Chuyện một cựu lính đảo Trường sa

Thứ Năm, 14/01/2016, 10:34
Gần 3 năm làm nhiệm vụ trên đảo là khoảng thời gian tinh khôi và ý nghĩa nhất trong cuộc đời Tiểu đội trưởng DKZ82 Lê Hải Châu. Ký ức ngày Tết giữa biển khơi, những cánh thư từ đất liền, tình yêu, tình đồng đội vẫn vẹn nguyên trong tâm khảm của người lính đảo. Để rồi, khi đã trở thành một người hùng trên thương trường, cựu chiến binh Lê Hải Châu vẫn luôn mang một nỗi nhớ khắc khoải về Trường Sa.


Ký ức Trường Sa của người lính đảo

Chiến tranh và những lần theo mẹ đi di tản đã tạc sâu vào tâm trí của cậu bé Lê Hải Châu, tuổi thơ của anh in hằn sự khốc liệt của đạn bom oanh tạc tàn khốc xuống vùng quê Bắc bộ. Hình ảnh những thanh niên hừng hực khí thế ra trận, những nụ cười, bàn tay vẫy mãi trên sân ga và cả giọt nước mắt kẻ ở người đi nhuộm trắng ký ức của anh. Để rồi, khi mới 18 tuổi, Lê Hải Châu xung phong lên đường nhập ngũ, biên chế thuộc Lữ đoàn 146, vùng 4, Hải quân.

Sau thời gian huấn luyện tân binh, Lê Hải Châu được chuyển đến đảo Phan Vinh (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) làm nhiệm vụ. Ngày đầu mới đặt chân lên đảo, những anh lính tuổi 18 đôi mươi như Lê Hải Châu đã rất khó khăn để thích nghi trên một hòn đảo không có cây xanh, không có nước ngọt, xung quanh  là nước biển xanh ngăn ngắt và những rặng san hô khổng lồ bao bọc.

Ngày Tết, anh về trang trại của mình ở Bảo Lộc để tịnh tâm.

Vài ngày lạ lẫm trên đảo nhưng rồi cái nắng, gió và vị mặn của biển cả "bôi chát" thẩm thấu vào làn da, giọng nói khiến Lê Hải Châu nhanh chóng vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ đất liền. Điều đặc biệt, anh đang được đứng chân trên một hòn đảo mang tên thuyền trưởng tàu không số Nguyễn Phan Vinh đã anh dũng hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ trên biển, điều đó càng tô thắm thêm niềm tự hào về lớp cha anh đi trước, tiếp thêm sức mạnh, ý chí, tinh thần để những chiến sĩ trên đảo luôn vững tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Chiều về, đảo Phan Vinh như dải lụa dát vàng bởi hoàng hôn nơi góc biển, từng cánh sóng êm dịu vỗ nhẹ vào bờ cát trắng. Tuy nhiên, vẻ đẹp trữ tình ấy không lấn át được cuộc sống thiếu thốn trăm bề ở đảo. Một ngày mỗi người chỉ có 2 lít nước ngọt để vừa uống vừa sinh hoạt, hễ được cơn mưa nào là anh em lao ra tắm gội thỏa thuê, rồi hứng nước mưa thành từng can, chôn sâu dưới đất làm của để dành, những can nước mưa quý hơn bất cứ thứ gì ở đảo.

Vì không thể trồng được rau xanh nên anh em suốt ngày làm bạn với dưa chua muối thật mặn. Mùa biển động, sóng xô cát đánh vào đảo trắng xóa, áo lính đảo như được dát những hạt ngọc lấp lánh. Con vật nuôi được trên đảo duy nhất chỉ có chó. Đôi khi một tiếng chó sủa cũng khuấy động không gian thanh bình ở đảo.

Không khí trên đảo háo hức nhất là những dịp Tết đến xuân về, vì có tàu tiếp phẩm từ đất liền ra. Ngoài việc tiếp tế nhu yếu phẩm, tàu còn mang theo những món quà thân thương của đất liền. Đó có thể là một cánh thư, một cuốn sổ hay chỉ là chiếc khăn tay của cô gái gửi lính đảo, nhưng niềm hạnh phúc đã lan tỏa hơn cả những con sóng bạc đầu.

Kỷ niệm nhớ nhất của Tiểu đội trưởng DKZ82 Lê Hải Châu những năm đón Tết ở đảo là có một đoàn văn công nữ theo tàu ra biểu diễn văn nghệ. Lính trên đảo thiếu thốn tình cảm, sống khô cằn như sỏi đá bỗng xuất hiện những cô gái như thiên thần, miệng cười chúm chím, hát những bài ca về quê hương đất nước, về biển đảo Tổ quốc như sóng như gió khiến các anh lính trẻ được một cái Tết "say" chất ngất.

Tiểu đội trưởng Lê Hải Châu thời trong quân ngũ.

Đã có những tình yêu "nảy nở" trong mùa tiếp phẩm, đã có những câu hẹn câu thề giữa biển cả mênh mông. Và đã có những "gia đình" sau ngày anh lính về thăm quê. Năm 1988, Lê Hải Châu ra quân trở về đất liền. Gần 3 năm làm nhiệm vụ trên đảo là khoảng thời gian tinh khôi và ý nghĩa nhất trong cuộc đời của anh.

Sau gần 30 năm rời quân ngũ, nhưng trái tim cựu chiến binh Lê Hải Châu vẫn luôn hướng về biển. Đảo Phan Vinh bây giờ đã trồng được cây xanh, đã có tiếng chuông chùa bình an ngân vang trong mỗi sớm mai và những công trình xây dựng cũng kiên cố vững vàng hơn.

Cả đất nước, cả dân tộc cùng hướng về biển đảo, dành những tình cảm cao quý nhất cho những người lính đang ngày đêm canh biển, canh trời nơi "đầu sóng ngọn gió". Những đồng đội năm xưa một thời cùng ăn, cùng ngủ, cùng chia nhau chén nước chè, chia nhau mẩu thuốc lá, cùng chụm đầu vào nhau ngấu nghiến đọc thư đất liền, nay mỗi người một nơi, nỗi nhớ trong Lê Hải Châu chưa bao giờ nguôi ngoai, anh mong một lần được tao ngộ, tương phùng với các đồng đội. Trong đó, có người thủ trưởng đáng kính Hoàng Xuân Đương, khi ấy là Đại đội phó Chính trị đảo Phan Vinh. Với Lê Hải Châu, Trường Sa luôn là nỗi nhớ, là một điều gì đó khắc khoải trong trái tim anh.

Xung kích thời bình

Với tư duy tiến bộ và bản tính không chịu phụ thuộc gò bó, chỉ một thời gian ngắn làm việc trong Sở Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, Lê Hải Châu đã có quyết định khiến nhiều người ngỡ ngàng: Từ bỏ chốn quan quyền để đi theo con đường kinh doanh, làm giàu bằng chính nội lực của bản thân. Không ít bạn bè nhìn anh ái ngại, bởi sự liều lĩnh, táo bạo trước vận mệnh cuộc đời.

Năm 1992, khi ấy Lê Hải Châu mới ngấp nghé 24 tuổi, cái tuổi nhiều người cho rằng còn quá non trẻ để dấn thân vào thương trường vốn khốc liệt như chiến trường. Lê Hải Châu xuất phát điểm bằng việc thành lập công ty tư vấn trọn gói cho doanh nghiệp.

Với khả năng giao tiếp lưu loát, tầm hiểu biết sâu rộng, làm chủ ý tưởng, vấn đề nên chỉ trong thời gian ngắn, tên tuổi Lê Hải Châu được nhiều người biết đến. Nhiều ý tưởng táo bạo được Lê Hải Châu nhìn ra và áp dụng thành công. Đơn cử như việc nung gạch từ cát biển, sáng chế công nghệ làm kem mini, chế biến cá viên chiên từ các loại cá tạp, thành lập nhà máy sản xuất nhựa và bao bì…

Những ngày này, Lê Hải Châu lại đi thăm hỏi đồng đội ở vùng sâu, vùng xa.

Con đường làm giàu của Lê Hải Châu đang băng băng như diều gặp gió thì đứt giữa không trung, anh rơi xuống đất một cú thật mạnh và mất tất cả. Lê Hải Châu đã phải cầm cố căn nhà đang ở và gánh trên đầu một khoản nợ khổng lồ, tưởng như sẽ nhấn chìm anh xuống đáy đại dương.

Vấp ngã từ đâu thì đứng lên từ đó, trong quan niệm sống của mình, Lê Hải Châu không bao giờ có chữ "Không". Đó là điều đặc biệt làm nên tính cách khác người của Lê Hải Châu. Ngày xưa ra đảo, mọi khó khăn gian khổ, hiểm nguy anh đều vượt qua, chất can trường, rắn rỏi của lính vẫn luôn ngự trị trong con người Tiểu đội trưởng năm nào. Và đây chính là chìa khóa vàng giúp Lê Hải Châu mở ra những cánh cửa "thần kỳ" trong cuộc chiến thương trường.

Anh là người đầu tiên được tôn vinh là ông vua "biệt dược" với công nghệ sản xuất, chế biến cao ngựa mang thương hiệu Chu Việt nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà ra cả thế giới. Đam mê, trăn trở với ngựa, Lê Hải Châu đã tìm sang tận Mông Cổ, Trung Quốc, những vùng thuần dưỡng nhiều ngựa nhất thế giới để tìm hiểu. Anh lăn lộn trên cao nguyên Mông Cổ cả ngày cả đêm với các thổ dân nuôi ngựa, nghe từng hơi thở của ngựa. Về Việt Nam, anh cho ra đời những đặc sản từ ngựa như cao xương ngựa, xúc xích ngựa, Mã Pín Tửu… nổi danh đến ngày nay.

 Cuộc đời của Lê Hải Châu là những chuyến đi, đôi chân của anh sinh ra như "con ngựa bất kham", chạy mãi vẫn chưa chùn. Không chịu dừng lại ở những sản phẩm về ngựa, Lê Hải Châu còn "đánh" sang lĩnh vực biệt dược thiên nhiên. Say sưa với ý tưởng mới, giữa trưa nắng, anh vẫn cặm cụi kiểm tra lại lần cuối mặt hàng đông trùng hạ thảo để đưa ra thị trường.

Ngoài ra, Lê Hải Châu còn là người tiên phong nghiên cứu, sản xuất tỏi đen và hướng dẫn cho mọi người cùng làm. Bên cạnh đó là dự án bảo tồn, phát triển và tiến tới sẽ đưa sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm phổ biến hơn cho người tiêu dùng và vươn ra thế giới.

Vẫn dáng người đậm chắc, nước da ngăm đen nhuộm đặc vị biển, anh lính đảo Lê Hải Châu năm nào giờ là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên thường vụ Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam, Phó chủ tịch Trung ương Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.

Dù bận trăm công nghìn việc nhưng Tết nào anh cũng dành thời gian đi tặng quà, thăm hỏi những người lính có hoàn cảnh khó khăn, các gia đình có công, Mẹ Việt Nam anh hùng. Anh sẵn sàng chia sẻ, truyền đạt kinh nghiệm làm kinh tế cho các cựu chiến binh khắp mọi miền đất nước.

Với những gì đã và đang làm cho cộng đồng, cho đất nước, cựu chiến binh Lê Hải Châu được nhận nhiều bằng khen, huân, huy chương của Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ y tế... Nhưng trên hết, có một điều không thể phủ nhận, anh là một doanh nhân có "Tâm và tài".

Lê Hải Châu tâm sự rằng, những dịp Tết đến xuân về là khoảng thời gian để anh lắng mình lại sau guồng quay hối hả của một năm. Và thường thì anh lại đi về trang trại của mình tại Lâm Đồng. Một mình giữa rừng sâu để tịnh tâm và kiểm lại những gì đã qua và kế hoạch sắp tới. Tôi thầm chúc anh qua Tết Nguyên đán này, sẽ có thêm sản phẩm mới đến với mọi người, để cả xã hội đều được hưởng thụ. 

Ngọc Thiện
.
.
.