Chuyện ít biết về căn nhà nuôi giấu người thân của Hoàng thân Souphanouvong

Thứ Tư, 06/02/2019, 10:19
Trong những năm 1947 - 1948, căn nhà của cụ Trần Nhiên (ở thôn An Xuyên 1, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) là nơi trú ngụ của nhạc phụ và 3 người con của Hoàng thân Souphanouvong - Chủ tịch đầu tiên của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Tại nơi này, họ được gia đình cụ Nhiên chăm sóc, bảo vệ...


1. Nằm sát tỉnh lộ 639, căn nhà của cụ Trần Nhiên đã xuống cấp, loang lổ rêu phong theo vết bụi thời gian. Bây giờ, ông Trần Vĩnh Khiêm (67 tuổi, cháu gọi cụ Nhiên bằng bác ruột) là người trông coi căn nhà và gìn giữ các tài liệu quan trọng liên quan đến sự kiện này.

Các tài liệu gồm: tờ khai sơ yếu lý lịch của cụ Trần Nhiên, thư thăm hỏi của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng, thư của Chủ tịch UBND tỉnh Nghĩa Bình (Bình Định và Quảng Ngãi bây giờ) Tô Đình Cơ gửi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Ngôi nhà hiện đã xuống cấp.

Theo tờ khai sơ yếu lý lịch có xác nhận của chính quyền, cụ Trần Nhiên sinh năm 1911, từ năm 1945 - 1946 là Chủ tịch đầu tiên Ủy ban Hành chính thôn An Xuyên, năm 1947 - 1948 là Chủ tịch Mặt trận Liên hiệp Quốc dân xã Mỹ Chánh, năm 1949 - 1950 là Trưởng ban Bảo trợ học đường xã Mỹ Chánh.

Sau 1975, cụ Nhiên sinh sống ở nhà số 292 đường Lê Hồng Phong (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Sau đó, cụ chuyển vào TP Hồ Chí Minh và mất cách đây hơn 10 năm. Cụ Nhiên có 4 người con gồm 2 trai, 2 gái nhưng đều đã mất.

Những năm 1947 - 1948, ông Khiêm chưa ra đời nên chuyện cụ Nhiên chăm nuôi, bảo vệ cho nhạc phụ và 3 con của Hoàng thân Souphanouvong ông chỉ được nghe cụ kể lại lúc sinh thời.

Thời đó, cụ Nhiên là người có uy tín ở địa phương nên nhiều hoạt động bí mật của cách mạng ở địa bàn, cấp trên đều giao cho cụ. Một ngày của  năm 1947, sau khi cấp trên giao nhiệm vụ, cụ Nhiên đón tiếp 5 vị khách đặc biệt, người dẫn đầu là đồng chí Phạm Văn Đồng, 4 người còn lại là ông Nguyễn Văn Sung - nhạc phụ của Hoàng thân Souphanouvong và 3 người con của Hoàng thân tên Xây, Đường và Nga Hoàng. Tại ngôi nhà này, cụ Nhiên hứa sẽ dùng tính mạng của mình để đảm bảo an toàn cho người nhà của Hoàng thân Souphanouvong.

Thời gian sau đó, người nhà của Hoàng thân Souphanouvong được gia đình cụ Nhiên chăm sóc chu đáo và đảm bảo tuyệt mật. Thời ấy, cách nhà của cụ Nhiên chừng một cây số, nằm nép mình bên bờ sông La Tinh là nhà của cụ Đặng Thị Tình (mẹ cụ Nhiên). Nơi đây được bao bọc bởi những hàng cây rậm rạp, có hồ nuôi cá là nguồn thức ăn cho cả gia đình.

Ông Khiêm là người lưu giữ những kỷ vật của gia đình.

Cụ Nhiên thường lấy cá ở nhà mẹ về làm thức ăn cho gia đình. Mỗi khi có báo động, mọi người cùng nhau đến đây trú ẩn, chỉ mình cụ Nhiên là ở lại nhà để đối phó với giặc.

"Nghe bác tôi kể lại, có lần nhận được tin cấp báo, mọi người cùng rồng rắn kéo qua nhà nội tôi trú ẩn. Chỉ 30 phút sau, lính Pháp càn tới, đốt nhà bác tôi. Sau khi mọi chuyện đi qua, bác tôi lại dựng nhà để đón người nhà của Hoàng thân Souphanouvong về ở", ông Khiêm kể.

Bây giờ, trong trí nhớ của bà Trần Thị Điểu (80 tuổi, chị gái ông Khiêm), hình ảnh về những đứa trẻ con nhà Hoàng thân Souphanouvong vẫn còn vẹn nguyên. Thời ấy, căn nhà của cha mẹ bà (bây giờ ông Khiêm ở) nằm sát nhà cụ Nhiên nên hàng ngày bà qua chơi đùa với 3 đứa trẻ nhỏ tuổi hơn mình đang sinh sống nhà người bác ruột. "Hồi đó tôi mới 8 tuổi, còn 3 người cháu cụ Sung là cậu Xây 7 tuổi, cậu Đường 5 tuổi, cô Nga Hoàng 3 tuổi.

Cậu Đường với cô Nga Hoàng nhỏ hơn nên tôi ít tiếp xúc, còn cậu Xây thì ngày nào cũng chơi với nhau, có khi còn đánh nhau. Mỗi lần bác tôi la là tôi dẫn cậu Xây qua nhà mình chơi. Hồi đó hồn nhiên lắm vì là con nít mà, có biết gì đâu", bà Điểu bồi hồi nhớ về quá khứ trẻ thơ của mình.

Không nhớ rõ thời gian, nhưng ít nhất hai lần trong những năm 1947 - 1948, bà Điểu được cha mình là cụ Trần Vĩnh Ký bế, rồi cùng với những người thân trong gia đình Hoàng thân Souphanouvong nhanh chân chạy đến nhà nội để trú ẩn vì biết địch sắp đến nhà bác kiểm tra.

"Người lớn, mỗi người bế một đứa trẻ mà chạy. Một lần cha tôi vấp ngã, tôi thì không sao nhưng cha trầy xước hết tay. Khi tới nhà nội thì máu ra nhiều lắm, nhưng sau đó được bác tôi đắp thuốc nên khỏi. Nhà nội có cái hầm to lắm, chứa cả mười mấy người vẫn còn rộng, giờ thì vùi lấp hết rồi", bà Điểu kể.

Thư chúc Tết của đồng chí Phạm Văn Đồng gửi cụ Trần Nhiên năm 1983.

Theo bà Điểu, sở dĩ bác mình không để người nhà Hoàng thân Souphanouvong trú ngụ ở nhà bà nội là vì bà đã già không thể lo xuể mọi việc. Trong khi đó, cụ Nhiên là người của cách mạng, nắm rõ tình hình nên có việc gì cũng dễ xử lý. "Điều đặc biệt, bác gái tôi là người gốc Hoa, nấu ăn rất ngon, rất hợp khẩu vị với cụ Sung.

Có lẽ đó là một trong những lý do mà cách mạng giao nhiệm vụ cho gia đình bác tôi nuôi giấu người nhà của Hoàng thân Souphanouvong. Tôi nhớ có lần nhà bác đang ăn cơm, tôi đứng ở bên nhà nhìn qua và được cụ Sung qua dắt tay vào ngồi ăn cùng. Cụ ấy không những tốt bụng, hiền hậu, mà còn nhiều chữ nghĩa nên rảnh rỗi là dạy chúng tôi học chữ", bà Điểu cho biết.

2. Theo tài liệu lịch sử, Hoàng tử của Hoàng gia Lào Souphanouvong là người chiến sĩ cách mạng đầy nhiệt huyết. Với biệt danh "Hoàng thân Ðỏ", Souphanouvong là Chủ tịch đầu tiên của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và được Ðảng, Nhà nước Lào trao giữ nhiều trọng trách.

Tháng 7-1937, Souphanouvong nhận công tác tại Sở Công chính An Nam (Trung kỳ, đóng tại Nha Trang). Tại khách sạn Bon Air, Souphanouvong đã gặp tiểu thư Nguyễn Thị Kỳ Nam, con gái của ông chủ Nguyễn Văn Sung. Tiểu thư Kỳ Nam là nữ sinh trường Ðồng Khánh (Huế), từng là hoa khôi Trung bộ, được nhiều quan chức Pháp theo đuổi.

Tuy nhiên, khi gặp Souphanouvong, tiểu như Kỳ Nam nhanh chóng chuyển từ tình bạn sang tình yêu. 6 tháng sau cuộc gặp đầu tiên, họ trở thành vợ chồng. Sau đó, Souphanouvong đặt cho vợ mình tên mới là Viêng Khăm Souphanouvong - nghĩa là bức thành vàng quý giá của dòng họ Soupha. Ông bà có tất cả 10 người con, trong đó có 3 người được cụ Nhiên chăm nuôi trong những năm 1947 - 1948.

Bây giờ, những người như bà Điểu, ông Khiêm không lý giải được lý do tại sao trong khoảng thời gian ấy, đồng chí Phạm Văn Đồng lại gửi gắm cho cụ Nhiên chăm nuôi người thân của Hoàng thân Souphanouvong. Có lẽ đó là vì nhiệm vụ cách mạng phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người thân của Hoàng thân Souphanouvong.

Và trên hết, sau những ngày tháng trú ngụ nơi đây, tất cả họ đều được an toàn trở về bên người thân, gia đình. Để có được điều ấy, công lao của cụ Nhiên và gia đình không hề nhỏ. Đó còn là niềm vinh dự, niềm tự hào của gia đình.

Ghi nhận công lao của gia đình cụ Trần Nhiên, nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Hợi năm 1983, ngày 29-1-1983, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng có thư gửi ông bà cụ Trần Nhiên.

Nội dung bức thư như sau: "Nhân dịp Tết Nguyên đán (năm Quý Hợi), tôi thân mến gửi lời thăm và chúc cụ ông, cụ bà năm mới có đầy đủ sức khỏe mới, giúp đỡ con cháu tiến bộ mới. Tôi vẫn nhớ ông bà cụ có công nuôi cụ nhạc phụ và 3 cháu con cụ Hoàng thân Souphanouvong năm 1947 và 1948 tại An Xuyên, Phù Mỹ, Nghĩa Bình. Cuối thư xin cảm ơn hai cụ, một lần nữa chúc hai cụ và gia đình mạnh khỏe có nhiều tiến bộ mới".

Đến ngày 8-2-1983, Chủ tịch UBND tỉnh Nghĩa Bình Tô Đình Cơ gửi thư cho đồng chí Phạm Văn Đồng, báo cáo đã chuyển thư cùng quà tặng là rượu lúa mới và trà Thanh Hương đến cụ Trần Nhiên.

Trong thư có lời của cụ Trần Nhiên, nội dung như sau: "Chủ tịch lo bao nhiêu công việc lớn lao của Đảng, của đất nước, mà còn lưu tâm tới những việc xa xưa của cụ, thật là vinh dự lớn lao cho đời cụ, cho gia đình cụ. Thư của Chủ tịch gửi cho cụ, cụ sẽ giữ gìn mãi mãi cho cả con cháu của cụ mai sau". Qua đó, có thể thấy đóng góp của gia đình cụ Trần Nhiên đã được ghi nhận và đánh giá cao.

Bà Điểu là người chứng kiến sự kiện quan trọng này.

Theo quan sát của chúng tôi, hiện nay ngôi nhà này đã xuống cấp trầm trọng dù sau năm 1975 đã được xây dựng lại. Nhiều năm không có người ở nên bên trong bụi phủ lấp, những cột, kèo cũng đã mục gãy.

"Gia đình bác tôi nay chẳng còn ai cả nên tôi có nhiệm vụ trông coi nơi này. Tuy nhiên, ngôi nhà xuống cấp trầm trọng lắm rồi. Gia đình tôi mong muốn ngành chức năng quan tâm để bảo tồn, giữ gìn nó như một di tích cách mạng để giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau", ông Khiêm cho biết.

Ông Trần Văn Thành - Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Chánh cho biết: "Lịch sử Đảng bộ xã Mỹ Chánh chỉ sơ lược ngắn gọn chưa đầy 1 trang về sự kiện này. Tuy nhiên, mới đây trong danh sách thống kê di tích của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định có di tích tại nhà cụ Trần Nhiên ở thôn An Xuyên 1 nhưng chưa được xếp hạng. Chúng tôi rất mong ngành chức năng các cấp quan tâm xem xét đến di tích này, từ đó có định hướng trong việc tu bổ, giữ gìn di tích".

Phan Nhuận Phin
.
.
.