Chuyện những kỳ nhân săn voi giữa đại ngàn

Thứ Ba, 22/11/2011, 15:55

Những ngày đầu thu, mảnh đất đỏ bazan đón tôi trong tiết trời se lạnh, gió rít từng cơn rào rào qua ngọn đồi già hoang vu. Đôi chân lữ khách ngập ngừng trước những ngôi nhà sàn cổ kính và vững chãi của đồng bào dân tộc Ê Đê từ bao đời nay.

Trong chuyến hành trình này, ngoài mục đích thăm lại kí ức một thời đau thương, khói lửa của chiến tranh trong những khu rừng già hàng ngàn năm tuổi, tôi còn một nhiệm vụ đặc biệt, đó là tìm về ngôi làng của những dũng sĩ săn voi một thời vùng vẫy trong những cánh rừng sâu của đại ngàn.

Kì nhân săn voi

Tây Nguyên từ lâu đã được biết đến bởi vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ. Những cánh rừng bạt ngàn, những con thác ngày đêm ầm ầm đổ nước với sự phong phú, đa dạng không chỉ về sản vật thiên nhiên mà con người nơi đây còn thấm đẫm sức sống căng tràn của thiên nhiên từ ngàn đời tụ lại. Đất mẹ đã sản sinh ra những người con dũng mãnh sống đời với rừng xanh, đổ mồ hôi và máu cho rừng xanh.

Núi rừng Tây Nguyên nổi tiếng với những đàn voi dũng mãnh. Voi là biểu tượng cho sức mạnh siêu phàm trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.

Hoạt động săn bắt voi thời nay đã bị pháp luật cấm bởi voi không còn nhiều nữa, một phần do hoạt động phá rừng làm nương rẫy khiến voi không có nơi trú ngụ, một phần cũng vì hoạt động săn bắt lén lút, biến voi thành món hàng bán buôn vì lợi nhuận trước mắt của một số cá nhân.

Cái thời hào hùng của những dũng sĩ săn voi ngày xưa đã lùi xa vào dĩ vãng, họ âm thầm, lặng lẽ gác kiếm, rửa tay để xây dựng bản làng theo lời kêu gọi đổi mới. Có lẽ họ đã quên và thời gian cũng đã quên họ cũng như chôn vùi tất cả vào rừng sâu. Vậy mà hôm nay, tôi may mắn được chính những dũng sĩ săn voi ngày nào tái hiện lại cuộc chiến đấu ngang tàng, dữ tợn giữa người và voi trong những cánh rừng sâu ngút ngàn.  

A Ma Lay đang giới thiệu về những dụng cụ săn bắt voi.

Tôi may mắn được gặp hai trong số những kỳ nhân săn voi ngày ấy. Trong tiết trời se lạnh của núi rừng Tây Nguyên những ngày giáp hạt, trong căn nhà sàn bằng gỗ Mun vững chắc tại xã Krông Ana (huyện Buôn Đôn - Đắk Lắk), ông A Ma Lay say sưa kể cho tôi nghe về những dũng sĩ săn voi cùng lời nguyền sinh tử

Dũng sĩ kể rằng:

Để bắt đầu một hành trình săn voi, phải chuẩn bị tư trang cá nhân cũng như dụng cụ săn bắt rất kỹ. Dụng cụ săn voi bao gồm 13 loại. Tất cả các loại có tác dụng bổ trợ và liên kết theo từng công đoạn trong suốt quá trình săn bắt. Tên gọi và cách dùng có lẽ chỉ có người săn voi mới hiểu và sử dụng được: Dây buộc voi bằng da trâu (brat bung), dùi móc điều khiển voi (kreo), roi đánh voi (mâng rplei), quàng cổ mây (đam), dây xích chân voi (nglêng), dùi xỏ lỗ tai voi (pon toc), bành voi (vơng), lục lạc đeo cổ voi (mang), vỏ cây đập dập để lót chân voi (dur). Sừng trâu dùng để múc nước (ke kun), tù và.

Ngoài dụng cụ thì bắt buộc phải có voi đực hoặc voi cái làm nhiệm vụ dẫn đường và chiến đấu với các loại thú dữ thậm chí cả khi có voi rừng tấn công để bảo vệ chủ. Một đoàn đi săn voi bao gồm từ 10 đến 20 người. Cứ hai dũng sĩ trên một voi và chỉ được như vậy chứ không được thêm hay bớt. Người ngồi đằng trước giữ vai trò chủ tướng và người ngồi đằng sau là đầy tớ có trách nhiệm phụ giúp những công việc sinh hoạt cho chủ tướng. Ở đây, có sự phân định ranh giới rõ ràng, đã là đầy tớ ngồi sau thì nhất nhất phải nghe lệnh chủ tướng, bất kể là đi đâu, làm gì.

Khi chủ ngủ thì đầy tớ phải nằm dưới chân, hoặc khi chủ đứng thì đầy tớ phải quỳ xuống. Quy luật này là bất di bất dịch không có ép buộc mà hoàn toàn tự nguyện và đã tự nguyện rồi thì phải tuân thủ nghiêm ngặt. Người ngồi trước voi tức là chủ tướng thường là những dũng sĩ đã từng chiến đấu nhiều trận sinh tử với voi rồi. Họ có khả năng cũng như kinh nghiệm điều khiển, làm chủ được tình thế và dĩ nhiên họ có một sức khỏe phi thường. Họ sẵn sàng chiến đấu với bất kỳ một con voi rừng hung hãn hay một loài chúa sơn lâm nào một khi bị chúng tấn công.

Người ngồi sau, tức đầy tớ thường là những người mới lần đầu hoặc trong cuộc đời chưa một lần bắt được voi, kinh nghiệm còn non, sức khỏe còn yếu. Còn voi cưỡi đi cùng là những voi chiến chuyên nghiệp. Đã nhiều lần ra trận và mang về những chiến thắng oanh liệt. Voi đực có ngà, mạnh và máu chiến nên được chọn làm voi dẫn đầu. Đồ ăn thức uống được chất đầy trên lưng voi cùng với dụng cụ săn bắt. Voi khỏe, chúng có khả năng thồ chở hàng hóa kể cả con người có trọng lượng lên đến hàng tấn. Trong những chuyến đi dài ngày ở rừng, dũng sĩ sử dụng voi để dẫn đường, bảo vệ và làm nhiệm vụ chiến đấu dưới sự chỉ huy của chủ.

Cuộc chiến sinh tử giữa người và voi trong rừng sâu

Là một trai làng có sức khỏe cường tráng, đam mê voi, ông A Ma Lay tham gia săn voi từ năm 1959. Lúc đó, voi rừng rất nhiều, chúng thường kéo về phá hoa màu, cây cối của người dân lại thêm chiến tranh khốc liệt nên việc săn voi diễn ra khó khăn và gian khổ rất nhiều. Đoàn săn voi của ông gồm 8 người cưỡi trên 4 voi, 2 đực 2 cái hành quân dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh có khi qua cả đất bạn Campuchia.

Trải qua nhiều trận chiến trực tiếp với voi, người dũng sĩ nằm nào giờ đầu đã hai thứ tóc không thể nhớ hết được đã có bao nhiêu con voi khuất phục dưới tay ông. Một trận chiến dai dẳng, gay go vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước giữa đoàn săn voi của ông và một chú voi rừng có ngà rất dài vẫn ám ảnh trong suốt cuộc đời dù đã giã từ rừng xanh.

Dây Briat, một dụng cụ không thể thiếu trong quá trình săn bắt voi.

Mỗi khi voi đực dẫn đầu phát hiện được có dấu vết voi rừng, lập tức đoàn người dừng lại. Mọi tư trang dùng cho sinh hoạt cá nhân phải tháo ra để xuống gốc cây, đánh dấu cho khỏi thất lạc để sau này còn quay lại tìm. Sau những cuộc truy đuổi dù được hay không được đoàn người sẽ quay lại chỗ gốc cây cất đồ để nghỉ ngơi, sinh hoạt lấy lại sức và tiếp tục hành quân.

Buổi sáng hôm ấy, một buổi sáng trời đẹp và trong xanh, khi voi đực dẫn đầu phát hiện có một đoàn voi rừng vừa qua khu vực này. Ngay lập tức 4 voi xếp thành hàng ngang tỏa đi bao vây, phong tỏa toàn bộ khu vực. Vì lực lượng voi chiến mỏng trong khi đoàn voi rừng lại đông đến hàng trăm con. Đoàn dũng sĩ nghiên cứu kỹ lưỡng địa hình, địa vật sau đó quyết định tung hỏa mù nhằm đánh lạc hướng, xé tan đoàn voi kia thành nhiều tốp nhỏ.

Chủ tướng ra dấu hiệu cho voi dẫn đầu xông thẳng vào đám voi rừng sau đó các voi còn lại phải nằm im không manh động, khi phân tán được lực lượng voi thành nhiều hướng, tất cả 4 voi được lệnh đồng loạt tiến công vào nhóm voi bị phân tán nhỏ nhất lúc này chỉ con khoảng 4 -5 con. Trong nhóm ấy, có một con voi đực ngà to bằng bắp tay người với tuổi đời vài chục năm.

Chủ tướng quyết định ra hiệu lệnh cho đoàn tấn công voi đực có ngà. Một voi làm nhiệm vụ chính tiến công, các voi còn lại phong tỏa, ép sát không cho voi rừng chạy. Người ngồi phía sau, tức đầy tớ cầm Cóc (một loại búa nằm trong 13 dụng cụ bắt voi) không ngừng thúc mạnh vào phía sau voi chiến nhằm đẩy voi chạy nhanh để chủ tướng ngồi trước cầm Briat (một loại dây được quấn xoăn lại lấy từ da của 4 con trâu có chiều dài 100m, đầu dây buộc một thòng lọng đủ để thít chặt được chân voi).

Người chủ tướng vừa ra hiệu lệnh vừa quan sát để quăng dây sao cho trúng được chân voi rừng để buộc thít lại. Khi chân voi rừng đã lọt vào thòng lọng, người chủ tướng lập tức nhả dây, nhảy xuống voi chiến, chạy nhanh nhất có thể, tìm một gốc cây quấn dây Briat thật chặt. Động tác quấn chỉ diễn ra trong vòng 1 đến 2 phút. Và phải quấn làm sao để rút được dây ra chứ không phải cắt. Vì voi đực có ngà nên rất hăng và mạnh, nên voi phản ứng lại dữ dội. Biết mình bị trúng bẫy, voi rừng gầm vang, nó rống lên quay cuồng, húc đổ nhiều cây lớn trong rừng. Chỉ trong phút chốc, nó kéo đứt tan dây Briat.

Ông A Lay nhớ lại: "Từ trước đến giờ, qua bao nhiêu cuộc chiến dây Briat không bao giờ đứt dù chỉ một sợi. Vì dây làm bằng da trâu, càng để lâu càng dẻo và dai. Đặc biệt càng kéo căng thì lại càng giãn nở. Vậy mà lần ấy, nó đã kéo đứt được giây, quả là không tưởng được".

Khi kéo đứt dây, voi rừng quay lại tấn công đoàn người và voi chiến. Chủ tướng A Lay, cùng voi chiến chưa kịp phản xạ thì ngay lập tức ông nghe tiếng hục lớn. Nhìn xuống đã thấy con voi chiến và voi rừng đang húc nhau, những tiếng cộp, tiếng thở réo lên inh trời, rợn người. Người đầy tớ nhanh tay lấy tù và ra thổi báo hiệu gặp nguy hiểm cho đồng đội tới hỗ trợ. Nghe tiếng tù và, 3 voi nhanh chóng lao tới yểm trợ. Voi rừng thấy nguy, nó quay ngược đầu lại, rống lên một tiếng rồi chạy vụt vào rừng sâu. Đó là lần duy nhất A Lay cùng đồng đội thất bại trong cuộc chiến. Một phần vì voi to, có ngà lại mang trách nhiệm bảo vệ bầy đàn nên voi rừng trở nên hung hãn, nếu lần ấy không có đội yểm trợ tới kịp thời thì có lẽ trận chiến sẽ còn khốc liệt hơn nữa, máu sẽ đổ.

Sau bao nhiêu năm mang trí trai làng dấn thân và chiến đấu biền biệt trong rừng sâu, theo thời gian và quy luật muôn đời của sự sống,  ông A Lay giã từ sự nghiệp săn voi, ông truyền lại cho con cháu cái nghề cũng như cái nghiệp lẫy lừng một thời của mình. Những người cùng sát cánh săn voi cùng thời với A Lay hầu như đã về với cát bụi, với rừng xanh. Gợi lại chuyện săn voi ngày xưa, A Lay vẫn còn nguyên sức sống. Đôi mắt ông lão gần 80 tuổi ánh lên một sự hồi sinh rạng rỡ

Ngọc Thiện
.
.
.