuyện đau thương chẳng ai muốn kể. Công việc của người dân làng Cổ Đô thật vất vả và đẩy hiểm nguy nhưng rất ít khi họ chia sẻ cùng ai.

Nhớ về câu chuyện cách đây đã hơn 10 năm, ông Đức nghĩ về lần một tay mình đi vớt xác 4 người chết đuối tại thị trấn trên huyện Ba Vì. Khi đó,  nhận được tin người nhà của 4 nạn nhân do tắm sông bị cuốn vào dòng nước xoáy, ông Đức đã cùng một số người ngay lập tức chèo thuyền và mang đồ nghề đến đoạn sông các nạn nhân tử nạn. Khi đó, đúng vào mùa nước lên, dòng nước ở sông Hồng chảy rất xiết, phía dưới đều là những dòng xoáy ngầm nên việc tìm kiếm gặp vô vàn khó khăn.

Với kinh nghiệm nhiều năm của mình, ông Đức đã ghép các mảnh lưới lại, giăng ngang khúc sông. Với sự tính toán của ông về thời gian các nạn nhân bị lũ cuốn, ông đã đặt lưới ở điểm cách vị trí tử nạn khoảng vài trăm mét vì theo ông, nước mạnh như thế này sẽ cuốn nạn nhân đi rất nhanh. Chỉ sau khoảng vài tiếng giăng lưới, ông Đức cùng với những dân chài đi cùng đã tìm thấy xác của 3 nạn nhân. Tuy nhiên, do vẫn còn một nạn nhân chưa tìm thấy nên công việc dò tìm vẫn tiếp tục. Suốt cả đêm hôm đó, ông Đức cùng với những người đi cùng mình túc trực trên sông và cho đến rạng sáng ngày hôm sau, xác nạn nhân cuối cùng đã được tìm thấy.

Truyền đời vớt xác chết trên sông

Bao nhiêu năm sống ở làng chài Cổ Đô là bấy nhiêu năm ông Núi biết đến công việc của người dân sống cùng xóm. Đã bước qua ngưỡng tuổi thất thập, ông Núi cũng như bao nhiêu người dân trong làng đều đã từng tận tay vớt những xác chết trôi nổi ở khúc sông Đà đoạn chảy qua Ba Vì. Gia đình ông Núi vốn là một trong những hộ dân sống lâu năm nhất ở làng chài Cổ Đô. Sáu, bảy đời sống ở làng chài, sống với nghề chài lưới cũng là chừng đó năm gia đình ông làm công việc vớt xác trên sông.

Ông bảo chính nghiệp chài lưới đã đưa đẩy gia đình ông đến với công việc đó, nhiều người sống trên sông nước việc làm đó đi ngược với quy luật, là cướp cơm của hà bá. Với người ngư dân, họ rất sợ việc làm hà bá tức giận, vì như vậy có thể họ sẽ bị trừng phạt. Nhưng rồi, người dân ở làng chài Cổ Đô, họ vẫn vớt xác, vẫn chống lại hà bá và vẫn tồn tại lâu đời trên dòng sông Đà nổi tiếng hung dữ.

Thuộc bậc cao niên nên ông Núi rất hiểu cuộc sống nơi đây. Ông bảo rằng, từ năm ông còn là một cậu bé, người dân nơi đây đã vớt được xác trên sông. Có năm nhiều, năm ít nhưng mỗi năm làng chài Cổ Đô cũng vớt được hơn trăm xác chết trôi nổi trên sông. Mỗi khi người dân trong làng phát hiện ra có xác chết trên sông, mọi người lại gọi nhau, mỗi người một tay lo giăng lưới, thả móc câu xuống sông để vớt xác lên bờ. Cứ như vậy, người làng chài Cổ Đô cùng tồn tại với nhau, cùng nhau làm ăn sinh sống và cùng nhau vớt xác.

Đã từng tận tay vớt nhiều xác chết, ông núi khẳng định rằng, người dân trong làng đôi khi tìm xác theo cảm tính. Cứ thấy, lạnh gáy, rợn người là rất có thể dưới lòng sông đang có xác chết. Chỉ cần như vậy, người dân trong xóm lại gọi nhau, mỗi người thả lưới một chỗ, mọi người đều cố gắng hết sức tìm dưới sông  xem có xác trôi nổi hay không. Nếu như thả lưới nhiều lần nhưng không được thì mọi người mới "rút quân".

Theo cảm tính của ông Núi thì, 6/10 lần ông dự cảm dưới sông có xác chết là chuẩn xác. Nhưng để vớt được một xác trôi ở lưng chừng dòng nước không phải làm một chuyện đơn giản. Dù có nhiều lưới thả một lúc nhưng cũng chưa chắc đã tìm thấy được ngay. Có những trường hợp phải giăng lưới đến hai ba ngày mới tìm thấy. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của ông Núi thì, nếu như dưới dòng sông có xác chết thì kiểu gì người làng chài Cổ Đô cũng vớt được vì "linh hồn của những người chết run rủi chúng tôi. Họ sẽ run rủi những người dân ở đây tìm thấy xác để đưa lên bờ an táng cho đỡ lạnh lẽo" - ông Núi chia sẻ.

Nhớ lại lần vớt xác lâu và vất vả nhất trong cuộc đời, ông Núi khẳng định rằng, để tìm được xác người này, phải huy động gần như tất cả đàn ông trong làng tham gia vào việc giăng lưới thả móc câu. Khi đó, được một người dân ở xã trên báo rằng có một thiếu nữ chết đuổi ở phía thượng nguồn cách làng Cổ Đô chừng hơn một cây số, nay xác chết đã trôi mất. Nhận được báo vậy, ông Núi đã cùng một số người trong gia đình ngay lập tức mang "đồ nghề" ra sông để lùng tìm.

Do khoảng cách của nơi người tử nạn với làng quá gần, nếu không tìm ngay, xác chết sẽ trôi xuống hạ lưu, lúc đó việc tìm kiếm sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, ông Núi đã huy động những người hàng xóm của mình cùng tìm kiếm. Thấy việc tìm kiếm gấp gáp, người dân trong xóm chài cứ thế tự mình mang lưới ra sông thả. Mỗi người một khúc giăng lưới, thả câu. Công việc diễn ra một cách khẩn trương, mọi người đều cố hết sức tìm kiếm bằng được xác của người chết.

Ròng rã suốt từ sáng, cho đến tối rồi cả một đêm, người làng Cổ Đô dò tìm gần như từng mét sông nhưng cũng không thể thấy được xác người chết. Một số người đã đưa ra phán đoán rằng, rất có thể xác đã trôi qua làng Cổ Đô xuống hạ lưu. Tuy nhiên, bằng kinh nghiêm của mình, ông Núi khẳng định, xác chết không thể trôi nhanh như vậy. Công cuộc tìm kiếm lại được triển khai kỹ càng hơn. Dò đi dò lại đến vài chục lần. Đến khoảng trưa ngày hôm sau, chính ông Núi là người đã phát hiện ra xác chết đang lơ lửng ở khu vực giữa sông…

Phong Vũ
.
.
.