Chuyện ly kỳ quanh mộ cá Ông ở Nghệ An

Thứ Ba, 03/01/2012, 10:23
Dân làng nơi đây truyền tụng nhau rằng ngôi mộ cá Ông tồn tại hàng trăm năm tuổi. Cho đến thời điểm bây giờ chưa có một ai biết chính xác "ngài"đang yên nghỉ dưới ngôi mộ ấy có từ khi nào. Xung quanh ngôi mộ ấy còn ẩn chứa biết bao câu chuyện ly kỳ mang đậm nét văn, dấu ấn của một vùng quê nghèo nơi đầu sóng ngọn gió.

Sự tích mộ cá Ông

Trong một lần có dịp về làng Đại Bắc, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), tôi được nghe câu chuyện ly kỳ về một ngôi mộ cá Ông (cá Voi). Tò mò lẫn hoài nghi, tôi quyết định một lần mục sở thị để thực hư về sự tích kỳ lạ về ngôi mộ này. Ngôi mộ cá Ông nằm ngay bên bờ biển. Tận mắt chứng kiến, đó là một ngôi mộ cao lớn bằng cả một gian nhà, xung quanh mộ được ghép bằng nhiều tảng đá có hình thù hoa văn rất đẹp. Dường như qua thời gian, cây cối và cỏ dại mọc xung quanh khiến ngôi mộ càng trở nên hoang sơ đầy bí ẩn. Bên cạnh ngôi mộ là ngôi đền vốn thờ "ngài" cá Ông như tên gọi của người dân nơi đây.

Đem thắc mắc về những câu chuyện xung quanh sự tích ngôi mộ cá Ông này hỏi nhiều người dân trong làng ai cũng lắc đầu. Bởi những ai được chứng kiến câu chuyện thì giờ đã không còn sống nữa. May mắn thay, chúng tôi tìm được ông Nguyễn Đình Kha, trú tại thôn Đại Bắc, có lẽ hơn ai hết ông Kha là người biết rõ về gốc tích của ngôi mộ này. Sắp bước sang tuổi 90 nhưng trông ông Kha vẫn còn minh mẫn lắm. Dù không phải là người được trực tiếp chứng kiến câu chuyện nhưng chính ông Kha là con của ông cố Nguyễn Đức Ngò, người trưởng làng năm xưa và cũng là người đứng đầu tham gia chôn cất "ngài" cá Ông năm đó. Còn một người cũng biết sự thật về ngôi mộ cá Ông này là ông Trần Kim Giao (SN 1940) cũng là người làng Đại Bắc.

 Ông Hồng bên ngôi mộ cá Ông

Cũng như bao nhiêu người trong làng, khi lớn lên ông Kha đã thấy ngôi mộ cá Ông nằm bên bờ biển rồi. Lớn lên, ông lại may mắn được người cha kể cho nghe về những câu chuyện xung quanh loài cá lớn này dạt vào bờ và sự ra đời của ngôi mộ cá. Ông nhớ lại, năm đó ông lên 8 hay 9 tuổi gì đấy đã được cha và những người trong làng thường hay nhắc đến chuyện quanh ngôi mộ cá. Qua lời kể của người cha, được biết đấy là một ngôi mộ chôn cá Voi. Tuy nhiên, có một điều ông không được rõ là mộ cá Ông được chôn cất vào năm nào, chỉ nhớ năm đó vào khoảng cuối thế kỷ 19. Lúc bấy giờ, ông cố Ngò (cha ông Kha) vừa là trưởng làng biển vừa là người chủ tế đứng ra để lo chôn cất "ngài". Ông cố Ngò cũng phải thay mặt làng chịu tang một năm.

Theo những gì ông cố Ngò kể lại cho ông Kha biết, không biết cá Ông nặng cụ thể bao nhiêu nhưng có thể lên đến hàng trăm tấn. Khi "ngài" dạt vào bờ, nhiều người dân đã kéo "ngài" đến gần bờ để chôn nhưng do nặng quá kéo không nổi. Không còn cách nào khác, phương án cuối cùng là rạch thịt ngài ra để lấy xương chôn cất.

Theo ước tính, chiều cao con cá này lên đến 4,8m, đứng bên này không thấy mái sườn bên kia. Người dân phải huy động 60 tấm cót (mỗi tấm dài 2m, rộng 1m) trải ra để xẻ thịt "ngài". Họ chống miệng ra, chui vào để múc dầu và nội tạng trong bụng cá. Sau khi rọc thịt xong, xương của cá Ông đem chôn ven bờ biển, còn thịt người dân đem về để nấu dầu. Thế nhưng, kỳ lạ thay sau khi nấu được hàng chục chum dầu thì bỗng nhiên tất cả các chum đều bị vỡ hết, không ai lấy được giọt dầu nào cả!?

Thêm một câu chuyện trùng lặp nữa khiến người dân đã phải kính nể "ngài". Đó là trong quá trình xẻ thịt "ngài" ra một khớp xương sống lưng bị mất tích. Một tuần sau khi chôn "ngài", người dân đi biển phát hiện một con lạch gần chỗ cá lụy bờ tự nhiên nổi đầy sò. Nhiều người dân đã xuống đây để mò sò về ăn và phát hiện thấy khớp xương còn lại của "ngài" bị mất. Khớp xương đó sau được đưa chôn cùng với bộ xương trước đó.

Ông cố Ngò còn kể cho ông Kha rằng "ngài" cá Ông rất to, riêng khớp xương sống đã to bằng cối xay, dài thì không tưởng tượng nổi. Sau nhiều ngày, khi đi trên cát chỗ xẻ thịt cá Ông, người dân vẫn thấy có một màu cát vàng hơn hẳn so với màu cát biển là màu trắng vẫn thường thấy và khi đi trên đó thì vẫn có một cảm giác trơn của nước mỡ chảy ra. Như để minh chứng lời nói của ông với chúng tôi, ông Kha chắc chắn rằng "nếu bây giờ ra đào ngôi mộ lên có thể vẫn còn xương ở đấy”.

Chuyện ly kỳ quanh ngôi "đền thiêng"

Ông Nguyễn Song Hồng, trưởng thôn làng Đại Bắc dẫn chúng tôi ra ngôi đền thờ cá Ông, bên cạnh là ngôi mộ. Ông cho biết, ngư dân hàng năm đều đặn vào ngày mồng 1, 15… đến thắp hương thờ cúng, khẩn cầu những điều tốt lành. Cũng theo lời kể của ông Kha và ông Giao thì khi chôn cất "ngài" cá Ông xong, người dân đã lập một miếu thờ bên cạnh. Miếu được làm đơn giản, dựng nên bằng cột, mái lợp bằng rơm rạ. Cứ đến rằm tháng 3 hằng năm người dân xã Quỳnh Long cùng chung tay làm lễ tại ngôi đền này to lắm. Ngoài làm cỗ chung của làng, nhiều nhà còn làm cỗ cúng riêng "ngài" để cầu cho gia đình làm ăn tấn tới, ra biển thuận buồm xuôi gió.

Sau khi "ngài" yên nghỉ tại làng Đại Bắc được 2 - 3 năm, người dân trong làng thấy làm ăn ngày càng phát đạt và công việc yên ổn ra khơi thuận buồm xuôi gió. Người dân đề nghị lập bàn đền thờ cho "ngài". Lúc đầu đền thờ chỉ có 1 tòa. Sau đó khoảng 4 - 5 năm, người dân giàu có lên và tu bổ xây dựng ngôi đền thành 3 tòa, mỗi tòa có 3 gian. Tòa thứ nhất để nhân dân ra biển gặp mưa gió thì vào đó trú mưa. Tòa thứ hai dùng để thờ "ngài". Tòa thứ ba dùng để thờ các thần ở Long cung. Theo ông Kha còn nhớ lại thì ngôi đền là một trong những đền lớn nhất vùng đất Nghệ An thời đó.

Tương truyền, ngôi đền sau khi được dựng nên được các vị vua thời đó ban sắc phong. Trong đó có sắc phong ban rằng: "Đông hải thái thú ngọc lân đại đức ngư ông phù quốc cứu dân nẫm trước linh ứng, trước phong vi đoan tức dực bảo tôn thượng thượng đẳng tối linh thần". Như vậy tức là "ngài" cá Ông được vua phong cho là "thần".

Được một thời gian, do chính sách xã hội thời đó có chủ trương bài trừ mê tín dị đoan, ngôi đền thờ cá Ông cũng bị liệt vào danh sách đó. Đền bị đập phá gần hết, các sắc phong vua ban bị đem ra đốt sạch. Vì vậy bây giờ đền không còn sắc phong nào để thờ cúng. Sau đó ngôi đền được người dân khôi phục lại nhưng không uy nghi như trước nữa.

Còn một câu chuyện khá ly kỳ nói về sự linh thiêng của ngôi đền mà người dân nơi đây vẫn nói cho nhau nghe. Vào khoảng những năm 1975 - 1976, người ta cho xây dựng khu chế biến nước mắm ở khu vực Đại Liên (lúc đó gồm 3 xóm Đại Bắc, Đại Tân và Đại Hải). Khu mộ, đền thờ cá nằm trong vùng quy hoạch nên cũng bị giải tỏa. Người ta đã lấy đất đá đắp mộ để xây nền. Nhiều người còn lấy cả cột, kèo mang về nhà. Thế nhưng, khu chế biến nước mắm chỉ tồn tại được một thời gian ngắn, do làm ăn thua lỗ nên bị phá sản.

Điều kinh ngạc hơn là sau khi ngôi mộ và đền thờ cá Ông bị giải tỏa thì khu vực biển này thường xuyên có người đuối nước. Hầu như năm nào cũng có người chết. Sự việc này được ông Hồ Xuân Trí, thôn phó kiêm phụ trách an ninh trật tự làng Đại Bắc xác nhận. Sau đấy một thời gian, nhận thấy đây là điềm chẳng lành nên người dân quyết định tái tạo lại ngôi đền thờ cá Ông năm xưa.

Hiện nay, tục thờ cá Ông và tín ngưỡng của ngư dân về loài cá linh thiêng này đã gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây. Vào ngày rằm tháng 3 hằng năm, ngư dân ở đây làm lễ to. Ngư dân coi cá Ông là vị thần hộ mệnh cho họ giữa biển khơi, vì cá Ông đã giúp ngư dân có những chuyến đi biển may mắn, tôm cá đầy khoang. Trước khi ra khơi, ngư dân thường có thói quen đến ngôi đền này thắp hương, cầu khấn mong "ngài" phù hộ cho may mắn. Còn những người vợ của ngư dân mỗi chiều cũng tới đây hóng mát và thắp nhang, để cầu Ông phù hộ cho chồng con họ được bình an. 

Ông Trần Quang Vệ - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Long cho hay: Tục thờ cá Ông đã có từ lâu đời của người dân nơi đây, nó trở thành một tín ngưỡng nằm trong đời sống sinh hoạt tâm linh của các ngư dân. Sau mỗi chuyến ra biển tôm cá đầy khoang, họ lại mang ra cúng "ngài". Ngôi đền thờ cá Ông qua nhiều biến động của lịch sử đã thay đổi đi nhiều. Hiện ngôi đền chỉ còn một gian. Chúng tôi cũng muốn tu bổ ngôi đền cho khang trang để đón khách du lịch nhưng những tư liệu về cá Ông và ngôi đền hầu như không còn. Có chăng chỉ lại những cao niên trong làng được những người đi trước chứng kiến kể lại

Ngọc Nguyễn
.
.
.