Chuyện ít biết từ lòng đất thép Củ Chi

Thứ Tư, 06/05/2020, 10:23
TP HCM sẽ lập hồ sơ, đề xuất công nhận di sản văn hóa vật thể thế giới với Địa đạo Củ Chi. Đây là việc rất cần thiết với vùng đất là biểu tượng rực rỡ của Chủ nghĩa anh hùng đất nước hình chữ S…


Trở lại vùng đất 2 lần được tuyên dương Anh hùng, nơi đã hiên ngang đi vào trang sử vẻ vang của dân tộc, tôi được nghe tin vui: TP HCM sẽ lập hồ sơ, đề xuất công nhận di sản văn hóa vật thể thế giới với Địa đạo Củ Chi. 

Đây là việc rất cần thiết với vùng đất có một “kỳ quan đánh giặc”, mang chiều sâu thăm thẳm của lòng căm thù và ý chí kiên cường, bất khuất, cũng là biểu tượng rực rỡ của Chủ nghĩa anh hùng đất nước hình chữ S… 

Trong căn nhà nhỏ nằm sau chợ Lô 6, xã An Nhơn Tây, bà Năm Sương – cựu Chính trị viên đầu tiên của Trung đội nữ Du kích Củ Chi (đơn vị Anh hùng LLVTND) kể cho tôi nghe thủ đoạn của địch nhằm tiêu diệt địa đạo Củ Chi. 

Đó là thủ đoạn mà địch thực hiện trong cuộc hành quân mang tên Cái bẫy (Crimp), đầu năm 1966. Lần đó, Mỹ huy động tới 12.000 lính bộ kết hợp với không quân, xe tăng, pháo binh giày xéo vùng giải phóng phía Bắc Củ Chi.

Thua đau “keo” đó, địch điên cuồng lùa cả ngàn con chó bẹc-giê vào những nơi nghi ngờ có địa đạo. “Khi ngang qua các lỗ thông hơi, ngửi thấy hơi người, mấy con bẹc-giê tiến tới, sủa rân. Tuy nhiên, nhiều con đã bị du kích ta từ các ụ chiến đấu gần đó, bắn hạ. 

Khi thấy chó bị trúng đạn, địch lập tức tập trung đánh phá khu vực đó. Về sau, chúng tôi lấy ớt khô, tán nhuyễn rồi trộn với bột tiêu rắc trên lỗ thông hơi. Nhưng cách này cũng không ổn bởi hít phải tiêu ớt, mấy con chó sặc sụa, càng làm địch dễ phát hiện ra địa đạo. 

Biết được bọn lính Mỹ hay dùng xà phòng Camay, quen với mũi của chó, chúng tôi lấy loại xà phòng này đặt cuối lỗ thông hơi.Thế là chó bị đánh lừa, đi ngang mà chẳng phát hiện…”, bà Năm Sương kể thêm. Đi cùng với cách vô hiệu hóa đội quân… “khuyển” đông và lợi hại này, các đơn vị phát động nhân dân hiến kế diệt chó. Thống kê sau này cho thấy, có khoảng 300 con chó của địch bị bắn chết và chết vì bệnh.

PV Báo CAND với bà Lê Thị Sương, Trưởng ban liên lạc Trung đội nữ Du kích Củ Chi.

Nhắc lại những ngày tháng nằm dưới địa đạo, vượt lên trên bao sự khắc nghiệt để chiến đấu, bà Năm Sương không thể quên lần 3 đồng đội nữ hy sinh trong 1 hầm bí mật, sau khi chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. 

Đấy là một trong những lần địch thực hiện thủ đoạn dùng xe cơ giới để ủi phá, sang bằng địa đạo. Địch huy động phương tiện cơ giới công suất lớn, xúc đứt từng khúc địa đạo. Xe vừa ủi qua, địch cho thổi chất độc hóa học vào lòng hầm, dùng loa kêu gọi đối phương ra hàng.

“Địch còn từng dùng máy bay rải xuống một giống cỏ kỳ lạ, người dân bấy giờ gọi là cỏ Mỹ”, bà Năm Sương nhớ lại. Khi được gieo xuống, gặp mưa, hạt cỏ phát rất nhanh, một tháng thôi đã cao tới 2 - 3 mét, thân bằng chiếc đũa, lấn át cây cỏ khác quanh nó. 

Cỏ Mỹ mọc thành rừng gây khó cho việc đi lại, cơ động chiến đấu, nhưng lại rất dễ cho địch phát hiện mục tiêu để từ máy bay bắn phá. Mùa khô đến, loại cỏ này úa vàng rồi khô hết như rơm. Địch cứ thế phóng hỏa tiễn, ném bom, bắn pháo làm rừng cỏ khô bốc cháy, mặt đất trơ ra, các bãi mìn của du kích phát nổ, hầm chông bị cháy... 

Đối phương không còn nơi để ẩn náu, và nếu có rời khỏi mặt đất, lúc đi để lại dấu chân trên lóp tro than, khi đó chỉ việc lần theo dấu vết vào tận cửa hầm để đánh phá... Tuy nhiên, đó chỉ là cách suy nghĩ giản đơn của địch và kết cuộc, thủ đoạn này của chúng đã thất bại.

Anh hùng Tô Văn Đực những ngày còn phụ trách xưởng sản xuất vũ khí của xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi.

Cũng giữa ngày tháng Tư lịch sử, tôi còn được nghe kể về đội quân “chuột cống” khoảng 600 lính công binh được tuyển chọn những tên “nhỏ người” đặc trách phá hủy địa đạo. Mỗi tên “chuột cống” đều được trang bị mặt nạ phòng độc, súng tiểu liên cực nhanh, dao găm, cây thuốn sắt, máy thổi lùa chất độc, đèn pin. 

Khi hành quân, mỗi tốp có 4 tên, 2 tên ở trên, 2 tên chui xuống địa đạo,... Nếu không gặp sự kháng cự của ta, tại các ngã ba đường hầm, chúng đặt mìn vào, dẫn dây điện lên trên mặt đất rồi “điểm hỏa” cho mìn nổ, phá tung địa đạo. 

Theo lời Anh hùng Tô Văn Đực, đội quân “chuột cống” được địch dùng trong cuộc hành quân “Bóc vỏ trái đất” (Cedar Falls) đầu năm 1967. Lần đó, với khoảng 30.000 quân địch được yểm trợ tối đa bởi xe tăng, thiết giáp, pháo binh, không quân, địch thực hiện tham vọng tiêu diệt Bộ Chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Gia Định, cơ quan lãnh đạo của Khu ủy, tiêu diệt các đơn vị chủ lực của Quân khu, phá hủy vùng căn cứ và hệ thống địa đạo, biến vùng này thành “Khu tự do hủy diệt”.

Tuy nhiên, thủ đoạn dùng công binh đánh phá địa đạo của địch bị thất bại. Các lực lượng chiến đấu và nhân dân đã bám trụ kiên cường, đánh trả quyết liệt, bảo vệ được Bộ chỉ huy, các đồng chí lãnh đạo Khu ủy và phần lớn vùng căn cứ. Càn quét tới đâu, địch cũng bị các chiến sĩ từ các ụ chiến đấu và giao thông hào đánh tới tấp bằng mọi hình thức, mọi thứ vũ khí. 

Tại khu ngã ba Bến Dược (khu di tích hiện nay), chỉ một đội du kích với 9 chiến sĩ, trong đó có 1 nữ y tá, đã bám địa đạo liên tục nhiều ngày, diệt 107 tên địch, bắn cháy xe tăng của chúng. Tính toàn bộ cuộc càn Cedar Falls, địch tổn thất 3.500 tên, 130 xe tăng, xe bọc thép, 28 máy bay. Bị tiêu hao nghiêm trọng, gấp đôi trận càn Crimp, địch buộc phải kết thúc chiến dịch sớm hơn dự kiến.

Anh hùng Tô Văn Đực với công việc thường nhật.

Để bảo vệ an toàn hàng trăm kilomet địa đạo, bên cạnh tinh thần anh dũng, kiên cường, quân dân Củ Chi đã phát huy tinh thần mưu trí, sáng tạo. 

Bà Năm Sương kể, để đối phó với thủ đoạn “3 sạch” (giết sạch, đốt sạch, phá sạch), quân dân Củ Chi thực hiện hiệu quả “3 không” - đi không dấu, nấu không khói và nói không tiếng. Nhiều lần đang di chuyển phía trên địa đạo, bất ngờ đối mặt với chất độc hóa học từ máy bay địch rải xuống, bà cùng đồng đội từng dùng khăn rằn, thấm vào nước tiểu bịt mũi, úp mặt xuống đất nhằm phòng ngạt khí độc.

Hay như trong trận càn Cedar Falls, những trái mìn gạt của ông Út Đực - một người học chỉ vừa đủ “biết đọc, biết viết”, đã góp phần đánh bại thủ đoạn thâm độc của địch. 

Ông Út Đực tự hào rằng, trước khi chế ra mìn gạt, ông đã chế thành công các loại súng mô phỏng súng ngựa trời, súng trường, súng cạc-bin, súng K54 và colt 12 ly; tất cả đều lợi hại “một chín, một mười” so các loại vũ khí mà địch đang có bấy giờ. 

“Riêng với những quả mìn, ban đầu, tôi chế ra trái mìn cán. Nhưng loại mìn này, khi bị xích xe tăng M113, M118 cán trực diện lên bề mặt, nó mới nổ. Đặt mục tiêu chiến xa nào đụng phải cũng phải bỏ thây lại chiến trường, tôi thức trắng mấy đêm và đã làm ra được trái mìn gạt”, giọng Út Đực hào hứng. 

Mìn gạt cũng được chế từ trái bom bi mà địch ném xuống, không nổ. “Chính đơn giản nhưng hết sức sự lợi hại này mà ngay sau khi chế ra được lọai mìn này, tôi chỉ cách cho bà con cùng làm. Thế là việc dùng mìn gạt để đánh xe tăng địch thành phong trào, hàng trăm người dân Củ Chi học cách làm theo”, ông Út Đực kể thêm. 

Từ những loại vũ khí do tự mình tạo ra, ông Út Đực  trực tiếp diệt được 13 xe tăng, trở thành “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt cơ giới”, “Dũng sĩ diệt xe tăng”...

Thái Bình
.
.
.