Chuyện ít biết về nghề “không có giấc mơ”

Thứ Bảy, 21/04/2018, 15:19
Họ cầu mong những con người xung quanh mình đừng ai trở bệnh để mỗi ngày họ được trò chuyện, được yêu thương và chia sẻ. Mỗi đêm họ được mơ một giấc mơ đời thường...


Nhọc nhằn tiếng thở trong đêm

Chúng tôi tới Khoa Hô hấp Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng (quận 8, TP. Hồ Chí Minh) trong một ngày nắng bỏng rát. Không gian trầm lắng và yên ắng. Nếu không có những bóng áo blouse trắng đi qua đi lại ở hành lang thì có lẽ nơi đây đã là một khu nghỉ dưỡng của những “bóng cả” đang ở phía bên kia cuộc đời.

Ông Căn luôn túc trực bên gia chủ của mình.

Ngồi gục đầu trên ghế đá là bà cụ tóc bạc phơ, tay cụ chống cằm nhìn chăm chú ra phía cổng. Lát sau, có một người phụ nữ ngoài 40 tuổi, một tay xách bọc cam, tay kia bưng cặp lồng đồ ăn tất tả đi vào. Vừa nhìn thấy người quen, bà cụ nở nụ cười móm mém. Nghe người phụ nữ gọi cụ là bà và xưng con, chúng tôi cứ ngỡ họ là con cháu của cụ. 

Bỗng có vị bác sĩ đi tới hỏi: “Người nhà cụ vào chưa? Hôm nay ký biên bản mổ”. Dìu cụ bà vào phòng, vừa đút cháo, chị vừa cẩn thận lấy khăn lau những giọt nước cháo loang lổ trên miệng cho bà. 

Mới ăn được nửa chén cháo, thấy cụ lắc đầu, chị biết cụ không muốn ăn nữa nên đỡ cụ nằm xuống giường, kéo hai chân cụ nằm thật ngay ngắn, cẩn thẩn cài lại nút áo, kê gối đầu cho cụ nằm nghỉ. 

Xong xuôi, chị mới rón rén bước ra, quệt những dòng mồ hôi trên mặt. Đó là công việc thường ngày của những người làm nghề chăm sóc bệnh nhân như chị Lê Thị Giang.

Chị Giang quê ở Kiên Giang. Chị có chồng và 2 con nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại thêm anh chồng bị bệnh cột sống chẳng thể gánh vác việc gia đình. Chị đành để con ở nhà nội, khăn gói lên thành phố làm thuê. Lúc đầu, chị đi làm phục vụ, rửa chén, công việc cực nhọc mà lương không đủ gửi về nuôi con. 

Ngoài việc có người chăm sóc, những người già còn có cả bác sĩ thăm khám thường xuyên.

Một lần, chị theo bà chủ vào bệnh viện thăm người quen, tình cờ thấy có dịch vụ chăm sóc thuê nên đánh liều hỏi. Chị được nhận vào làm, vậy là từ đó, chị vào hẳn trong bệnh viện ở và chăm sóc bà cụ cho tới bây giờ. Chị Giang tâm sự: “Cụ bà tôi chăm sóc năm nay đã 72 tuổi. 

Cụ bị tai biến và mới đây bác sĩ phát hiện thêm bệnh thận nữa nên phải mổ. Lúc đầu con cháu thay phiên nhau vào chăm sóc, nhưng thấy bệnh tình không thuyên giảm, ai cũng phải lo công việc của mình nên để cụ ở lại trong bệnh viện nhờ người chăm sóc, cách vài ngày họ vào thăm. Bà cụ giờ không nói được nhưng tôi biết bà thương và quý tôi lắm”.

Câu chuyện của chị Giang bị đứt quãng bởi những tiếng đằng hắng của cụ bà. Thấy bà cựa mình là chị chạy vào nắn bóp, xoa lưng, vuốt tay. Rồi cứ 5 phút, chị lại kiểm tra xem cụ có tiểu tiện ra ngoài không để còn xử lý.

Chị kể: “Người già mà, nhiều lúc quẫn trí nên không nhớ gì hết. Có hôm cụ vệ sinh ra ngay trên giường, mùi hôi nồng nặc, tôi phải dọn, xả nước thơm khắp phòng kẻo sợ ảnh hưởng đến người xung quanh. Cụ rất ít khi ngủ vào ban đêm. Mà cụ không ngủ thì mình cũng phải thức. Hai mắt cứ rụp xuống mà phải ráng chống nó lên chứ lỡ ngủ say, cụ cần gì mình không biết cũng khổ”.

Người phụ nữ này ngoài thân hình còm nhom, khắc khổ còn có một đặc điểm nổi bật là hai hốc mắt sâu hoắm, thâm quầng. Đó là dấu vết của sự thiếu ngủ triền miên. Tuy nhiên, khi nói về nghề, chị Giang vẫn rất hào hứng: “Làm nghề này chỉ thiếu ngủ thôi. Mình không phải mất sức, không phải dầm mưa dãi nắng, không phải mang vác nặng. Ăn đồ thừa của các cụ cũng ngon chán, không như cơm bụi bên ngoài. Đúng là chúng tôi đang làm việc để kiếm sống, nhưng trong tâm thức của mỗi người đều không muốn ai đó gọi mình là “nghề chăm sóc”. Như thế thì vô tình ngăn cách tình cảm gắn bó của chúng tôi với bệnh nhân”.  

Không có thời gian để buồn

Làm nghề này không chỉ có nữ, mà còn có cả nam. Chị Giang giới thiệu cho chúng tôi gặp một đồng nghiệp tên Lê Văn Căn, hiện đang chăm bệnh nhân bên Bệnh viện Chợ Rẫy. Thân chủ của ông Căn năm nay 75 tuổi, bị các bệnh tiểu đường, thận, tim mạch.

Trời đứng bóng, trước khi cho cụ ông ăn, ông Căn quỳ gối lau sàn nhà thật sạch. Hai vai ông nhô cao không che được mái đầu điểm bạc. Phải mất hơn một tiếng, ông Căn mới hoàn thành xong phần bón cháo, rồi gần một tiếng lau người, rửa chân tay, mát xa cho cụ ông ngủ. Cả buổi trưa, ông Căn chỉ làm việc đó. Người nhà cụ ông căn dặn ông Căn không được rời cụ nửa bước, kể cả khi cụ ngủ.

Sợ mất việc làm, ông Căn tuân thủ nghiêm ngặt ý kiến chỉ đạo của thân chủ. Ông rải chiếu ngủ ngay dưới gầm giường của cụ ông, chỉ cần một tiếng cựa mình thôi là ông Căn choàng dậy. Hơn 3 năm làm nghề chăm bệnh, ông Căn chưa bao giờ được ngủ tròn giấc mỗi đêm. Ngày nào ngủ nhiều nhất cũng chỉ được 3 tiếng, rồi cứ chập chờn, thao thức, lo lắng.

Ông bảo: “Quen rồi, thấy bình thường lắm. Ở quê cũng đâu có ngủ được nhiều, vì phải dậy sớm mổ heo”. Hóa ra ngày trước, ông Căn làm nghề “đồ tể” ở Vĩnh Long, chuyên chọc tiết lợn mướn cho các lò mổ, nhưng sau đó từ bỏ nghề. 

Được người quen giới thiệu, ông lên TP. Hồ Chí Minh làm nghề chăm bệnh. Mỗi tháng ông được trả 5 triệu đồng. Ăn ngủ chủ đều bao nên ông không hề tiêu mất một xu, nếu có thì chỉ mua đôi dép, cái khăn mặt dùng cả năm trời. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Gái vừa rời quê lên thành phố cùng chồng được vài tháng. 

Bệnh nhân ngủ là thời gian hiếm hoi để những người chăm sóc hàn huyên với nhau.

Bà Gái nhận chăm sóc một bệnh nhân bại liệt ở quận 7. Bám riết lấy gia chủ, lo từng miếng ăn giấc ngủ khiến bà Gái quên đi nỗi buồn cô đơn. “Tối ngày quay cuồng với công việc không tên: Giường, bô, chiếu, tã... còn không có thời gian để buồn thì làm sao nhớ đến ai được” - Bà Gái thổ lộ khi chúng tôi hỏi có nhớ chồng không.

Từ ngày vợ lên thành phố, hai vợ chồng ông Căn cách nhau có 3 cây số nhưng mới gặp nhau được 3 lần. Ông Căn buồn rầu: “Cũng bởi cái nghề, mình như hình bóng với bệnh nhân không thể đi xa quá 10 phút. Có lần tôi xin phép gia chủ nghỉ nửa ngày để hai vợ chồng đi chơi mấy nơi ở thành phố, nhưng bà nhà tôi không xin được nên đành thôi”. 

Trong những ngày chăm bệnh, có gia đình thấy ông Căn chăm chỉ, hiền lành, lại thạo việc có ý mời về chăm cho người nhà cũng đang nằm tại bệnh viện, với mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên, ông Căn từ chối với lý do: “Tôi quen hơi của cụ rồi, bỏ đi không nỡ”. 

Ông Căn định dành “mối” này cho vợ, để hai vợ chồng cùng làm một nơi, sẽ được nhìn thấy nhau thường xuyên. Vậy mà chưa kịp nhận việc thì bệnh nhân đã mất.

Đa số những người làm nghề này đều xuất phát từ tình yêu thương, cảm thông và chia sẻ với những người già đau bệnh, lại neo đơn. Họ chẳng bao giờ có giấc ngủ trọn vẹn trong đêm. Ngủ mà không dám mơ vì lúc nào cũng thấp thỏm tỉnh dậy xem bệnh nhân của mình thư thế nào. Chỉ vào bô nước tiểu đã đầy, ông Căn cho biết: “Cụ vừa mổ tá tràng xong lại thêm tiểu đường nữa, nên phải dẫn tiểu suốt thôi”.

Người đầu bạc ít chăm sóc cho người tóc bạc trắng. Dường như không có ranh giới giữa chủ và tớ mà chỉ có tình người vì nhiều lý do đã gắn bó họ với nhau. Ông Căn bộc bạch: “Lúc mới làm nghề chỉ mong được làm mãi, nhưng bây giờ lại có suy nghĩ khác. Tôi mong bệnh nhân mau khỏi, trở về nhà với con cháu để tôi được về thăm quê. Ở thành phố này ngột ngạt, chật chội và nóng bức, bây giờ “thèm” mùi quê lắm rồi”.

Còn chị Giang, vì trên vai còn gánh nặng gia đình nên lấy nghề làm kế mưu sinh, nhưng không vì thế mà chị bỏ bê, lơ là đối với người bệnh mình chăm sóc. “Nhiều lúc muốn bỏ về quê chăm con và làm ruộng nhưng nhìn ánh mắt bà cứ như khẩn nài lại không đành lòng” - Chị Giang chia sẻ.

Hiện nay, tại TP. Hồ Chí Minh đang nở rộ các dịch vụ chăm sóc bệnh nhân. Có đủ các loại khung giờ, giá cả để khách lựa chọn. Tuy nhiên, nhiều gia chủ vẫn chọn loại những người dành trọn thời gian, ổn định công việc như ông Căn, chị Giang. Trên hết, họ muốn có sự gắn kết yêu thương với ông bà, cha mẹ của họ.

Ngọc Hoa
.
.
.