Chuyện những người gác quê

Thứ Tư, 02/12/2015, 08:00
Cảm giác thư thái, nhẹ nhõm cứ theo chân chúng tôi trong suốt thời gian ở lại dải đất Yên Khánh (Ninh Bình). Bức tranh quê hiện ra trù phú và bình yên, như níu khách phương xa dừng chân cho vợi bớt những mệt nhọc, bức bối trong cuộc mưu sinh. Là một địa bàn tiếp giáp đô thị, giao thông thủy nội địa và đường bộ phát triển, lại có khu công nghiệp với hàng vạn  người ngụ cư… Yên Khánh không dễ để có được nét bình an đến vậy, nếu thiếu đi những con người vì yêu quê mà ngày đêm lặng thầm cống hiến sức lực với bổn phận gìn giữ trật tự trị an.

"Bến sông văn hóa"       

Có việc phải qua sông Đáy sang bờ phía Nghĩa Hưng (Nam Định), chúng tôi xuống bến Đò Mười (ở xã Khánh Thành, Yên Khánh). Từng qua đây nhiều năm về trước, thú thật tâm lý e ngại, lo lo thuở ấy vẫn nguyên vẹn. Bởi khi đó, với nhiều người thì việc qua sông không thích tẹo nào. Đò đông, thuyền nhỏ chòng chành trên sóng nước. Bến sông còn là nơi tụ tập của không ít tay "anh chị" thành Nam, hay bọn móc túi thiện nghệ mà chỉ với vài giây đã có thể "thổi bay" điện thoại, ví tiền của khách.

Bây giờ qua lại bến xưa, quang cảnh đã thật khác. Cả một dải bãi bờ bên sông đã được quy hoạch xây bến khang trang, đò ngang đậu san sát ngăn nắp. Bước xuống đò của ông Phạm Văn Bồng, thấy phương tiện cứu sinh, cứu hỏa đầy đủ. Nhìn vào chồng phao bơi đặt bên nơi khách ngồi, cảm giác yên tâm xâm lấn. Dù trên chiếc đò máy đã xếp 5 chiếc ôtô, hơn 10 xe máy và hàng chục hành khách, nhưng xem ra tải trọng chưa hề hấn gì.

Phát động xây dựng mô hình "Bến khách ngang sông văn hóa, an toàn và phòng chống đuối nước trẻ em" tại bến Đò Mười (xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh).

Tôi ngạc nhiên hỏi người chủ đò đã gắn bó nửa cuộc đời với bến sông về những đổi thay lạ lẫm nơi đây sau bao năm xa cách, ông Bồng vui vẻ kể: "Trước đây thì thế, nhưng từ năm 2014 bên Công an huyện Yên Khánh đã phối hợp với các ngành liên quan đã tập trung giải quyết rốt ráo những tồn tại của bến này. Hiện nay, bến Đò Mười đang xây dựng mô hình "Bến khách ngang sông văn hóa, an toàn và phòng chống đuối nước trẻ em". Không chỉ là khẩu hiệu suông, mà đó là những việc làm thực chất. Lực lượng CSGT của tỉnh và huyện, cùng Ban ATGT, UBND các cấp đã triển khai rất nhiều việc ở đây.

Từ quy hoạch lại bến bãi, chấn chỉnh hoạt động vận tải bằng đò ngang, kiểm soát, kiểm định chất lượng phương tiện, đến tổ chức tuyên truyền vận động chủ đò và người dân ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật về ATGT đường thủy; thường xuyên kiểm tra và trang bị kiến thức xử lý tình huống, tai nạn cho đội ngũ chủ đò. Lực lượng Công an cùng các tổ chức tự quản, bảo vệ còn đẩy mạnh việc lập lại trật tự trên bến, phòng ngừa ngăn chặn tội phạm… nên hoạt động vận tải ở đây đã đi vào quy củ. Đấy, anh xem. Hàng ngày có hàng trăm phương tiện ôtô, môtô, xe máy và hàng nghìn lượt hành khách qua lại trên sông, mà tuyệt chẳng có chuyện gì xảy ra, từ tai nạn cháy nổ, đắm, đuối, đến trộm cắp, cờ bạc trên sông. Vấn đề an toàn và trật tự đã được bảo đảm tối đa tại bến đò này".

Được biết, việc lập lại trật tự tại bến Đò Mười của lực lượng CSGT tỉnh Ninh Bình và Công an huyện Yên Khánh đã được đánh giá là một mô hình mẫu thành công cho các địa phương khác học tập.

Đến Đội CSGT để hiểu sâu hơn công việc của những người lính mang sắc phục màu nắng, nhưng đội vắng hoe. Trung tá Trần Anh Cường (Phó trưởng Công an huyện Yên Khánh) cho biết toàn đội đã ra đường làm nhiệm vụ, vì hôm đó đúng vào ngày Lễ kính các Thánh tử đạo (24-11). Thì ra vùng này có nhiều xứ đạo. Nhà thờ Phúc Nhạc (tại xã Khánh Nhạc) vào những ngày lễ thánh, bà con giáo dân từ mọi nơi đổ về dự lễ rất đông. Ngoài ra, tuyến đường 10 dẫn xuống Nhà thờ đá Phát Diệm (huyện Kim Sơn) chạy qua địa bàn huyện, nên vào các kỳ cuộc lễ hội như thế này, lượng phương tiện và người thập phương đổ về chật như nêm. Để bảo đảm an toàn cho nhân dân tiến hành các nghi lễ tôn giáo, lực lượng CSGT, CSTT nơi đây buộc phải căng mình ra để phân làn, luồng tuyến giao thông, kịp thời giải quyết những điểm nóng ùn tắc có nguy cơ xảy ra tai nạn.

Gió bấc đầu mùa đã thổi về miền Bắc, khiến nhiệt độ giảm thấp, nhưng trên khuôn mặt anh em làm nhiệm vụ phân luồng giao thông, mồ hôi vẫn rịn ra. Họ thành thục các thao tác điều tiết dòng phương tiện, khiến đường tuy đông nhưng xe cộ vẫn lưu thông thông suốt. Trung tá Phạm Văn Nội (Đội trưởng Đội CSGT) cho biết: "Địa bàn huyện Yên Khánh có nhiều tuyến quốc lộ chạy qua, như đường 10; 481b; 480b và 480c. Để bảo đảm TTATGT trong điều kiện quân số ít ỏi, Đội đã tích cực triển khai các hoạt động phòng ngừa TNGT, như tăng cường công tác tuyên truyền lưu động (đã tổ chức 170 lượt tuyên truyền bằng xe ôtô trên các tuyến giao thông trọng điểm); phối hợp với các trường học trên địa bàn huyện nói chuyện ngoại khóa, phát tờ rơi tuyên truyền Luật Giao thông cho 6.300 lượt giáo viên, học sinh.

Phối hợp tuần tra bảo đảm ANTT tại khu công nghiệp Khánh Phú.

Tăng cường công tác TTKSGT tập trung vào các đối tượng, các lỗi là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông như điều khiển phương tiện phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách đánh võng, tránh vượt sai quy định, không có giấy phép lái xe, điều khiển xe không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe trong tình trạng say rượu, bia. Với các tuyến đường sông, chúng tôi đã triển khai quyết liệt những mô hình mới để lập lại trật tự trong hoạt động vận tải thủy nội địa, kết quả là năm 2015 không để xảy ra TNGT trên tuyến đường sông trên địa bàn huyện. Với thành tích đạt được, đội chúng tôi đã nhiều năm được xếp loại "Đơn vị Quyết thắng".

"Hình sự nông thôn" phá án

Thiếu tá Nguyễn Minh Ngọc (Đội trưởng Đội CSHS) tếu táo khi nhận mình là "hình sự nông thôn", bởi địa bàn "trấn ải" của các anh là một miền quê thuần nông. Ấy vậy mà qua các cuộc truy xét, mới thấy tay nghề của các chàng trai này không thể xem thường. Mới đây nhất, các anh đã khám phá thành công chuyên án trộm nhà dân. Những tên "đạo chích" chuyên "nhảy" xe máy của các hộ dân bằng cách "đột vòm" rồi mở cửa dắt xe ra. Sử dụng những "đòn nghiệp vụ" thâm sâu, họ đã có trong tay hiềm nghi là tên Lê Văn Hiếu (ở xóm Ngoại, xã Khánh Hòa). Y đã có 2 tiền án về tội trộm cắp tài sản và từng trốn truy nã. Kiên trì mật phục, cuối cùng lực lượng CSHS Yên Khánh đã có chứng cứ vạch mặt thủ phạm của 3 vụ trộm xe trên địa bàn chính là Hiếu.

Năm ngoái, 2 vụ án mạng xảy ra trong các cuộc ẩu đả có đông người tham gia, đã làm xáo động miền quê này. Điển hình như vụ án mạng xảy ra ngày 6-9-2014 tại thôn Đồng Cường, xã Khánh Cường (Yên Khánh). Ngay sau khi sự việc xảy ra, toàn Đội CSHS đã tung quân phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Ninh Bình để tổ chức xác minh truy tìm thủ phạm. Trong truy xét trọng án, lực lượng hình sự và Công an cơ sở luôn là những người "phát tin" về các đối tượng "khét mùi", bởi địa bàn là của họ, người dân là tai mắt. Và trong các chuyên án này, lực lượng CSHS Công an huyện đã góp phần rất quan trọng để Ban chuyên án "định vị" đúng đối tượng cần bắt. Vụ án được nhanh chóng làm rõ trong sự thán phục của người dân Yên Khánh. Bù lại, danh hiệu "Đơn vị Quyết thắng" luôn ở lại với tập thể CBCS Đội CSHS-KT và MT.

Trong những ngày "biển động"

Nhớ lại những tháng ngày nóng bỏng ở Khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh) và Bình Dương do sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 trên thềm lục địa nước ta, Trung tá Trần Văn Mạnh (Trưởng Đồn Công an KCN Khánh Phú, Yên Khánh) kể: "Vào đúng đận ấy, chúng tôi lại vận động ngay cán bộ, công nhân viên trong các doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan ở KCN này quyên góp được số tiền 50 triệu đồng, để ủng hộ đồng bào Trường Sa và ngư dân bám biển".

Các đối tượng trong vụ ẩu đả gây chết người ngày 6-9-2014 tại thôn Đông Cường, xã Khánh Cường (Yên Khánh).

Được biết khi đó, cùng với sự tập trung cao độ của các đơn vị chức năng trong tỉnh, Đồn Công an KCN Khánh Phú cũng triển khai hàng loạt các biện pháp cần thiết để phòng ngừa những diễn biến phức tạp. Vượt lên ngăn chặn, các anh mưu trí, sáng tạo ra những cách làm mới. Trong đó, việc hướng lái tình cảm dân tộc, lòng yêu nước của công nhân vào việc quyên góp vì biển đảo, do chính các doanh nghiệp Trung Quốc tổ chức, đã góp phần tháo những ngòi nổ tâm lý, giúp ổn định trật tự trị an tại KCN này.

Hiện nay tại KCN Khánh Phú có hơn 7.000 công nhân đến từ nhiều địa phương, lao động trong 17 dự án đầu tư trong và ngoài nước. Sẽ không khó để hình dung những vấn đề phức tạp thường xảy ra tại những nơi tập trung đông người, lại có nhiều doanh nghiệp và người nước ngoài cùng sinh hoạt và làm việc. Đó là việc gây ô nhiễm môi trường, hoạt động của người nước ngoài tại các cơ quan, doanh nghiệp, việc đình công, lãn công, trộm cắp tài sản, gây rối TTCC, ùn tắc giao thông, tai nạn lao động, tai nạn giao thông…

Tuy nhiên, thăm quan nơi đây, điều dễ cảm nhận là một không gian bình yên và trật tự. Để làm được điều này, Đồn Công an KCN Khánh Phú đã tích cực triển khai có hiệu quả nhiều biện pháp nghiệp vụ để chủ động nắm tình hình, phát hiện thông tin và luôn sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống đột xuất. Mô hình các cụm đảm bảo ANTT trong KCN được đồn và các đơn vị liên quan tích cực triển khai trong thời gian qua, đã  góp phần rất quan trọng trong việc ổn định trật tự trị an tại các nhà máy, doanh nghiệp. Nhiều "mảnh ghép" sáng màu, đã tạo nên bức tranh bình yên ở nơi chúng tôi đang đặt chân.

Trung Hiếu - Tuấn Trình
.
.
.