Chuyện người bảo tồn áo A Mưng của đồng bào Pa Cô

Thứ Năm, 19/07/2018, 15:48
Ở một vùng biên giới xa xôi của tỉnh Quảng Trị, vẫn còn một nghệ nhân làm áo A Mưng để nhắc nhở cháu con mình về một thời kỳ dài khổ cực, lạc hậu, từ đó biết trân trọng, giữ gìn niềm hạnh phúc lớn của ngày hôm nay.


Áo A Mưng là loại áo được làm trực tiếp từ vỏ cây rừng. Trải qua thời gian với bao phát triển, đổi thay, loại áo này dường như đã biến mất ngay trong các bảo tàng. Nhưng ở một vùng biên giới xa xôi của tỉnh Quảng Trị, vẫn còn một nghệ nhân làm áo A Mưng để nhắc nhở cháu con mình về một thời kỳ dài khổ cực, lạc hậu, từ đó biết trân trọng, giữ gìn niềm hạnh phúc lớn của ngày hôm nay. Người nghệ nhân ấy tên là Vỗ Hươi, người dân tộc Pa Cô, ở bản Tân Đi 3, xã A Vao, huyện rẻo cao Đakrông.

Theo lời giới thiệu của anh Hồ Văn Phương, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đakrông, từ TP Đông Hà, chúng tôi ngược lên QL9, vượt hơn 100km đường rừng đèo dốc quanh co đến thị tứ Tà Rụt, Đakrông. 

Từ đây rẽ trái theo con đường quốc phòng Tà Rụt đi Pa Lin dài gần 30km, nhưng mất tới 3 giờ đồng hồ đánh vật với cơ man đá dăm, đá tảng, ổ voi ổ gà và những con dốc dựng ngược lên trời, mới tới được bản Tân Đi 3 nằm sát biên giới Lào.

Áo A Mưng do nghệ nhân Vỗ Hươi làm đang được trưng bày, bảo tồn tại Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đakrông.

Tân Đi 3 là bản cuối cùng của xã A Vao. Khi chúng tôi đến, đồng hồ điểm 12h trưa, nắng ngoài trời 43 độ C, làm hoa mắt người đi đường. Nhưng hầu hết bà con ở đây không nghỉ ngơi. Trẻ em và phụ nữ ngồi bên cửa sổ nhà sàn, vừa tách hạt bắp vừa nói chuyện rôm rả. 

Hỏi nhà nghệ nhân Vỗ Hươi, họ đồng loạt chỉ tay về phía bìa rừng xa chừng 300m, ở đó hiện ra căn nhà cuối cùng của bản. Sau nhiều lần gõ cửa, nhưng không có người ở nhà, chúng tôi quay lại chỗ cũ, bà con mới cho hay, Vỗ Hươi là già làng của bản, ông đang tổ chức cúng vụ mùa mới bên khe suối trong rừng.

Lũ trẻ xăng xái dẫn chúng tôi đi gặp già làng, mặc dù không có lời nhờ vả, thậm chí chúng tôi còn khuyên chúng nên ở nhà kẻo nắng. Già làng Vỗ Hươi trong bộ áo dài rộng màu đỏ, quỳ trước bàn tiệc lớn, đọc văn cúng và cúi lạy trời đất. 

Ông Hồ Ta Rin, một trong những người tham gia lễ cúng ở đây cho biết: "Lễ mỗi năm được tổ chức một lần, khi bắt đầu một vụ mùa mới, con người đụng chạm tới đất đai, núi rừng phải cầu xin thần linh cho phép và phù hộ bình yên, mùa màng tốt tươi. Riêng lễ cúng năm nay có thêm một lễ kèm đặt biệt. Đó là lễ thông báo với trời đất và xin phép thần linh cho người trưởng lễ được phép nghỉ ngơi vì tuổi cao, sức yếu".

Xong lễ, già làng Vỗ Hươi bước chầm chậm ven theo con suối nhỏ về nhà. Ông vừa đi vừa kể cho chúng tôi nghe lý do ông quyết định làm áo A Mưng trở lại. 

"Già không biết người Pa Cô làm áo này từ lúc nào. Riêng già học làm nó từ bố của mình khi ông ấy khoảng 30 tuổi, cách đây gần 1 thế kỷ. Hồi đó, giặc Pháp rồi Mỹ đang xâm chiếm nước ta, mọi đường đi lối lại với bên ngoài đều bị bom đạn cắt đứt; đồng bào ở đây vì thế rất cực khổ. Mọi cái ăn cái mặc đều phải dựa vào núi rừng. Trong đó có việc người dân tìm cây rừng để làm quần áo mặc hàng ngày.

Già làng Vỗ Hươi hạnh phúc kể chuyện cho các cháu nhỏ trong bản.

Tuy nhiên, qua kinh nghiệm nhiều năm, người Pa Cô nhận thấy chỉ có vỏ cây A Mưng là thích hợp cho việc làm quần áo. Vỏ cây này sau khi phơi khô rất nhẹ và bền, lại không bị mối mọt. Đặc biệt, nó có tác dụng điều hòa thân nhiệt người mặc. 

Bên cạnh, nó còn được dùng làm chăn đắp rất ấm. Cây có đặc điểm thân gỗ mềm, từ gốc lên 3 đến 4m không có mắt cây. Việc tìm kiếm, nhận biết nó vì thế không khó, nhưng rất hiếm. A Mưng chỉ mọc những chỗ trũng giàu phù sa, nhưng không bị ngập nước", già làng Vỗ Hươi cho biết. 

Đoạn ông chỉ tay lên ngọn núi cao nằm đối diện với ngôi nhà của mình, bảo đi qua ngọn núi ấy thì một thung lũng có khá nhiều cây thông. Xen giữa chúng hiện vẫn còn một số cây A Mưng cổ thụ. Cách đây 4 năm, khi còn sức khỏe băng rừng lội suối, ông đã một mình đến đó với mục đích khảo sát, tìm kiếm nó để bảo tồn. 

Tôi chợt hỏi già Vỗ Hươi về lý do mà già quyết định làm việc này? Đưa cánh tay già yếu đẩy nhẹ cánh cửa ngôi nhà sàn vốn khép hờ như chỉ để thông báo nhà vắng người mà không phải đề phòng, ngăn chặn trộm cắp, già chậm rãi bước vào lục tìm trong túi chiếc áo đại cán cũ kỹ đem cho tôi xem tấm thẻ chứng minh nhân dân của già.

Tôi ngạc nhiên hỏi, tấm thẻ này có liên quan gì tới A Mưng? Già khẽ bảo, giọng trầm ấm: "Cuộc sống có nhiều thứ phải được đánh dấu, ghi nhớ bằng các giấy tờ, văn bản hành chính và pháp luật. Nhưng cũng có nhiều thứ tồn tại qua thời gian mà không cần tới những giấy tờ, văn bản đó. Ở đây, nếu để ý và chiêm nghiệm, con người sẽ nhận ra những thứ được đánh dấu và ghi nhớ ấy thường có giá trị đời sống văn hóa tinh thần thấp hơn, sự tồn tại cũng ngắn ngủi hơn nhiều lần".

"Chẳng hạn, trên tấm thẻ chứng minh nhân dân này ghi già sinh năm 1934. Nó có tác dụng ghi nhớ cho già về năm sinh và hỗ trợ già trong các hoạt động mang tính chất hành chính của cộng đồng, xã hội. Còn A Mưng đến nay chưa có một giấy tờ, văn bản nào ghi nhớ về nó. 

Nhưng sự tồn tại cũng như giá trị văn hóa, tinh thần của nó đối với đồng bào Pa Cô trên dãy Trường Sơn này là vượt thời gian, ăn sâu vào tiềm thức của mỗi con người ở đây. Đó cũng là lý do mà người Pa Cô phải có trách nhiệm bảo tồn nó, nhớ về nó như một kỷ niệm đẹp đẽ nhất từng có, không thể nào quên trong đời sống văn hóa, vật chất của mình", già làng Vỗ Hươi đưa ra ví dụ và phân tích.

- Hiện nay, người Pa Cô có còn làm áo A Mưng không, thưa già!? - Tôi hỏi già Vỗ Hươi.

- Già là người cuối cùng! Lần cuối già làm cách đây đã 4 năm, sau lần lội suối trèo đèo tìm cây A Mưng khuất sau ngọn núi cao ấy.

- Làm áo A Mưng bằng cách nào?

- Sau khi chọn được cây to, thân cây không bị sẹo, người làm áo dùng một khúc gỗ có tác dụng như một cây búa gõ đều vào thân cây nhằm cho vỏ nó bong ra. Khi gõ được 1 sải tay (khoảng 2m) thì mang về phơi khô rồi lấy chính vỏ nó làm chỉ để may thành áo. Để làm được 1 cái áo A Mưng mất khoảng 3 ngày, gồm một ngày gõ vỏ cây và 2 ngày may - ông trả lời tôi.

Ông Hồ Văn Phương, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đakrông cho biết: "Già làng Vỗ Hươi là một nghệ nhân làm áo A Mưng. Tháng 4-2018, già từ bản Tân Đi 3 xa xôi mang ra cho đơn vị 2 chiếc áo vỏ cây này vừa làm được. 

Lúc biết chuyện, anh em ở đây hết sức vui mừng vì trong thực tế từ lâu người Pa Cô đã không còn làm loại áo này. Việc phát hiện hay có được nó để bảo tồn là cần thiết bởi nó có giá trị cao về mặt lịch sử, phục vụ trong lĩnh vực nghiên cứu, tìm hiểu đời sống văn hóa, vật chất của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Trường Sơn". 

"Sau khi tiếp nhận 2 chiếc áo này do nghệ nhân Vỗ Hươi trao tặng, chúng tôi đã trưng bày, bảo tồn chúng rất cẩn thận ở Phòng Trưng bày, bảo tồn các di vật lịch sử của đơn vị. 

Song song với việc làm đó, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu sâu hơn về sự hình thành, tồn tại của loại áo được làm trực tiếp từ vỏ cây này của người Pa Cô trong quá khứ; quá trình thay đổi, phát triển đi lên của đời sống đồng bào cũng như những hạn chế, lạc hậu còn tồn tại để tháo gỡ, khắc phục", ông Phương cho biết thêm.

Cuộc sống bình yên của người Pa Cô ở Tân Đi 3 hôm nay.

Trở lại câu chuyện với già làng Vỗ Hươi, ông bồi hồi kể: "Già vinh dự được đi theo bộ đội tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, cứu nước. Ngày xưa bom đạn rất cơ cực, người Pa Cô ở đây cũng vì bom đạn và bệnh tật mà chết dần, có lúc chỉ còn nửa bản. 

Sau khi đất nước giải phóng, bà con từ nhiều nơi trong núi rừng về lại bản, dựng lại nhà cửa để sinh sống. Bây giờ cuộc sống còn không ít khó khăn do địa hình núi rừng hiểm trở, thời tiết quanh năm khắc nghiệt, song cuộc sống của bà con đã đổi thay so với trước gấp hơn cả trăm lần. Già vẫn hàng đêm kể cho con cháu nghe những chuyện quá khứ để chúng soi vào hiện tại mà sống tốt hơn, có ích hơn cho bản thân mình, gia đình và xã hội".

Kể đến đây, già bỗng dẫn chúng tôi tới trung tâm của bản, chỉ tay vào một cái cây xanh tốt, ở đó bọn trẻ đang quây quần chơi trò đồng dao dưới tán mát, bảo: "Cây này chính là cây A Mưng. 4 năm trước, già đưa nó về đây trồng để lớp trẻ sau này hiểu hơn về lịch sử của cha ông mình, cũng như nhắc nhở chúng về một thời kỳ khó khăn, gian khổ mà biết quý trọng, giữ gìn hạnh phúc của hiện tại; đồng lòng đồng sức cùng nhau xây dựng và phát triển bản làng, xã hội ngày một tốt đẹp hơn!".

Chia tay già làng Vỗ Hươi khi ánh mặt trời khuất dần sau dãy núi, tôi nhớ mãi khuôn mặt phúc hậu, nụ cười hiền cùng câu chuyện về chiếc áo A Mưng của ông. 

Ở tuổi 84, theo quy luật sinh tử của con người, ông rồi cũng sẽ về với trời xanh mây trắng. Song có lẽ nhiều năm sau, người ta vẫn còn nhớ đến ông, nhớ đến chiếc áo A Mưng đang được trưng bày, bảo tồn tại Phòng Văn hóa- Thông tin huyện rẻo cao Đakrông - như một kỷ niệm đẹp đẽ nhất từng có của đời sống vật chất, tinh thần con người trên dãy Trường Sơn đại ngàn… 

Phan Thanh Bình
.
.
.