Chuyện người vợ ba lần đợi chồng ở tù

Thứ Ba, 20/01/2015, 08:00
Tên là Đảm và đảm thật, nhưng bao năm chị phải vò võ đợi chờ. Chồng chị chịu phạt tù vì những lỗi lầm anh đã gây ra, chị một mình chăm con. Khi chồng trả xong án trở về, chị lại đảm đang chăm lo tổ ấm, giúp anh làm lại cuộc đời.

Cái duyên khó lý giải

Ngoài rìa thôn Cẩm Du, xã Thanh Lưu (Thanh Liêm, Hà Nam) có một trang trại nhỏ trông ra cánh đồng. Đó là chỗ mưu sinh của vợ chồng chị Nguyễn Thị Đảm. Trang trại thông thốc gió, cảnh vật còn đơn sơ và chính những người đang làm lụng nơi đó cũng đang tích cực tìm cách để tổ ấm được bình yên. Người dân nào ở thôn Cẩm Du cũng nể phục chị. Nể vì chị dám yêu và lấy một người từng phải ở tù là một nhẽ, đằng này chị còn gắng gỏi làm lụng đầu tắt mặt tối để có điều kiện thăm nom chồng suốt nhiều năm ở tù. Mùa hè nắng chang chang chị cần mẫn làm thuê, trồng rau, cày ruộng. Mùa đông rét mướt, chị vẫn một thân một mình lội ruộng cấy rau, lúc ngơi việc lại tất tưởi vào thăm chồng.

Bởi thế có người nói chị ăn phải bùa mê thuốc lú nên mới chấp nhận yêu và lấy anh. Có người nói chị sinh nhầm số đợi, nên phải đôn đáo vừa chờ vừa phục dịch chồng. Lại có người nói chị hy vọng ở anh, tưởng rồi sẽ  sướng vậy mà cứ khổ mãi. Ai nói gì chị cũng bảo: “Số phận nó thế, duyên trời định vậy, biết làm sao!”.

Nói thì vậy thôi nhưng chị yêu anh thật lòng thật dạ, từ khi anh Hùng còn cải tạo ở Trại giam Ba Sao (Kim Bảng, Hà Nam), năm 2003. Điều đó khiến đến bây giời chị Đảm vẫn chưa lý giải nổi. Về hoàn cảnh của anh, chị chỉ biết rằng năm 1983, anh Hùng phạm tội ngộ sát, bị kết án 17 năm tù giam, vì có sức khỏe, lại chịu khó nên thường được giám thị phân công chăn trâu, làm ruộng giúp người dân quanh vùng. Khi đó, chị Đảm theo cha mẹ về xã Ba Sao trồng chè, hai người đã gặp gỡ nhau. Đảm thấy Hùng hiền lành, đáng thương và cuối cùng không thể yêu được ai khác. Thêm một điều khó lý giải là tại sao khi đó bố mẹ lại động viên chị yêu anh? Rồi tình yêu giữa hai người lớn dần cùng số ngày Hùng được giúp đỡ người dân. “Bao nhiêu người chị chẳng chọn, lại chọn anh Hùng cậu ạ. Người ta hỏi thì chị bảo anh ấy dù sao cũng là “tù tốt”. Yêu là xác định chờ đợi để cưới nhau, chị mong ngày bù đắp cho anh ấy”, chị Đảm tâm sự. Khi được hỏi thêm, rằng sau này chị có hỏi cha mẹ mình, tại sao lại đồng ý cho con gái yêu một người tù, rồi đợi chờ người đó như vậy. Chị Đảm bảo, chị có hỏi lại, đó là những lúc ông bà vui. Cha mẹ chị tủm tỉm cười: “Thấy nó hiền lành đấy chứ. Chỉ mong sao nó không để mọi người thất vọng”.

Vợ chồng chị Đảm chuẩn chọn trứng để đi chợ.

Đến năm 2005, tình yêu của chị Đảm được đền đáp, khi anh Hùng được giảm án năm năm. Đảm và Hùng đã có một đám cưới khá đông vui ở nông trường chè Ba Sao. Cưới xong hai người đưa nhau về quê anh Hùng ở xã Thanh Lưu thuê đất làm trang trại. Nhờ chăm chỉ làm ăn, họ có chút vốn liếng và hơn thế là một cậu con trai kháu khỉnh. Đảm nghĩ rằng, công lao chờ đợi và động viên Hùng, gieo mầm hạnh phúc trong suối những ngày tháng qua cuối cùng cũng nảy lộc đâm chồi.

Nhọc nhằn chờ chồng

Song sự thử thách của số phận đối với chị vẫn còn, bắt chị phải trải qua khổ cực đến hai lần nữa. Đó là một ngày “đang yên đang lành” thì chị nghe tin anh Hùng bị Công an xã bắt. Hỏi vì sao thì được biết anh theo nhóm bạn đi chơi, qua trạm bơm thấy chiếc mô-tơ lớn, cả nhóm cuỗm lấy mang đi bán kiếm bữa nhậu. Vậy là Hùng lại bị kết án ba năm, sáu tháng tù giam về tội trộm cắp tài sản. Nghĩ lại ngày đó, chị Đảm thổn thức: “Lúc anh Hùng trở lại Trại giam Ba Sao cải tạo, giám thị trại mắng lắm. Các anh ấy bảo rằng ra cộng đồng thì phải sống sao cho tốt, đừng để phải trở lại đây nữa. Rồi các anh ấy lại động viên để cải tạo cho tốt. Chị đã tủi thân đến không chịu nổi. Hy vọng ở chồng thế, cuối cùng anh ấy…”.

Nhưng nếu mãi ôm nỗi tủi thân, chán nản thì chẳng còn sức chăm con nhỏ và tiếp tế cho chồng cả vật chất lẫn tinh thần để “anh ấy đừng gầy đi nhiều”. Đảm chọn cách đứng dậy, đương đầu với khó khăn, kể cả có thời gian hai mẹ con ngủ đêm bị kẻ nghiện ngập gõ cửa “xin đểu”. Chị Đảm cứng rắn, chẳng để ai hại nổi mình. Chị Đảm thổ lộ: “Mấy gã đó tưởng ở nhà hai mẹ con giữa đồng không mông quạnh thì dễ bắt nạt. Chị chỉ cần yếu đuối là bị họ hại hoặc trộm của ngay. Nhưng chị đã khôn khéo nhờ họ hàng can thiệp, để mắt giúp và đã sống yên ổn”.

Ở trong lao tù, nhờ sự cần cù, cải tạo tốt Hùng được giảm chín tháng và đến ngày 30-9-2010, anh được trở về với vợ con. Chồng về đỡ đần công việc, chăm con, Đảm vui lắm. Chị cứ bảo anh: “Bố cu đừng dại dột thêm lần nào nữa nhé. Em sợ lắm. Em chịu đủ rồi!”. Thật cảm động.

Vợ chồng chị Đảm chuẩn bị đi cày ruộng.

Nghe những lời đó, anh Hùng khóc và ôm vợ con, hứa sẽ chẳng đi đâu nữa, chỉ ở nhà chăn lợn trồng rau cấy lúa thôi. Song, chưa đầy một năm sau, án mạng lại xảy ra tại nhà chị Đảm. Chị xót xa: “Anh ấy nể bạn, cho đám bạn đến chơi rồi ngồi sân cờ bạc, cãi nhau dẫn đến ngộ sát. Anh Hùng lại bị kết án hai năm tù về tội chứa chấp cờ bạc”. Nghe vợ tâm sự đến đây, anh Hùng phân bua: “Đó là do tai họa giáng xuống, chứ tôi thực lòng chẳng muốn dính dáng đến những chuyện đó đâu. Xảy ra chuyện người này đâm người kia, tôi đã mang đi cấp cứu nhưng không kịp. Thật chán!”.

Thêm một lần chị Đảm nuốt nước mắt ôm con trong nỗi đau, bảo chồng: “Em vẫn đợi anh mà”. Anh Hùng không vào cải tạo ở trại giam Ba Sao, mà được đưa về Trại Ninh Khánh (Ninh Bình). Chị Đảm sống nuôi con, giáp mặt với cánh đồng thông thốc gió thổi, tràn cả vào trang trại nhỏ cỏ mọc xanh um. Đã có lúc chị tiếc cho tuổi trẻ của mình. Vì sao cũng là con gái đi lấy chồng, mà mình ra nông nỗi này? Cũng may, hàng xóm láng giềng động viên, an ủi: “Nó đi rồi nó lại về”. Đảm tin điều đó. Chị lấy việc làm ruộng, thả cá giải khuây để lần nào vào gặp chồng, cũng vẫn một nụ cười lạc quan: “Anh khỏe chứ? Hai mẹ con em ở nhà rất ổn, khỏe mạnh. Chỉ mong sao anh cải tạo tốt để sớm về đoàn tụ với gia đình. Em biết, anh thương vợ con. Hai mẹ con cũng thương anh. Ở nhà ai cũng thương anh”.

Chưa đầy hai năm Hùng được tha tù. Vùng quê chiêm trũng với người vợ đảm lại dang tay đón anh. Hai vợ chồng bảo nhau vay vốn, nuôi cá, chăn lợn. Tuy nhiên, suốt những năm tháng ở tù, có thể nói sự tiếp nhận thông tin ngoài xã hội của anh Hùng dường như chẳng được bao nhiêu, nên anh gặp khó khăn trong triển khai làm ăn. Vì ở xã Thanh Lưu có khá nhiều trang trại, và người ta đã tiến rất xa. Chưa hết, việc vay vốn làm ăn với anh cũng không đơn giản. Bởi dù sao, anh Hùng cũng là người mới trả xong án tù. Nhưng dần dần, mọi người cũng hiểu và giúp đỡ vợ chồng anh chị nhiều hơn.

Chưa có gì là muộn

Người ta bảo anh Hùng nợ vợ nhiều quá. Đúng thôi, nhưng chị Đảm không tính đếm điều đó. Từ giờ trở đi, chị sẽ tính đếm và trân trọng những ngày tháng quý giá mà chị đang chắt chiu. Đồng thời chị cảm ơn chính quyền địa phương, trong đó có ông Lê Quang Vinh, Trưởng Công an xã Thanh Lưu đã cưu mang anh Hùng. Tất cả hy vọng anh Hùng phải tốt lên, không tái phạm bởi sẽ không có cơ hội nào cho anh nữa, vì mọi người đã tạo điều kiện hết mức cho anh rồi. Anh Hùng đã hứa không qua lại với bất cứ thành phần không tốt nào.

- Chị có bao giờ ân hận vì chọn anh ấy?

- Không, chị chỉ thấy khổ và chắc khổ đủ rồi. Giờ sẽ chẳng có chuyện gì nữa.

- Nhưng giờ anh ấy đã có tuổi, chị cũng chẳng còn trẻ, tạo dựng cuộc sống mới có bị muộn?

- Chưa muộn đâu. Anh ấy từng vấp ngã, phí phạm tuổi xuân, chị biết là anh ấy cũng nghĩ như chị. Sẽ cố gắng mạnh mẽ, sống tốt. Chị cũng sẽ cảm hóa và giúp đỡ, để anh Hùng đừng mắc thêm một sai lầm nào khác. Chỉ một lần nữa thôi thì sẽ chẳng thể nào cứu vãn nổi.

Nghe vợ tâm sự đến đây, anh Hùng thốt lên: “Em đã cứu đời anh. Em đúng là Đảm!”.

Cuối chiều, anh Hùng giúp vợ chọn trứng để ngày mai chị Đảm mang ra chợ bán. Cuộc sống hạnh phúc và lương thiện được xây đắp từ chính những việc làm nhỏ bé như thế. “Từ giờ, chị sẽ động viên, cảm hóa anh ấy, để đừng tái phạm thêm một sai lầm nào nữa”, chị Đảm nói. Ông Lê Quang Vinh, Trưởng Công an xã Thanh Lưu cũng tin tưởng: “Anh Hùng đã trả xong án trở về, bà con, chính quyền dang tay nhận và giúp đỡ, hy vọng anh ấy không phụ lòng mọi người”.

(Hết lần này đến lần khác tin tưởng chồng, rồi phải nhận về những trái ngang, chị Đảm vẫn tha thứ, chăm sóc, hy vọng và chờ đợi, mong ngày hạnh phúc mỉm cười.)

Ngô Thục Miên
.
.
.