Chuyện ít biết về đảo “Robinson” giữa lòng thành phố

Thứ Ba, 23/10/2012, 17:09
Không phải một mà là hàng trăm “Ronbinson” đang sống ở “hòn đảo” chỉ cách quốc lộ 50 chưa đầy 3km, cách Phú Mỹ Hưng khoảng 5km đường chim bay. “Đảo Robinson” được bao bọc bởi một hệ thống sông rạch nằm biệt lập với thế giới bên ngoài. Phương tiện nối liền với nền văn minh phố thị là cây cầu làm bằng những khúc gỗ chắp ghép, cũ mục, trơn tuồn tuột những lúc thủy triều cạn, còn khi thủy triều lên, là con đò nhỏ chòng chành một lượt tối đa hai người qua.

Ốc đảo “ngủ quên”

Tên đầy đủ trong địa danh hành chính của “đảo” là xóm Gò nhưng người ngoài thường gọi là “đảo” để chỉ một cù lao nằm tách biệt với đất liền. Từ quốc lộ 50, chúng tôi chạy xe gắn máy men theo con đường xương cá dẫn vào “đảo”, gọi là xương cá vì hình dáng con đường giống hệt cái xương cá khổng lồ. Xe chúng tôi chạy chênh vênh giữa đường sống lưng của một cái xương, lâu lâu nó lại chồm lên, thục xuống vì ổ gà nằm nhấp nhô, dày đặc không thể tránh được. Để vào được “đảo”, bắt buộc phải gửi xe bên này và đi ghe qua, nếu trúng thời gian thủy triều xuống thì phải xắn quần lên càng cao càng tốt để lội qua chiếc cầu ván nửa treo nửa trệt.

Chúng tôi có mặt vào giữa lúc con nước đang lớn, người chèo đò âm thầm, ít nói có cái tên ngồ ngộ Bảy Cu, ông ta đưa ghe vào sát bờ đón chúng tôi. Chiếc xuồng dưới sức nặng của ba người (cả ông chèo đò) cứ lắc lư, nghiêng ngả luồn lách để cố né tránh những cọc gỗ nhô cao trên mặt nước, chúng tôi được một phen “hồn bay phách lạc”. Chưa đầy 5 phút, thót tim, chúng tôi đã đặt chân lên “ốc đảo”.

Đưa tầm mắt phóng bao quát về phía “đảo”, không hề nhìn thấy nhà cửa mà chỉ có màu xanh chủ đạo của những rặng dừa nước, màu của những đám ruộng bồn bồn ngút ngàn tầm mắt. Nơi đây còn nguyên vẹn của tự nhiên, vắng bặt tiếng ồn ào của xe chạy, tiếng náo nhiệt của bán buôn ngoài thị thành. Đích thị là “đảo” rồi. Người bạn đi cùng tôi thốt lên đầy vẻ tò mò.

Con đường xương sống của “đảo” cứ chạy dài tít tắp theo hàng cột điện mới toanh. Nếu một ai đó không phải là “con dân” của “đảo” muốn biết đường đi cứ việc nhìn theo hàng cốt điện vì đường mòn đã bị cỏ lau, cỏ dại bao trùm. Chúng tôi bắt đầu đi tìm “sự sống” trên “ốc đảo” này, cứ đi mãi vào trong rồi cũng nhìn thấy một vài ngôi nhà lợp lá nằm ẩn mình dưới tán cây xanh. Thuộc địa phận thành phố nhưng sự yên lặng, thanh bình thì ở đây có thừa, một vài tiếng chó sủa người lạ đủ khuấy động không gian tĩnh mịch của những người dân mang hộ khẩu thành phố này.

Bà Trương Thị Hoa, một người dân “đảo” chính cống nhìn thấy chúng tôi hồ hởi ra mặt. Tuy nghèo khó nhưng con người ở đây có một lịch sử mến khách tuyệt vời, những người xa lạ như chúng tôi được ăn cái bánh làm từ bột sắn nóng hổi, được tráng miệng bằng trái cây tươi xanh của nhà bà Hoa, một người đàn bà cả đời lam lũ đã hằn rõ trên nét mặt. Bà Hoa tự hào vì mình là một trong những “công dân” sống lâu năm nhất ở “đảo” cho đến nay. Đời con cháu bà cũng vẫn quẩn quanh ở đây, vì bần hàn cứ níu giữ họ lại. Với tuổi đời ngoài 50 nhưng có tới hơn 30 năm bà Hoa hiện diện trên xóm “đảo” nên mọi vui buồn, hỷ nộ ái ố và cả vận đổi sao dời của “ốc đảo” này, bà Hoa đều rõ hết.

Theo lời bà Hoa thì người dân sống ở xóm “đảo” này có từ sau ngày giải phóng, khi bà ưng ông xã rồi cả gia đình chuyển về đây đã thấy lác đác một vài nhà ở rồi. Dần dần, họ sinh con đẻ cái, con cái lập ra đình thì cất nhà cho ra riêng nên “đảo” ngày càng đông nhân khẩu hơn. Tính tới thời điểm này, theo thống kê, xóm Gò gồm 3 tổ với 158 hộ dân vào khoảng 300 nhân khẩu sinh sống trên một diện tích rộng gần 400ha thuộc ấp một, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh.

Người dân xóm Gò chủ yếu làm nghề lấy bồn bồn và nuôi cá, số ít đàn ông ra ngoài làm các việc nặng nhọc như phụ hồ, bốc vác hoặc bảo vệ. Mấy năm trở lại đây, xóm Gò chịu ảnh hưởng ô nhiễm nguồn nước trầm trọng từ bãi rác Đa Phước. Một thời gian, ruồi kéo về hoành hành khiến cả xóm Gò bị phủ lấp bởi màu đen của ruồi xanh. Ruồi tràn ngập khắp nơi, len lỏi vào từng ngõ ngách của mỗi nhà đến nỗi không ai dám đi ra ngoài làm việc, sợ bị ruồi tấn công.

Cả ngày lẫn đêm, cách trốn tránh duy nhất là chui vào trong mùng, thậm chí đến bữa ăn cũng ăn trong mùng. Ruồi hết, đến lượt mùi hôi thối cứ mỗi đợt gió là bốc lên nồng nặc, phả trực tiếp vào xóm Gò. Con nước ngày xưa trong vắt, sạch sẽ nay chuyển màu, người dân không dám lấy nước đó để sinh hoạt nữa. Niềm vui gần cuối đời của bà Hoa trên xóm “đảo” này là cách đây vài năm, nhà nước đã cho nguồn nước sạch vào tận nhà, cho nguồn điện thắp sáng trong sân ngoài cổng. Người già vui vì đêm đến không sợ giẫm phải rắn, không sợ đi lạc vào con rạch, té gãy chân. Trẻ con phấn khởi vì có điện học để nhìn rõ chữ, có cái tivi để xem văn minh bên ngoài…

Từ khi có điện, nhà nào cũng sắm cho mình một gia tài đồ sộ là cái tủ lạnh. Nghèo cũng ráng vay mượn lời lãi chắt chiu mua được một cái để dự trữ lương thực đỡ tốn công đi ra ngoài nhiều. Đi nhiều ắt sẽ tốn nhiều, mà tiền làm gì ra trong cái hoang đảo này.

Xóm “Robinson” Việt Nam

Ở xóm “đảo” này, ông lái đò Bảy Cu được mệnh danh là “cánh hải âu” không mỏi. Từ bao năm nay, không kể ngày nắng lẫn đêm mưa, ông luôn túc trực ở bến đò chở những “Robinson” qua đảo. Người lớn hai ngàn đồng, trẻ nhỏ thì thôi, còn ai không có cứ việc nợ, lúc nào có thì trả. Tôi hỏi ông nếu một ngày nào đó, xóm đảo có cây cầu thì ông sẽ làm gì? Ông bảo: “Tôi có sức khỏe, việc gì tôi cũng làm được, có cầu rồi, tôi càng mừng cho bà con chứ sao”.

Những em nhỏ đến trường quả là một việc vô cùng gian khổ và không kém phần hiểm nguy. Một người đi học là cả nhà cùng đi, các bậc cha mẹ phải bỏ hết công việc để đưa đón con qua đò. Trước khi ra khỏi nhà, giày dép, quần áo sách vở đều phải cho lên “đầu” để bảo đảm an toàn, còn người thì đi chân trần, quần xắn lên đầu gối. Gặp hôm nào trời mưa thì lại trăm cái khổ, nước lên cao thường tạo ra dòng xoáy, đường lầy lội bùn đất dính bệt vào chân, có em chưa đến trường đã phải quay về vì bị té vào vũng nước.

Nhà chị Gấm cho hai đứa con trai đang độ tuổi đến trường, hầu như chị không thể làm được việc gì ra việc, chỉ chăm chăm nhìn đồng hồ đến giờ đón con ở trường về bến đò rồi từ bến đò về nhà dài vài cây số cuốc bộ. Ấy vậy mà những đứa trẻ ở xóm “đảo” này rất hiếu học, chúng ham học cũng bởi ở trường vui, có nhiều bạn bè chứ về nhà có ai đâu mà chơi.

Hỏi thăm mãi mới có người nhớ ra là nhà chị Linh có thằng con trai năm nay lên lớp 12. Vào năm học mới, chị Linh gửi con ở nhà người quen trong thành phố, thỉnh thoảng lên đón về. Người phụ nữ nhỏ thó, vừa làm bồn bồn vừa thở dài trong cái chênh vênh của cuộc sống khi nói về tương lai của các con: “Không biết rồi đây vợ chồng tui lo được cho các con học đến lớp mấy. Mà không học thì biết làm gì bây giờ, chẳng lẽ cả đời sống trong thế giới tối tăm này. Thôi thì có chết đói cũng ráng nuôi bọn trẻ học”.

Chính vì ráng chịu như vậy mà người mẹ hai con này đã bất chấp nguy hiểm, bất chấp bệnh tật ngày ngày lội ngụp xuống ruộng để nhổ bồn bồn. Nước bị ô nhiễm khiến toàn thân chị lở loét, mưng mủ, sưng tấy. Bàn tay chị nhợt nhạt, nhăn nhúm sau một ngày vật lộn với bồn bồn. Chị không nói về mình nhưng chị kể đứa em gái họ của chị hiện không thể lội ruộng nhổ bồn bồn nữa vì bị bệnh phụ khoa rất nặng. “Sống cho các con chứ đời mình còn gì nữa, đến đâu hay đến đó”. Lời trần tình của người phụ nữ trên “ốc đảo” khiến lòng chúng tôi se sắt, đó là một sự hy sinh không có lối thoát. Bồn bồn dạo này mất giá nên chị em có dịp “khô ráo” vài ngày. Để đối phó với ghẻ lở, mỗi khi lên bờ, bà Hoa đun một nồi nước sôi hòa với thuốc khử trùng tắm để gội rửa những nhơ nhớp, dơ dáy của nguồn nước ô nhiễm.

Điều lạ là trên “ốc đảo” này, chỉ có những người ốm yếu, có bệnh mới ra ngoài làm công nhân còn lại có sức khỏe thì ở nhà làm bồn bồn hoặc đi quăng lưới kiếm cá với thu nhập không quá hai trăm ngàn một ngày cho cả gia đình. Với địa hình đặc biệt này, người dân xóm “đảo” sống tách biệt với cuộc sống văn mình đô thị bên ngoài. Nhà nào biết nhà đấy, tối đến ăn cơm xong, gà chưa lên chuồng, ở trong chủ đã tắt điện đi ngủ.

Vừa sức thuốc ghẻ bôi chân, bà Hoa vừa thở dài ngao ngán: “Mỗi nhà cách nhau cả cây số thế này có muốn đi chơi cũng khó mà đường cái thì toàn bờ ruộng, bờ kênh chằng chịt, ban ngày còn lộn nhào xuống ruộng như chơi huống hồ ban đêm. Thôi thì ở nhà cho lành. Muốn đổ cái bậc thềm cho khỏi ngập nước lúc thủy triều lên cũng khổ, đường ra ngoài không có phải thuê người ta chở theo đường kênh rồi khuân vác vào nhà, tiền vật liệu tăng gấp đôi”. Ngoài nguyên nhân chính là cái nghèo, thì những nguyên nhân khách quan về địa hình địa vật ở đảo mà chúng tôi tìm mỏi mắt cũng không thấy một ngôi nhà mái tôn, tường gạch. Cái quyền sống bị thu hẹp trên “ốc đảo” khiến con người trở nên lầm lì, ít nói. Ai làm việc nhà nấy, con trai lớn lên tự động ra ngoài tìm vợ, con gái đến tuổi gả chồng thì đi làm công nhân rồi ai thương thì lấy.

Ông lái đò làm việc chăm chỉ không phải vì mấy đồng bạc lẻ mà còn vì trách nhiệm đưa đò ông tự gánh vào thân bao năm nay rồi. Khi nào đưa học sinh về hết, ông gác mái chèo về với mái nhà nhỏ của mình. Tuy nhiên, điện thoại của ông luôn mở 24/24h để dân trong “đảo” khi có việc ốm đau thì cầu cứu. Những hôm ông lái đò nghỉ ốm hay bận việc riêng là cả xóm “đảo” bấn loạn lên. Học sinh đến trường được ngồi chễm chệ trên đầu của bố băng ruộng, vượt sông. Phương án này được áp dụng cho cả những trường hợp ốm đau đột xuất. Phụ nữ sắp đến ngày sinh là lo thu dọn hành trang ra ngoài thuê trọ ở trước vài ngày.

Mấy mươi năm nay, cuộc sống của bà con trên “đảo” là thế, biết bao những lời hứa, những dự kiến của chính quyền địa phương vẫn trong giai đoạn đang, sẽ và đợi. Riêng cây cầu suốt 10 năm nay, nó vẫn là sự mong ngóng mòn mỏi, là mơ ước nhiều đời của người dân xóm Gò

Ngọc Nga
.
.
.