Chuyện kể theo bánh con tàu quay

Thứ Hai, 26/12/2016, 10:55
Với những con người gắn bó cả cuộc đời trên những chuyến tàu ra Bắc vào Nam thì cảm giác chào người khách cuối cùng luôn là khoảnh khắc khó quên nhất. Họ bỗng trở thành người độc hành lẻ loi giữa sân ga…


Tiếng thét giữa đường ray

Trong đồng phục màu xanh nhạt và tiếng nói cười hòa trong ánh điện mờ của một ngày mới còn chưa bắt đầu, hơn 20 nhân viên của chuyến tàu SE8 đã có mặt trước 5h sáng. Ga Sài Gòn lúc này chỉ có vài chục hành khách cùng nhân viên tàu nhưng cũng đủ để chúng tôi cảm thấy chộn rộn cho một chuyến đi xa.

Niềm nở đón khách tại cửa toa, các tiếp viên kiểm tra vé và hướng dẫn rất kỹ từng hành khách lên tàu. Có lẽ, đó là sự khác biệt đầu tiên mà một thời, ngoài thái độ ứng xử chưa hoàn hảo của nhân viên thì nạn buôn bán hàng rong, người ăn xin, sự lộn xộn và nhếch nhác trên mỗi chuyến tàu là nỗi ám ảnh không nhỏ của hành khách.

Tiếp viên xuống tàu chuẩn bị đón khách.

Bữa cơm của chúng tôi với anh em nhân viên thực sự mang không khí của một gia đình. Trên tàu giờ đã có hẳn một toa riêng phục vụ ăn uống. Các nhân viên sẽ chọn những thực phẩm vùng miền ngon nhất để chuẩn bị cho những bữa ăn. Không phải bữa nào cũng bán hết đồ ăn nhưng đến giờ, công việc bếp núc, nấu nướng vẫn cứ diễn ra bình thường.

Từ các nhân viên trực tiếp chăm sóc khách tại các buồng phòng đến phục vụ ăn uống, công việc vẫn trôi chảy, đều đặn và quen thuộc mà không hề nhàm chán. Cứ thế, hành trình của mỗi chuyến tàu đã gắn với hành trình dài của mỗi cuộc đời.

Tổ phó phục vụ, phụ trách dịch vụ ăn uống trên chuyến tàu SE3 cho biết, hơn 10 năm trước, anh đã từng bỏ nghề để làm cho một công ty nước ngoài. Lương khi đó được tính bằng đồng đô la, rất ổn cho một cuộc sống gia đình nhưng chỉ được 6 tháng anh lại quay về với nghề.

Đồng lương ít ỏi, việc đi lại vất vả và thường xuyên xa nhà nhưng cái cảm giác của người đưa đò, cảm giác được gắn bó với anh em đồng nghiệp và trên hết là được làm công việc mà mình yêu thích khiến anh không thể dứt ra được.

Mỗi một chuyến tàu mang trên mình cả một xã hội thu nhỏ, vì vậy cũng có biết bao buồn vui từ "xã hội" này. Hơn 30 năm theo nghề, Trưởng tàu SE8 Nguyễn Tuấn Ninh bảo, mỗi một kỷ niệm là một cung bậc ông không thể nhớ được hết.

Có những tình huống đòi hỏi người đầu tàu tự tìm cách xử lý theo hướng linh hoạt và chủ động nhất với mục đích cuối cùng là giúp hành khách an toàn và cảm thấy vui khi rời ga.

Có rất nhiều "ca khó" như chuyện phụ nữ chuẩn bị chuyển dạ trên tàu, anh phải tự phán đoán để bố trí sẵn phương tiện và đội ngũ phục vụ đón khách ở ga kế tiếp giúp họ "mẹ tròn con vuông".

Có những khách say xỉn, thậm chí mang cả dao, kéo sẵn sàng gây sự khi bị nhân viên nhắc nhở. Lúc này không chỉ đóng vai bác sỹ, nhân viên sẽ lại trong vai của một cảnh sát, cứng rắn và khôn khéo để mọi chuyện được giải quyết êm xuôi.

Nhưng có lẽ với mỗi nhân viên trên tàu, đau xót và ám ảnh nhất là cảm giác bất lực trước những tai nạn không thể tránh. Với tốc độ bình quân 70-80km/giờ, khi lái tàu kịp nhìn thấy một vật chướng ngại ở phía trước bằng mắt thường thì phần chắc tai nạn xảy ra.

Bởi khi bắt đầu hãm phanh thì phải 800m tiếp theo, tàu mới có thể dừng lại hẳn, trong khi mắt thường chỉ có thể nhìn rõ từ 1km trở lại.

Trưởng tàu SE4 Trần Xuân Hùng kể, nhiều năm trong nghề, chứng kiến nhiều tai nạn thương tâm nhưng với ông cái chết không toàn thây của một người hành khách ngồi "lậu" trên nóc tàu lần đầu tiên gặp phải vẫn khiến ông rùng mình mỗi khi nhớ lại.

Cung cách phục vụ trên tàu ngày càng chuyên nghiệp.

Trong đêm tối, cặm cụi rọi đèn, sục xạo từng gốc cây, ngọn cỏ, ngó kỹ từng bánh tàu, ông và anh em nhân viên đã vượt qua nỗi sợ của bóng đêm, mùi tanh nồng nặc của máu để kiếm từng bộ phận thi thể với một mong muốn duy nhất là đưa người đó trở về nguyên vẹn với gia đình.

Cũng có trường hợp hy hữu mà ông còn nhớ mãi, đó là một lần khi gần tới ga Đông Hà (Quảng Trị), lái tàu phát hiện một em bé khoảng 2 tuổi ngơ ngác đang ngồi giữa đường ray.

Tàu vẫn lao tới và lúc này lái tàu chỉ còn cách nhắm mắt, đạp phanh thật mạnh và tin chắc tai nạn không thể tránh. Nhưng khi đoàn tàu dừng hẳn, bất ngờ em bé được tìm thấy ở giữa 2 toa, không một vết trầy xước. Anh em trên tàu lao vào ôm bé trong vòng tay mà nước mắt tuôn rơi…

Trên mỗi chuyến tàu, cái nặng nhất chính là tình ruột thịt một nhà và những chuyện vui buồn đã gắn họ, những nhân viên của ngành đường sắt, để rồi mỗi ngày, nhìn thấy đoàn tàu bạn bè cứ dần thưa thớt mà không nỡ rời xa.

Nỗi buồn trên sân ga

Bữa trưa của ngày thứ 2, chúng tôi hỏi nhân viên phục vụ ăn uống: "Trưa nay bán được nhiều suất ăn không?". Quệt mồ hôi lăn dài trên trán, người tổ phó trả lời: "Cũng ế lắm chị ạ". Tôi nhìn nồi cơm khách gần như còn nguyên với thức ăn được chế biến cẩn thận còn nghi ngút nóng mà không khỏi chạnh lòng.

Toàn bộ hành khách đăng ký từ tất cả các ga là hơn 400 người, được khoảng một nửa lượng khách mà tàu có thể vận chuyển. Như vậy được coi là cao trong thời kỳ thấp điểm (khoảng 6 tháng/năm). Có lẽ chưa bao giờ ngành đường sắt rơi vào cảnh "ế ẩm" như hiện nay.

Anh Nguyễn Tấn Tài, một hành khách chia sẻ: "Nhiều năm trước đây tôi là khách thường xuyên của tàu hỏa. Phải nói thật, dịch vụ trên tàu đã đổi mới rất nhiều. Còn nhớ ngày xưa mỗi khi lên tàu, lần nào mẹ cũng nhét vào túi tôi một cuộn giấy vệ sinh và cứ dặn đi dặn lại, trên tàu không có những thứ này…

Cảm giác trên tàu cũng thật bất an vì mỗi khi tàu dừng ở các ga là chúng tôi phải lo giữ đồ vì dân buôn bán tràn lên. Giờ tàu sạch sẽ hơn, đồ ăn trên tàu ngon hơn và được phục vụ rất chu đáo.

Nhân viên trên tàu cũng vui vẻ, nhiệt tình và chuyên nghiệp hơn ngày trước rất nhiều. Và nếu so với các phương tiện giao thông công cộng khác thì tàu hỏa vẫn là an toàn nhất. Nhưng nói thật là giờ hãn hữu lắm tôi mới đi tàu".

Vậy vì sao tàu hỏa đã không còn là sự lựa chọn của hành khách trong vài năm trở lại đây? Tiến sĩ Đinh Việt Hòa - giảng viên Trường Đại học Quốc gia Hà Nội  nhận định: "Chúng ta đang sử dụng sản phẩm của hơn 100 năm trước.

Dù có được thừa hưởng bao nhiêu tư duy bền vững của người Pháp thì hầu như các tiêu chuẩn kỹ thuật, tải trọng, tốc độ, trọng lượng đoàn tàu và sức kéo đầu máy… đã trở nên cũ kỹ, lạc hậu". Có thể nói, ngành đường sắt đang quay những vòng quay ngược với những con số ảm đạm.

Sân ga những ngày cuối năm luôn tạo một cảm giác vui buồn lẫn lộn cho tất cả mọi người.

Trước hết là chi phí vận chuyển, với giá vé Bắc - Nam trung bình ở mức 1 -1,5 triệu đồng, có khi lên tới 1,7 triệu đồng/chuyến vào dịp Tết là quá cao so với giá vé của hàng không. Về thời gian di chuyển, dù đường sắt đã nỗ lực giảm từ 72 tiếng Nam- Bắc xuống còn 31 tiếng thì vẫn còn quá dài so với thời gian bay và làm thủ tục bay.

Trong ký ức hơn 30 năm trong nghề, Trưởng tàu Trần Xuân Hùng cho rằng, thời kỳ khó quên nhất đó là liên quan đến những quyết sách tạo nên sự thay đổi rất lớn trong ngành của Tổng cục trưởng Tổng cục Đường sắt Đoàn Văn Xê. Đã có lần, ông Xê bị dân giang hồ chặn đường vì ông quyết định không để tình trạng "tàu chở khách mà khách ít hơn hàng".

Thời gian này, các tiếp viên bắt đầu mặc đồng phục áo trắng, quần đen và buộc phải thay đổi cung cách phục vụ. Quyết định dừng ở các ga ít hơn đã làm thời gian tàu chạy giảm được 1/2.

Cũng chính ông Xê là người tạo nên "ngôi nhà màu trắng di động" khi đổi màu đèn trên các toa từ vàng sang trắng. Việc tổ chức nấu ăn phục vụ hành khách trên tàu cũng bắt đầu thực hiện trong giai đoạn này.

Thời điểm này cũng là thời hoàng kim của nhân viên ngành khi thu nhập của người lao động tăng lên gấp 3 lần. Nhưng rồi nhiều năm trôi qua, ngành đường sắt không chỉ giậm chân tại chỗ, mà đang đi những bước thụt lùi theo xu thế đổi mới.

Bên ly trà nóng của ga cuối cùng, mắt người trưởng tàu cay cay khi nhắc lại một thời đã qua. Với ông, có những chuyến đi không thể nào quên, nhất là cảm giác chào người khách cuối cùng rời ga vào đêm Giao thừa.

Tạm biệt anh em, ông bỗng trở thành người độc hành lẻ loi trong giá rét của mùa đông Hà Nội. Nhưng ông vẫn mong sẽ còn nhiều chuyến tàu như thế để ông và anh em cùng vui, cùng buồn.

Sau chuyến "đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay", gặp những con người nhiều năm tận tụy ngược xuôi ra Bắc vào Nam, trong sâu thẳm câu chuyện, chúng tôi thấm được từ họ là tình yêu với nghề vẫn vẹn nguyên nhưng nỗi buồn không thể giấu kín.

Ngọc Hoa
.
.
.