Chuyện ít biết về đời thường của các "hiệp sỹ" vừa bị thương vong

Thứ Năm, 24/05/2018, 09:51
Trở lại vụ việc các "hiệp sỹ" tử vong và bị thương nặng trong truy bắt những đối tượng trộm xe SH vào đêm 13-5-2018 trên đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 10, quận 3, TP HCM, còn có nhiều câu chuyện đời thường chắc ít người biết.

Phía sau những hành động nghĩa hiệp của họ là cả một gánh nặng cơm áo, gạo tiền đè nặng lên vai. Tất cả trong số họ đều là trụ cột trong gia đình, nhưng nghề của họ chỉ là những anh thợ sửa xe gắn máy, người chạy xe ôm, có người khá hơn cũng chỉ là tài xế làm thuê ăn lương và tương lai sáng sủa nhất có lẽ thuộc về hai sinh viên Đại học Công nghiệp TP HCM Đinh Phú Quý và Nguyễn Đức Huy…

Ngay sau khi nghe tin hai "hiệp sỹ" bị tử vong và 3 "hiệp sỹ" bị trọng thương, sáng sớm 14-5-2018, Báo Công an nhân dân và Công ty Duy Lợi đã cử đoàn công tác đến thăm hỏi, động viên và tặng quà, chia sẻ những đau thương mất mát mà thân nhân gia đình và chính bản thân các "hiệp sỹ" phải gánh chịu.

Trong không khí tang thương bao trùm của đám tang tập thể các "hiệp sĩ" ở Trung tâm Pháp y TP HCM, chúng tôi chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động. Bên trong căn phòng, hàng chục y, bác sỹ cùng cán bộ nghiệp vụ đang tất bật thực hiện những công đoạn khám nghiệm cuối cùng để nhanh chóng trao thi thể hai "hiệp sỹ" Nguyễn Hoàng Nam và Nguyễn Văn Thôi cho thân nhân gia đình đưa về quê lo hậu sự. 

Phía ngoài cửa (dọc theo con đường Trần Phú, quận 5), hàng ngàn người dân đứng chật kín vỉa hè, họ đến để được thắp nén nhang tri ân những "hiệp sỹ" đã hy sinh quên mình cho người dân thành phố được bình yên.

Ngồi nép mình trên chiếc ghế đá dưới gầm cầu thang sắt, bà Lâm Thị Nhung (mẹ "hiệp sỹ" Nguyễn Hoàng Nam) không còn nước mắt để khóc con, mà cứ liên tục đưa hai tay hết ôm đầu rồi lại vò vào nhau một cách vô thức và dường như bà không còn đủ tỉnh táo để quan sát những diễn biến xảy ra xung quanh. 

Khi chúng tôi mời đến lần thứ 3, bà mới giật mình "tỉnh giấc", đôi mắt thâm quầng ẩn dưới khuôn mặt đen sạm, hốc hác, hai tay run lẩy bẩy không nhận nổi phần quà mà chúng tôi trao tặng. Cố gắng hít sâu, thở dài mấy lần, bà Nhung mới có thể nói lời cảm ơn rồi kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống của anh Nam.

Đại diện Báo CAND và Công ty Duy Lợi thăm, tặng quà hai “hiệp sỹ” Đinh Phú Quý và Nguyễn Đức Huy.

Nam là con trai đầu lòng của vợ chồng bà. Trước đây cả gia đình sinh sống bằng nghề làm thuê, cuốc mướn ở xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Cách đây gần chục năm, sau khi tốt nghiệp cấp 3, thấy cha liên tục đau bệnh, mẹ tất tả ngược xuôi cũng không gánh nổi ngày ba bữa cơm cho gia đình nên Nam quyết định xuống TP HCM xin vào làm công nhân một xưởng sản xuất ở quận Gò Vấp để mong kiếm tiền đỡ cho cha mẹ. 

"Thấy cháu làm lương ba cọc, ba đồng, tôi bảo ông ấy ở lại trông giữ nhà rồi dắt con gái út xuống quận Gò Vấp thuê một căn phòng nhỏ để ba mẹ con tá túc. Hàng ngày, tôi ra đầu hẻm bán cà phê cóc kiếm thêm chút tiền để Nam bớt gánh nặng tiền thuê nhà, điện, nước… Mặc dù công việc vất vả nhưng hàng đêm, cứ sau giờ tan tầm, cháu chỉ ăn vội bát cơm nguội rồi tức tốc lên đường đến điểm hẹn của nhóm "hiệp sỹ" để cùng nhau đi tuần, bắt tội phạm trộm, cướp. Cách đây gần một năm, cháu xin được một chân lái xe tải ở một công ty trên địa bàn nên cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn. Bận túi bụi với công việc giao nhận hàng hóa, song với niềm đam mê, Nam vẫn dành thời gian đi bắt cướp. 

Thấy việc này nhiều hiểm nguy rình rập vì có lần Nam té ngã bị thương phải điều trị dài ngày trong bệnh viện, nhưng tôi khuyên chẳng được. Bảo vợ sắp cưới của cháu khuyên giảm bớt thời gian đi tuần thì cháu bảo: "Bây giờ còn thời gian rảnh, cứ để anh ấy thỏa mãn đam mê. Anh ấy bảo khi con tốt nghiệp, làm đám cưới thì anh sẽ bớt đi bắt cướp, dành nhiều thời gian cho gia đình nhỏ nhưng đừng bắt anh ấy dừng đi bắt cướp…"… "Cháu là trụ cột của gia đình mà bây giờ ra đi mãi mãi thì tôi biết trông chờ vào đâu ông trời ơi…"- bà Nhung nghẹn ngào.

Cũng tại Trung tâm Pháp y thành phố, chúng tôi tìm gặp chị Nguyễn Thanh Dung (vợ anh Thôi). Hai tay ôm chặt đứa con trai vào lòng, cặp mắt buồn xa xăm, thỉnh thoảng không đứng vững, chị lại kéo cậu con trai ngồi bệt xuống một góc tường.

Nói về cuộc sống gia đình, chị bảo: "Năm 2000, không chút lưng vốn, lại không có nghề nghiệp, nên khi rời quê hương Bình Định, anh Thôi vào TP HCM lấy nghề chạy xe ôm làm kế sinh nhai. Năm 2002, anh gặp và đem lòng yêu thương tôi. Nhưng do cái nghèo cứ đeo đẳng mãi nên đến năm 2007 chúng tôi mới dành dụm được ít tiền làm đám cưới và đến năm 2008 thì tôi sinh cháu trai đầu lòng. 

Với mong muốn khi trưởng thành không phải bôn ba sương gió để kiếm cái ăn, cái mặc như cha mẹ nên anh Thôi bảo đặt tên cho cháu là Nguyễn Thành Tài và tập trung lo cho cháu ăn học. Ngày mới quen nhau, tôi đã biết anh ấy tham gia nhóm "hiệp sỹ" bắt được nhiều đối tượng trộm, cướp để trừ họa cho dân khiến tôi rất hãnh diện và luôn ủng hộ anh hết lòng. 

Nhiều lần ngã xe có lần bị bọn cướp tấn công ngược lại, bị thương nặng phải nằm điều trị dài ngày trong bệnh viện, tôi đều dành tất cả thời gian chăm sóc anh chu đáo. Đến khi có con nhỏ, lại thường xuyên bị mấy tên cướp đe dọa lấy mạng, tôi khuyên anh giảm thời gian đi tuần vì tuổi tác anh cũng đã lớn, nhưng thấy anh đam mê nên tôi không ngăn cản nữa mà chỉ dặn dò anh phải cẩn thận để bảo vệ tính mạng. Mấy hôm nay, lúc nào lòng tôi cũng thấy bồn chồn, lo lắng... không ngờ đó lại là điềm báo chuyện xấu xảy ra với anh… Anh ra đi thật rồi… anh Thôi bỏ mẹ con tôi thật rồi…".

Thấy mẹ khóc nấc từng hồi, cu Tài cứ quấn quýt: "Nín đi mẹ, lát ba ra chở hai mẹ con đi chơi công viên… Ba hứa hôm qua rồi mà…". Dường như cu Tài còn quá nhỏ để hiểu chuyện gì đã xảy ra với cha nó nên cứ hồn nhiên động viên mẹ. 

Chỉ đến khi một nhóm bác sỹ pháp y đưa thi thể anh Thôi ra xe giao cho gia đình đưa về quê lo hậu sự, thằng bé mới khóc òa… "Ba ơi…ba làm sao vậy…ba đừng chết nghe ba…về đưa con đi chơi đi, ba hứa rồi mà…". Vừa khóc, đứa bé vội lao đến túm áo một vị bác sỹ pháp y giằng xé như muốn giành giật sự sống cho cha nó từ tay "tử thần". 

Bất giác nó quay lại úp mặt vào lòng mẹ bắt đền: "Trả ba cho con…Trả ba cho con…Ba ơi về với con đi ba…Về với con đi ba…". Có lẽ hiện tại, thằng bé sẽ gặp nhiều khó khăn khi không có được sự dìu dắt của người cha để làm hành trang bước vào đời, nhưng ngày mai khi khôn lớn, chắc chắn cháu sẽ cảm thấy tự hào về một người cha trượng nghĩa, sẵn sàng hy sinh thân mình để mang lại bình yên cuộc sống cho người dân thành phố.

Bà Lâm Thị Nhung - mẹ “hiệp sỹ” Nam kể về những lần bắt cướp của con trai.

Chia tay bà Nhung, chị Dung và cháu Tài, chúng tôi tiếp tục đến Bệnh viện 115 để thăm hỏi anh Trần Văn Hoàng. Mặc dù vừa trải qua những giờ phút thập tử nhất sinh và đang được điều trị trong phòng hồi sức đặc biệt, nhưng khi chúng tôi có mặt, anh vẫn cố gắng đưa bàn tay thô ráp níu lấy chúng tôi thều thào: "Thôi, Nam chắc không qua khỏi phải không? Còn cháu Quý, Huy thì ổn chứ?… Đã bắt được hai thằng trộm đó chưa… Các anh cứ trả lời thật đi, tôi không chết được đâu, phải mau khỏi để bắt hết bọn nó chứ…". Chỉ đến khi chúng tôi gật đầu, anh mới an tâm chìm vào giấc ngủ do đã ngấm thuốc.

Ngồi ngoài hành lang phóng tầm mắt vào trong ngóng tin chồng, vừa gặp chúng tôi, chị Trương Thị Xí (vợ anh Hoàng) đau xót: "Anh em "hiệp sỹ" chuyến này mất mát nhiều quá". Anh Hoàng cũng chỉ mới tạm qua cơn nguy kịch và vẫn còn phải theo dõi đặc biệt. 

Trong hơn 20 năm tham gia bắt cướp, anh gặp không ít tai nạn như bị thương do ngã xe, bị cướp tấn công rồi hăm dọa trả thù, lấy mạng… nhưng có lẽ lần này anh bị nặng nhất. "Nhưng không vì thế mà sợ, mà chùn bước, lần này sau khi anh khỏe trở lại, tôi sẽ đảm nhận toàn bộ công việc buôn bán kiếm tiền lo cho gia đình và làm tất cả công việc nhà để anh có nhiều thời gian đi tuần, bắt cướp trừ họa cho dân…", chị Xí chia sẻ.

Năm 1990, khi chuyển từ Bình Định vào TP HCM lập nghiệp, anh chị phải bán hết nhẫn cưới, bông tai, mượn thêm 2 chỉ vàng của một người thân mới mua nổi chiếc xe gắn máy cà tàng để hàng ngày anh mang ra đậu trước cửa cây xăng ở góc đường Trường Chinh, Trương Công Định chạy xe ôm kiếm cơm. 

Để phụ thêm kinh tế gia đình, chị Xí cũng quẩy thêm gánh cà phê bán rong trong khu vực. Cuộc sống gia đình chưa kịp ổn định thì chị Xí mang thai đứa con trai đầu lòng nên mọi việc đều dồn lên vai anh Hoàng. Thương vợ, anh quyết định học lỏm thêm nghề sửa chữa xe gắn máy rồi sắm bộ đồ nghề bơm vá với hy vọng kiếm thêm tiền chợ. Cuộc sống gia đình chỉ khá hơn đôi chút khi chủ cây xăng cho anh chị đặt một cái giá bán mũ bảo hiểm ngay trong khuôn viên.

Việc anh Hoàng vào vai "hiệp sỹ" cũng hết sức tình cờ. Hôm ấy vào giữa mùa mưa năm 1995, khi đang chở vợ con đi đám cưới một người bạn cùng quê trên đường Trường Chinh thì nghe tiếng hô "Cướp… Cướp". Đánh ánh mắt về phía xa, anh phát hiện có hai thanh niên đang cố giật chiếc túi xách của một người phụ nữ đi đường. 

Tấp xe vào lề, anh Hoàng quay lại bảo vợ: "Em chịu khó bế con đứng chờ, để anh tóm cổ mấy thằng cướp giật, tẩn cho nó một trận…". Chưa đầy một phút, anh Hoàng đã đuổi kịp và ép hai tên cướp ngã văng ra đường. Nhanh như cắt, anh Hoàng lao tới ra một đòn chí mạng khiến tên cầm lái ôm bụng kêu gào, tên còn lại định cầm túi xách chạy thoát thì bị một người đi đường hỗ trợ tóm gọn. 

Sau khi giao hai tên cướp cho Công an phường xử lý và trả lại chiếc túi xách cho cô gái, anh Hoàng mới nhớ vợ con đang đứng chờ dưới cơn mưa nặng hạt. Vội vã quay lại định bụng sẽ nói lời xin lỗi để vợ không giận, nhưng thật bất ngờ khi vừa đến nơi, chị Xí không những không giận mà còn chia sẻ, động viên: "Anh làm việc nghĩa cứu giúp người ta, em thấy vui không hết, có đâu mà giận. Em sẽ ủng hộ anh hết mình nếu lần sau thấy chuyện ngang trái mà anh tiếp tục ra tay". 

Được vợ ủng hộ, những ngày sau đó cho đến tận bây giờ, mặc dù phải tối mặt quay cuồng với cơm-áo-gạo-tiền nhưng cho đến nay, khi đã được anh em trong nhóm tín nhiệm bầu làm tổ trưởng, mỗi ngày, anh Hoàng đều dành ít nhất 6 tiếng đồng hồ chạy xe rảo khắp các con đường ở khu vực quận Tân Bình, Tân Phú, quận 3… để tìm bắt những đối tượng trộm cướp.

Còn nhớ một lần vào tháng 6-2011, khi anh cùng "hiệp sỹ" Lưu Viễn Thuận và hai anh em khác trong lúc truy đuổi hai tên cướp giật túi xách của công nhân trong Khu công nghiệp Tân Bình, xe của anh Hoàng và Thuận bị máng vào bên hông chiếc xe tải khiến cả hai bị thương nặng, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu và điều trị dài ngày mới qua khỏi. 

Trước khi được đưa đến bệnh viện, anh bị rơi vào trạng thái hôn mê, tâm thần lơ mơ. Tuy nhiên, sau khi được các y, bác sỹ cấp cứu, khi tỉnh lại, anh nắm chặt tay Thuận và câu nói đầu tiên của anh là: "Có bắt được hai tên cướp không"? Và chỉ đến khi nhìn thấy cái gật đầu của Thuận, anh mới an tâm chìm vào giấc ngủ.

Dù phải đối mặt nhiều đau thương, mất mát quá lớn, không gì bù đắp nổi, nhưng các anh vẫn yên lòng bởi trong tâm khảm hàng triệu người dân, các anh thực sự là những tấm gương dũng cảm, những người hùng đã hy sinh thân mình để góp phần mang lại bình yên cuộc sống.

Đức Cương
.
.
.