Chuyện mới ở Nậm Kè

Thứ Tư, 11/11/2015, 09:02
Nậm Kè- một xã biên giới giáp Lào của huyện Mường Nhé, cách đây 3 năm, nơi đây được cả nước biết đến là điểm nóng về ANTT. Tuy nhiên, trở lại lần này với cảm nhận của những người từ nơi xa đến, một Nậm Kè giờ yên bình, với những xóm bản đông vui, ngoài ven đường quốc lộ, hay bên những triền đồi, nhiều nếp nhà đã hình thành xóm bản mới, nương lúa đã bắt đầu xanh tốt.
Nậm Kè hôm nay đã từng bước đổi thay, màu xanh của lúa, ngô, cây rừng đã từng bước góp phần xoá đói giảm nghèo, cuộc sống của dân bản đã từng bước ổn định. Đặc biệt, người dân Nậm Kè đã mở rộng vòng tay, chia sẻ đất đai cho những người di cư từ nơi khác đến, lập bản mới theo Đề án 79, ổn định cuộc sống, cùng nhau chung tay xây dựng Nậm Kè trở thành điểm sáng trong phong trào ANTT.

Sau cơn mưa rừng của vùng cao Tây Bắc, theo chân Thiếu tá Pờ Pờ Sơn - Phó trưởng Công an huyện Mường Nhé, chúng tôi đến xã Nậm Kè, một xã biên giới đặc biệt khó khăn của vùng cực Tây của Tổ quốc. Trong những ngày tháng 10, nơi đây bước vào mùa khô, đường đi vào các bản còn rất khó khăn, nhiều bản chủ yếu là đi bộ.

Trên đường từ UBND xã Nậm Kè tới bản Nậm Kè 2, một bản mới thành lập theo Đề án 79 của Chính phủ về " Sắp xếp, ổn định dân cư phát triển kinh tế xã hội đảm bảo Quốc phòng an ninh huyện Mường Nhé đến năm 2015", Bí thư kiêm chủ tịch UBND xã Nậm Kè Lò Văn Sung vui mừng cho chúng tôi biết, Nậm Kè vốn là một xã đặc biệt khó khăn, hạ tầng kinh tế xã hội còn thấp, nhân dân chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp.

Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, những năm qua các chính sách ưu tiên đầu tư phát triển toàn diện theo các chương trình mục tiêu của Chính phủ đối với các huyện vùng sâu, vùng xa ngày càng được mở rộng, đặc biệt là Nghị quyết 30A hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, Quyết định 79 về việc sắp xếp ổn định dân cư, phát triển KTXH, đảm bảo QP-AN huyện Mường Nhé đã góp phần giữ vững ANTT trên địa bàn, người dân yên tâm sản xuất. Khi có Đề án 79 triển khai 4 điểm bản mới trên địa bàn, người dân Nậm Kè rất đồng tình và ủng hộ.

                    

Người dân bản Nậm Kè 2 vui mừng khi có bản mới.

Ông Lò Văn Sung cho biết thêm, sau sự kiện 30/4-1/5/2011, cuộc sống của người dân Nậm Kè yên bình trở lại, đời sống của người dân từng bước ổn định. Hiện, xã có có 15.392,35 ha diện tích tự nhiên, nhưng  chỉ có 779 hộ với hơn 4.318 nhân khẩu ở 12 bản, với 7 dân tộc cùng sinh sống gồm Mông, Thái, Kinh, Dao, Cống, Sán Chỉ, Si La… trong đó, đồng bào Mông chiếm hơn 60%.

Theo đề án 79, xã sẽ tiếp nhận và thành lập 4 bản mới, dự kiến mỗi bản 30 hộ. Đến nay, đã bố trí thành lập bản Nặm Kè 2 với 13 hộ đã về ở và có cuộc sống bước đầu ổn định. Đây là tín hiệu tích cực trong việc hình thành các bản mới, xây dựng mô hình bản làng tái định cư cho người dân. Từ đó, người dân từng bước nâng cao nhận thức, giảm dần tình trạng di cư tự do, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Bản Nậm Kè 2- điểm bản do Công an tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư dự án- cũng là điểm bản đầu tiên trong 4 điểm bản tái định cư, được hình thành trên địa bàn xã Nậm Kè. Bản Nậm Kè 2, nằm trên một quả đồi rất gần đường quốc lộ, đường vào bản men theo triền dốc, hiện nay bản đã có 13 hộ với 72 khẩu về sinh sống.

Đến thăm nhà của các hộ dân mới chuyển về khu tái định cư, chúng tôi có cảm giác như nhịp sống ở đây bây giờ mới thực sự bắt đầu. Những hình ảnh giản dị từ đầu bản đã cho thấy sức sống đã bắt đầu nảy mầm, ươm những mầm xanh ổn định từ giàn cây trước nhà, người dân tất bật làm nương, làm vườn trồng cây. Những luống rau trước nhà đã bắt đầu cho thu hoạch, bể nước sinh hoạt, cái chuồng lợn mới dựng, đàn gà, vịt chạy tung tăng, lũ trẻ nô đùa…

Anh Sùng A Lử - cư dân của bản Nậm Kè 2 hồ hởi cho chúng tôi biết, trước gia đình anh ở Phong Thổ - Lai Châu, sau di cư ở bản Huý To, xã Chung Chải, Mường Nhé. Gia đình với 6 khẩu sống di cư, không có đất làm nhà, đi ở nhờ, làm thuê và đi khai hoang nương rẫy, cuộc sống rất khó khăn, cực nhọc. Khi biết gia đình có trong danh sách đi tái định cư ở bản Nậm Kè 2, nhà tôi ai cũng vui, mọi người ai cũng thống nhất và đồng ý đi theo chủ trương của Đảng và Nhà nước về nơi ở mới. Về nơi ở mới từ tháng 8/2014 đến nay, anh Lử cho biết, cuộc sống của gia đình anh khá ổn định, lo tập trung sản xuất, làm nương và chăn nuôi, không di cư nữa.

Cùng chung niềm vui với những người dân mới về bản Nậm Kè 2, Trưởng bản Nậm Kè 2 Thào A Chinh- 39 tuổi vui mừng cho biết, từ tháng 8-10/2014, chính quyền địa phương cùng bà con đã xây dựng 13 căn nhà, trị giá 30 triệu đồng/nhà để hỗ trợ người dân chuyển đến nơi ở mới, hỗ trợ gạo trong 6 tháng đầu, 15kg/khẩu/tháng. Ngoài ra còn được hỗ trợ giống cây trồng, làm nhà vệ sinh.

Chính quyền địa phương cũng mượn 40 ha đất trồng cây cao su của công ty cao su Mường Nhé để các hộ dân có thể canh tác thêm. " Ở đâu không chịu làm thì cũng đói thôi, nên về bản mới người dân ai cũng đều cố gắng", anh Thào A Chính nói. Tuy nhiên, mong muốn lớn nhất của Trưởng bản Thào A Chinh và người dân bản Nậm Kè 2 là bản sớm có điện, có thêm đất canh tác, thì đời sống dân bản đỡ vất vả hơn. Theo đề án mỗi hộ được 2 ha đất canh tác, nhưng đến nay mỗi hộ mới nhận được 1ha.

Công an huyện Mường Nhé thường xuyên xuống bản gặp gỡ, trao đổi về việc đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Nhịp sống ở nơi đây đang thay đổi từng ngày, rất bình dị nhưng ai đã ghé thăm đều ấn tượng và nhớ mãi, cái bình dị lẫn trong sự đói nghèo, khắc khổ và cái lam lũ chẳng thể giấu. Và bình dị trong cả đời sống của những con người nơi đây. Bản mới, nhịp sống ở đây mới đang bắt đầu. Công an huyện Mường Nhé tích cực vận chuyển cát và xi măng lên bản để láng nền nhà cho người dân.

Đưa tay lau vội giọt mồ hôi sau khi vác một bao xi măng lên tới bản, Trung uý Tống Văn Tuyền- Công an phụ trách xã Nậm Kè 2- nở nụ cười tươi nói với chúng tôi rằng, "mùa khô mới vận chuyển cát, xi măng lên đây được, đến hôm nay đã láng xong nền cho 4 hộ. Với tốc độ này thì đến tháng 11 sẽ láng xong nền cho các hộ dân trong bản. Nhìn nhà cửa sạch sẽ, người dân ai cũng vui".

Trong câu chuyện với chúng tôi, Trung uý Tống Văn Tuyền cho biết, để có bản mới như ngày hôm nay là cả một quá trình dài cán bộ Công an các cấp đi vận động, thuyết phục người dân về an cư lập bản. Có an cư thì mới mong thoát nghèo. Bởi tập quán của người Mông sống du canh, du cư, nhiều cánh rừng ở Mường Nhé đã tan hoang. Vận động người dân về bản đã khó, giữ chân người dân ở bản còn khó hơn. Lo ngại nhất của anh và nhiều cán bộ cắm bản khác hiện giờ là người dân lại bỏ nhà lên nương, rẫy ở, con cái không đến trường.

Trung tá Thào A Hù, Đại uý Giàng A Của - Đội xây dựng phong trào và phụ trách xã về ANTT, Công an huyện Mường Nhé là những gương mặt quen thuộc với người dân ở xã Chung Chải, Leng Su Sìn. Hai anh là những người cắm chốt ở đây từ những năm 2012 vận động dân bản về nơi ở mới theo Đề án 79.

Trung tá Thào A Hù kể lại, những ngày đầu đi vận động dân cực lắm, khó khăn vô cùng. Có những bản ở xa, đi lại khó khăn, để đến được hộ dân chỉ có đi cắt rừng, đi bộ, đường đi cheo leo. Có những điểm chỉ đi được ban ngày, đi đến để gặp được người dân thuyết phục họ lại là một quá trình dài. Như hộ Sùng A Pờ Lòng trước đây làm nhà giáp với xã Tà Tỏng- Mường Tè (Lai Châu), mỗi lần đi vận động đi bộ mất gần 2 tiếng đồng hồ. Đến được nhà của Lòng, gặp được cả gia đình còn mừng hơn bắt được vàng.

Bởi, để ưng cái bụng của họ thì cần phải sự đồng thuận của cả gia đình. Khi gặp cả gia đình vận động, thuyết phục họ ưng, đồng thuận thì họ mới đi. Ở đây, đôi khi vận động, thuyết phục bố, con xong, về vợ không đồng ý thì cả nhà cũng không đi nữa. Do vậy, một lần nói không nghe, thì 2,3 thậm chí rất nhiều lần cho tới khi nào nghe thì thôi. Nghe rồi, nhưng cũng phải chờ hết mùa nương rẫy, họ đến chỗ mới khảo sát nơi ở, đất sản xuất rồi mới quyết định có đi hay không.

Kể lại hành trình đi vận động, thuyết phục của mình và đồng đội, Đại uý Giàng A Của bảo rằng, từ năm 2012 đến nay các anh vẫn luôn bám địa bàn vận động người dân về nơi ở mới, ổn định sản xuất. Năm 2013, các anh đã vận động được 24 hộ đồng ý về bản Nậm Kè 2, tuy nhiên đến ngày di chuyển, một số hộ đổi ý không đi nữa. Lý do được họ đưa ra là chờ thu hoạch hoa màu, lúa ngô đang làm cần người chăm sóc. Về nơi ở mới lo ngại không có đất sản xuất, sẽ thiếu ăn…

Từ những câu chuyện rất đời thường, đi vận động, thuyết phục cũng phải theo cái nếp sinh hoạt của người dân, để nhận được sự đồng thuận, dân ưng cái bụng thì cán bộ công an phải sống cùng dân, chỉ cho họ thấy việc mình làm, chứng minh cho họ thấy khi đến nơi ở mới có đường xá, điện, trường học, nước và các điều kiện sinh hoạt tốt hơn, đời sống được nâng lên.

Trên thực tế, từ tháng 10/ 2014 đã có 13 hộ về bản Nậm Kè 2, còn thiếu 11 hộ nữa theo Đề án 79. Do vậy, những bước chân của các chiến sĩ Công an vẫn âm thầm ngày đêm đi vận động người dân ở Huý To về nơi ở mới. Bên cạnh sự ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, người dân Nậm Kè còn tham gia tích cực phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, làm tốt công tác đảm bảo ANTT tại cơ sở.

Bản Huổi Khon và nhiều bản khác của Nậm Kè giờ đã yên bình, người dân yên tâm lao động sản xuất; người dân bản giờ nâng cao cảnh giác, không nghe, không tin theo các luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu, nhất là trong phòng chống tội phạm và mua bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới… với sự gần dân của các cấp chính quyền, Ban Công an xã và lực lượng biên phòng, ANTT nơi xã nghèo biên giới từng bước được ổn định, 12/12 bản với 778 hộ dân đã ký cam kết bảo vệ ANTT địa bàn.

Rời bản Nậm Kè 2 khi mặt trời đã ngả núi, cơn mưa rừng đã ngớt trả lại bầu không khí yên bình cho bản làng, chúng tôi ai cũng hy vọng, ngày không xa bản Nặm Kè 2 sẽ đông vui, người dân có cuộc sống ổn định, bên cạnh nương rẫy tăng gia sản xuất, tham gia các dự án trồng rừng và chăn nuôi theo dự án 30A và 135 để nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xoá đói giảm nghèo.

Lưu Hiệp - Hà Ly
.
.
.