Chuyện những công dân IVF đầu tiên ở Nghệ An

Thứ Hai, 22/01/2018, 07:32
Những đứa trẻ đầu tiên chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) ngay tại quê hương xứ Nghệ đã đưa ngành Y tế Nghệ An đến một bước ngoặt mới trong điều trị vô sinh, hiếm muộn.

Sau bao nhiêu năm mòn mỏi chờ đợi, giờ đây, hy vọng về những tiếng cười trẻ thơ ngập tràn căn nhà hạnh phúc đã lại thắp lên cho những gia đình neo khó ở tỉnh nghèo trên dải đất miền Trung.

Sau Phú Thọ, Quảng Ninh và Thái Nguyên, đến lượt Nghệ An là tỉnh thứ 4 trong cả nước trở thành địa phương có bệnh viện tuyến tỉnh thực hiện thành công phương pháp điều trị vô sinh bằng thụ tinh nhân tạo. Liên tiếp các em bé chào đời, trong đó có cả những ca song sinh đã biến nỗi khát khao được làm cha, làm mẹ của nhiều cặp vợ chồng thành hiện thực, sau những năm dài vắng tiếng trẻ thơ.

Thắp lửa hy vọng cho gia đình hiếm muộn

Ngày 17-11-2017 là thời khắc đánh dấu sự thăng hoa đỉnh cao trong điều trị vô sinh, hiếm muộn của ngành Y tế Nghệ An. Vào lúc 8h20', ca sinh mổ đầu tiên được đội ngũ y bác sĩ thuộc Đơn vị hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa (HNĐK) Nghệ An thực hiện thành công đối với sản phụ Trần Thị Tâm (35 tuổi), trú tại huyện Hưng Nguyên. Bé gái nặng 3,7kg cất tiếng khóc chào đời đã xua tan mọi lo âu, thấp thỏm chờ đợi sau nhiều năm tất tả ngược xuôi, lặn lội từ Nam chí Bắc để chữa trị hiếm muộn của vợ chồng chị Tâm.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến tặng hoa chúc mừng sản phụ đầu tiên sinh con bằng phương pháp IVF tại Nghệ An.

Cùng ngày, vào lúc 9h35', ca mổ thứ hai được thực hiện đối với sản phụ Nguyễn Thị Thảo (31 tuổi), trú tại huyện Diễn Châu. Thêm một bé gái nặng 3,7kg nữa chào đời trong niềm hạnh phúc vỡ òa của gia đình cũng như đội ngũ y bác sĩ của Đơn vị hỗ trợ sinh sản.

Chúc mừng sự thành công của bệnh viện cũng như niềm vui của hai gia đình, tại lễ chào mừng các em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm được bệnh viện tổ chức sau đó ít ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã trực tiếp vào Nghệ An để tặng hoa, động viên và chia sẻ niềm vui cho kỳ tích lần đầu tiên. Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao nỗ lực của bệnh viện khi tiếp cận, học hỏi, triển khai thành công trong thời gian ngắn.

Điều đặc biệt kỳ thú là cả 2 em bé nói trên đều là những công dân đầu tiên chào đời bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm (IVF) tại Nghệ An. Đây là các ca thụ tinh ống nghiệm đầu tiên thành công sau hơn 9 tháng Đơn vị hỗ trợ sinh sản Bệnh viện HNĐK Nghệ An đi vào hoạt động.

Bác sỹ CKI Hoàng Ngọc Anh, Đơn vị hỗ trợ sinh sản Bệnh viện HNĐK Nghệ An cho biết thêm: Tháng 2-2017, Đơn vị hỗ trợ sinh sản chính thức thành lập, 2 sản phụ nói trên là 1 trong những trường hợp đầu tiên được làm thụ tinh ống nghiệm IVF.

Bước đầu, quá trình chọc hút trứng và chuyển phôi, dù có nhiều khó khăn phát sinh, nhưng với sự hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật của Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia, phôi được đặt thành công và hai tuần sau chuyển phôi thì tin vui đã đến.

Khi bài viết này lên trang, thì cũng là thời điểm chị Trần Thị Mai (SN 1985, trú tại TP Vinh, Nghệ An) vừa đón nhận niềm vui ngoài sự mong đợi, khi thông qua IVF, chị đã sinh hạ cùng lúc hai đứa con. Không niềm vui nào lớn hơn thế nữa, cũng không có mong ước nào cao xa hơn khi viên mãn nhìn mẹ tròn, con vuông sau nhiều năm trời mỏi mòn chờ đợi.

Công dân IVF "made in xứ Nghệ" đầu tiên chào đời.

Vừa trải qua cuộc vượt cạn khó khăn, gương mặt chưa vơi bớt sự mệt mỏi song ánh mắt của chị Mai thì luôn ánh lên niềm vui lấp lánh mỗi khi nhìn hai thiên thần của mình. Chị Mai tâm sự: Hai vợ chồng cưới nhau cũng đã gần 7 năm nay, nhưng muộn đường con cái.

Áp lực càng nặng nề hơn khi chồng là con trai duy nhất trong gia đình, sau vài năm chung sống dưới một mái nhà nhưng không có con, gia đình hai bên đã sốt ruột, hai vợ chồng bỏ bê cả công việc đi chữa trị khắp nơi nhưng không kết quả.

Hễ ai mách nước cho ở đâu có thầy thuốc giỏi là vợ chồng lại lập bập tìm đến, cũng chẳng nhớ đã khám qua bao nhiêu bệnh viện, bắt mạch mấy chục thầy lang và uống hàng chục ký thuốc nam, thuốc bắc nhưng càng hi vọng càng thất vọng, tiền bạc thì hết nhiều không kể xiết.

Khi niềm tin gần vụn vỡ thì tình cờ đọc được thông báo về việc khám sàng lọc để thụ tinh ống nghiệm được thực hiện ngay tại Nghệ An, hai vợ chồng với tâm lý còn nước còn tát, đưa nhau đến đăng ký và được lựa chọn. Khi các bác sĩ thông báo kết quả đã thành công, cả vợ lẫn chồng đều không tin đó là sự thật, đến kỳ sinh nở, hai nhóc tì chào đời lại thêm một lần nữa hạnh phúc được nhân đôi khiến niềm mong đợi kìm nén bấy lâu nay bỗng chốc vỡ òa.

Kỳ tích của một bệnh viện tuyến tỉnh

Cảm xúc của sản phụ được làm mẹ lần đầu sau bao năm tháng đợi chờ thật không có lời nào để diễn tả hết được, nhưng cảm xúc của các y bác sĩ làm công việc này còn khó tả hơn thế nữa. Bác sĩ Hoàng Đạt, sau ca IVF đầu tiên được thực hiện thành công, đã không giấu được cảm xúc: "Cái cảm xúc lúc đó thực sự khó tả: Hồi hộp như lần đầu tiên tỏ tình.

Mong ngóng như ngày được đưa nàng lên xe hoa. Lo lắng như ngày vợ vượt cạn. Hạnh phúc vỡ òa như được bế thiên thần của mình trên tay". Theo vị bác sĩ này, để thực hiện được một ca IVF, giống như một cuộc chiến thật khốc liệt.

Trong lúc các cặp vợ chồng chưa may mắn đang trong cuộc chiến với sức khỏe, với tâm lý, với những dư luận bên ngoài thì đội ngũ y, bác sỹ ở đây cũng đang chiến đấu cho trách nhiệm mang lại niềm tin, niềm hạnh phúc cho những cặp vợ chồng hiếm muộn.

Đến thời điểm hiện nay, sau gần 1 năm đi vào hoạt động, tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện HNĐK Nghệ An đã tiếp nhận khoảng 2.100 trường hợp đến khám, tư vấn và điều trị, chủ yếu đến từ các huyện trong tỉnh và vùng lân cận như Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Trong số này, có 35 cặp vợ chồng thực hiện thành công kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, 75 chu kỳ được chọc hút trứng và đông phôi, 35 trường hợp quản lý thai sau đang điều trị. Đó là chưa kể đến còn rất nhiều cặp vợ chồng sau khi được khám, tư vấn và điều trị các bệnh lý viêm nhiễm thông thường đã mang thai tự nhiên hiệu quả.

PGS.TS. BS CK II Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Bệnh viện HNĐK Nghệ An cho biết: Chi phí mỗi ca thụ tinh ống nghiệm hiện dao động từ 50-70 triệu đồng. Trong đó, chi phí cho thuốc kích trứng dao động từ 30-50 triệu đồng (phụ thuộc vào số lần kích trứng) và chi phí kỹ thuật là 20 triệu đồng. So với việc phải ra Hà Nội, vào TP Hồ Chí Minh hay Bệnh viện Trung ương Huế thì việc thực hiện kỹ thuật này tại TP Vinh đã giảm bớt phần nào chi phí cho các cặp gia đình hiếm muộn.

Bệnh viện HNĐK Nghệ An thực hiện ca mổ chào mừng công dân IVF đầu tiên ra đời.

Thấu hiểu được điều này, cũng như muốn chia sẻ một phần gánh nặng, khó khăn cho những gia đình đã "neo" lại trong cơn "khó" khi nhiều năm chung chăn, chung gối nhưng không có con chung, cách đây 2 năm, các kíp bác sỹ, cử nhân và kỹ thuật viên được cử đi học tập ở các Trung tâm Hỗ trợ sinh sản hàng đầu của cả nước (TP Hồ Chí Minh) và Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội).

Cũng theo Giám đốc Nguyễn Văn Hương, sau thành công bước đầu của việc thụ tinh trong ống nghiệm, hiện nay Bệnh viện HNĐK Nghệ An đang quá tải vì lượng người đến khám, chữa bệnh vô sinh, hiếm muộn tăng vọt.

Những cặp vợ chồng đến với IVF, mỗi người một số phận, hoàn cảnh khác nhau, có những người đã ngoài 40, 50 tuổi; sau hàng chục năm chung sống vẫn chưa may mắn có được thiên chức làm cha, làm mẹ. Cũng không ít trường hợp vợ chồng đã có con đầu lòng, nhưng lại vô sinh thứ phát, không thể sinh thêm được nữa cũng nhờ đến để tư vấn, khám chọn lọc với mong muốn thực hiện phương pháp thụ tinh ống nghiệm.

Cuối cùng, xin mượn lời của bác sỹ Trần Cảnh, hiện đang công tác  tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An, rằng: "Vẫn còn đó rất nhiều những bà mẹ mong chờ những đứa con. Các bạn có thể đi trên nhiều con đường, nhưng hãy chọn cho mình con đường ngắn nhất và tốt nhất để về đích. Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện HNĐK Nghệ An đang dọn sẵn cho bạn các cung đường có nền địa chất cứng cáp ổn định, để đi đến".

Thiên Thảo
.
.
.