Chuyện những người gan lì nhất Sài Gòn

Thứ Ba, 08/10/2013, 16:46

Tiếp xúc với thú dữ hàng ngày, chăm sóc và kiểm tra, chuẩn đoán các loại bệnh để kịp thời cứu chữa, nhưng cũng không loại trừ có thể những giọt máu hoang dại vẫn còn đâu đó sẽ khiến những con thú hoang biến họ thành… món mồi trong cơn đói lòng. Họ được mệnh danh là những kẻ gan lì nhất thành phố 10 triệu dân…

Nếu bạn từng xem phim "Cú và chim se sẻ", bạn có thể hiểu một phần trong công việc của những người chăm thú dữ tại Thảo Cầm Viên ở Sài Gòn. Nhưng, đó chỉ là một phần có vẻ như nên thơ trong công việc khắc nghiệt đó. Còn một mảng khác, rất "trần thế", hàng ngày những người công nhân này ngoài việc dọn dẹp chuồng trại, cho thú ăn, đối mặt với hiểm nguy cận kề.

Tiếp xúc với thú dữ hàng ngày, chăm sóc và kiểm tra, chuẩn đoán các loại bệnh để kịp thời cứu chữa, nhưng cũng không loại trừ có thể những giọt máu hoang dại vẫn còn đâu đó sẽ khiến những con thú hoang biến họ thành… món mồi trong cơn đói lòng. Họ được mệnh danh là những kẻ gan lì nhất thành phố 10 triệu dân…

Cực trăm bề...

Ông Trần Minh Tâm, 55 tuổi, có thời gian 24 năm nuôi dạy hổ tại Thảo cầm viên Sài Gòn tâm sự, ông được tuyển vào vườn thú này vì lúc đó đang thiếu những người có đủ sức khỏe và tinh thần yêu nghề để chăm sóc thú dữ.

Sau gần 6 tháng học và thực tập cách chăm sóc, ông được điều về đội chăm sóc hổ để làm các công tác từ cho ăn, dọn vệ sinh chuồng trại cho đến việc theo dõi quá trình sinh hoạt hàng ngày của hổ để kiểm tra phát hiện kịp thời các loại bệnh tật thông báo cho bộ phận y tế điều trị.

"Lúc đầu tôi rất sợ bởi nó quá hung dữ, thường xuyên gầm rú, thậm chí nhiều lúc nhe nanh giương vuốt, khiến ngủ mơ tôi cũng giật mình thon thót. Ngoài ra, mùi phân, mùi nước tiểu của chúng cũng rất khó chịu. Đặc biệt là vào mùa nóng, mồ hôi mà chúng tiết ra có thể làm mình bị ói mửa ngay tại chỗ", ông Tâm nói.

Cọp thuộc họ mèo, mặc dù đã được thuần phục bởi bàn tay con người và đã nhiều năm xa núi rừng, nhưng "giang sơn khó đổi, bản tính khó dời", dù đã quen với việc có người chăm sóc hàng ngày nhưng không biết khi nào "ông ba mươi" nổi cơn giận dữ. Vào mùa động dục, và nhất là khi sinh con, hổ sẽ manh động vô cùng.

Lúc đó, dù có nhiều năm kinh nghiệm, nhưng ông Tâm cũng không dám chắc mình có thể điều khiển được hổ mẹ đi vào khuôn khổ, chúng sẽ hành động theo đúng bản năng hoang dã của giống loài. Để bảo vệ con, chúng phản ứng kịch liệt với bất cứ một hành động nhỏ nào từ bên ngoài. Trong thời kỳ này, ông Tâm cùng những cộng sự phải hết sức chú ý. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm hổ rất dễ bị bệnh.

Gấu chó và hổ ở Thảo cầm viên Sài Gòn.

Chăm sóc một "ca bệnh" vừa dữ vừa hôi lại vừa khó chịu, hẳn cái khó gấp trăm lần. Y như chăm sóc người thân trong bệnh viện, anh em công nhân phải chia ca thường xuyên túc trực 24/24 để theo dõi, nhất cử nhất động của chúng đều được ghi chép tỉ mỉ. Ông Tâm bảo, muốn làm được cái nghề có một không hai này, ngoài chuyện yêu một con vật hung dữ giống như yêu những đứa con, thì còn phải đủ sức khỏe và sự gan lì nữa. Không sợ chết, ấy là cách ông Tâm nói vui. Nhưng xem ra cũng không sai là mấy.

Mai Khắc Trung Trực, 32 tuổi, từng tốt nghiệp bác sĩ thú y tại Đại học Nông Lâm, TPHCM, người chuyên chăm sóc khỉ dã nhân từ năm 2005 chia sẻ: "Lúc đầu vừa sợ vừa tức điên lên. Khỉ dã nhân có đặc tính gần giống như một đứa trẻ tinh nghịch nhưng lại hay hờn dỗi. Nếu người chăm sóc không có đủ tính kiên trì hoặc thiếu kinh nghiệm sẽ dễ dẫn đến tình trạng làm cho chúng bực tức và nhiều khi giận dỗi bỏ ăn. Khi chúng bực tức có thể đập phá bất cứ thứ gì trang bị trong chuồng rồi dùng hai tay, có khi là cả thân hình nặng hơn 100kg đập mạnh vào thành chuồng làm cho cơ thể chúng bị chấn thương ảnh hưởng đến sức khỏe. Còn khi hờn giận thì sẵn sàng bỏ ăn vài ba ngày rồi nép mình trong chuồng không cho ai vào dọn dẹp. Những lần như vậy, chúng tôi phải thức trắng nhiều đêm kiên trì dùng nhiều cách "năn nỉ" chú khỉ dã nhân nguôi giận", anh Trực cho biết.

Công tác chăm sóc y tế cho khỉ dã nhân cũng hết sức quan trọng. Để làm tốt công việc này, hàng ngày từ 6 giờ sáng các công nhân và nhân viên thú y đã phải có mặt tại các chuồng thú dữ. Công việc đầu tiên là dụ thú giữ vào chuồng ép (chuồng cách ly), rồi dùng cây sắt bới từng đống phân, xem xét từng bãi nước tiểu để "bắt bệnh". Ngoài ra còn phải chú ý đến hơi thở, ánh mắt, hàm răng để có thể chuẩn đoán khỉ đang bình thường hay có dấu hiệu nhức đầu sổ mũi…

Nhưng nhiều người vẫn không... sợ chết

Những chuyện kể trên thực ra vẫn là việc chăm sóc thú dữ trong môi trường lý tưởng tại vườn thú được trang bị những công cụ chuyên dụng của nhà nước. Còn không ít các vườn thú tại các khu du lịch hay của các hộ dân thì mạnh ai nấy lo, nên tình trạng mất an toàn, bị thú dữ tấn công không hề hiếm.

Còn nhớ, tháng 10/2009, một con hổ đã nhảy qua tường rào cắn chết một công nhân và làm một công nhân khác trọng thương ở khu du lịch Đại Nam, tỉnh Bình Dương. Khi ấy, một nhóm nhân viên trồng cây xanh khoảng 4-5 người đã gần như… ngất xỉu khi thấy con hổ vằn thuộc loài hổ Đông Dương có trọng lượng khoảng 200kg nhảy qua bức tường ngăn cách cao 3m có gắn xung điện.

Một nam thanh niên nhanh chân nhảy xuống hồ nước chạy thoát. Anh Nguyễn Thanh Giàu, 21 tuổi, cán bộ thú y, người thường ngày hay chăm sóc hổ cất tiếng quát nạt lại. Cứ ngỡ con hổ vẫn nghe lời mình như thường ngày, không ngờ sau tiếng quát ấy, anh bị hổ nhảy bổ lên cắn vào cổ và đầu gây trọng thương. Thấy vậy, anh Trương Minh Chánh, nhân viên cây xanh cùng một người khác dùng khúc cây đánh mạnh vào đầu, hổ mới chịu nhả anh Giàu ra.

Nhưng hổ vẫn tiếp tục tìm cách tấn công người. Thấy vậy, anh Nguyễn Công Danh lúc đó đang nấp dưới mương nước vội lao lên hỗ trợ nhằm giải cứu đồng đội thì bị hổ chuyển hướng tấn công thẳng vào lưng khiến anh tử vong tại chỗ. Anh Giàu bị hổ cắn thủng hộp sọ gây tổn thương não phải trải qua hai ca phẫu thuật mới bảo toàn được tính mạng.

Gần đây nhất là vụ cháu Vũ Hoàng Quân ở tỉnh Phú Thọ bị gấu nhà ông Tăng Đức cắn đứt lìa hai cánh tay. Sự việc xảy ra khoảng 10 giờ trưa, bà Tăng Thị Hậu đi cho gấu ăn và có dắt theo cháu Quân. Sau khi cho gấu ăn xong, cháu Quân dùng một đoạn hút bằng nhựa trêu chọc gấu, gấu cắn vào ống nhựa nên cháu Quân giằng co với gấu. Khi đó trong đám cưới có rất đông người vẫn nghe thấy tiếng cháu đùa giỡn với gấu rồi hét to: "thả ra… thả ra…" rồi không nghe tiếng gì nữa.

Được biết sau khi giằng co với gấu không được, cháu Quân đã thò hai tay qua song sắt để giật lại ống hút bằng nhựa nhưng đã bị gấu cắn mạnh vào khuỷu tay trái và cắn đứt lìa cánh tay phải. Do không có kinh nghiệm nên khi thấy cháu Quân bị gấu cắn, bà Tăng Hậu đã chạy đến ôm ngang người cháu quân kéo ra nhưng các móng vuốt của gấu đã bấu chặt vào hai tạy cháu nên mãi cũng không kéo ra được. Đến khi nhận thấy cháu Quân bị uy hiếp đến tính mạng, bà Hậu mới hô hoán kêu gọi mọi người ra hỗ trợ nhưng đã quá muộn.

Cháu Vũ Hoàng Quân bị gấu cắn cụt hai tay.

Hai cánh tay của Quân đã vĩnh viễn không lành được do bị gấu cắn dập nát toàn bộ cả cơ và xương. Di chứng tâm lý đó sẽ vô cùng nặng nề trong suốt quãng đời còn lại của cậu bé.

Ông Biện Văn Lộc, 52 tuổi có trên 20 năm làm nghề chăm sóc gấu tại Thảo Cầm Viên cho biết: "Thời kỳ đầu khi mới tiếp xúc với gấu, do chưa có kinh nghiệm, hơn nữa lúc đó do tính háo thắng của tuổi trẻ, ỷ vào chút hiểu biết từ khi học ở trường cùng với dụng cụ hỗ trợ được trang bị nên tôi nghĩ mình có thể khống chế con gấu. Nhưng không ngờ sự hung dữ của chúng vượt mọi kiểm soát. Gấu nhìn chậm chạp nhưng thực ra chúng nhanh nhẹn phi thường, đặc biệt với bộ móng vuốt dài và sắc nhọn nên những cú tát của gấu rất nặng ký và có độ sát thương cao, nhiều khi những cú tát bằng móng vuốt của gấu có thể gây chết người tại chỗ nếu cố tình chọc giận chúng hoặc vô tình tiếp xúc khi chúng đang trong cơn giận dữ. Tôi thường bị chúng tát bầm tím hết cả người, phải uống thuốc kháng sinh dài ngày, nhưng cũng may chưa dính phải những đòn nghiêm trọng".

Sau này đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm rồi, nhưng ông vẫn luôn cảnh giác cao độ bởi với gấu, đặc biệt là gấu chó, trong lúc cho ăn mà người chăm sóc lơ đãng, dễ bị chúng tấn công. Gấu có móng vuốt rất dài và bén nếu chúng ta chọc ghẹo khiến gấu bực bội thì hậu quả thật khó lường. Chính vì vậy mà trong suốt thời gian từ 7 giờ 30 sáng đến 4 giờ chiều, người nuôi thú dữ phải thường xuyên túc trực bên cạnh chồng của chúng để sẵn sàng xử lý những trường hợp bất khả kháng như xổng chuồng có thể xảy ra nhằm tránh mọi hậu quả dù là nhỏ nhất.

Thấy ông vất vả, vợ con ông (hiện đang định cư ở Mỹ) nhiều lần động viên rồi làm thủ tục bảo lãnh cho ông xuất cảnh nhưng vì tình yêu mãng liệt với đàn thú dữ ông đã khước từ để một lòng quyết tâm sống chết cùng nghề nguy hiểm này.

Hiện nay thu nhập của những công nhân làm công việc chăm sóc thú dữ dao động chỉ từ 6-7 triệu đồng một tháng trong đó bao gồm cả những khoản đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm tai nạn lao động. Điều này có thể nói rằng, nghề nuôi thú dữ không phải là nghề đơn giản.

Và những trường hợp bị thú dữ tấn công vẫn thường xuyên xảy ra. Phải đủ gan lì và sự chịu đựng may ra mới có thể sống sót với cái nghề mà chỉ có vài chục người tồn tại trong thành phố hơn 10 triệu dân…

Thạc sỹ Phạm Anh Dũng, Phó Giám đốc Thảo Cầm Viên Sài Gòn chia sẻ:

Đây là một nghề đặc thù và đòi hỏi chuyên môn cao. Ngoài sức khỏe, sự dũng cảm, lòng yêu thương thú vật còn cần kỹ năng về chăm sóc thú, hàng năm người chăm sóc thú còn phải cập nhật những phương án mới củacác chuyên gia hàng đầu thế giới để áp dụng vào thực tế công việc. 

Hàng năm, lượng người xin vào làm việc rất đông nhưng để trụ lại được với công việc này thì rất ít. Đã từng có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp trường Đại học Nông lâm về đây xin việc, nhưng có nhiều em chỉ vừa mới tiếp cận với thú dữ đã tự động xin rút lui, một số em khác cố gắng lắm cũng chỉ chịu đựng được vài tháng rồi cũng bỏ cuộc.

Thu Quyên
.
.
.