Chuyện những người bán máu

Thứ Hai, 18/06/2018, 14:09
Mỗi người một hoàn cảnh và lý do để giải thích cho việc bán máu của mình. Có người xem bán máu như là một nghề, vui vẻ và thoải mái. Có người vì bất đắc dĩ mà phải bán máu để rồi mang cảm giác xấu hổ, sợ người đời gièm pha...


Bên hành lang Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) có khoảng hơn chục người chờ đợi để bán máu, trong đó bà Thiện (48 tuổi) già nhất, còn lại đều là thanh niên, sinh viên trẻ khỏe. Khuôn mặt não nề, có chút lo lắng, bà Thiện cho biết, đã chờ được gần một tiếng rồi. 

Vy cho rằng đi rút tiểu cầu không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Sáng nay, bà dậy từ lúc 5 giờ, bắt xe bus từ Đa Phước (Bình Chánh) lên đây. Ngày thường bà kiếm sống bằng việc hái rau muống trên các con kênh rạch hoặc ao hồ đem ra chợ bán. Dạo này mùa mưa xuống, rau rẻ nên thu nhập không đủ nuôi chồng bại liệt và hai cháu ngoại, vì vậy bà Thiện đi bán máu. 

Bà làm việc này được năm bảy lần, từ 3 năm trở lại đây, cũng quen nên không ngại ngùng gì. Mỗi lần bán máu, bà Thiện được cho một phiếu ăn 30 ngàn, 50 ngàn tiền xe và 300 ngàn giắt túi. Số tiền đó tằn tiện chỉ ăn cơm với rau thôi thì cũng được chục ngày. Bây giờ tuổi cao, sức khỏe đi xuống nên mỗi lần bán máu trở về, bà Thiện đều cảm giác mệt mỏi, tụt huyết áp, người thì cứ rệu rạo. 

Có lần, bà ngất xỉu trên xe bus, người ta phải hô hấp nhân tạo cho bà, định đưa đi cấp cứu thì bà tỉnh. Bà Thiện bảo, bán máu là việc chẳng đặng đừng, chồng bà ngăn cản dữ lắm. Mà nhìn hai đứa cháu đói ăn lại xót, thế là đi. Bà cố gắng chăm cháu chờ mẹ nó đi lao động ở Malaysia trở về. 

“Mẹ nó cũng đi chui thôi, nghe nói vượt biên gì đó không biết sống chết ra sao nữa”- bà Thiện thật thà kể. Ngồi bên cạnh bà Thiện là những gương mặt trẻ măng, trong đó Vy, Hồng, đều là sinh viên năm 2 một trường đại học tại TP Hồ Chí Minh. Một bạn trẻ khác là Đại (25 tuổi, quê Bình Thuận), làm nghề tự do. 

Đại cho biết, đã bán máu gần chục lần rồi. Lần đầu tiên đi bán máu vì thiếu tiền nhà trọ. Trong lần đó, Đại làm quen được một người bạn cùng cảnh ngộ. Bạn này khuyên Đại thay vì bán máu thì bán tiểu cầu sẽ tốt hơn.

Nhiều bạn trẻ chọn cách bán máu để kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Tiểu cầu là một loại tế bào máu được dùng trong một loạt bệnh lý, có tác dụng cầm máu mà hầu hết các bệnh viện rất cần nhưng nguồn cung không đủ. So với máu toàn phần, tiểu cầu có giá gấp đôi nên thu hút dân bán. Nghe có lý, Đại làm theo và cảm giác rất khỏe khoắn. Cứ một tháng Đại đi bán một lần, được 700 ngàn đồng. Với những người chưa có việc làm ổn định như Đại, thì số tiền đó giúp ích được rất nhiều cho cuộc sống.

Vy thì có lý do đặc biệt hơn khi “dấn thân” vào hành trình bán tiểu cầu. Bố Vy vừa mất, mẹ không thể kham nổi kinh tế gia đình. Việc học của Vy hoàn toàn tự lo. Ngoài đi phát tờ rơi, phục vụ nhà hàng tiệc cưới, Vy lại đi bán tiểu cầu. Một tháng Vy đi bán hai lần. Theo quy định của bệnh viện, một tháng chỉ được bán một lần nên Vy lách luật bằng cách sang Bệnh viện Truyền máu huyết học. 

Vy sở hữu thân hình đậm đà, hai tay múp máp nên bác sĩ khó phát hiện vết ven cũ. Vy cho biết: “Có lần, bác sĩ phát hiện vết ven lấy máu của em còn chưa lành chửi em một trận rồi đuổi về. Từ đó em nghĩ ra cách dùng nước đá lăn trên vùng ven để cho tan máu bầm, xóa đi vết kim tiêm. Đi bán cái này, người ta cũng không khắt khe lắm, chỉ cần mình đủ sức khỏe”.

Cô bạn cùng tiến trong những phi vụ bán tiểu cầu cùng Vy là Hồng. Gia đình Hồng ở Bình Phước, bố mẹ làm nông nên không mấy khá giả. Hồng có bản tính tự lập, muốn khẳng định bản thân nên không xin tiền cha mẹ. Chỉ khi nào đóng học phí thiếu bao nhiêu Hồng mới gọi điện về xin. Hồng đi dạy tuần 3 buổi, lương được 1,5 triệu/tháng. Hồng phải đi bán tiểu cầu để có thêm tiền đóng nhà trọ. 

Hồng đi bán được hai lần thì bị bại lộ qua một đứa em họ. Mẹ Hồng gọi điện vừa chửi vừa khóc, nói bôi tro trát chấu vào mặt gia đình. Ai lại kiếm tiền bằng cách bán máu như thế. Hồng giải thích rằng, đó không phải việc xấu, là do bố mẹ không hiểu hết tác dụng của việc bán máu. Hồng khoe từ ngày bán máu đã lên được 3 ký, người khỏe mạnh nên không việc gì phải từ bỏ.

Chờ đợi lấy kết quả xét nghiệm ở bệnh viện.

Lang thang ở bệnh viện, chúng tôi phát hiện ra đường dây “cò máu” rất chuyên nghiệp. Khi thấy đối tượng có khả năng đi bán máu, một người đàn ông bước tới hỏi: “Đi bán máu phải không? Nhóm máu gì, anh mua gấp đôi cho”. Thấy chúng tôi tỏ vẻ ngơ ngác, anh này chỉ tay về người đàn ông nói: “Đây, sợ lừa thì cứ hỏi ông này. Sống bằng nghề bán máu đấy”. Đó là người đàn ông trạc 50 tuổi được giới thiệu tên Khanh. 

Theo tiết lộ của ông Khanh, dịch vụ “cò máu” sẵn sàng mua với giá cao gấp 2, 3 lần ở bệnh viện. Nếu là nhóm máu O hoặc máu hiếm có thể lên tới 10 lần. Sau vài lần bán máu, bây giờ ông Khanh không trực tiếp tới bệnh viện bán nữa mà mỗi lần có ý định sẽ điện thoại cho “cò”. 

Sau khoảng một ngày, họ sẽ liên hệ với ông tới địa điểm bán máu. Ông Khanh cho biết: “Tôi vẫn tới các bệnh viện còn làm thủ tục thì có người khác lo hết, xong chỉ việc nhận tiền đã thỏa thuận. Họ dặn tôi nếu bác sĩ hay ai hỏi thì bảo người nhà bệnh nhân”.

Ông Khanh nói nhỏ: “Đa số những phi vụ bán máu của tôi đều là cho người đang cấp cứu hoặc mổ. Trong khi người nhà hoang mang bấn loạn thì “cò máu” nhảy vào. Họ thỏa thuận giá cả với người nhà bệnh nhân rồi kêu những mối ruột như tôi tới. Tôi thuộc nhóm máu O, tức là nhóm máu cho được hết nên thu nhập cũng rủng rỉnh”.

Người thực hiện bài viết này, khi gặp những người trẻ như Vy, Hồng, Đại, cảm thấy có một sự đồng cảm và xót thương vô cùng. Bất giác, tôi nhớ đến hình ảnh của mình hơn 10 năm trước. Khi ấy, tôi là sinh viên năm 2, hăm hở đi hiến máu trong phong trào “giọt máu nghĩa tình” của Hội Sinh viên phát động. 

Tôi hiến máu được 2 lần, thấy sức khỏe tốt định bụng sẽ đi hiến tiếp thì trong một lần tụ tập nhóm bạn thân, chúng khuyên tôi tội gì mà cho máu, trong khi mình đang là sinh viên nghèo kiết xác. Hãy đi bán số máu ấy để kiếm chút tiền trang trải cuộc sống. Tôi nghĩ thấy có lý bèn gật đầu tâm đắc. 

Vậy là ít ngày sau, tôi quyết định đi bán máu. Tôi rủ thêm một đứa bạn, rụt rè tới Bệnh viện Truyền máu huyết học TP Hồ Chí Minh. Hai đứa lân la mãi ngoài hành lang mới dám hỏi cô y tá việc bán máu. Cô ấy nhìn chúng tôi từ đầu đến chân rồi hỏi: “Lần đầu à, tới lấy phiếu điền thông tin rồi ngồi chờ gọi tên”.

Xung quanh chúng tôi có khoảng chục người trong đó có người chạy xe ôm, bà bán vé số và thanh niên. Tất cả họ đều ngồi im, mặt buồn so, tìm mãi cũng chẳng có một tiếng cười. Tự nhiên cảm giác tủi nhục, xấu hổ tràn ngập trong suy nghĩ của tôi. Mặt tôi đỏ ửng, chân tay run rẩy, như kiểu tôi đang làm điều gì đó sai trái. Bạn tôi bảo lấy khẩu trang đeo vào, lần đầu bao giờ chả thế.

Sau vài cuộc xét nghiệm, mất khoảng 40 phút, cuối cùng tôi cũng được bán 250ml máu và nhận 150 ngàn đồng. Cầm tiền ra về, tôi như người mất hồn, nỗi buồn ập đến không thể giải thích được. Tôi dặn bạn tuyệt đối không được nói chuyện bán máu với ai, kể cả những đứa thân nhất. Tôi sợ chúng bạn sẽ dè bỉu, nói tôi lười lao động phải đi bán máu nuôi mồm.

Suy nghĩ của tôi ngày đó hoàn toàn khác với suy nghĩ của Vy, Đại. Vy tâm sự: “Em chẳng có gì phải xấu hổ cả, mình có đi ăn cắp ăn trộm đâu. Hơn nữa cơ thể mình khỏe thì đi bán, vừa có tiền vừa giúp được nhiều người”. Trái với suy nghĩ của Vy, Hồng thỏ thẻ: “Em thấy xấu hổ mỗi lần đi bán tiểu cầu. Em sợ bạn bè nhìn thấy sẽ coi thường”.

Bà Thiện vừa hoàn thành việc bán máu chuẩn bị bắt xe bus trở về nhà.

Còn Đại thì triết lý khác, bán máu cũng là một trong nhiều công việc kiếm tiền của người lao động: “Em khỏe mạnh, em đi hút tiểu cầu để sàng lọc cơ thể. Nếu số tiểu cầu đó không hút đi thì nó cũng tự chết để sản sinh ra tiểu cầu mới. Vậy thì tội gì mà mình không làm”.

Đại rất tự tin về việc mình đang làm. Chỉ có điều không thoải mái khi cơ thể tăng ký rất nhanh. Lần đầu đi rút tiểu cầu, Đại tăng 5 ký, lần thứ 2 tăng 3 ký chỉ trong vòng 5 tháng, mặc dù Đại đã khống chế việc ăn uống. Bác sĩ trấn an, đây là quá trình kích thích tuỷ xương phát triển, tăng cường trao đổi chất và kích thích sản sinh các tế bào mới cho cơ thể nên mới có hiện tượng mập lên.

Bác sĩ Trương Thị Kim Dung, Bệnh viện Truyền máu huyết học TP Hồ Chí Minh cho biết, khi hiến tiểu cầu bằng máy thì máy chỉ lấy tiểu cầu của người hiến và một phần huyết tương (để pha loãng tiểu cầu), còn các tế bào máu khác được truyền trả lại người hiến. Tuy nhiên, do chiết tách bằng máy có những yêu cầu riêng nên người hiến tiểu cầu phải được khám và có những tiêu chuẩn chọn lựa riêng. Nếu là người khỏe mạnh được khám và chọn hiến tiểu cầu thì hoàn toàn có thể yên tâm về sức khỏe sau khi hiến.

Ngọc Thiện
.
.
.